TCCSĐT - Ngày 28-8, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cùng Báo Sài Gòn giải phóng phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; hơn 300 đại biểu là đại diện của một số bộ, ngành, địa phương, là các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại …

Mục đích hội thảo là nhằm đánh giá diễn biến, xu hướng của khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và tác động của nó đối với Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới; đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua; dự báo kinh tế vĩ mô về tài chính - tiền tệ, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị về chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra cho năm 2009-2010 và các năm tiếp theo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã cung cấp cho các đại biểu nhiều thông tin về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước, đặc biệt nhấn mạnh về sự chỉ đạo, điều hành thực hiện hệ thống các giải pháp của Chính phủ trong việc chặn đà suy giảm kinh tế và các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, mặc dù chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 đến nay, nhưng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã ngăn chặn được suy giảm và dần tạo được đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm... Các giải pháp khống chế lạm phát, hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư của Chính phủ và việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả thực tế, giúp nhanh chóng ổn định tình hình, đưa nước ta vượt thoát khủng hoảng, bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý.

Có hơn 10 tham luận được trình bày tại Hội thảo của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tài chính - kinh tế cùng nhiều ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng, hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn vẫn còn phức tạp. Do vậy, kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm 2009 và giai đoạn tiếp theo vẫn đối diện với nhiều khó khăn và diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới.

Những nguy cơ đối với nền kinh tế nước ta như xuất khẩu giảm, nhập siêu cao, tái lạm phát… vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm phục vụ tích cực, hiệu quả nền kinh tế trong thời gian tới là một vấn đề “nóng”, cần được bàn luận thấu đáo.

Từ đánh giá thực trạng của nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô cũng như vi mô, các chuyên gia, các nhà quản lý đã sôi nổi thảo luận và đưa ra những đề xuất, kiến nghị về những chủ trương, giải pháp mới phù hợp với biến động của nền kinh tế nước ta trong thời gian trước mắt và cả cho thời kỳ sau suy giảm có được sự hồi phục nhanh chóng./.