Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp
TCCS - Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chỉ số lạm phát thấp là niềm mong ước của nhiều quốc gia. Gần đây, nền kinh tế Việt Nam có chỉ số lạm phát cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng. Việc tìm ra những giải pháp chiến lược để tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.
Quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát
Ở hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát luôn gắn bó và có ảnh hưởng đến nhau. Lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát thấp có tác động kích thích tăng trưởng, nhưng nếu chống lạm phát không hiệu quả sẽ dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế. Thực tiễn phát triển kinh tế của nhiều quốc gia cho thấy, lạm phát và tăng trưởng là bạn đồng hành nếu tỷ lệ giữa chúng không vượt quá 1,4 lần. Năm 2007 Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 11,5%, chỉ số lạm phát là 5,4%; Xin-ga-po đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,5%, chỉ số lạm phát 3%; Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng 8,9%, chỉ số lạm phát khoảng 6%; Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng 4%, chỉ số lạm phát trên 2%. Nhìn chung toàn châu á là 8%, trong đó các nền kinh tế đang nổi đạt 9,5%, nhưng vẫn giữ chỉ số lạm phát vào khoảng 2% - 3%.
Ở nước ta, Chính phủ luôn quan tâm đến tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn lạm phát. Năm 1986 do nhiều khó khăn, lạm phát lên đến 774,7%, sau đó chúng ta đã phấn đấu kéo lạm phát giảm dần xuống một con số. Tăng trưởng kinh tế có tốc độ tăng dần, giai đoạn 1986 - 1990 đạt 4,4%, giai đoạn 1991 - 1995 đạt 8,2%, giai đoạn 1996 - 2000 đạt 6,9%, đến giai đoạn 2001 - 2005 đạt 7,5%. Trong vài năm qua tình hình kinh tế biến động lớn, lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế giảm. Năm 2005 lạm phát lên đến 8,4%, tăng trưởng đạt 8,4%. Năm 2007 lạm phát chạm mức 2 con số là 12,63%, tăng trưởng đạt 8,48%. Năm 2008 lạm phát lên đến 23% trong khi tăng trưởng GDP chỉ ở mức 6,23%, lạm phát cao quá mức tăng trưởng. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho những bước phát triển các năm tiếp theo.
Vì sao lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực?
Năm 2006, mức lạm phát trung bình của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á chỉ là 3,3%, trong khi ở Việt Nam là 7,5%, tỷ lệ cao hơn gấp đôi. Năm 2007, chỉ số lạm phát của châu Á ở mức 2% - 3%, ở Việt Nam chỉ số đó tăng đến 12,63%. Thực trạng lạm phát của nước ta do nhiều nguyên nhân, có thể khái quát một vài nguyên nhân chi phối lớn sau đây:
Chính sách tín dụng “quá mở” so với yêu cầu của thị trường. Việc “mở” tín dụng nhanh chóng đã dẫn đến lạm phát trong nước cao gấp 2 - 4 lần so với các nước láng giềng. Năm 2007, tăng trưởng tín dụng quá nhanh với con số trên 50%. Những tháng đầu năm 2008, tăng trưởng tín dụng đã hơn 60% so với cùng kỳ năm 2007; trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng bình quân không thể hơn 2%/ tháng. Ngoài ra, lãi suất vay của ngân hàng thương mại từ nguồn của ngân hàng nhà nước đã không thay đổi suốt thời gian dài, trong khi tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng quá nhanh.
Chi tiêu công quá lớn. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2008 tăng 22,3% so với năm 2007 và bằng 118,9% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên vượt dự toán tương ứng ở mức 118,3% và 113,3%. Hầu như năm nào Việt Nam cũng bội chi, nhưng con số 8% bội chi năm 2008 đã trở thành con số quá cao trong nhiều năm gần đây, trong khi ở các nước để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bội chi ngân sách không vượt quá 3%, nếu bội chi ngân sách trên 5% là báo động đỏ.
Tỷ trọng vốn đầu tư trong GDP cao, đầu tư tương đối dàn trải, thiếu tập trung. Năm 2007, tỷ lệ đầu tư chiếm khoảng 42% GDP, làm cho nguồn tiền trong lưu thông quá lớn. Trong đầu tư công do doanh nghiệp nhà nước thực hiện cũng như các dự án đầu tư hạ tầng do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cũng mang tính dàn trải, chi phí cho các dự án đầu tư dài hạn lớn, chưa cân nhắc nhiều đến hiệu quả đầu tư.
So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta thực lực yếu hơn nhưng lại có độ “mở” lớn hơn. Hệ quả của nó là thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại (nhập siêu năm 2007 lên đến 14,12 tỉ USD, năm 2008 tăng lên gần 18 tỉ USD, 6 tháng đầu năm 2009 chỉ riêng nhập siêu từ Trung Quốc đạt mức 4 tỉ USD), phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài mà trên thực tế nguồn tiền này lại thiên về đầu tư bất động sản và các dự án khổng lồ (tính đến thời điểm tháng 6 năm 2009, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trên 168 tỉ USD, nguồn ODA với mức cam kết tổng cộng trên 42 tỉ USD), những hiện tượng trên đã làm cho nền kinh tế trở nên “quá nóng”.
Về hiệu quả các giải pháp của Chính phủ điều tiết nền kinh tế
Để kiềm chế lạm phát, trong quý II năm 2008 Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp, trong đó có thắt chặt tiền tệ và tài khóa, cắt giảm đầu tư, chi phí, triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, điều hành các công cụ lãi suất dự trữ bắt buộc, kiểm soát chặt việc cho vay... Kết quả, chúng ta đã ngăn chặn được lạm phát trong thời gian ngắn, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2009 tương đối ổn định, dao động ở mức thấp (so với tháng 12-2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 1,68%), tuy vậy những nguyên nhân căn bản của lạm phát chưa phải đã được giải quyết triệt để. Hiện nay, trên thị trường giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... đều tăng. Biện pháp chống lạm phát của chúng ta nếu không được kiểm soát chặt chẽ có nguy cơ làm tăng trưởng kinh tế suy giảm. Biểu hiện về thiếu vốn trong sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bùng phát hiện tượng cắt giảm lao động, ngoại thương gặp nhiều khó khăn về thị trường và giá xuất khẩu.
Tháng 10-2008 Chính phủ đưa ra 5 giải pháp trọng tâm ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó có linh hoạt chính sách tiền tệ - tín dụng, kích cầu trong đầu tư và tiêu dùng. Biện pháp kích cầu chủ yếu là mở rộng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư. Kể từ khi bắt đầu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào nền kinh tế các khoản cho vay lên đến 20 tỉ USD, tương đương với 1/5 GDP hằng năm của đất nước. Với chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm kích cầu sản xuất, nâng mức chi tiêu, mở rộng thị trường, chắc chắn lượng tiền đưa vào lưu thông sẽ tăng cao gấp nhiều lần, áp lực của lạm phát sẽ rất lớn. Qua theo dõi, phân tích diễn biến tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2009 cho thấy, việc thực hiện các giải pháp kích cầu đã mang lại một số kết quả nhất định. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng 3,1% trong quý I năm 2009. Chỉ số không cao nhưng Việt Nam vẫn được xếp vào một trong 12 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng dương, quý II tiếp tục tăng trưởng 4,5%, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,9% (cùng kỳ năm trước tăng 6,47%, do đó nền kinh tế tuy có suy giảm nhưng không rơi vào tình trạng khủng hoảng mà đang có chiều hướng tăng dần). Mức tăng trưởng ở 6 tháng đầu năm tương đối đều, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 1/5 GDP đã tăng trưởng nhanh hơn
Việc tìm ra những biện pháp chiến lược nhằm đưa đất nước vừa bảo đảm tăng trưởng cao, vừa duy trì mức lạm phát thấp, nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách tham khảo có thể vận dụng vào thực tiễn là cần thiết.
Một số giải pháp đóng góp cho nền kinh tế nước ta phát triển cao, lạm phát thấp
Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Chuyển mạnh sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ và liên quan, các ngành dịch vụ công nghệ cao và hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới. Hạn chế phát triển các ngành khai thác tài nguyên quá lớn, các ngành gây ô nhiễm môi trường, các ngành gia công và kinh doanh bất động sản.
Hai là, quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hiệu quả, đặc biệt các dự án đầu tư công phải được thẩm định kỹ, có tham khảo rộng rãi trước khi phê duyệt. Tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục vì những lĩnh vực này sẽ có tác động lớn đến tính cạnh tranh dài hạn của quốc gia. Để bảo đảm tăng đầu tư 30% GDP nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% đến 8%, phải thực hiện tốt cân đối thu chi, không để ngân sách thâm hụt cao, điều chỉnh mức chi tiêu công hợp lý, tránh thất thoát trong đầu tư, chống tham nhũng, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả.
Ba là, sử dụng hợp lý và hiệu quả đầu tư nước ngoài. Việc dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ dễ dẫn đến tình trạng cơ cấu kinh tế không hợp lý, nhập siêu.
Bốn là, quản lý có hiệu quả giá các mặt hàng chủ chốt, ổn định giá điện, kịp thời điều chỉnh giá xăng - dầu khi có biến động giá... Phải có các biện pháp hạ giá sản phẩm xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân. Phấn đấu tăng lợi thế giá cả hàng hóa thấp trong cạnh tranh. Các cơ quan quản lý cần có các biện pháp hành chính thanh tra giá, xử lý các hiện tượng đầu cơ tích trữ đối với các tổ chức đẩy giá lên nhằm thu lợi nhuận cao.
Năm là, chống độc quyền của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Tái cấu trúc bộ máy quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh không hiệu quả, không làm tốt vai trò thành phần kinh tế chủ đạo, góp phần điều tiết nền kinh tế đất nước. Tổng công ty nhà nước phải thực hiện đúng vai trò của mình là công cụ của Nhà nước can thiệp vào thị trường để thị trường phát triển lành mạnh. Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần rút ra những bài học kinh nghiệm đối với những doanh nghiệp đã cổ phần trước kém hiệu quả, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia thực hiện thành công cổ phần các doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp cổ phần phải thật minh bạch về tài chính nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Sáu là, sử dụng gói kích cầu hợp lý. Chủ yếu đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thu hút nguồn lực vốn trong dân trong đầu tư phát triển hạ tầng, gia tăng sự tham gia của khu vực dân doanh trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng năng lực kỹ thuật, tài chính. Khuyến khích, ưu tiên đầu tư nguyên phụ liệu sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nhập siêu hàng tiêu dùng, tăng tốc tăng trưởng.
Bảy là, phát triển thị trường nông thôn. Bảo đảm định hướng sản xuất hàng nông sản như lúa, cà phê, thủy, hải sản... cho nông dân có lãi thông qua những chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Thị trường nông thôn phải là nơi tiêu thụ lớn hàng công nghiệp. Bên cạnh việc ưu tiên thị trường xuất khẩu, cần chú trọng phát triển thị trường nội địa. Nhờ vậy tăng trưởng GDP mới nhanh và ổn định.
Để kinh tế đất nước tăng trưởng cao đồng hành cùng lạm phát thấp, các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn, năng lực điều hành vĩ mô thông qua các chính sách phát triển nền kinh tế đồng bộ, hài hòa lợi ích, linh hoạt. Khâu quan trọng chính là việc quản lý, điều hành trực tiếp các chính sách phải tuân thủ quy trình thường xuyên kiểm tra từ các cơ quan công quyền, tránh khoảng cách giữa chính sách hoạch định với việc triển khai chính sách trong thực tiễn./.
Hội chợ triển lãm quốc tế MAKS-2009: Hình ảnh trở lại của một cường quốc hàng không vũ trụ  (29/08/2009)
Lực bất tòng tâm  (29/08/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh phát sóng biển Đông  (29/08/2009)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay