Một số dự báo về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương
TCCSĐT - Chiến thắng của ông Đô-nan Trăm (Donald Trump) trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã mở ra một cục diện quan hệ quốc tế mới với những biến đổi lớn và nhiều điều không chắc chắn. Nội các mới đang dần được định hình, “hé mở” những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tân chính quyền, tân chính sách đối ngoại
Cho đến nay, có thể nói cơ cấu thành phần nội các mới của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm về cơ bản đã được xác định. Trong đó, hai vị trí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ là Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, đã được tân Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Khác với thông lệ, vị trí Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Đ. Trăm được lựa chọn không phải là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại. Là một nhà kinh doanh tài ba với nhiều kinh nghiệm thương trường, quản lý và điều hành Tập đoàn ExxonMobil, ông Rếch Tin-lơ-xơn (Rex Tillerson) trong con mắt của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi đó, ông Giêm N. Mát-ti (James N. Mattis) - một tướng lục quân nghỉ hưu dày dặn kinh nghiệm phục vụ trong quân đội Mỹ được biết đến là một người quyết đoán với tư tưởng cứng rắn, đã được ông Đ. Trăm bổ nhiệm là tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Sự lựa chọn nhân sự cấp cao cho bộ máy chính quyền mới của tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã tiếp tục khẳng định xu thế thực dụng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và lợi ích kinh tế của nước Mỹ sẽ là ưu tiên hàng đầu cho mọi quyết sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm. Bên cạnh một nội các hoàn toàn “mới”, việc ông Đ. Trăm gần đây yêu cầu tất cả các đại diện ngoại giao của Mỹ được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma phải mãn nhiệm trước ngày ông Đ. Trăm chính thức bước vào Nhà Trắng cho thấy chính quyền tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã sẵn sàng cho một chính sách đối ngoại mới.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Center for the National Interest) ở Thủ đô Oa-sinh-tơn vào ngày 27-4-2016, ông Đ. Trăm cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh là lãng phí, không có nguyên tắc, không đáng tin cậy và thiếu hiệu quả(1). Đã đến lúc nước Mỹ phải thay đổi và ông Đ. Trăm sẽ tập trung xây dựng lại quân đội, cũng như nền kinh tế; ngăn chặn hiểm họa Hồi giáo cực đoan, định hình một “chính sách đối ngoại mới” hợp lý hơn.
Chính sách đối ngoại mới của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, trên cơ sở tổng quan về thành phần nội các và những gì ông Đ. Trăm đã tuyên bố trong quá trình tranh cử, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng so với chính sách của các chính quyền tiền nhiệm. Về cơ bản, chính sách “nước Mỹ là trên hết” sẽ là cách tiếp cận cơ bản nhất của chính quyền Đ. Trăm về các quyết sách đối nội và đối ngoại, trong đó lợi ích và an ninh của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu.
Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Đ. Trăm đề cao lợi ích kinh tế và an ninh của nước Mỹ, dựa trên những đánh giá về vai trò của Mỹ trên thế giới ngày nay. Không giống những người tiền nhiệm, ông Đ. Trăm có lẽ là vị tổng thống đầu tiên đặt nghi vấn về vai trò đặc biệt của Mỹ đối với thế giới, về quan hệ với các đồng minh và những hiệp định thương mại tự do - nền tảng cho những cam kết của Mỹ với trật tự thế giới truyền thống. Với quan điểm bảo hộ, ông Đ. Trăm sẽ tăng cường thúc đẩy các hiệp định kinh tế song phương hơn là đa phương vì cho rằng các hiệp định thương mại đa phương mang lại nhiều tác hại cho nền kinh tế Mỹ, lấy đi nhiều việc làm của người dân Mỹ. Vì lợi ích nước Mỹ, ông Đ. Trăm sẽ không ngần ngại rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thay vào đó thúc đẩy đàm phán các hiệp định song phương mang lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ. Ngay cả với các đồng minh truyền thống của Mỹ, như Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản hay Hàn Quốc, ông Đ. Trăm dường như cũng sẵn sàng xem xét lại mối quan hệ nếu họ không gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, đóng góp tài chính lớn hơn.
Bên cạnh việc nghi ngờ trong quan hệ với các nước đồng minh, các hiệp định thương mại tự do, ông Đ. Trăm cũng sẵn sàng hợp tác, xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với Nga và Trung Quốc để cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực, như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Có thể thấy, tính chất thực dụng là một đặc trưng cơ bản trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm về chính sách đối ngoại.
“Hòa bình thông qua sức mạnh” ở châu Á - Thái Bình Dương
Trong quá trình tranh cử, ông Đ. Trăm không đề cập nhiều đến chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song với quan điểm và tầm nhìn của ông cùng cơ cấu bộ máy chính quyền mới, châu Á - Thái Bình Dương sắp chứng kiến những biến đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Trong bài viết “Tầm nhìn hòa bình thông qua sức mạnh của Đ. Trăm ở châu Á - Thái Bình Dương” được đăng tải trên tờ Foreign Policy, hai cố vấn của ông Đ. Trăm cho rằng, nước Mỹ thời gian tới sẽ tiến hành cải tổ và đầu tư mạnh mẽ hơn cho hải quân để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc(2). Dù có giảm hiện diện quân sự ở khu vực, song với một lực lượng hải quân hùng mạnh hơn, Mỹ sẽ bảo đảm cho châu Á - Thái Bình Dương một nền hòa bình và ổn định lâu dài.
Chính quyền mới của Mỹ sẽ có những thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với khu vực trên bốn trụ cột của chính sách “tái cân bằng” mà chính quyền tiền nhiệm đã cố gắng thúc đẩy. Cụ thể là:
Đối với các đồng minh và đối tác, ông Đ. Trăm phát đi tín hiệu mạnh mẽ trong quan hệ với các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn của các nước này. Thực ra, việc kêu gọi các đồng minh ở khu vực chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn không phải là cách tiếp cận mới bởi chính quyền tiền nhiệm cũng đã yêu cầu các đồng minh, đối tác của Mỹ làm như vậy. Điểm khác biệt với chính quyền tiền nhiệm là không chỉ tăng cường các quan hệ đồng minh, thúc đẩy xây dựng các đối tác chiến lược và toàn diện mới mà chính quyền tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm còn sẵn sàng đánh giá lại các mối quan hệ đồng minh, giảm dần hiện diện quân sự tại các nước này nếu họ không chia sẻ trách nhiệm và đóng góp tài chính nhiều hơn.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà phần lớn quân đội của Mỹ ở châu Á đóng quân tại đây. Mặc dù các cố vấn cao cấp của ông Đ. Trăm không ngừng trấn an các đồng minh này rằng nước Mỹ không chỉ tiếp tục các cam kết để đối phó với các mối đe dọa chung, như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng không thể làm bớt đi lo ngại của những nước này về những quan điểm trong chính sách của chính quyền mới. Quan hệ với Trung Quốc cũng là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại Mỹ đối với khu vực. Theo thông tin từ các cố vấn của tân Tổng thống Mỹ, ông Đ. Trăm sẽ tiếp tục cách tiếp cận của người tiền nhiệm trong quan hệ với Trung Quốc là vừa can dự, kiềm chế, vừa cân bằng, hợp tác.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt kinh tế, TPP còn là một sáng kiến có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Oa-sinh-tơn mà nước Mỹ từ thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã cố gắng đàm phán để đi đến ký kết. Không chỉ tạo cơ hội để Mỹ thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đồng minh, đối tác ở khu vực, TPP còn đóng vai trò như một cam kết về sự hiện diện lâu dài của Mỹ đồng thời là công cụ để Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Việc ông Đ. Trăm phản đối mạnh mẽ TPP đã làm dấy lên lo ngại của các đồng minh, đối tác về các cam kết cũng như vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Đ. Trăm.
Về các thể chế khu vực, ông Đ. Trăm đưa ra rất ít những quan điểm liên quan đến việc tăng cường can dự và tham gia vào các thể chế ở khu vực. Không ít những quan điểm, phát biểu của ông Đ. Trăm ủng hộ lập trường chống chủ nghĩa đa phương, cũng như tập trung vào những gì có lợi nhất cho Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ can dự có tính toán vào các thể chế đa phương để đạt được mục tiêu và lợi ích của nước Mỹ như vấn đề chống khủng bố, an ninh hàng hải. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục can dự vào các thể chế đa phương tại khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm hay Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN, song mức độ và tần suất can dự của chính quyền mới vẫn sẽ là một câu hỏi.
Về can dự kinh tế - trụ cột thứ ba trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là khía cạnh mà tân Tổng thống Mỹ đề cập đến nhiều nhất. Ông Đ. Trăm thể hiện rõ sự phản đối các hiệp định thương mại đa phương, cho rằng các hiệp định như vậy chỉ làm cho nền sản xuất của Mỹ yếu đi và làm giảm khả năng phòng thủ của nước Mỹ, cũng như các đồng minh(3). Chính vì vậy, chính quyền mới của Mỹ sẽ thực thi các chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước nhiều hơn, áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực.
TPP nhiều khả năng sẽ không có Mỹ tham gia bởi dưới chính quyền Tổng thống Đ. Trăm, Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cả hai Viện của Quốc hội. Ông Đ. Trăm và các cố vấn của ông không phải không nhận ra những lợi ích của thương mại tự do, song các hiệp định song phương sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ hơn là các hiệp định đa phương(4). Theo đuổi các hiệp định kinh tế song phương là sự lựa chọn mà tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm ưu tiên ở khu vực trong thời gian tới, bởi nó sẽ mang đến cho nước Mỹ những thỏa thuận tốt hơn.
Về thúc đẩy dân chủ - nhân quyền, việc mở rộng các giá trị phổ quát của nước Mỹ với khu vực trong chính quyền mới của Mỹ sẽ không còn được coi trọng như trong chính quyền tiền nhiệm. Tân Tổng thống Đ. Trăm cho rằng, ông ít quan tâm hơn đến việc truyền bá các “giá trị phổ quát mà không phải ai cũng chia sẻ hoặc mong muốn”. Vì lợi ích của Mỹ, ông sẵn sàng hợp tác với các chế độ khác biệt về hệ giá trị và tư tưởng. Cách tiếp cận vấn đề mềm mỏng như vậy sẽ được nhiều quốc gia trong khu vực tích cực đón nhận.
Cục diện quan hệ quốc tế mới ở châu Á - Thái Bình Dương
Cho đến nay, vẫn còn khá sớm để đánh giá những tác động của chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi ông Đ. Trăm luôn duy trì tính khó đoán định trong các quan điểm của mình. Tuy nhiên, có thể dự đoán trước rằng, những thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm đối với châu Á - Thái Bình Dương sẽ mở ra một bức tranh mới về cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực.
Trong thời gian tới, quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước lớn, sẽ có nhiều thay đổi; tập hợp lực lượng ở khu vực bước vào một giai đoạn phát triển mới. Quan hệ Mỹ - Nga dự báo sẽ có những bước phát triển mới. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp tục xu thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhưng với mức độ ngày càng gay gắt hơn. Quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh, với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ có những thay đổi. Nhiều khả năng Mỹ sẽ giảm dần can dự, cũng như hiện diện quân sự ở khu vực và việc này sẽ tạo ra những khoảng trống cần được lấp đầy, và đó là cơ hội cho các nước lớn khác giương cao ngọn cờ tập hợp lực lượng.
Vẫn là khu vực phát triển năng động, song giờ đây Đông Nam Á đang phải đối mặt với ngày càng nhiều những nguy cơ về an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi cộm và phức tạp nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông. Trong khi những nguy cơ gây bất ổn cho an ninh khu vực ngày càng gia tăng thì những tín hiệu không rõ ràng của ông Đ. Trăm, nhất là chính sách của Mỹ đối với một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán khiến các quốc gia trong khu vực phải tìm kiếm những cách tiếp cận mới.
ASEAN đã từng chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc liên quan đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Chính quyền mới của Mỹ có thể có những thay đổi chính sách theo hướng giảm can dự vào khu vực, ít nhất là trong 4 năm cầm quyền của ông Đ. Trăm, việc thúc đẩy đồng thuận tăng cường sức mạnh nội khối cần phải được các quốc gia trong khu vực chú trọng. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất sẽ là chìa khóa giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực./.
----------------------------------------
(1) Prashanth Parameswaran (2016), What will Donal Trump's Asia policy look like?, http://thediplomat.com/2016/11/what-will-donald-trumps-asia-policy-look-like/, truy cập ngày 06-12-2016
(2) Alexander Gray, Peter Navarro (2016), Donal Trump's peace through strength vision for the Asia - Pacific, https://foreignpolicy.com/2016/11/07/donald-trumps-peace-through-strength-vision-for-the-asia-pacific/, truy cập ngày 08-12-2016
(3) Alexander Gray, Peter Navarro (2016), tài liệu đã dẫn
(4) Prashanth Parameswaran (2016), What will Donal Trump's Asia policy look like?, http://thediplomat.com/2016/11/what-will-donald-trumps-asia-policy-look-like/, truy cập ngày 06-12-2016
Trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam  (17/05/2017)
APEC 2017: Tiếp tục đầu tư mở đóng góp vào thịnh vượng chung  (16/05/2017)
Việt Nam và Myanmar thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực có thế mạnh  (16/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam  (16/05/2017)
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay