TCCSĐT - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử mà Người đã giành thời gian 4 năm cuối với những trăn trở, suy tư để ôn lại, đánh giá, tổng kết những điều đã trải nghiệm qua nhiều năm tháng hoạt động cách mạng phong phú, đa dạng của mình ở rất nhiều nơi, gặp nhiều thách thức, gian nguy, cuối cùng Người đã vượt qua được tất cả nhờ ý chí kiên cường và lòng tin vào thắng lợi cuối cùng.

Một cuộc đời hoạt động phong phú như vậy, nay rút lại vào mấy trang giấy trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, như Người viết: “để sẵn mấy lời này… chỉ nói tóm tắt vài việc thôi”, chắc chắn những lời dặn lại, những việc đó càng rất quan trọng và giàu ý nghĩa, đòi hỏi các thế hệ cách mạng đời sau cần nghiêm túc suy nghĩ và thực hiện.

Mở đầu bản Di chúc thiêng liêng và bất hủ, Người dặn lại đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Cuộc chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”... “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Trong một đoạn ngắn mà Người đã sử dụng đến 4 lần cụm từ “nhất định” để khẳng định quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu phấn đấu suốt cả cuộc đời của Người là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. “Tôi hiến cả cuộc đời tôi cho dân tộc tôi”… Đó là tâm nguyện và mong ước trong cả cuộc đời của Bác.

Nhận thức rõ quy luật khắc nghiệt của thời gian, Người đón nhận quy luật tất yếu đó bằng sự bình tĩnh, thanh thản, ung dung để chuẩn bị kỹ càng cho ngày ra đi của mình. Trong Di chúc Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chắc vì thế mà Người đã dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để viết bản Di chúc thiêng liêng và bất hủ.

Ngày nay, chúng ta có điều kiện nghiên cứu, đọc kỹ tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, được Người viết từ ngày 10-5-1965, qua 4 năm trăn trở, suy nghĩ, sửa chữa, bổ sung nhiều điều để làm rõ hơn tâm nguyện và trách nhiệm của Người trước nhân dân. Nhưng có một tư tưởng, một ý chí, quyết tâm xuyên suốt trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của Người, căn dặn lại chúng ta, là phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bản viết vào năm 1965, Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…”.

Ngày 10-5-1969, sau khi xem lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Người tiếp tục khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc vào thời điểm mà cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng nghiêm trọng. Với dã tâm xâm lược, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh trên phạm vi cả nước ta: Đối với miền Bắc, chúng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân với quyết tâm đưa “miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”. Đối với miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào, chính thức mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên quy mô lớn...

Trải qua 21 năm chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ, tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ; 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ cùng với 22.000 xí nghiệp trên nước Mỹ trực tiếp tham gia, phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ (trừ bom nguyên tử), trong đó, hơn 15 triệu tấn bom đạn được chúng sử dụng rải xuống Việt Nam. Riêng cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, mỗi người dân phải chịu 45,5kg bom đạn, 1km2 phải chịu 6 tấn (trong chiến tranh thế giới thứ hai: ở Đức là 27kg/người, 5,4 tấn/km2; ở Nhật là 1,6 kg/người, 0,43 tấn/km2). Hiện còn khoảng hơn 8000 tấn bom đạn chưa nổ đang nằm dưới đất, để dọn sạch phải mất khoảng 300 năm với chi phí lên tới hàng tỉ USD. Trong cuộc chiến tranh ở miền Nam, hàng chục triệu lít hóa chất độc hại chứa đi-ô-xin nồng độ cao đã được quân đội Mỹ rải xuống, gây hậu quả nghiêm trọng, kéo dài cho dân tộc ta. Hàng triệu người bị nhiễm độc và các thế hệ con cháu của họ là nạn nhân trực tiếp của thứ chất độc màu da cam này, đang ngày đêm đau đớn bởi các căn bệnh hiểm nghèo và mang dị tật suốt đời. Ngoài ra, đế quốc Mỹ còn sử dụng nhiều thủ đoạn nham hiểm khác hòng đe dọa, khuất phục nhân dân ta.

Thực hiện Di chúc, đinh ninh với lời tuyên thề trước anh linh của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã đứng lên, sức mạnh của cả dân tộc được huy động cao độ và dồn cả vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử , quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy là, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời tiên đoán sáng suốt và điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Ngày nay, nhìn lại tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh, thấy hết lực lượng mà kẻ địch đã sử dụng, những ý đồ mà chúng đã thực thi, nhớ lại những tình huống cực kỳ phức tạp mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về trí tuệ của con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1).

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Đó còn là thắng lợi của ý chí cách mạng tiến công và quyết tâm của nhân dân ta thực hiện Di chúc và lời hứa trước anh linh Người.

Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân năm 1975 thật thỏa lòng mong ước của Bác Hồ, bởi nó đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước; bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước./.



(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t 37, tr 471