Từ ngày 22 đến 25-2-2009, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mục đích của chuyến công tác là nghe lãnh đạo các tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005-2010) và Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, những giải pháp trong thời gian còn lại (2009-2010); về công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ; và cho ý kiến về những kiến nghị, đề xuất của Tuyên Quang và Hà Giang.

Tuyên Quang phấn đấu cơ bản thóat khỏi tỉnh nghèo vào năm 2010

Tại Tuyên Quang, Đoàn công tác đã nghe đồng chí Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo. Hơn 3 năm qua, Tuyên Quang đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2008 mặc dù gặp nhiều khó khăn GDP của tỉnh tăng trưởng 13,8% - tăng 3,52% so với năm 2005, thu nhập bình quân đầu người 524 USD – tăng 72,19% so với năm 2005; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển biến mạnh và vững chắc theo hướng sản xuất hàng hoá, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công tác quy hoach, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm và có bước phát triển nhanh, nhất là giao thông, thông tin; đến nay 100% xã và trên 97,6% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, 100% trung tâm huyện thị xã có tuyến dẫn cáp quang và phủ sóng điện thoại di động, 100% xã, phường, thị trấn có điện thoại với mật độ 32,5 máy/100 người dân. Công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,64% năm 2006 xuống còn 18,58% năm 2008; an ninh lương thực được đảm bảo.

Tuy vậy, hiện nay Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ còn chậm, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình, dự án công nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng còn chậm; giao thông liên tỉnh còn hạn chế; sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng và chưa có nhiều sản phẩm hàng hoá xuất khẩu lớn, sức cạnh tranh chưa cao.

Chất lượng giáo dục, y tế cơ sở, bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu; giảm nghèo ở một số nơi chưa bền vững, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chất lượng cơ sở đảng ở một số nơi chưa cao, công tác phát triển Đảng ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu, năng lực, trình độ của một số cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở còn nhiều bất cập...

Tỉnh đang tích cực thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu, nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy thuận lợi, nắm vững tình hình và cơ hội, khắc phục khó khăn, ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đến năm 2010, đưa Tuyên Quang cơ bản thoát khỏi danh sách các tỉnh nghèo.

Hà Giang vươn lên thoát ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Tại Hà Giang, đồng chí Hoàng Minh Nhất, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang báo cáo: thời gian qua, Hà Giang đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; kinh tế rừng được quan tâm phát triển; thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; thu ngân sách đạt khá; văn hóa, giáo dục, y tế có những tiến bộ nổi bật; diện mạo thôn, bản, thị trấn, thị xã có nhiều khởi sắc; quốc phòng, an ninh được giữ vững; nhiệm vụ xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được quan tâm đầu tư và đạt kết quả nhất định.

Phương hướng phát triển trong thời gian tới

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả mà Tuyên Quang và Hà Giang đã đạt được, cũng như chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà hai tỉnh miền núi phía Bắc này đang phải đối mặt, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu phương hướng và những nhiệm vụ mà hai tỉnh cần chú trọng thực hiện.

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 9 (Khoá X) với nội dung trọng tâm là thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức thực hiện tốt các quyết định của Chính phủ về phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội đối với các tỉnh miền núi; quyết định hỗ trợ đầu tư phát triển đối với 61 huyện đặc biệt khó khăn.

Đối với Tuyên Quang, nhất trí với những mục tiêu, giải pháp và các kiến nghị mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như những năm vừa qua, phát huy tối đa thế mạnh địa – kinh tế, địa – chính trị, địa – văn hoá của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực đầu tư... thực hiện thắng lợi mục tiêu: "phấn đấu đến năm 2010, Tuyên Quang cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo" như nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Đối với Hà Giang, để phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, cần kết hợp chặt chẽ theo quy trình khép kín giữa trồng, khai thác, chế biến nông - lâm sản, khoáng sản theo hướng chuyên sâu, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường; tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chủ động đề ra những chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, qua đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng; phát triển mạnh các ngành, nghề mang tính đặc trưng của địa phương; phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và cả nước. Chăm lo phát triển giao thông và các công trình thủy lợi vừa và nhỏ theo các chương trình, dự án đã được Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; công tác y tế, thực hiện tốt chương trình đưa giáo viên và bác sỹ về công tác tại các xã thôn đặc biệt khó khăn, các xã vùng biên giới...

Thứ hai, chăm lo công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, quan tâm đến công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, rà soát một cách chặt chẽ, nghiêm túcnhững tồn tại, yếu kém để tìm cách khắc phục, tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển.
 
Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong thời gian thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đi thăm và tặng quà cho bà con tái định cư khu vực lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang ở thôn Thuý an, xã An Khang, Thị xã Tuyên Quang; thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Giấy An Hoà và Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang.

Tại Hà Giang, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, đồng chí Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác đã lên thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Xín Mần; thăm và làm việc tại hai huyện đặc biệt khó khăn Hoàng Su Phì và Xín Mần./.