Giá trị của mảng xanh trong đời sống đô thị

Cây xanh là một yếu tố tạo nên diện mạo và đời sống đô thị. Trong nhiều trường hợp, niềm tự hào của công dân về thành phố không phải là tăng trưởng kinh tế, công trình cao tầng mà lại là cây xanh. Càng ngày người ta càng khám phá ra các gíá trị khác của cây xanh trên tất cả các phương diện sinh học, kỹ thuật, kinh tế và văn hoá xã hội. Ngoài các gíá trị đã được biết đến như cung cấp ô-xy, ngăn và lọc bụi, giảm tiếng ồn, tạo ra vi khí hậu, còn rất nhiều giá trị khác mà người ta không thể ngờ tới. Chẳng hạn, công viên cây xanh làm cho quan hệ cộng đồng gắn bó hơn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các công viên cây xanh chính là một môi trường mở, tạo điều kiện cho dân cư khác nhau về dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp gặp gỡ nhau, trò chuyện, chi xẻ và thấu hiểu nhau hơn. Một khu dân cư không thể được coi là “sống được” nếu không có công viên cây xanh.

Cây xanh làm giảm đi đáng kể các loại bệnh tật, đặc biệt là đối với các bệnh tật do sức ép căng thẳng của đời sống xã hội công nghiệp mang lại. Trong xã hội đô thị, con người luôn sống thường trực trong tình trạng bị “căng kéo” và “dồn nén”. Vì thế, cần phải tìm ra cách thức để giải tỏa. Một trong những cách thức đó là công viên, cây xanh, không gian công cộng.

Người ta có thể chấp nhận một thành phố không có khách sạn 5 sao, nhưng không thể chấp nhận một thành phố trần trụi, không có cây xanh. Một thành phố không (hay ít) cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn dạo chơi bị coi là thành phố thiếu sức sống, không có “hồn” và hơn cả là thiếu không gian văn hoá.

Thái độ đối với mảng xanh

Ai cũng thấy được giá trị của mảng xanh (có thể ít hay nhiều), nhưng có được nhận thức, thái độ ứng xử và hành động đúng thì không phải là tất cả.

Giai đoạn đầu khi công nghiệp hoá và đô thị hoá, các thành phố thiếu nhà ở trầm trọng do lực lượng lao động đổ dồn về các thành phố lớn cho nên chính quyền tập trung phát triển nhà ở và các công trình khác. Lúc này, cây xanh, công viên chỉ là một phần phụ không quan trọng. Chính tư duy này đã sản sinh ra rất nhiều các khu phố, khu nhà không có cây xanh, không có đất dành cho công viên. Nhưng 15-20 năm sau, khi đời sống kinh tế khá lên mới thấy hành động đó là sai lầm nghiêm trọng và việc sửa chữa vô cùng tốn kém. Thực tế cho thấy, các thành phố lớn của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan, Phi-lip-pin, Việt Nam là ví dụ điển hình.

Các thành phố được hình thành hàng trăm năm trước là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp nên nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là thiếu hẳn kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại tương thích cũng như hệ thống dịch vụ tiện ích. Do vậy, khi chuyển từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp đô thị hiện đại, hầu như tất cả các thành phố này đều trải qua giai đoạn quan trọng là nâng cấp, chỉnh trang phần nội thị. Nhưng trớ trêu, diện tích dành cho cây xanh bị giảm đi rất nhiều. Để khắc phục sự đã rồi này, người ta buộc phải thay thế bằng các loại cây trồng trong chậu, treo trên ban công, và trồng cây phân tán trên các trục đường mang ý nghĩa trang trí hơn là giá trị sử dụng thực.

Tình trạng cây xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh

Khi xếp hạng thành phố thì cây xanh được coi là một trong số các tiêu chí thuộc nhóm hàng đầu, đứng trên cả tiêu chí giá cả sinh hoạt.

So sánh với tiêu chí mảng xanh của các thành phố châu Á thì Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở nhóm cuối cùng. Tiêu chuẩn cây xanh ở đô thị châu Âu là 12-15 m2/người, ở đô thị châu Á là 8-10 m2/người, trong khi đó ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có là 0,5-0,7 m2/người (trong báo cáo của cục thống kê thành phố là 2,3 m2/người là tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ). Một vài biểu hiện cho thấy:

- Sau hơn 15 năm chỉnh trang quận 1 và quận 3, diện tích dành cho cây xanh giảm đi hơn 60%. Tất cả các biệt thự của quận 3 với diện tích cây xanh khuôn viên chiếm 40%, khi chuyển đổi công năng thành nhà phố, hầu như tất cả các diện tích cây xanh khuôn viên bị triệt phá. Các tòa cao ốc xây mới nhưng không hề có m2 đất nào dành cho cây xanh.

- Ở các khu dân cư mới hình thành sau năm 1990, cây xanh tập trung hầu như không có. Cụ thể là, khu dân cư Bầu Cát 1 và 2, khu dân cư An Phú-An Khánh. Duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ có Phú Mỹ Hưng là đảm bảo cây xanh và mảng xanh trên đầu người theo tiêu chuẩn châu Á.

- Cây xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh ít và phân tán. Các khu cây xanh tập trung là nơi nghỉ ngơi thư giãn vào lúc rảnh rỗi, nhất là vào cuối tuần cho người dân. Các khu rừng cây tập trung có giá trị rất cao trong việc điều hòa khí hậu như lá phổi của thành phố, trong khi đó, ở khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, cây xanh tập trung rất ít, các công viên chỉ đếm không quá một bàn tay. Các cây xanh phân tán trồng trên các vỉa hè rất nhỏ (thường là dưới 2 mét) không mang lại mấy giá trị nào, mà nhiều khi lại làm cản trở tầm nhìn của người đi đường, cản trở người đi bộ, phá hỏng vỉa hè.

Một vài giải pháp tăng mảng xanh của Thành phố Hồ Chí Minh

Một vài giải pháp dưới đây như một sự gợi mở cho các nhà quản lý đô thị, qui hoạch gia và kiến trúc sư tham khảo:

Tư duy lại về giá trị cây xanh và mảng xanh đô thị. Việc dành đất cho công viên, cây xanh ở các dự án phải được luật hoá, không nên kêu gọi lòng từ tâm của các nhà đầu tư. Tăng cường kiểm soát và chế tài để đảm bảo các chỉ tiêu cây xanh, công viên được đảm bảo thực hiện đúng luật. Đặc biệt là khi phát triển các khu dân cư mới ra bên ngoài ở khu vực ngoại thành thì không có lý do gì lại bỏ qua việc đầu tư cho công viên, cây xanh.

Mảng xanh đô thị không chỉ là cây xanh mà còn là mặt nước. Chính vì không coi mặt nước thuộc mảng xanh đô thị cho nên các cơ quan chức năng đóng vai trò quản lý nhà nước rất dễ dãi trong việc cho lấp các ao, hồ, kênh rạch để làm các công trình. Các ao, hồ, kênh rạch không chỉ có giá trị trong việc thoát nước chống ngập mà nó có giá trị trong điều tiết vi khí hậu.

Chú trọng phát triển cây xanh tập trung hơn cây xanh phân tán. Cây xanh tập trung có lợi về kinh tế, và văn hoá – xã hội hơn là cây xanh phân tán.

Kiên quyết giữ lại các công viên, các dải cây xanh ở các quận trung tâm như 1,2,5 và một phần quận 4 (trong kế hoạch mở rộng khu vực trung tâm), nếu phải bỏ đi để làm công trình công cộng thì phải thực hiện nguyên tắc “bù”. Nguyên tắc bù này cũng áp dụng đối với các ao hồ, kênh rạch.

Tạo dựng mảng xanh theo chiều thẳng đứng. Do đất chật, người đông nên cần tạo dựng các mảng xanh trên nóc nhà, sân thượng, các dải mành cây theo sườn nhà. Tạo ra các hình thái cây xanh mới như công viên trên cao, tức là các công viên được thiết lập trên các cầu không gian nối giữ hai toà nhà gần nhau, các toà nhà cao tầng (từ 20 tầng trở lên) thì cứ cách một số tầng nhất định (5-7 tầng) sẽ để ra một tầng trống, không có người ở, làm công viên và nơi sinh hoạt cộng đồng.

Cây xanh là một phần của cơ thể đô thị, trong xã hội hiện đại, vai trò của nó ngày càng trở nên quan trọng. Nhận thức đúng và hành động đúng là một đòi hỏi đặt ra trước hết cho các nhà chính trị, cho các nhà quản lý đô thị, sau đó là đến giới chuyên môn như các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và cho tất cả mọi người dân ý thức chung tay xây dựng một thành phố to hơn, đẹp hơn và xanh hơn./.