TCCSĐT - Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, ngay sau những ngày nghỉ Tết, các địa phương đã có các hình thức tổ chức phù hợp để nhân dân đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ngày 25-2, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ban ngành, hiệp hội,…

Các đại biểu cho rằng những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thực tiễn kiểm nghiệm cần được tiếp tục kế thừa, xác định những vấn đề bất cập cần được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và các văn kiện khác của Đảng, Nhà nước cho phù hợp với tình hình mới.

Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung Chương X quy định về: Hội đồng Hiến pháp, Bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.

Tên gọi Hội đồng Hiến pháp với vai trò cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong viêc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nhưng yêu cầu cần xác định rõ đây là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; không chỉ có quyền “kiến nghị, đề nghị, yêu cầu” mà còn cần phải có quyền “quyết định hủy bỏ” văn bản vi hiến.

Luật sư Lê Xuân Hạc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đà Nẵng nêu rõ thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp cần được quy định rõ trong Hiến pháp. Vai trò và thành phần của Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo chưa phù hợp bởi đây là Hội đồng độc lập, thành phần cần phải có đại diện phía Chủ tịch nước, tư pháp bên Tòa án, lập pháp bên Quốc hội. Đây là một cơ quan bảo hiến độc lập, không phải là cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, TS. Lê Ra, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng, cho rằng điểm mới trong Dự thảo là đã thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước”. Tuy nhiên, các chế định về bộ máy nhà nước trong Dự thảo quy định việc phân công, phối hợp, kiểm soát này chưa được rõ ràng.

Đối với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp cần xác định vị trí của Viện Kiểm sát Nhân dân cùng với Tòa án Nhân dân là cơ quan thực hiện quyền Tư pháp. Theo đó, Khoản 1 Điều 112 Dự thảo cần sửa đổi lại là: “Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp”. Đồng thời, ông Lê Ra đề nghị khôi phục lại chức năng “kiểm sát việc tuân theo pháp luật về kinh tế - xã hội” của Viện Kiểm sát Nhân dân để bảo đảm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo như Điều 2 Dự thảo đã quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các cấp ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ tiếp tục tổ chức thêm một Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào ngày 4-3-2013 để làm sao tổng hợp được rất nhiều ý kiến của mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày 25-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10 mở rộng để thống nhất nội dung báo cáo kết quả góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước, sau gần 2 tháng tổ chức triển khai lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã nhận được ý kiến đóng góp của 12 tổ chức và 15 cá nhân trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân.

Tại Hội nghị này, các đại biểu tiếp tục phát biểu đóng góp sửa đổi, bổ sung vào bản Dự thảo; đồng thời tiếp tục triển khai và tiếp nhận đóng góp ý kiến từ nay đến hết ngày 31-3 tới. Cũng tại Hội nghị, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã được triển khai.

Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo kế hoạch, thời gian tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 4-1 vừa qua đến hết ngày 31-3 tới, với các nội dung cần thảo luận, góp ý: chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Hình thức lấy ý kiến được thực hiện bằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từng cấp chủ trì phù hợp với các nội dung góp ý và đối tượng tham gia; đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân. Đối tượng lấy ý kiến góp ý cho Hiến pháp gồm hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp; các tổ chức thành viên và nhân dân; hội đồng tư vấn về dân chủ tư pháp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, chức sắc tôn giáo trong tỉnh.

Nhiều đại biểu đã thống nhất đẩy mạnh lấy ý kiến đóng góp ở các cấp hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, với việc triển khai thực hiện rộng rãi và kết hợp với các đơn vị khác để bảo đảm kịp tiến độ.

Ông Đinh Văn Tiếng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp, hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc thực hiện công tác này hiệu quả.

Thực hiện theo kế hoạch trên, mới đây tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Hội nghị, cán bộ, công nhân, viên chức ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành như quyền con người, gia đình, lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Chiều 25-2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kỳ họp chuyên đề tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có 15 ý kiến, tham luận trực tiếp của các đại biểu.

Hầu hết các ý kiến tại kỳ họp đều thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao việc chuẩn bị bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều điểm mới, bố cục, kết cấu chặt chẽ, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh; việc bổ sung những điểm mới góp phần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn.

Nhiều đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, góp ý, đề xuất với các điều, khoản trong Dự thảo sửa đổi như: lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, thẩm quyền của Quốc hội...

Để việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thuận lợi, ngoài việc chuẩn bị các tài liệu bằng văn bản, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn đăng tải trên trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đồng thời tỉnh phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục để các tầng lớp nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến của mình một cách công khai, dân chủ, thể hiện nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Sau hội nghị này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để Ban chỉ đạo của tỉnh tập hợp gửi đến Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, yêu cầu thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, đơn vị mình bảo đảm đúng mục đích, nội dung, chất lượng và thời gian.

Chậm nhất đến ngày 15-3, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ.

Ngày 25-2, Tỉnh đoàn Hà Giang đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đồng chí bí thư, phó bí thư Đoàn các huyện, thành phố và các cơ sở Đoàn trực thuộc; đoàn viên thanh niên có trình độ chuyên môn về pháp luật, trực tiếp công tác trong các ngành nội chính của tỉnh Hà Giang đã tham gia Hội thảo.

Tại Hội thảo, đoàn viên, thanh niên đã tập trung nghiên cứu và thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các thủ lĩnh thanh niên có chuyên môn sâu về chuyên ngành luật đã tập trung nghiên cứu thảo luận về Dự thảo Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến đóng góp sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội và những vấn đề mà đoàn viên thanh niên quan tâm sẽ được Tỉnh đoàn Hà Giang tổng hợp và gửi đến các cấp, các ngành liên quan.

Hiện tại, các đoàn thanh niên khối lực lượng vũ trang của tỉnh; các huyện đoàn, thành đoàn trực thuộc; các chi đoàn, đoàn cơ sở trong toàn tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai kế hoạch lấy ý kiến của đoàn viên thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ tỉnh đoàn đến cơ sở.

Lãnh đạo các huyện đoàn, thành đoàn, đoàn thanh niên khối lực lượng vũ trang nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để triển khai rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, kiên quyết không để kẻ xấu, đối tượng thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ngay trong những ngày này, các cơ sở đoàn cấp huyện, thành phố của Hà Giang cũng sẽ thông qua sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... để tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi)./.