Một số kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ công chức ở Nhật Bản
Dù còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, song trong suốt nhiều thập kỷ qua, nền hành chính Nhật Bản đã đóng vai trò hết sức quan trọng vào quá trình hiện đại hoá đất nước. Có được những thành công đó, một nhân tố rất quan trọng là Nhật Bản đã xây dựng được đội ngũ công chức mạnh và có chất lượng cao. Điều đó được thể hiện rất rõ trong chế độ tuyển chọn, đào tạo, đề bạt và đãi ngộ.
Xây dựng đội ngũ công chức mạnh với chế độ tuyển chọn nghiêm ngặt
Xây dựng đội ngũ công chức mạnh
Có thể khái quát nền hành chính Nhật Bản ở 3 đặc điểm cơ bản sau: Một là, bộ máy hành chính có tính độc lập và ổn định cao. Hai là, quyền lực tập trung mạnh ở trung ương và yếu ở địa phương. Ba là, đội ngũ công chức có chất lượng cao.
Đội ngũ công chức mạnh, có chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Ở Nhật Bản, bộ máy hành chính mạnh với những con người có trình độ, tận tụy với công việc là truyền thống vốn có từ xa xưa. Nhằm tạo dựng hình ảnh và quyền uy của những người trong bộ máy hành chính, Nhật Bản đã coi công chức là một nghề chuyên nghiệp và phục vụ trọn đời. Trong con mắt của dân chúng, họ được coi là “quan chức ”, bao gồm: quan chức hành chính và quan chức kỹ trị. Trong đó, quan chức hành chính chiếm tỷ lệ lớn và dĩ nhiên là có sự khác nhau giữa các quan chức trong các bộ chuyên ngành.
Việc đề cao vai trò của công chức không chỉ tạo cho họ sự an tâm về nghề nghiệp, ổn định về chuyên môn…mà còn khẳng định vị trí của họ trong xã hội. Hơn nữa, với trách nhiệm và vị thế đó, buộc họ phải không ngừng tu dưỡng đạo đức và trau dồi chuyên môn của mình. Số liệu điều tra cho thấy, 64,8% công chức lựa chọn công việc vì lý do thích công việc đó; 57,5% cho là vì lợi ích chung và 42,6% cho là được sử dụng học vấn của mình. Sự tôn vinh này không chỉ góp phần nâng cao tính kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp của công chức mà điều quan trọng nhất là tạo nên đội ngũ công chức mạnh, hoạt động có hiệu quả cao.
Chế độ tuyển chọn nghiêm ngặt
Để có được đội ngũ công chức có tinh thần làm việc tốt và có trình độ chuyên môn cao, điều quan trọng là phải có sự tuyển chọn nghiêm túc. Thông qua chế độ thi tuyển, nền hành chính Nhật Bản được bổ sung những người có tài và tận tụy với công việc. Hằng năm, Viện Nhân sự Nội các đứng ra phối hợp tổ chức các kỳ thi tuyển vào viên chức nhà nước (trừ quan chức ngoại giao và một số cơ quan có chuyên môn đặc biệt) và thi lên bậc cho công chức ( các loại I, II, III). Để có thể tham gia thi tuyển viên chức, thí sinh phải có trình độ đại học trở lên. Những năm gần đây, số thí sinh có bằng thạc sĩ trở lên tăng đáng kể. Do số lượng thí sinh tham dự thi tuyển khá lớn nên tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Dường như tỷ lệ này ít dao động lớn trong suốt thời gian dài. Chẳng hạn, năm 1985, tỷ lệ thí sinh thi đỗ chỉ chiếm 4,6%; năm 1988: 6,3%...
Nội dung thi tuyển viên chức khá khó và phức tạp, vì nó đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức chuyên môn sâu mà còn phải có sự hiểu biết rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tuyển, những kiến thức được trang bị trong nhà trường chưa thể đầy đủ mà thí sinh phải tự học hỏi, bổ sung và chuẩn bị rất chu đáo, nghiêm túc.
Sau khi được tuyển chọn, công chức ở Nhật Bản vẫn phải tiếp tục học tập để có thể tham gia các kỳ thi bổ nhiệm vào các chức vụ. Hằng năm, Viện Nhân sự phối hợp tổ chức 3 kỳ thi loại I, II, III để tuyển chọn khoảng 1000 người vào các vị trí cần thiết trong bộ máy hành chính. Yêu cầu đặt ra đối với các kỳ thi này là bảo đảm tính trung thực, khách quan, dân chủ và cạnh tranh cao. Nội dung tập trung kiểm tra: năng khiếu hành chính, khả năng về kiến thức, tính cách và thể lực. Chẳng hạn, để kiểm tra kiến thức, thí sinh phải chuẩn bị 90 vấn đề về hành chính, luật, kinh tế… Đối với kỳ thi cao cấp, viên chức tham dự phải thi 2 giai đoạn. Giai đoạn I: thi tổng quan văn hoá (6 câu hỏi, viết trong 3 giờ) và chuyên môn (các câu hỏi về giải pháp và kinh nghiệm). Thông thường, 95% thí sinh qua được kỳ thi này. Giai đoạn II: thi tổng quan và chuyên ngành. Nội dung thi khá phong phú, gồm nhiều vấn đề ở các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức chuyên môn sâu, có tầm hiểu biết rộng về các vấn đề cơ bản, trong đó có các nội dung mới, cập nhật và mang tính thời sự cao.
Sự nghiêm túc của các kỳ thi nói trên cho phép nền hành chính Nhật Bản lựa chọn được các công chức thực sự có trình độ hiểu biết tốt về các vấn đề chuyên môn cũng như những kiến thức chung.
Chú trọng chế độ đào tạo, đề bạt và đãi ngộ viên chức
Chế độ đào tạo, đề bạt
Không chỉ coi trọng tuyển chọn công chức, Nhật Bản còn hết sức quan tâm đến vấn đề đào tạo đội ngũ này. Phát triển giáo dục, đào tạo với nhiều cách thức phong phú, hiệu quả là đặc trưng quan trọng trong quá trình hiện đại hoá Nhật Bản.
Có hai giai đoạn đào tạo được thực hiện đối với tất cả các công chức ở Nhật Bản: 1. Đào tạo để có kinh nghiệm làm việc thông qua các cơ quan khác nhau ở trong và ngoài bộ. 2. Đào tạo ở các cấp khác nhau (mỗi năm khoảng 4-5 tuần) nhằm cập nhật những kiến thức mới về hành chính kinh tế, chính trị của Nhật Bản và thế giới. Ngoài ra, ở cấp trưởng phòng trở lên còn có các lớp do Viện Nhân sự đứng ra tổ chức để giúp họ nắm bắt kịp thời tình hình mới và có dịp mở rộng quan hệ trao đổi, hợp tác giữa các bộ.
Đào tạo là điều kiện bắt buộc đối với mọi công chức ở Nhật Bản trong suốt thời gian làm việc. Thông qua ví dụ cụ thể ở Bộ Tài chính, chúng ta có thể hình dung được quy trình đào tạo công chức ở Nhật Bản. Sau khi trúng tuyển, công chức phải trải qua giai đoạn tập sự, thường được bố trí làm việc tại phòng tổng hợp tư liệu. Đến năm thứ ba, họ bắt đầu tham gia các lớp học. Thông thường, Bộ cử khoảng 5-6 người trong số này ra nước ngoài học tập về kinh tế. Số còn lại sau, khi bàn giao công việc, sẽ tham gia lớp học với thời gian khoảng 300 tiết. Nội dung của lớp học là nhằm trang bị cho công chức những kiến thức mới và thường ở bậc cao. Sau đó họ được phân bổ trở lại các cơ quan và thường được giao làm trưởng nhóm.
Chế độ luân chuyển cũng là một hình thức đào tạo cần thiết đối với các công chức của Bộ Tài chính. Nhiều người trong số họ được điều xuống các thành phố làm giám đốc các cơ quan thu thuế. Sau 1 năm, họ trở về Bộ và giữ chức phó trưởng phòng, và được tham gia vào các hoạt động chung, trong đó có việc lập chính sách. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, họ sẽ được luân chuyển làm việc ở nhiều phòng khác nhau, mỗi nơi khoảng 2 năm. Một số công chức có khả năng sẽ được điều về các địa phương làm giám đốc tài chính hoặc ra nước ngoài làm tham tán kinh tế. Sau đó, họ được điều trở lại Bộ và giữ chức trưởng phòng ở nhiều phòng khác nhau. Trong số đó, những người có chuyên môn tốt sẽ được đề bạt làm vụ trưởng hoặc có thể ra bên ngoài làm giám đốc công ty tư nhân.
Để bổ sung nguồn cán bộ chủ chốt, Nhật Bản rất chú trọng đào tạo trợ lý các vụ và vụ trưởng. Có khoảng 20% công chức được tham gia các khoá học này với thời gian khoảng 120 giờ nghe giảng, nghiên cứu, thảo luận. Số công chức được đào tạo để trở thành vụ trưởng chiếm khoảng 10%. Đối tượng này học trong 3 tuần, trong đó có 1 tuần thảo luận.
Rõ ràng, với cách thức tổ chức đào tạo chuyên nghiệp nêu trên, công chức không chỉ nắm vững chuyên môn, bổ sung kịp thời các kiến thức mới, mà còn nhận rõ con đường thăng tiến của mình để tự hoàn thiện cả về nghiệp vụ và phẩm chất. Bên cạnh việc đào tạo ở nhà trường, ngoài xã hội, đào tạo tại chỗ và ngoài công việc cũng là cách thức để nâng cao trình độ của công chức. Vấn đề đặt ra là, chương trình đào tạo đó phải được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với công việc của công chức cũng như nhiệm vụ của các bộ phận hành chính. Chỉ có như vậy mới tránh được sự lãng phí thời gian, tiền bạc của nhà nước và của chính công chức.
Chế độ lương bổng, hưu trí
Ngoài việc chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt…, việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của công chức thông qua chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó không chỉ bảo đảm cuộc sống ổn định cho công chức mà điều quan trọng hơn là xã hội đã coi trọng và trả công xứng đáng cho họ. Nhìn chung, công chức hành chính ở Nhật Bản cũng như nhân viên các công ty đều hưởng chế độ lương theo thâm niên. Mức lương của công chức không cao hơn so với làm việc ở công ty. Cứ khoảng 2-3 năm họ lại được tăng lương 1 lần. Ngoài ra, họ còn nhận được tiền thưởng 3 lần trong 1 năm và số tiền đó không vượt quá 5 tháng lương.
Ngoài việc hưởng lương cơ bản, công chức còn được hưởng phụ cấp nuôi dưỡng, phụ cấp khu vực và nhà ở. Vì thế, mức lương trung bình của họ khá cao.
Nhìn chung, lương khởi điểm và lương cơ bản của công chức cũng như nhân viên các công ty có xu hướng tăng, song mức tăng khá chậm. Điều muốn nói thêm ở đây là, khi rời bộ máy nhà nước, công chức có thể tham gia hoạt động ở các công ty và thường có thu nhập cao hơn. Hiện tượng này được gọi là Amakudari (từ trên trời rơi xuống). Có thể coi đây là một lợi thế của công chức so với những người làm việc ngoài bộ máy hành chính sau khi về hưu. Khả năng điều hành tốt, mối quan hệ rộng rãi và kinh nghiệm công tác… là những thế mạnh mà công chức có được và chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn đối với các công ty.
Chế độ hưu trí với mức chi trả khá, cùng với nhiều chế độ khác cho những người về hưu ở Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với những người làm công ăn lương. Trên thực tế, Nhật Bản đang áp dụng chế độ hưu trí đa tầng khá phức tạp, bao gồm chế độ của nhà nước và tư nhân. Với những người làm công ăn lương từ 20 đến 60 tuổi, có thể áp dụng chế độ hưu trí quốc gia với mức đóng cố định là 13300 yên/tháng trong 25 năm. Những người có thu nhập thấp, vợ hoặc chồng không đi làm, có thể đóng với mức thấp hơn…Tuỳ theo thời gian công tác, mức đóng góp và sự tham gia vào các quỹ hưu trí khác nhau… mà người lao động sẽ nhận được mức lương hưu khác nhau sau khi hưu trí. Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm hiện đang được áp dụng ở Nhật Bản, trong đó có người già, cũng là những hình thức cần thiết hỗ trợ công chức ổn định cuộc sống không chỉ trong thời gian làm việc mà ngay cả khi về hưu.
Rõ ràng, các chế độ lương, thưởng, trợ cấp, hưu trí… mà công chức ở Nhật Bản được hưởng đủ bảo đảm cuộc sống khá tốt cho họ. Điều đó không chỉ tạo sự yên tâm cho họ trong quá trình thực hiện chức trách của mình, mà còn là điều kiện quan trọng góp phần hạn chế tiêu cực trong hoạt động của bộ máy hành chính.
Dĩ nhiên, sẽ là không thực tế khi không đề cập đến những yếu kém, những thách thức trong hoạt động của bộ máy hành chính nói chung, xây dựng đội ngũ công chức nói riêng ở Nhật Bản. Hiện tại, nền hành chính Nhật Bản đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách một cách kiên quyết thì mới đáp ứng được các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới của đất nước. Toàn cầu hoá và hội nhập tăng lên mạnh mẽ, sự bất ổn của nền kinh tế, đa dạng hoá thị trường lao động…là những nhân tố đang tác động đến hoạt động hành chính cũng như xây dựng đội ngũ công chức của Nhật Bản. Vì thế, tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính và đội ngũ công chức vẫn đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay và trong thời gian tới của đất nước này./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhà nước Ca-ta và Cô-oét  (08/03/2009)
Phía Mỹ đánh giá sai lệch tình hình nhân quyền ở Việt Nam  (08/03/2009)
Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008  (07/03/2009)
Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008  (07/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên