Chỉ còn ba ngày nữa tại Hô-kai-đô của Nhật Bản sẽ chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G8. Nội dung quan trọng của Hội nghị lần này là các nước công nghiệp phát triển sẽ đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải cụ thể trong khoảng thời gian từ 20 - 30 năm nữa.

Tổng thống Liên bang Nga Đ.Mét-vê-đép hôm qua (6-7) đã bay sang đảo Hô-kai-đô phía cực Bắc của Nhật Bản để tham dự lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8). Cùng với việc tham dự tất cả các hoạt động của Hội nghị, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép còn tiến hành hơn 10 cuộc gặp song phương và nhiều cuộc gặp trong những khuôn khổ khác. Sáng nay, 7-7, ông Mét-vê-đép đã gặp Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ. Đây là cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống G.Bu-sơ của ông Đ.Mét-vê-đép kể từ khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga.

Cũng trong ngày hôm qua, ngay sau khi đến Nhật Bản, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Y.Phư-cư-đa lần đầu tiên.

Hội nghị lần này ngoài 8 nước công nghiệp phát triển còn có sự góp mặt của lãnh đạo các nước châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ. Bốn chủ đề chính tại hội nghị là: hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất; phát triển châu Phi; tình hình kinh tế, lương thực thế giới; và các vấn đề quốc tế khác như cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Mục tiêu đầu tiên của G8 là nghiêm túc xem xét kế hoạch cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.

Thủ tướng Nhật Bản Y.Phư-cư-đa đã chính thức công bố đề án Nhật Bản sẽ cắt giảm từ 60% đến 80% lượng khí thải của nước này cho tới năm 2050, đồng thời sẽ quy định mức cắt giảm trong từng ngành công nghiệp, sử dụng triệt để các nguồn năng lượng khác như mặt trời, sức gió.

Chính phủ Nhật Bản cũng vừa công bố Đề án Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G8 trong đó nhấn mạnh các nước công nghiệp phát triển sẽ đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải cụ thể trong khoảng thời gian từ 20 - 30 năm nữa. Đối với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, tuyên bố chung cũng đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu vừa duy trì tăng trưởng kinh tế vừa có thể đạt được nghĩa vụ cắt giảm khí thải như mong muốn.

Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng sẽ ra một bản tuyên bố đặc biệt nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực, đưa ra những đối sách và phương pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao sản lượng nông nghiệp tại các nước đang phát triển, điều chỉnh lại qui chế xuất khẩu mà hiện nay đang được coi là một trong những nguyên nhân làm giá lương thực tăng cao. Bản tuyên bố đặc biệt này còn đưa ra những chính sách bổ sung nhằm ổn định lại giá lương thực và hỗ trợ các nước đang lâm vào nạn đói.

Mặt khác, các quốc gia G8 đang có kế hoạch tăng cường hợp tác giải quyết đối phó với căn bệnh AIDS, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm tại các nước đang phát triển. Hội nghị G8 cũng sẽ đặt trọng tâm vào việc thảo luận tình hình phát triển của các quốc gia nghèo và các vấn đề châu Phi đang phải đối mặt. Một bản dự thảo cũng sẽ được đưa ra tại hội nghị các quốc gia G8 nhằm vạch ra cách tiếp cận đa chiều đối với các vấn đề vệ sinh công cộng và giáo dục.

Đề cập ý nghĩa của Hội thượng đỉnh G8 lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Ma-sa-ha-ru Côn-nô cho biết: “Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo G8, các nước châu Phi và một số quốc gia phát triển trao đổi sâu các vấn đề mang tính toàn cầu và hướng tới tương lai. Vì vậy, đây có thể được coi là hội nghị G8 mở rộng đầu tiên”./.