Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung: Việc gia nhập WTO mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để vượt qua khó khăn, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ và mạnh mẽ một số nhóm giải pháp, cả về ngắn hạn và dài hạn để duy trì tăng trưởng bền vững.

Sáng nay, 7-7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Quỹ Han-xơ Xây-đen (Hanns Seidel Foundation), CHLB Đức tổ chức Hội thảo tiểu vùng “Chia sẻ kinh nghiệm gia nhập và thực thi cam kết WTO” với sự tham dự của nhiều đại biểu là các quan chức chính phủ, học giả, đại diện cộng đồng doanh nghiệp ba nước Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế ở Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung cho rằng đây là dịp tốt để các đại biểu 3 nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến đàm phán gia nhập; tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như dự báo và ứng phó hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thứ trưởng Đào Việt Trung nêu rõ, việc gia nhập WTO mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thực thi cam kết gia nhập WTO trong thời gian qua, cùng với việc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế - xã hội ở trong nước và thực thi các cam kết kinh tế quốc tế khác, đã góp phần tạo nên những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2007 (tăng trưởng GDP đạt 8,6%, thu hút FDI đạt mức kỷ lục 20,3 tỉ USD…). Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề lạm phát và nhập siêu tăng cao. Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ và mạnh mẽ một số nhóm giải pháp, cả về ngắn hạn và dài hạn để duy trì tăng trưởng bền vững.

Tiến sĩ Han-xơ De-het-man (Hans Zehetmair), Chủ tịch Quỹ Han-xơ Xây-đen cũng cho rằng, sau một năm rưỡi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng tới 8,5% trong năm 2007 và đứng thứ 2 trên thế giới; đầu tư cũng thu hút được con số khổng lồ, tương đương với 5 năm trước đó cộng lại, xuất khẩu tăng trưởng 20%... Những thành tựu đó đã tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực của nền kinh tế để đáp ứng được những thách thức mới.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn vấp phải những thách thức lớn như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát gia tăng. Theo ông Han-xơ Xây-đen, những can thiệp của Chính phủ, đặc biệt trong phát triển nông thôn, nông nghiệp sẽ có vai trò quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình tham gia WTO.

Với 3 chủ đề: “Toàn cầu hoá và kinh tế thế giới: Những xu hướng hiện tại và tác động đối với Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam”; “Kinh nghiệm đàm phán gia nhập WTO” và “Kinh nghiệm thực thi cam kết WTO” - các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi những vấn đề nổi cộm chung của ba nước trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế trước những diễn biến mới của kinh tế thế giới và toàn cầu hóa.

Đặc biệt, với tư cách là những thành viên mới gia nhập WTO, các đại diện Cam-pu-chia và Việt Nam đã không chỉ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về thực thi cam kết WTO mà còn cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm đàm phán gia nhập WTO rất thiết thực với các đồng nghiệp Lào - nước đang đẩy mạnh tiến trình đàm phán gia nhập WTO, và cùng rút ra những bài học kinh nghiệm cho các tiến trình đàm phán thương mại, hợp tác liên kết kinh tế quốc tế và khu vực khác mà ba nước đang triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa ba nước./.