1. Việt Nam hết sức bất bình trước quyết định sai lầm và bất công của Toà án Tối cao Hoa Kỳ.

Ngày 3-3-2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố, nhân dân Việt Nam hết sức bất bình trước quyết định sai lầm và bất công của Toà án Tối cao Hoa Kỳ bác Đơn Thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Với quyết định này, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phủ nhận những hậu quả hết sức nặng nề của chất độc da cam/đi-ô-xin do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam, cho dù những hậu quả này đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, trong đó có các nhà khoa học Hoa Kỳ. Điều hết sức đáng tiếc là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại đưa ra quyết định phi lý này trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển và Chính phủ Hoa Kỳ đang có những nỗ lực và hợp tác hữu ích với Việt Nam để góp phần khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam.

2. Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2008.

Ngày 4-3-2009, tại Hà Nội, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và hơn 300 tổ chức nhân dân đã đến dự Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2008. Năm 2008 ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của hoạt động đối ngoại nhân dân. Ban Đối ngoại Trung ương, các đoàn thể và tổ chức đã cử ra nước ngoài gần 1400 đoàn với khoảng 7000 lượt người và đón khoảng 1100 đoàn nước ngoài với 10 500 lượt người. Các hoạt động đối ngoại đã diễn ra với những nội dung và hình thức phong phú, kết quả tập trung ở những mặt chủ yếu sau: công tác đoàn kết, hữu nghị, tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam; công tác vận động tranh thủ các nguồn lực quốc tế; công tác đấu tranh nhằm đảm bảo ổn định, an ninh chính trị và lợi ích của đất nước; công tác đoàn kết quốc tế, ủng hộ phong trào dân chủ, hòa bình và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

3. Việt Nam và Cam-pu-chia ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai ngành kế hoạch và đầu tư.

Ngày 4-3-2009, tại cuộc hội đàm ở Hà Nội giữa đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc làm Trưởng đoàn và đoàn Bộ Kế hoạch Cam-pu-chia do Bộ trưởng Cát-hay Than làm Trưởng đoàn, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác giữa ngành kế hoạch và đầu tư hai nước năm 2009. Theo đó, hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và điều hành kế hoạch để làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ hai nước. Nhằm tăng cường mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau, hằng năm, hai Bộ sẽ tổ chức trao đổi các đoàn cấp cao và giao lưu giữa ngành kế hoạch hai nước, trao đổi và học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành kế hoạch của hai nước; tăng cường năng lực cán bộ thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và tham quan khảo sát giữa hai Bộ.

4. Phát huy tối đa hiệu quả sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

Ngày 4-3-2009, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã làm việc với hai đơn vị chủ lực xuất khẩu gạo và cân đối lương thực của nước ta là Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Trong 2 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo với số lượng là 3,650 triệu tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2008. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao hai tổng công ty đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc thu mua lúa gạo có lợi cho người trồng lúa, tăng cường xuất khẩu gạo có hiệu quả, đem lại lợi ích cho đất nước, đảm bảo cân đối đủ lương thực, góp phần bình ổn giá trong nước, phát triển hệ thống bán lẻ gắn với đa dạng hoá các mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, góp phần tăng vốn chủ sở hữu, tăng thu ngân sách và thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ có cơ chế xử lý nếu doanh nghiệp bị lỗ. Thủ tướng đồng ý giao Ngân hàng phát triển Việt Nam đảm bảo đủ 2 500 tỉ đồng cho hai tổng công ty lương thực vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng dứt điểm hệ thống kho chứa trong năm nay và 2010.

5. Việt Nam kêu gọi tăng cường đối thoại và hợp tác để đảm bảo các quyền con người.

Ngày 4-3-2009, Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực nước ta bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, tham dự và phát biểu tham luận tại Phiên họp cấp cao Khóa 10 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đại sứ Vũ Dũng nêu bật những diễn biến lớn tác động trực tiếp và nhiều mặt đến việc đảm bảo quyền con người trên thế giới; kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước tăng cường hợp tác và cùng có biện pháp hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với cuộc sống của người dân, sớm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người; hoan nghênh việc Hội đồng Nhân quyền vừa tổ chức Khóa họp đặc biệt về tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đối với nhân quyền; nhấn mạnh việc Việt Nam đã ký đồng bảo trợ Nghị quyết kêu gọi các nước không đối phó với khủng hoảng bằng các hàng rào thương mại, không cắt giảm các nguồn đầu tư, viện trợ nước ngoài…; khẳng định Việt Nam ủng hộ việc Đại Hội đồng LHQ tổ chức Hội nghị cấp cao tại Niu Y-oóc vào tháng 6 tới về vấn đề này.

6. Chín mươi lăm đơn vị, cá nhân đạt Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng” lần IV.

Ngày 5-3-2009, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp báo bình chọn và trao tặng Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng” lần IV và Cúp vàng “Giám đốc tài năng” lần I năm 2009. Từ 1350 đơn vị, cá nhân được giới thiệu, gửi về Ban tổ chức, sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban giám khảo đã quyết định trao tặng 95 Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng” lần IV cho các đơn vị, cá nhân tiêu biểu và 81 Cúp vàng “Giám đốc tài năng” lần I cho các cá nhân xứng đáng nhất. Đặc biệt, được trao Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng” lần này có 3 chính khách, 2 hòa thượng, 1 nữ võ sĩ, 1 nữ nghệ sĩ nhân dân.

7. Diễn đàn Doanh nghiệp Hung-ga-ri - Việt Nam.

Ngày 5-3-2009, Diễn đàn Doanh nghiệp Hung-ga-ri - Việt Nam với sự tham dự của khoảng 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được tổ chức tại Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước cùng thảo luận, tìm giải pháp để cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn. Nhiều doanh nghiệp Hung-ga-ri đang rất quan tâm thị trường Việt Nam. Theo đó, bên cạnh quan hệ hợp tác thương mại truyền thống, Hung-ga-ri mong muốn thúc đẩy hợp tác mới như giáo dục, phần mềm máy tính, xử lý nước sinh hoạt... Kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2008 đạt trên 100 triệu USD. Những lĩnh vực Hung-ga-ri có thế mạnh là thuốc tân dược, thiết bị y tế, thiết bị năng lượng, thiết bị cho ngành đường sắt, công nghiệp chế biến. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm và hàng công nghiệp nhẹ. Năm 2009, Chính phủ hai nước mong muốn giữ mức kim ngạch bằng và vượt năm 2008.

8. Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng 2008” và Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a 2009

Ngày 7-3-2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng 2008” để tôn vinh 36 nữ doanh nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là giải thưởng do VCCI, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức. Giải đã bước sang năm thứ 4 và được trao vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 hằng năm.

Cùng ngày, tại Lễ trao tặng Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a (Kovalevskaia) 2009 và chương trình giao lưu “Gặp mặt nữ trí thức Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền thông Tiến bộ tổ chức, Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a 2009 đã thuộc về tập thể nữ cán bộ nghiên cứu Viện Dinh dưỡng Việt Nam và Nhà giáo ưu tú, GS,TS Đặng Thị Kim Chi, cán bộ giảng dạy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân các nhà nữ khoa học đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

9. Khởi công xây dựng dự án cầu dây văng lớn nhất Việt Nam.

Ngày 7-3-2009, tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đến dự và phát lệnh khởi công Gói thầu số 3, xây dựng đường dẫn phía Bắc thuộc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất và dài nhất nước ta. Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. Với quy mô lớn, công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại, kết cấu đặc biệt - cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, cầu Nhật Tân khi hoàn thành sẽ trở thành một điểm nhấn kiến trúc, một biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm chính thức Ca-ta và Cô-oét.

Ngày 7-3-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao nước ta bắt đầu chuyến thăm chính thức Ca-ta và Cô-oét từ ngày 7-3 đến 12-3-2009. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước ta đến Ca-ta và Cô-oét lần này nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ chính trị đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước này đi vào chiều sâu, ổn định; tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng như hiện nay. Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và yêu cầu như dầu khí, lao động, hợp tác nông nghiệp./.