Không nên bắn vào quá khứ
TCCSĐT - Ở châu Âu lưu truyền câu phương ngôn: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng ngắn, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Đó là lời khuyên chúng ta về cách ứng xử thông minh, có đạo lý và có lương tâm về quá khứ, dù đó là quá khứ đau buồn, hạnh phúc hoặc bất hạnh. Thế nhưng, thật đáng buồn, hiện nay không ít người ở nhiều nước châu Âu đang có cách ứng xử hoàn toàn ngược lại, họ không chỉ bắn vào quá khứ bằng súng ngắn mà thậm chí còn nã bằng đại bác.
Chuyện là, trong những năm gần đây, sau khi Liên Xô tan rã, ở nhiều nước châu Âu, thậm chí cả ở nước Nga, không ít người có suy nghĩ cực đoan rằng, phàm là những gì liên quan đến Liên Xô đều là “không có giá trị”, thậm chí là “phi đạo lý”, trong đó có chiến công của Hồng quân và nhân dân Liên Xô đập tan chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người thoát khỏi hoạ diệt chủng, đã từng được lịch sử ghi nhận. Một hiện tượng rất đáng lo ngại, vô đạo đức và phản lịch sử đang diễn ra. Ở một số nước đã từng được Hồng quân Liên Xô cứu thoát khỏi bàn tay sát nhân của chủ nghĩa phát-xít, giờ đây lại đang quay sang tặng thưởng huân chương cho các nhân viên của Đức quốc xã, những kẻ đã từng phạm tội ác diệt chủng đối với người Do Thái và các dân tộc ở châu Âu, thậm chí tôn sùng họ như “những người anh hùng” và dùng họ làm “tấm gương” để giáo dục thanh niên. Thật là một trò hề (!). Nhiều đài tưởng niệm chiến công của Hồng quân Liên Xô bị dỡ bỏ. Một số nước cộng hòa Liên Xô trước đây đã từng cùng kề vai sát cánh trong đại gia đình Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, thì nay đã không còn tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng, thậm chí còn đưa ra những lời giải thích rất tùy tiện về lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều quốc gia mới hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ bắt đầu viết lại lịch sử để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Họ đang làm một việc đáng khinh, đó là xuyên tạc lịch sử!
Tình hình xuyên tạc lịch sử về chiến tranh thế giới thứ hai ở một số nước Đông Âu còn đáng lo ngại hơn, đặc biệt là ở Ba Lan. Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận, ngày 1-9-1939, bằng hành động của phát-xít Đức tiến công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đây là cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, diễn ra trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến 72 nước với dân số 1,7 tỉ người và 110 triệu quân tham chiến. Một cuộc chiến mà đã có gần 55 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị tàn phế. Riêng Liên Xô, quốc gia gánh chịu trách nhiệm lớn nhất và cũng là quốc gia đóng góp phần quyết định trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử văn minh nhân loại cũng đã phải hy sinh tới 27 triệu người. Cựu Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Pôn Ghét-tinh đã từng viết rằng, thế giới đang mang một món nợ lớn đối với người Nga vì họ đã hy sinh hơn 20 triệu người trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai để mang lại hoà bình cho nhân loại; số người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến tranh đó lớn bằng dân số của cả nước Ốt-xtrây-li-a. Đó là sự thật không ai có thể chối cãi được!
Thế nhưng, nhân dịp tưởng niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai được tổ chức vào ngày 1-9-2009, ở nhiều nước, đặc biệt là Ba Lan, đang có những hành động nhằm hạ thấp vai trò của Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát-xít Đức và đổ lỗi cho Liên Xô “là quốc gia mở đường chiến tranh” với hành động ký kết Hiệp ước không tấn công lẫn nhau vào năm 1939 mà lịch sử quen gọi là Hiệp ước Mô-lô-tốp-Ri-ben-trốp. Không ít chính khách và dân thường ở Ba Lan cho rằng, Hiệp ước này là “vô đạo đức” và “vi phạm luật quốc tế”. Vậy sự thực thế nào và Hiệp ước này đã được ký kết ra sao?
Theo Giáo sư luật quốc tế Ô-lếch Khle-xtốp thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Nga, lịch sử đã từng ghi lại bằng giấy trắng mực đen rằng, ngay sau khi lên cầm quyền, Hít-le đã bắt đầu chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn nhằm đánh chiếm "không gian sinh tồn cho chủng tộc A-ri-an". Chính phủ các nước Anh và Pháp đã đẩy Hít-le tiến về phía Đông và gây chiến với Liên Xô. Luân Đôn và Pa-ri không chỉ tạo điều kiện mà còn cho phép Đức tăng cường sức mạnh quân sự. Năm 1936, Hít-le được sự đồng ý của Anh và Pháp, đánh chiếm xứ Ranh, sau đó đánh chiếm toàn bộ nước Áo và Tiệp Khắc. Đứng trước nguy cơ chiến tranh nhãn tiền, Liên Xô có ý định thành lập liên minh quân sự, thực chất là hệ thống an ninh tập thể, để chống lại cuộc xâm lược của Hít-le, nhưng đã bị chính phủ Pháp và Anh phản đối. Trong khi đó, nước Pháp từ chối thực hiện Hiệp ước đã từng ký kết năm 1935 giữa ba nước là Pháp, Liên Xô và Tiệp Khắc nhằm bảo vệ Tiệp Khắc trước nguy cơ Hít-le phát động chiến tranh để chiếm một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc và sáp nhập vào nước Đức. Giá như nước Pháp thực hiện những cam kết của mình thì chiến tranh thế giới thứ hai đã có thể được ngăn chặn vì lúc đó lực lượng quân sự của Pháp và Tiệp Khắc vượt xa quân đội Đức.
Trong tình hình Pháp và Anh mở rộng và thắt chặt quan hệ với nước Đức, Liên Xô bị sa vào tình hình vô cùng bất lợi. Ở Viễn Đông, Liên Xô đứng trước nguy cơ chiến tranh từ phía Nhật Bản và có thể sẽ phải tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận. Để bảo vệ đất nước, Liên Xô buộc phải ký Hiệp ước không tiến công lẫn nhau với Đức mà trước đó, Pháp, Anh và Ba Lan ký kết với Đức những Hiệp ước tương tự. Đó là, Tuyên bố chung Anh - Đức ký ngày 30-9-1938 và Tuyên bố chung Pháp - Đức ký ngày 6-12-1938, theo đó, Anh và Pháp đã tạo cơ sở pháp lý để tự bảo vệ, chống lại nguy cơ xâm lược của Đức. Thế nhưng, họ không biết rằng những thoả thuận đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nước Đức hướng toàn bộ sức mạnh tiến công về phía Liên Xô. Về thực chất, Hiệp ước Đức và Ba Lan ký ngày 28-1-1934 về việc các bên không sử dụng lực lượng vũ trang trong quan hệ giữa hai nước không khác gì nội dung của Hiệp ước Ri-ben-trốp-Mô-lô-tốp giữa Liên Xô và Đức. Do đó, nếu cho rằng Hiệp ước giữa Liên Xô và Đức là “vô đạo đức và mâu thuẫn với luật pháp quốc tế” là hoàn toàn không có cơ sở. Còn nếu vẫn cố tình đổ lỗi cho Liên Xô thì cần nhớ, những thoả thuận và Hiệp ước “vô đạo đức và mâu thuẫn với luật pháp quốc tế ” tương tự đã từng được Pháp, Anh và Ba Lan ký kết với Đức trước đó.
Nếu nói là “vô đạo đức và vi phạm mọi nguyên tắc và luật pháp quốc tế”, thì chính Hiệp ước Mu-ních ký năm 1938 giữa Anh và Pháp với nước Đức phát xít cũng như việc Ba Lan tham gia cùng với Đức trong việc đánh chiếm một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc đáng bị lên án hơn cả. Việc các nhà lãnh đạo Ba Lan trước đây ngăn cản việc ký kết Hiệp ước quân sự giữa ba nước Anh, Pháp và Liên Xô nhằm bảo vệ cả Ba Lan, chống lại hành động xâm lược của phát-xít Đức mới là hành động phi đạo đức, vô trách nhiệm và thù địch đối với Liên Xô. Cái giá phải trả cho chính sách sai lầm đó là gần 6 triệu người Ba Lan thiệt mạng và thể chế nhà nước Ba Lan hoàn toàn biến mất, mà sau này, Hồng quân Liên Xô đã phải hy sinh nửa triệu binh sĩ trong các cuộc chiến đấu ác liệt với phát-xít Đức mới góp phần quan trọng vào việc thiết lập nhà nước Ba Lan mới.
Vậy mà hiện nay, nhân tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai, dư luận ở Ba Lan, nghiêm trọng hơn là ngay cả các quan chức nhà nước lại khẳng định, Hiệp ước Mô-lô-tốp-Ri-ben-trốp giữa Liên Xô và Đức “là nguyên nhân gây nên chiến tranh thế giới thứ hai”, và còn định “làm rõ mọi chuyện” khi Thủ tướng Nga V. Pu-tin tới dự lễ tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai được tổ chức tại thành phố Gơ-đan-xcơ, nơi đầu tiên chứng kiến đòn tiến công chớp nhoáng của quân Đức, mở màn cuộc chiến tranh diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử (!).
Vào thời điểm tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu đang đứng trước sự chia rẽ đáng lo ngại. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã đưa ra đề nghị thành lập Hệ thống an ninh tập thể chung để bảo vệ các nước trong khu vực này. Việc các nước châu Âu trong những năm 1930 đã không thể thành lập được hệ thống an ninh tập thể, để xảy ra cuộc chiến tranh vô cùng đẫm máu là bài học lịch sử đau buồn mà các nước châu Âu cần phải tính đến. Chính đó là điều quan trọng nhất mà kinh nghiệm lịch sử đã mách bảo các dân tộc châu Âu trong những ngày này, chứ không phải là đi “dùng súng ngắn bắn vào quá khứ” để rồi “tương lai sẽ nã vào họ bằng đại bác”./.
Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”  (31/08/2009)
Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”  (31/08/2009)
Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội  (31/08/2009)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay