TCCSĐT- Với hơn 85% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010, trong đó ưu tiên giám sát tối cao các vấn đề giáo dục và cải cách hành chính.

Cuối buổi sáng 12-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Theo Nghị quyết, năm 2010, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề: 1. Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Báo cáo kết quả giám sát sẽ được trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy (khóa XII). 2. Giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám (khóa XII).

Theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2009 hoạt động giám sát đã được chú trọng hơn, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nội dung giám sát sát với thực tế, tập trung vào những vẫn đề bức xúc của cuộc sống. Việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri là một điểm mới, được cử tri hoan nghênh. Hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới. Công tác chỉ đạo điều hành hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tăng cường. Sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng chặt chẽ.

Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế: Chất lượng, hiệu quả của một số cuộc giám sát chưa cao; còn phụ thuộc nhiều vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; trách nhiệm và sự phối hợp, cộng tác của một số cơ quan chịu sự giám sát chưa cao. Kiến nghị sau giám sát chưa được tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh do chưa có chế tài đủ mạnh; việc theo dõi, đôn đốc sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa đi đến cùng vấn đề bức xúc; thời gian chất vấn còn hạn hẹp; việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn vẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa làm được nhiều. Một số đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn lúng túng, bị động trong giám sát. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát vẫn còn thiếu và yếu…

Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát./.