Sáng nay (25-2-2009), tại thành phố Đà Nẵng, đã khai mạc Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2008 và nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo ban tuyên giáo 63 tỉnh, thành phố  trong cả nước.

Trong báo cáo tổng kết công tác tuyên giáo năm 2008, và nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu rõ, gần 3 năm qua, nhất là năm 2008, tuy hoạt động trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức, nhưng những người làm công tác tuyên giáo các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã có nhiều cố gắng, hoạt động tuyên giáo đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

Từ định hướng “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” của Đại hội X, và đặc biệt, do nhận thức sâu hơn, rõ hơn những đặc điểm mới tác động đến công tác tuyên giáo, trong gần ba năm qua, nhất là trong năm 2008, ngành Tuyên giáo đã có những quyết tâm tìm tòi, đổi mới nội dung và phương pháp công tác, từ những vấn đề chiến lược đến các hoạt động cụ thể ở địa phương, bước đầu xử lý đúng ba mối quan hệ rất cơ bản, đó là: Quan hệ giữa tham mưu chiến lược với nhiệm vụ tác chiến hàng ngày; Quan hệ giữa năng lực bao quát các lĩnh vực rất đa dạng với việc tập trung vào những công việc chính yếu; Quan hệ giữa Trung ương và cơ sở, đặc biệt là sự kết hợp giữa thông tin định hướng chỉ đạo với việc lắng nghe, trao đổi, đối thoại, tiếp nhận những sáng kiến, đề xuất, kiến nghị, đánh giá từ dưới lên.

Hoạt động của công tác tuyên giáo đã tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, theo sát hơn những diễn biến nhanh chóng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng... Trước nhiều diễn biến phức tạp của tình hình như: vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai liên quan đến tôn giáo, lạm phát và tăng giá, tình trạng học sinh bỏ học, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề nổi cộm trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ..., ngành Tuyên giáo đã kịp thời tham gia cùng các cấp, các ngành giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Qua thực tiễn hoạt động, ngành Tuyên giáo đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực:

Một là, nắm chắc đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn, đề cao tính dự báo, tính chiến đấu; chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động; nhạy bén, vững vàng trước các sự kiện, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Hai là, coi trọng công tác xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn của Ngành. Triển khai hoạt động đồng bộ, toàn diện trong các cấp, các ngành, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo.

Ba là, quyết tâm, mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ngành, từ những công việc có ý nghĩa chiến lược đến các hoạt động cụ thể.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, của từng địa phương, đơn vị; sức mạnh của sự phối hợp, liên kết trong và ngoài hệ thống tuyên giáo.

Năm là, thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ và cải thiện điều kiện làm việc.

Sáu là, hướng mạnh các hoạt động tuyên giáo về cơ sở, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết thực tiễn.

Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra những tồn tại khuyết điểm trong công tác tuyên giáo thời gian qua là:

- Công tác tư tưởng có lúc chưa thật chủ động, nhạy bén, chưa dự báo kịp thời những tình huống phức tạp có thể xảy ra, chưa thật gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và triển khai các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực tổng hợp, nhận định, dự báo, của cán bộ tham mưu toàn ngành còn hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở

- Công tác hướng dẫn tuyên truyền ở các cấp có việc còn chậm. Mảng tuyên truyền về kinh tế - xã hội chưa được chú trọng; tuyên truyền, giáo dục về dân số- kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Nội dung, phương thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục chậm đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhạy bén, kịp thời.

- Việc tổ chức quán triệt học tập nghị quyết thường chậm so với kế hoạch, nhất là ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị liên doanh, cổ phần; phần lớn các đảng bộ cơ sở còn lúng túng trong đổi mới học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng...

- Chưa có biện pháp tích cực và hiệu quả, chỉ đạo, kiểm tra, thúc đẩy hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.

Năm 2009, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh đó, những người làm công tác tuyên giáo phải chủ động bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấy hết những khó khăn thách thức, đồng thời xây dựng quyết tâm chớp thời cơ, vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội X đã đề ra.

Ngày mai 26-2-2009, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ./.