SKP - KPSS: Tổ chức kế tục Đảng Cộng sản Liên Xô
Năm 1991, khi Liên bang Xô-viết tan rã, Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như lực lượng cộng sản ở các nước cộng hòa Xô-viết lâm vào khủng hoảng toàn diện. Vấn đề cấp bách đặt ra là: tổ chức nào có thể thừa kế vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô? Trước tình hình thực tế của phong trào cộng sản ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Đại hội XXIX Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định thành lập Liên đoàn các đảng cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP - KPSS) - tổ chức kế tục Đảng Cộng sản Liên Xô.
1 - Quá trình thành lập
Ngày 13-6-1992, theo sáng kiến của nhóm các cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu là các đồng chí K.A. Ni-cô-lai-ép, A.A.Pri-ga-rin, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã được tổ chức. Hội nghị đã đưa ra quyết định khai trừ M.X.Goóc-ba-chốp ra khỏi Đảng, chấm dứt hoạt động của Bộ Chính trị Khóa XXVIII, đồng thời xúc tiến chuẩn bị triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20.
Ngày 10-10-1992, Hội nghị đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 đã được tổ chức tại Mát-xcơ-va, thông qua các quyết định của Hội nghị Trung ương, thảo luận về Cương lĩnh và Điều lệ mới của Đảng Cộng sản Liên Xô, quyết định triệu tập Đại hội XXIX Đảng Cộng sản Liên Xô.
Đại hội XXIX diễn ra vào tháng 3-1993. Tham dự Đại hội có 416 đại biểu chính thức đại diện cho các tổ chức cộng sản của các quốc gia như A-déc-bai-gian, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Liên bang Nga, Tát-gi-ki-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, Nam Ô-xê-ti-a, U-dơ-bê-ki-xtan, U-crai-na, E-xtô-ni-a và Priđ-ne-xtrô-vi-a.
Xuất phát từ tình hình thực tế của phong trào cộng sản ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Đại hội quyết định thành lập Liên đoàn các đảng cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP - KPSS). Đại hội thông qua Cương lĩnh, Điều lệ của Liên đoàn, bầu cơ quan lãnh đạo Trung ương với tên gọi Hội đồng Liên đoàn các đảng cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô. Đồng chí Ô. Sê-nin được bầu làm Chủ tịch Hội đồng.
Đại hội xác định công tác tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu với trọng tâm khôi phục, củng cố tổ chức, tăng cường hoạt động của Đảng Cộng sản ở các nước cộng hòa Xô-viết, liên kết các đảng trong khuôn khổ SKP - KPSS được thừa nhận là tổ chức kế thừa Đảng Cộng sản Liên Xô.
Từ tháng 3 đến tháng 7-1995, tại tất cả các nước cộng hòa, trừ Tuốc-mê-ni-xtan, các đảng cộng sản đều được khôi phục tư cách hợp pháp. Tuy nhiên, ở Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, ác-mê-ni-a, U-dơ-bê-ki-xtan cùng lúc có nhiều đảng cộng sản tuyên bố thành lập. Lúc này, trên lãnh thổ Liên Xô cũ có tới 26 đảng và tổ chức cộng sản, trong đó có 22 đảng, tổ chức với tổng số 1.300.000 đảng viên tham gia SKP - KPSS.
2 - Cương lĩnh và các hoạt động
Đại hội XXX của SKP - KPSS được tổ chức tại Mát-xcơ-va (tháng 7-1995). Đại hội thông qua Nghị quyết về Báo cáo chính trị của Hội đồng Trung ương; sửa đổi Cương lĩnh; điều chỉnh, bổ sung Điều lệ; tổ chức cơ chế làm việc của ủy ban Kiểm tra, giám sát Trung ương, bầu các cơ quan lãnh đạo của SKP - KPSS. Hội nghị liên tịch giữa Hội đồng và ủy ban Kiểm tra, giám sát Trung ương được tiến hành ngay sau Đại hội, nhất trí bầu đồng chí Ô. Sê-nin tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng.
Nghị quyết Đại hội XXX khẳng định: SKP - KPSS là một tổ chức quốc tế tự nguyện liên kết các đảng cộng sản hoạt động tại các quốc gia độc lập trên lãnh thổ Liên Xô cũ trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc của Điều lệ và cương lĩnh chung. Nhiệm vụ của các đảng viên cộng sản lúc này là tổ chức, phát động phong trào quần chúng rộng rãi đấu tranh nhằm khôi phục Liên bang Xô-viết dưới hình thức đổi mới, tích cực hỗ trợ một cách hiệu quả nhất cho ủy ban các dân tộc Liên Xô, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô-vanh và âm mưu chia rẽ dân tộc.
Cương lĩnh xác định những mục tiêu cơ bản của SKP - KPSS là: Đấu tranh nhằm khôi phục chính quyền nhân dân dưới hình thức các Xô-viết đại biểu của người lao động, Xô-viết của các tập thể lao động và các hình thức tự quản khác của nhân dân; bảo vệ người lao động về phương diện kinh tế - xã hội (bảo đảm sự công bằng xã hội, xóa bỏ mọi hình thức bóc lột và áp bức dân tộc; bảo đảm cho người lao động quyền có việc làm, quyền được trả công tương xứng với kết quả lao động, khôi phục lại chế độ giáo dục, chăm sóc sức khỏe miễn phí, quyền có nhà ở, quyền được nghỉ ngơi, an toàn cá nhân và các bảo đảm xã hội khác cho cư dân; gắn chặt quyền với nghĩa vụ công dân); đưa đất nước trở lại con đường xã hội chủ nghĩa (khôi phục hình thức sở hữu xã hội đối với các tư liệu sản xuất cơ bản, thiết lập chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đích thực, thực hiện các bước quá độ để tiến tới xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa); khôi phục nhà nước liên bang của các dân tộc Liên Xô dưới hình thức mới (ở đó, các hình thái đa dạng về sở hữu, tổ chức sản xuất với vai trò chủ đạo của hình thức sở hữu xã hội, thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể đều được phát triển; các nguyên tắc tổ chức nhà nước liên bang của các dân tộc anh em được tuân thủ; vai trò của các Xô-viết đại biểu nhân dân lao động được tăng cường; quyền tự chủ của các quốc gia thành viên liên quan đến những vấn đề nội bộ nước cộng hòa được tăng cường; đồng thời, trách nhiệm, nghĩa vụ của các nước cộng hòa đối với nhà nước liên bang cũng được đề cao và thể chế hóa rõ ràng).
Nhằm đạt các mục tiêu trên, trước hết, SKP - KPSS tăng cường phối hợp hoạt động giữa các đảng thành viên trong Liên đoàn; tích cực hỗ trợ quá trình thống nhất các lực lượng cộng sản ở từng nước cộng hòa; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và thông tin; mở rộng quan hệ quốc tế của các đảng thành viên.
Phương thức hoạt động chủ yếu của SKP - KPSS hướng tới tổ chức các hội nghị, đại hội quốc tế và phong trào xã hội khác trong khuôn khổ luật pháp của các nước cộng hòa nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đảng, tổ chức, phong trào thành viên; đưa ra những kiến nghị, đề xuất với các đảng thành viên về những vấn đề chung trong hoạt động của các đảng; tuyên truyền cho hoạt động của SKP - KPSS; tổ chức hàng loạt cuộc gặp mặt lãnh đạo, các cơ quan thông tấn, báo chí của các đảng, tổ chức, phong trào cộng sản thành viên.
Trong khoảng thời gian giữa Đại hội XXIX và XXXI của SKP - KPSS, tại các nước cộng hòa, các lực lượng cộng sản được cơ cấu, tổ chức lại. Do vậy, trước thềm Đại hội XXXI, trong thành phần SKP - KPSS có 19 đảng và tổ chức cộng sản thành viên chính thức cùng 2 quan sát viên.
Tháng 11-1998, SKP - KPSS tiến hành Đại hội lần thứ XXXI tại Mát-xcơ-va. Đây là lần đầu tiên SKP - KPSS tiến hành đại hội với tư cách một đảng chính trị được đăng ký chính thức tại Bộ Tư pháp Bê-la-rút. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, Tuyên bố chính trị, Nghị quyết về việc bảo vệ thi hài và Lăng Lãnh tụ V.I. Lê-nin, đấu tranh chống các hành động truy bức chính trị đối với đảng viên cộng sản và các nhà hoạt động trong phong trào công nhân, chống kế hoạch hiếu chiến của NATO.
Tháng 4-1997, Chính phủ Liên bang Nga và Bê-la-rút ký Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên bang Nga - Bê-la-rút. Sự kiện này đã đặt ra nhiệm vụ mới cho các lực lượng cộng sản hai nước là thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất trong khuôn khổ Nhà nước Liên bang Nga - Bê-la-rút. Tuy nhiên, lúc này ở Nga cũng như ở Bê-la-rút cùng tồn tại nhiều tổ chức cộng sản. Thêm vào đó, tiến trình thành lập nhà nước liên bang lại bị nhiều thế lực bên trong và bên ngoài tìm mọi cách ngăn cản. Trong bối cảnh như vậy, Hội đồng Trung ương SKP - KPSS khuyến cáo nhiệm vụ trước mắt của các lực lượng cộng sản ở hai nước là nỗ lực thống nhất các tổ chức cộng sản trong phạm vi từng nước; tiếp đến, triển khai các bước cần thiết nhằm thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất trên lãnh thổ Nga và Bê-la-rút trong khuôn khổ SKP- KPSS.
3 - Để có một tổ chức kế tục Đảng Cộng sản Liên Xô
Từ đầu năm 2000, hoạt động của các cơ quan lãnh đạo trung ương SKP - KPSS bị đình trệ nghiêm trọng, nguyên tắc lãnh đạo tập thể bị vi phạm. Nguy hại hơn là chính Chủ tịch Ô. Sê-nin và ba Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương SKP - KPSS công khai hành động nhằm chia rẽ nội bộ, phá vỡ sự thống nhất không chỉ của SKP - KPSS mà của cả Đảng Cộng sản Liên bang Nga, thành viên chủ chốt trong SKP - KPSS. Hội đồng Trung ương SKP - KPSS đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả mà những hoạt động bè phái, phân liệt của nhóm Sê-nin có thể gây ra cho toàn bộ phong trào cộng sản trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Bất chấp lời cảnh báo, nhóm Sê-nin tiếp tục hoạt động công khai, ráo riết hơn. Tháng 7-2000, mặc dù không có sự ủy quyền của Hội đồng Trung ương SKP - KPSS, nhóm Sê-nin vẫn tự ý triệu tập "đại hội", tuyên bố thành lập "Đảng Cộng sản Liên bang Nga-Bê-la-rút". Tuy nhiên, không có tổ chức cộng sản nào của Nga và Bê-la-rút cử đại biểu tham dự. Theo đánh giá của Hội đồng Trung ương SKP - KPSS, mục tiêu của nhóm Sê-nin nhằm phá vỡ sự thống nhất nội bộ, chiếm đoạt một số tổ chức cơ sở của Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Song, trước sự tấn công phá hoại của những phần tử bè phái, Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn đứng vững và siết chặt hơn đội ngũ của mình. Tháng 9-2000, lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên bang Nga ra quyết định khai trừ
Ô. Sê-nin và các đồng sự của ông ta. Hội nghị kết luận: việc thành lập Đảng Cộng sản Liên bang Nga- Bê-la-rút ngoài khuôn khổ SKP - KPSS, không có sự tham gia của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Cộng sản Bê-la-rút là một sai lầm chính trị, gây nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của phong trào cộng sản trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Hội nghị cũng quyết định bãi miễn Ô. Sê-nin và các cộng sự của ông ta khỏi chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương SKP- KPSS do hoạt động bè phái và những vi phạm nghiêm trọng Điều lệ SKP - KPSS. Hội nghị nhất trí bầu đồng chí G. Diu-ga-nốp làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương SKP - KPSS; đồng thời ra Nghị quyết về củng cố SKP - KPSS, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Trung ương SKP - KPSS. Với những quyết định cương quyết và kịp thời, Hội nghị đã loại trừ nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của SKP - KPSS.
Ngày 27-10-2001, tại Mát-xcơ-va, SKP - KPSS đã tiến hành Đại hội lần thứ XXXII. Đại hội ra "Lời kêu gọi gửi nhân dân các nước anh em", thông qua Nghị quyết về giai đoạn hiện nay của toàn cầu hóa, về nguy cơ bùng phát chiến tranh thế giới mới. Đại hội tiến hành bầu Hội đồng Trung ương và các cơ quan lãnh đạo Trung ương khác của SKP - KPSS. Ngay sau Đại hội, Hội đồng Trung ương họp và bầu đồng chí G. Diu-ga-nốp tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng.
Tháng 12-2004, SKP - KPSS đã tiến hành Đại hội lần thứ XXXIII, thông qua nghị quyết, xác định nội dung công tác chủ yếu cho những năm tiếp theo, bao gồm: Một là, tăng cường công tác thanh niên: lãnh đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thanh niên cộng sản xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực tế với mục tiêu tăng số lượng ứng cử viên trẻ tuổi đại diện cho đoàn thanh niên cộng sản trong các cuộc bầu cử vào cơ quan chính quyền các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đảng viên trẻ, mạnh dạn trao cho họ vị trí lãnh đạo tổ chức đảng các cấp. Hai là, tổ chức 60 năm ngày Chiến thắng phát-xít của nhân dân Xô-viết trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: triển khai nhiệm vụ đấu tranh, vạch rõ âm mưu của những thế lực phản động xuyên tạc lịch sử nhằm bôi nhọ Hồng quân Liên Xô, bôi nhọ Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô, từ đó hạ thấp, đi tới phủ nhận cống hiến vĩ đại của các dân tộc Xô-viết trong việc đập tan chủ nghĩa phát-xít; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp đông đảo nhân dân nhận rõ nguyên nhân đích thực dẫn đến thắng lợi của các dân tộc Xô-viết trong chiến tranh; tăng cường hoạt động trong và ngoài nghị trường, đấu tranh bảo vệ quyền lợi, các chế độ ưu đãi cho các cựu chiến binh, cho những người có công với đất nước. Ba là, phối hợp với các đảng thành viên kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười.
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, phải đối mặt với vô vàn thách thức, bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản, bị các phần tử cơ hội trong nội bộ tấn công, song với nỗ lực, quyết tâm hành động vì mục tiêu khôi phục, củng cố tình đoàn kết, phối hợp hoạt động của các lực lượng cộng sản trên lãnh thổ Liên Xô cũ, SKP - KPSS ngày càng khẳng định là một tổ chức kế tục vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô./.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản - thực trạng và những vấn đề đặt ra  (08/12/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 1-12 đến 7-12-2008)  (08/12/2008)
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ  (07/12/2008)
Cây xanh đô thị - nhu cầu thiết yếu của các thành phố lớn  (06/12/2008)
Việt Nam với những nỗ lực ấn tượng  (06/12/2008)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm