Những “bức tường” mới mọc lên sau khi Bức tường Béc-linh sụp đổ
TCCSĐT - Kể từ khi Bức tường Béc-linh sụp đổ, sự cạnh tranh và xung đột mới về địa - chính trị, xung đột sắc tộc - tôn giáo và mâu thuẫn do khoảng cách giàu - nghèo ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng gia tăng. Những “bức tường” mới mọc lên trong 20 năm qua khó có thể được dỡ bỏ trong một sớm một chiều, thậm chí có thể phải cần tới hàng thế kỷ.
Là biểu tượng của “chiến tranh lạnh”, sự kiện Bức tường Béc-linh sụp đổ ngày 9-11-1989 được coi là dấu mốc kết thúc sự đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới và giữa hai khối quân sự lớn nhất hành tinh - khối NATO và khối Vác-xa-va, đồng thời mở đầu cho những thay đổi không chỉ ở Đức mà cả châu Âu. Ban đầu, dư luận cho rằng, từ đây không còn phân tuyến chia cắt châu Âu, nhưng trên thực tế đã không diễn ra như vậy.
Sau khi Bức tường Béc-linh sụp đổ, Liên minh quân sự của Hiệp ước Vác-xa-va giải thể nhưng Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tồn tại. Cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (cha) hứa với cựu Tổng thống Liên Xô M. Goóc-ba-chốp rằng, “NATO sẽ không tiến về phía Đông dù chỉ là một mét”! Nhưng lời hứa đó “không cánh mà bay”. Theo chủ trương chiến lược từ Oa-sinh-tơn, các nước trước đây đã từng là thành viên khối Vác-xa-va được kết nạp vào NATO, trong đó có các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây như Lít-va, Lát-vi-a và E-xtô-ni-a. Giờ đây, cả U-crai-na và Gru-di-a đang “xếp hàng” để đến lượt được kết nạp vào NATO.
Mỹ chủ trương dựng lên một “bức tường” khác nhằm chia cắt châu Âu. Chủ trương đó đã dẫn tới hai nhóm mâu thuẫn:
Một là, mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu cũ” gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, v.v. đang có xu hướng “ly khai” khỏi quỹ đạo của Mỹ, với các nước trong khối “châu Âu mới” gồm các nước Đông Âu vừa mới gia nhập NATO như Ba Lan và Cộng hoà Séc, v.v. có xu hướng gắn bó ngày càng chặt chẽ với Mỹ. Trong khi các nước “châu Âu cũ” từng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở I-rắc, thì các nước “châu Âu mới” nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến này.
Hai là, mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu cũ” và “châu Âu mới” với Nga. Trong đó, các nước “châu Âu mới” một thời đã từng là đồng minh của Nga thì nay mâu thuẫn gay gắt hơn nhiều so với mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu cũ” với Nga. Để hiểu được “điều kỳ lạ” này, phải nhớ lại tuyên bố “nổi tiếng” của cựu Tổng thống G.W. Bu-sơ rằng, châu Âu bị chia rẽ sẽ dễ “cai quản” hơn một châu Âu thống nhất, hơn thế, lại là một châu Âu có Nga gia nhập. Vì thế, kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo do cựu Tổng thống G.W.Bu-sơ đề xướng bố trí trên lãnh thổ hai nước Ba Lan và Cộng hòa Séc thuộc khối “châu Âu mới” mà không cần tham khảo ý kiến của các đồng minh trong “châu Âu cũ”, được ví như “cái gai” không chỉ nhằm chia rẽ hai khối đồng minh của Mỹ ở châu Âu, mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu mới” với Nga. Việc Oa-sinh-tơn lập luận rằng, lá chắn tên lửa ở Đông Âu nhằm đối phó với nguy cơ tiến công bằng tên lửa tầm xa từ phía I-ran, theo giới phân tích, chỉ là sự ngụy biện, còn thực chất là dùng cái “ô an ninh” như thời “chiến tranh lạnh” để tập hợp các nước “châu Âu mới” trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, ở châu Âu còn hình thành một “bức tường” mới, gọi là “bức tường Shen-gen” (thực chất là Hiệp ước Shen-gen), theo đó, các công dân thuộc các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hung-ga-ri, các nước vùng Ban-tích được quyền tự do đi lại trên lãnh thổ các nước châu Âu, còn công dân các nước Nga và U-crai-na không có được quyền đó. Để có thể xuất nhập cảnh vào các nước châu Âu, công dân Nga và U-crai-na cần phải xin phép để được cấp thị thực nhập cảnh mà người ta gọi là “visa Shen-gen”. Như vậy, sau 20 năm Bức tường Béc-linh sụp đổ, ở châu Âu đang tồn tại những “bức tường” ngăn cách khác, khiến người ta có cảm nhận rằng, “chiến tranh lạnh” chưa bao giờ kết thúc đối với nước Nga. Đằng sau những “bức tường” mới đó là một cuộc chiến tranh khác biến tướng từ “chiến tranh lạnh”. Đó là cuộc chiến tranh địa - chính trị và địa - kinh tế ở châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Thực hiện chiến lược chiến tranh địa - chính trị, vừa đúng hai tháng sau khi Bức tường Béc-linh sụp đổ, cựu Tổng thống G.Bu-sơ (cha) ra lệnh điều 26 nghìn quân xâm lược Pa-na-ma, mở đầu chính sách sử dụng sức mạnh quân sự để giành giật lợi ích chiến lược về địa - chính trị. Năm 1991, Mỹ phát động cuộc chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích lần thứ nhất và đến năm 2003, phát động cuộc chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích lần thứ hai. Cả hai cuộc chiến tranh đều nhằm vào I-rắc. Giữa hai cuộc chiến tranh đó, Mỹ và NATO đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư vào cuối năm 1998, đầu năm 1999. Sau cuộc chiến tranh này, Mỹ đã dựng lên một nhà nước mới ở Cô-xô-vô - lãnh thổ thiêng liêng của người Xéc-bi ở Nam Tư. Năm 2001, mượn cớ tiến hành “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố”, Mỹ phát động cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan và tới nay vẫn còn bị sa lầy ở đó. Đồng thời, chính quyền của cựu Tổng thống G.W. Bu-sơ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa đã từng ký với Liên Xô năm 1972 - một hiệp ước đóng vai trò cực kỳ quan trọng bảo đảm an ninh và hoà bình trong quan hệ Mỹ - Liên Xô trước đây và Mỹ - Nga sau này.
Có thể thấy, những cuộc chiến tranh do Mỹ phát động trong 20 năm qua đều gắn liến với chiến lược địa - chính trị của Oa-sinh-tơn ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Đó là các khu vực Trung Đông (tâm điểm là I-rắc và I-ran), Trung Á (tâm điểm là Áp-ga-ni-xtan và các nước cộng hoà Xô-viết trước đây), Ban-căng (tâm điểm là Cô-xô-vô), biển Ca-xpi (tâm điểm là Gru-di-a), Bắc Cực, châu Phi, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, v.v.. Trong đó, “nóng” nhất vẫn là các khu vực Trung Đông, Ban-căng, Trung Á, biển Ca-xpi, châu Phi và Bắc Cực.
Ngoài những “bức tường” mọc lên do những toan tính về địa - chính trị, sau khi Bức tường Béc-linh sụp đổ, trên thế giới đang hình thành những “bức tường” do các thế lực phản động lợi dụng chủ nghĩa dân tộc dựng lên. Giôn Miếc-sây-mơ (John Mirsaymer), một đại diện của trường phái chủ nghĩa hiện thực chính trị mới và là một trong những người có thái độ dè chừng trước sự kiện Bức tường Béc-linh sụp đổ năm 1989 đã từng dự báo, trong không khí sôi động năm 1989, ít ai nghĩ rằng sự kiện Bức tường Béc-linh sụp đổ mở đầu sự thống nhất nước Đức sẽ để lại hậu quả chia rẽ thế giới đến kinh ngạc trong những năm sau đó. Trong 20 năm qua, ở châu Âu hình thành mới 20 quốc gia và ít nhất có 5 vùng lãnh thổ đang đòi thành lập nhà nước có chủ quyền. Trong gần một nửa trường hợp thành lập quốc gia mới đó đều kéo theo các cuộc xung đột đẫm máu, gây hận thù dân tộc và hình thành hố ngăn cách về chính trị - xã hội giữa các dân tộc đã từng cùng chung sống. Biểu tượng chia rẽ dân tộc đáng chú ý nhất là những chiếc cầu. Đó là cây cầu bắc qua sông I-bơ (Ibar) ở vùng Mi-trô-vi-xa của Cô-xô-vô chia cắt phần lãnh thổ của người An-ba-ni với người Xéc-bi chiếm đa số; cây cầu bắc qua sông In-gu-ri ngăn cách người Gru-di-a với người Áp-kha-di-a. Bốn cuộc chiến tranh ở Ban-căng, trong đó có sự tham gia của NATO và năm cuộc xung đột vũ trang trong không gian hậu Xô-viết, phần lớn là do xung đột dân tộc - sắc tộc bị các thế lực phản động xúi giục, kích động mà bùng phát.
Ngoài ra, còn một “bức tường” ngăn cách ngày một cao giữa cái giàu và cái nghèo của thế giới. Hai mươi năm qua, mặc dù quá trình toàn cầu hoá đã mang lại nhiều kết quả cho sự phát triển của thế giới nhưng vẫn chưa thể khắc phục được hố ngăn cách giàu - nghèo về chất lượng sống và mức sống ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Từ đó sinh ra những bức tường ngăn cách. Cách đây 20 năm, không ai nghĩ rằng nước Mỹ luôn tự cho mình cái quyền giương cao lá cờ “dân chủ” và “thị trường tự do” để chinh phục phần còn lại của thế giới, lại dựng lên những bức tường rào ngăn cách Mỹ với các nước láng giềng. Năm 2006, cựu Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ ký đạo luật an ninh nội địa, theo đó, Mỹ chi 1,2 tỉ USD để xây dựng bức tường nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ nước Mê-hi-cô láng giềng. Đến nay, bức tường đó vẫn đang tiếp tục được xây dựng và ngày một dài thêm. Cũng phải kể đến bức tường cao 6 mét nhằm ngăn chặn dòng người từ Ma-rốc tràn sang khu vực của người Tây Ban Nha sinh sống ở Xe-út tại Bắc Phi./.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010  (13/11/2009)
Khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai  (13/11/2009)
Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch lần thứ 4 ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam  (12/11/2009)
Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch lần thứ 4 ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam  (12/11/2009)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010  (12/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam