Đồng Tháp tiếp tục phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Nguyễn Thị Thu Nga
15:41, ngày 07-07-2008

Về cơ bản cho đến nay, Đồng Tháp vẫn còn là một tỉnh thuần nông; nông nghiệp là ngành đóng vai trò chủ yếu trong kinh tế của tỉnh. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong các giai đoạn luôn được coi trọng và không ngừng được củng cố cả về chức năng, cơ cấu, hình thức kinh doanh và dịch vụ.

Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước nên nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh Đồng Tháp. Tổng diện tích gieo trồng hằng năm của tỉnh gần 500 nghìn ha, ngoài chủ lực là cây lúa và các loại rau màu, Đồng Tháp còn được biết đến với một số loại cây đặc sản như xoài cát Hoà Lộc, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười... Những loại cây đặc sản này không những đã được khẳng định ở thị trường địa phương mà còn vươn tầm ra cả trong nước và nước ngoài. Sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm của tỉnh đạt ở mức ổn định trên 350 nghìn tấn.

Đồng Tháp có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt trên 155 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu hằng năm lên tới trên 120 triệu USD, trong đó nuôi cá tra và cá ba-sa khoảng 1.500 ha, lợi nhuận bình quân từ 700 triệu đến 900 triệu/ha/ năm. Mô hình sản xuất lúa 1 vụ kết hợp với nuôi tôm càng xanh đang ngày càng phát triển. So với giá trị trồng lúa 2 vụ/năm thì lợi nhuận thu được từ sự kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm gấp 4 lần. Hiện nay, diện tích canh tác kết hợp với nuôi trồng ngày một gia tăng với tiềm năng có thể khai thác đến 3.000 ha ước tính lợi nhuận có thể là 200 tỉ đồng/năm. Đây là một trong những triển vọng rất lớn cho quá trình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Với lợi thế về vị trí và giao thông thủy, bộ, Đồng Tháp mở rộng giao lưu hợp tác, buôn bán với các tỉnh trong khu vực và quốc tế. Đó chính là nhân tố giúp Đồng Tháp phát huy sức mạnh nội lực và lợi thế so sánh của mình trong quá trình phát triển. Từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp, trong nhiều năm trở lại đây kinh tế Đồng Tháp đang chuyển sang nền kinh tế thị trường với tính chất sản xuất hàng hóa lớn, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn. Trong bước chuyển đó, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức to lớn và quan trọng.

Mười hai năm trước, nằm trong tình hình chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở Đồng Tháp đều lâm vào tình trạng lúng túng không có phương án sản xuất, kinh doanh; chức năng, nhiệm vụ của ban quản trị không rõ ràng, mất phương hướng hoạt động. Nhiều HTX tự tan rã, hộ xã viên xin ra khỏi HTX chuyển sang kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình theo chủ trương giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, thực hiện thương mại hóa vật tư và hàng hóa tiêu dùng.

Năm 1988, toàn tỉnh Đồng Tháp có 2.457 đơn vị là tập đoàn, liên tập đoàn, HTX (trong đó có 67 HTX NN). Đến năm 1993 có 1.934 đơn vị là tập đoàn, liên tập đoàn, HTX, (trong đó có 32 HTX NN). Như vậy số tập đoàn, liên tập đoàn sản xuất tan rã là 523 đơn vị chiếm gần 22%, trong đó số HTX giải thể là 35 đơn vị chiếm 52,23%. So sánh cùng thời gian này, số liệu tương ứng của cả nước là số tập đoàn, liên tập đoàn năm 1988 có 36.352 đơn vị, đến năm 1993 tan rã 30.352 đơn vị, còn 5.548 (còn lại 16,51% so với số liệu năm 1998), trong đó, số HTX NN là 17.022, giải thể 14.064, còn 2.958 (còn lại tương ứng 17% so với năm 1988). Như vậy, so với sự tan rã của các tập đoàn, liên tập đoàn, HTX trong cả nước thì sự tan rã của các tập đoàn, liên tập đoàn, HTX ở tỉnh Đồng Tháp không phải là nhiều, song nó đã phản ánh đúng thực trạng của tình hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp của tỉnh giai đoạn sau khi thực hiện Khoán 10.

Sau khi Luật Hợp tác xã được Quốc hội phê chuẩn (20-03-1996), và chính thức có hiệu lực từ ngày 01- 01-1997, trong năm 1997, ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế HTX các cấp tỉnh, huyện, xã để chỉ đạo công tác phổ biến tinh thần Luật Hợp tác xã mới và thực hiện các bước phân loại, chuyển đổi các HTX cũ và đăng ký các HTX mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt và các Ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã, các cán bộ theo dõi nông nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, các bí thư, chủ tịch UBND các xã, các HTX và các chủ nhiệm HTX NN về những yêu cầu, mục đích và các bước tiến hành để chuyển đổi các HTX cũ cũng như tiến hành đăng ký các HTX mới theo Luật. Các huyện chỉ đạo các HTX cũ thành lập Ban trù bị chuyển đổi, tiến hành rà soát, xử lý các quan hệ tồn đọng trong HTX cũ, xây dựng điều lệ và phương án sản xuất, kinh doanh mới... để trình Đại hội xã viên quyết định chuyển đổi nếu HTX có đủ điều kiện cho hộ nông dân lựa chọn hình thức hợp tác thích hợp, có hiệuquả.

Năm 2005, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2006 - 2010. Với Đề án này, nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp sẽ có những bước chuyển mình, hộ nông dân được coi là đơn vị tế bào của nền nông nghiệp. Năm 2006, Đồng Tháp có 141 HTX NN, trong đó có 135 HTX dịch vụ nông nghiệp, 2 HTX nuôi tôm trên ruộng, 3 HTX tiêu thụ trái cây và 1 HTX nuôi bò. Tất cả các huyện, thị đều có HTX NN, trong đó nhiều nhất là huyện Hồng Ngự có tới 27 HTX, kế đến là huyện Tam Nông, Tháp Mười mỗi huyện đều có 21 HTX, ít nhất là thị xã Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc chỉ có 1 HTX. Số HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chiếm 96%. Tổng diện tích canh tác do HTX cung cấp dịch vụ là 34.562 ha, chiếm 14,8% tổng diện tích đất canh tác của toàn tỉnh; bình quân 245ha/HTX NN. Tổng số xã viên tham gia HTX NN là 16.146 xã viên, bình quân 114 xã viên /HTX NN.

Bình quân vốn của 1 HTX NN tăng lên rất nhanh từ 300 triệu đến 400 triệu đồng so với mức bình quân chung khi bắt đầu tiến hành đổi mới theo Luật. Tuy nhiên, bình quân vốn lưu động của HTX không tăng đáng kể, nguyên nhân là do nhiều HTX đã chuyển phần vốn lưu động sang mua sắm cơ sở vật chất - kỹ thuật và cơ bản phục vụsản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Sau 10 năm thực hiện quá trình đổi mới và xây dựng theo tinh thần Luật Hợp tác xã, HTX NN tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả đáng kể nêu trên. Song, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu và còn bộc lộ nhiều mặt tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết. Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức kinh tế HTX NN nhỏ bé vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của hộ xã viên, (HTX mới chỉ thu hút được 7% nông dân và chưa đầy 10% diện tích đất nông nghiệp). Đến năm 2005, bình quân số HTX NN/xã mới chỉ đạt 1 HTX. Phần lớn mới chỉ hoạt động ở vài khâu, vài việc cần thiết trong trồng trọt là chủ yếu, hiệu quả của kinh tế HTX thấp, năm 2000 giá trị kinh tế của thành phần HTX đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt0,65%, năm 2005 đạt 1,69%. Đây là một con số quá khiêmtốn so với vị trí, vai trò của nó.

Đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX chưa thực sự có đủ trình độ, năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của HTX trong điều kiện mới, số lượng cán bộ chủ yếu của HTX chưa có trình độ chuyên môn (gần 60%), do đó việc quản lý và điều hành hoạt động của HTX còn yếu kém và lúng túng, trông chờ vào cấp trên. Trong khi đó, số cán bộ HTX có trình độ chuyên môn, nhạy bén với cơ chế thị trường muốn "bung ra" làm kinh tế lại không được sử dụng và đãi ngộ đúng mức nên đã nhanh chóng chuyển sang làm kinh tế trang trại, kinh tế hộ độc lập... Hơn nữa, trong quá trình gắn kết giữa HTX với cán bộ chuyên môn lại lỏng lẻo, không có bảo hiểm xã hội khi hết tuổi lao động, cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn phải tự túc 50% các khoản chi phí trong quá trình đào tạo. Do vậy, cán bộ không thực sự gắn bó, yên tâm, nhiệt tình công tác và dẫn đến tình trạng trì trệ ở nhiều HTX.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế HTX trong nông nghiệp còn thấp so với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là so với kinh tế tư nhân. Từ năm 2000 đến năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế HTX chỉ đạt 1,26 lần, trong đó kinh tế tư nhân đạt 2,5 lần. Các HTX NN có cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, vốn quỹ ít ỏi, kinh doanh có lãi thấp hoặc có những HTX không có lãi, do đó HTX NN chưa thực sự là một đơn vị kinh tế mang tính chất quyết định đối với đời sống kinh tế - xã hội và đối với hộ xã viên. Mối quan hệ giữa HTX NN với hộ xã viên còn lỏng lẻo, xã viên chưa thực sự tin tưởng vào HTX, tâm lý e ngại khi tham gia HTX còn là hiện tượng phổ biến trong nông dân.

Vốn quỹ của các HTX NN hiện nay rất ít ỏi, nhất là nguồn vốn lưu động, việc huy động các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các HTX gặp nhiều khó khăn, nhất là việc vay vốn ngân hàng, tín dụng do chưa có tài sản thế chấp. Vì vậy, hầu hết các HTX NN chỉ hoạt động ở những khâu thiết yếu, cần ít vốn, tổ chức đơn giản và ít bị chi phối, tác động bởi các tổ chức kinh tế khác. Việc mở rộng sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, phần lớn các HTX NN không có khả năng và điều kiện để mở rộng dịch vụ chế biến, bao tiêu nông sản hàng hóa cho các hộ xã viên và hộ nông dân. Hơn nữa, tình trạng nợ đọng sản phẩm và phí dịch vụ trong các hộ xã viên và hộ nông dân diễn ra phổ biến ở các HTX ngày càng bị thâm hụt, trong khi HTX còn lúng túng, khó khăn trong việc thu hồi, nhiều HTX không còn quỹ, vốn để tái sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho hộ xã viên chính vì thế rất khó cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, điển hình là kinh tế tư nhân.

Trước tình hình đó, với vị trí, vai trò quan trọng của hợp tác xã, nhất là tính chất của sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, đòi hỏi Đồng Tháp tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, theo chúngtôi:

Thứ nhất, các cấp, các ngành của tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định nội dung hỗ trợ HTX NN trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ có mục tiêu về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nói riêng và trong sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Thứ hai, các cấp, các ngành quản lý trực tiếp HTX trong nông nghiệp tiếp tục tiến hành tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến HTX, trực tiếp là khuyến khích và hỗ trợ các HTX NN phát triển tốt các công tác dịch vụ tín dụng, dịch vụ cung ứng vật tư - kỹ thuật...

Thứ ba, tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ các ngành, các cấp, đặc biệt là nông dân về Luật Hợp tác xã cũng như việc cần thiết phải tiến hành hợp tác trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần hợp tác của người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, các cơ quan chức năng xây dựng đề án, tham mưu cho chính quyền tỉnh về các vấn đề đổi mới tổ chức quản lý. Từ đó tiến hành làm thí điểm, sơ kết, tổng kết, đánh giá và xây dựng mở rộng các HTX theo Luật Hợp tác xã và qua đó thúc đẩy sự phát triển mô hình tổ chức HTX trong nông nghiệp.

Thứ năm, trong quá trình xây dựng HTX bên cạnh việc tuân thủ những quy tắc của Luật Hợp tác xã, còn cần phải tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cũng như phong tục tập quán của từng địa phương, qua đó không những đáp ứng kịp thời yêu cầu xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển trực tiếp của xã viên và cộng đồng dân cư địa phương./.