Tỉnh Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 10 năm phát triển các khu công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tiến những bước vượt bậc. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống cho hàng trăm ngàn lao động.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xây dựng kết cấu hạ tầng - thu hút đầu tư

Vào những năm 1996 - 1997, Long An vẫn là tỉnh nông nghiệp, thu nhập bình quân khoảng 300USD/người/năm; công nghiệp phát triển ở mức thấp, đầu tư phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nằm cặp các tuyến giao thông chính và xen lẫn dân cư. Nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa sâu sắc, chưa thể hiện rõ trong tư duy kinh tế của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và dân cư.

Từ thực trạng trên, để tạo bước đột phá, Long An xác định mục tiêu: "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô và trình độ ngày càng cao hơn". Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và xúc tiến việc thành lập các khu, cụm công nghiệp.

Năm 1997, hai khu công nghiệp đầu tiên của Long An được Chính phủ phê duyệt là Đức Hòa 1 và Đức Hòa 2 (nay là khu công nghiệp Xuyên Á), với quy mô 470 ha. Hai khu công nghiệp được hình thành, mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là mô hình thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong quản lý quy hoạch, sắp xếp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và có điều kiện tốt hơn trong hoạt động xuất - nhập khẩu trước xu thế hội nhập kinh tế và giao thương quốc tế đang từng bước phát triển.

Với lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có trục giao thông huyết mạch quốc lộ 1A, quốc lộ 50 chạy qua về vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng; từ năm 2000, làn sóng đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp từng bước dịch chuyển về tỉnh Long An, đồng thời cùng với việc Chính phủ quyết định gia nhập Long An vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, là những yếu tố quan trọng trong tiếp đón các nhà đầu tư mới. Làn sóng này đã đưa 35 doanh nghiệp về đầu tư 34 dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại 17 khu công nghiệp của tỉnh, với tổng diện tích đất sử dụng 7.258 ha. Cuối năm 2007, các khu công nghiệp Long An đã thu hút 211 dự án, trong đó có 89 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, thuê lại 576,63 ha đất với tổng vốn đầu tư 861,90 triệu USD và 4.282,36 tỉ đồng; chiếm 30,62% tổng vốn đầu tư nước ngoài và 50,45% tổng vốn đầu tư trong nước của cả nước...
 
Trong sản xuất - kinh doanh, hầu hết các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đều có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. 9 tháng đầu năm 2007, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt 204 triệu USD, tăng 1,5 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 124 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2006. Nhất là thuế và các khoản mà các doanh nghiệp này phải nộp ngân sách nhà nước đạt 3,8 triệu USD, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Đến nay, các khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt trên 50% tổng diện tích, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc, thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo.

Đạt được kết quả trên, bên cạnh những thuận lợi khách quan về vị trí địa lý, lợi thế của các khu công nghiệp và thời cơ do Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới... còn có sự tập trung, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Long An trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; học tập, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, thực hiện có hiệu quả mô hình "một cửa, tại chỗ" trong quản lý các khu công nghiệp; làm tốt việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp; tạo môi trường thông thoáng, thân thiện trong xúc tiến đầu tư...

Tạo việc làm cho người lao động – một động lực thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp. Sự hình thành, phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm tăng trưởng kinh tế, hình thành các trung tâm công nghiệp gắn với phát triển đô thị; đồng thời kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các khu công nghiệp và dân cư. Khi diện tích các khu công nghiệp được lấp đầy, cùng với quy mô phát triển như hiện nay, khả năng các khu công nghiệp sẽ thu hút khoảng 12 tỉ USD, tạo việc làm cho gần 500 nghìn lao động trực tiếp, hàng chục nghìn lao động gián tiếp. Hầu hết các khu công nghiệp của Long An đang trong thời kỳ hoàn chỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng, mục tiêu trước mắt là thu hút các nhà đầu tư vào "lấp đầy", sớm thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, tạo việc làm cho người lao động tại chỗ và khu vực. Ngoài lợi nhuận trực tiếp thu được từ hoạt động cho thuê hạ tầng trong khu công nghiệp, nhiều nguồn thu từ các dịch vụ: suất ăn công nghiệp, phí nước thải, cấp điện, cấp nước, môi giới lao động, nhà ở và nhà xưởng cho thuê, giao thông đi lại, thông tin - liên lạc,... đã thật sự hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.

Việc đầu tư vào các khu công nghiệp của pháp nhân và thể nhân nước ngoài là sự lựa chọn một trong những hình thức hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Từ những thành tựu và triển vọng đạt được, có thể khẳng định sự hình thành, phát triển các khu công nghiệp là bước đi tất yếu trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Bên cạnh những thành tựu và triển vọng, việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quy hoạch, kế hoạch phải thật sự khoa học, khách quan, thể hiện tính chiến lược và cần thực hiện tốt ngay từ đầu, bảo đảm hài hòa giữa phát triển khu công nghiệp, đô thị dân cư và hạ tầng phục vụ. Nếu không có cách nhìn tổng thể và cụ thể như thế, trong từng giai đoạn phát triển sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ môi trường, cũng như các vấn đề về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý lao động, an ninh công nhân... nhất là phải đối mặt ngay với nguy cơ phát triển không bền vững, trực tiếp là suy thoái môi trường, ngộ độc thực phẩm, đình công, lãn công và tình trạng mất an ninh trật tự tăng cao.

Vị trí, vai trò và sức mạnh của giai cấp công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp sẽ giảm sút hoặc mất đi nếu không được các cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng kịp thời; vai trò, sức mạnh của tổ chức chính trị, trước hết là công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động sẽ không được phát huy. Long An đã nỗ lực liên tục trong vấn đề này một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường - thách thức của quá trình phát triển. Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp ở Long An còn nhiều hạn chế. Nước sạch đang là vấn đề có ảnh hưởng hàng đầu đến sự phát triển các khu công nghiệp trong tương lai. Việc sử dụng nguồn nước ngầm chỉ mang tính tạm thời, nếu kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên. Hệ thống giao thông kết nối chưa thông suốt, thiếu đồng bộ, tải trọng thấp, là trở ngại lớn trong việc vận chuyển hàng hóa. Nhu cầu lao động cho công nghiệp có thể đáp ứng về số lượng, nhưng chất lượng còn phải tiếp tục đầu tư chiều sâu. Nội lực ngành công nghiệp tồn tại những vấn đề chậm được khắc phục: trình độ kỹ thuật công nhân thấp, công nghệ, thiết bị ở một số doanh nghiệp lạc hậu, khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thương trường hạn chế.
 
Để thỏa mãn nhu cầu phát triển 7.258 ha đất khu công nghiệp cho cả giai đoạn đến năm 2015, Long An cần đến 188.700 m3 nước sạch/ngày và khoảng 500 nghìn lao động có tay nghề làm việc tại các khu công nghiệp. Đất tại các khu công nghiệp là đất ngập nước trung bình 10 cm trong vòng 6 tháng/năm. Khi san lấp mặt bằng xây dựng các khu công nghiệp sẽ có khoảng hơn 7 triệu mét khối nước mưa tràn vào các sông, rạch, làm gia tăng lưu lượng nước, gây ngập úng cục bộ tại các khu vực đô thị khi có tác động triều cường. Tính riêng các khu công nghiệp hiện có, nếu đưa vào hoạt động đồng loạt, mỗi ngày dự tính thải ra khoảng 363 tấn rác công nghiệp, 151.000 m3 nước thải, mỗi năm khoảng 67.932 tấn rác, 54.346.000 m3 nước thải. Với lượng rác thải lớn như vậy, nhưng hiện nay Long An dù rất cố gắng vẫn chưa có khu xử lý rác công nghiệp hoạt động. Đây là vấn đề đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết cấp bách.

Giải bài toán về mục tiêu phát triển

Những khó khăn trên đang đặt ra cho Long An những thách thức to lớn trong việc phát triển bền vững các khu công nghiệp. Trước mắt, để phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả, chúng tôi tập trung làm tốt năm việc lớn sau:

1 - Giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi; nông dân chuyển đổi lao động do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả; xây dựng giải pháp giải quyết về nhà ở, khu vui chơi giải trí... cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, kể cả vấn đề an sinh trong các vùng dự án cho người dân sau thu hồi đất.

2 - Nỗ lực giải quyết hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bên ngoài các khu công nghiệp, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn.

3 - Cố gắng tạo điều kiện để khắc phục mâu thuẫn giữa nguồn nhân lực tuy dồi dào về số lượng, nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nghiệp vụ chuyên sâu; trình độ quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển.

4 - Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

5 - Khắc phục hiệu quả nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ngầm, suy thoái và ô nhiễm, bảo đảm tính bền vững về mặt môi trường tại các khu công nghiệp.

Trước những khó khăn, thách thức của sự phát triển các khu công nghiệp trong 5 năm 2006 - 2010, Long An đặt trọng tâm vào việc khai thác tối đa các lợi thế so sánh của tỉnh, các tác động tốt của sự điều tiết, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển khu công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, gắn chặt bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế, huy động sức mạnh toàn dân. Việc cấp bách là, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương, vùng, miền, khu vực trong nước và nước ngoài, sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và cùng với các doanh nghiệp như là người bạn đồng hành trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong tăng trưởng bền vững, sẵn sàng chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế.