Xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh - hướng khắc phục tình trạng quá tải của bệnh viện hiện nay

PGS, TS, Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế
18:42, ngày 26-02-2013
TCCSĐT - “Chống quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2013”. Ðề án 1816(1) và Ðề án xây dựng mạng bệnh viện vệ tinh đang được Bộ Y tế triển khai nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên cùng với việc nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới được coi là giải pháp tích cực.

Năm 2012, việc giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện được ngành Y tế đặc biệt coi trọng, bước đầu đã đạt được một số kết quả: hơn 1.350 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng, bao gồm 500 giường tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, 300 giường ở cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K, 200 giường tại cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 150 giường tại Bệnh viện Bạch Mai... Ngày 16-12-2012, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy quy mô 250 giường… 

Để việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đi đôi với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn xã hội hóa... đầu tư cho một số bệnh viện trọng điểm, đồng thời chỉ đạo các bệnh viện đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xây dựng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức,… Việc cử cán bộ y tế tuyến trên luân phiên hỗ trợ tuyến dưới (theo Đề án 1816) cũng được chú trọng với hàng ngàn lượt cán bộ từ tuyến trên được tăng cường cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Cán bộ y tế luân phiên đã khám, điều trị cho hơn 1,1 triệu lượt bệnh nhân, trực tiếp thực hiện 23.365 ca phẫu thuật góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến không phù hợp. Ngoài ra, ngành Y tế còn tập trung xây dựng và áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới trong quản lý chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, quản lý hành nghề ngành Y ngoài công lập. Đặc biệt, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị cho việc ghép tạng, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán hình ảnh..., đã đạt ngang trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Năm 2012, Viện Tim mạch quốc gia đã áp dụng phương pháp “phẫu thuật không kháng sinh” đạt hiệu quả cao (chỉ dùng 3g kháng sinh dự phòng và không dùng kháng sinh sau phẫu thuật)... Nhờ vậy, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế đã được cải thiện, thời gian điều trị rút ngắn, góp phần tích cực trong việc giảm quá tải đối với bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện Trung ương và khu vực.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế thì thời điểm cuối năm 2012 tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và tại các thành phố lớn vẫn còn ở mức cao, nhất là ở các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi... Để từng bước tháo gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Trong năm 2013, ngành Y tế sẽ tập trung triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 (được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt ngày 9-1-2013). Giai đoạn 2013 - 2015 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án từ Trung ương đến địa phương”. Năm 2013, công tác giảm quá tải bệnh viện đang tập trung cho các chuyên khoa quá tải trầm trọng ở bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng mới một số bệnh viện trên địa bàn như: Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở II, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản cơ sở II, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm... Cùng với đó, Hà Nội sẽ triển khai việc xây dựng, phát triển mô hình các tổ hợp công trình y tế đa chức năng (nghiên cứu, đào tạo, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế...) có tầm cỡ quốc tế tại cụm đô thị Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phát triển thành các cụm y tế tại 4 cửa ngõ của thành phố. Dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng thêm 4.300 giường bệnh cho các khu vực cửa ngõ thành phố. Hoàn thành đầu tư đối với các dự án xây dựng mới hoặc xây dựng cơ sở 2 cho các Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu và một số bệnh viện khác. Trong năm 2013 ngành Y tế cũng sẽ triển khai đồng loạt các đề án như: thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, thực hiện tốt hoạt động luân chuyển cán bộ, tăng cường nhân lực cho tuyến dưới... để giảm tải cho y tế tuyến trên. Tuy vậy, những nội dung nêu trên vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, là: 

- Về mô hình bệnh tật: Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, hiện phải đối mặt với gánh nặng loại bệnh tật kép. Tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao như nhóm các bệnh lây nhiễm chân tay miệng, quai bị, thủy đậu…

- Về nguồn nhân lực: Số lượng nhân lực y tế thực thi trong việc khám chữa bệnh còn thiếu nhiều so với định mức biên chế và nhu cầu thực tế. Số bác sỹ trong cả nước mới đạt 6,59 bác sỹ/1 vạn dân. Đây là một chỉ số thấp so với nhiều nước trong khu vực. Phân bố nhân lực y tế không đồng đều và tình trạng thiếu nhân lực y tế ở tuyến dưới, nhất là thiếu các bác sỹ có trình độ cao ở các chuyên khoa: Nhi, Tâm thần, Lao,...

- Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế. Cán bộ có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng trọng điểm có hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Đa số cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn làm việc trong môi trường trang thiết bị máy móc khám chữa bệnh thiếu thốn, lạc hậu, không có thầy hướng dẫn, không có điều kiện tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến, điều kiện học tập khó khăn dẫn tới trình độ chuyên môn hạn chế. Vì vậy, ở tuyến dưới, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh kém hơn hẳn các vùng đô thị. Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại của người dân tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển cũng rất khó khăn.

Vấn đề quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm. 2 - 3 người bệnh chung một giường là tình trạng phổ biến ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120 - 160%, đặc biệt tại các bệnh viện Trung ương ở hai thành phố lớn đối với các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi… như bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, bệnh viện Từ Dũ… Công suất sử dụng giường vượt 165%, thậm chí trên 200%, trong khi đó quy mô giường bệnh không thể mở rộng, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (năm 2010 mới đạt 20,5 giường bệnh/vạn dân). Năng lực các bệnh viện tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người bệnh do thiếu cán bộ chuyên khoa, thiếu trang thiết bị vật tư kỹ thuật chuyên sâu; nhu cầu chính đáng của người bệnh về chăm sóc sức khỏe và chất lượng khám chữa bệnh không được đáp ứng cao. Hiện nay, điều kiện về giao thông đi lại thuận lợi hơn nên bệnh nhân nhanh chóng tới được các trung tâm lớn để được chi trả và thụ hưởng chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ khác cao hơn đối với một bộ phận dân cư.

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã thực hiện khá nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện tuyến Trung ương. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư ngân sách cho bệnh viện, thông qua việc tăng thêm chi tiêu giường bệnh kế hoạch; vay vốn ngân hàng hoặc liên doanh với đối tác trong nước và ngoài nước xây dựng thêm cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng quy mô bệnh viện; tăng cường điều trị ngoại trú; giảm ngày điều trị nội trú hợp lý; tích cực thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh; tăng số lượng phòng khám, giảm tải khoa khám bệnh; tăng ca, tăng giờ làm việc; triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh... 

Hai là, mở rộng các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua việc tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, đôn đốc, theo dõi đánh giá hiệu quả hoạt động chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên đối với các bệnh viện tuyến dưới, khắc phục dần những hạn chế về nhân lực, về năng lực y, bác sỹ tuyến dưới; luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816; xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh khu vực miền Bắc chuyên ngành Ngoại khoa, Nội khoa. Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 đã đạt được những kết quả cơ bản nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện, mở ra hướng đi tích cực.

- Về chuyên môn kỹ thuật: 46 quy trình kỹ thuật được chuyển giao, chuẩn hóa được 49 chương trình đào tạo, tổ chức được 143 khóa tập huấn cho 6.008 lượt học viên thuộc 14 bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến dưới khác. Bệnh viện Việt - Đức đã đào tạo được 46 phẫu thuật viên, 12 bác sĩ gây mê hồi sức, 40 điều dưỡng ngoại khoa, 23 y tá phụ gây mê và 25 y tá phòng mổ cho 6 bệnh viện vệ tinh; cung cấp trang thiết bị cho các phòng mổ, củng cố, mở thêm được 6 khoa ngoại tại 6 bệnh viện vệ tinh về ngoại khoa, hiệu quả Đề án được đánh giá qua việc tăng tỷ lệ bệnh nhân khám, điều trị về ngoại khoa, đặc biệt bệnh nhân phẫu thuật tại 6 bệnh viện vệ tinh tăng dần qua các năm, giảm tỷ lệ chuyển tuyến rõ rệt. Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao 46 quy trình kỹ thuật, xây dựng, hoàn thiện chuẩn hóa 49 chương trình đào tạo, biên soạn in ấn 5 bộ tài liệu chuyên môn, xây dựng được 204 hướng dẫn điều trị, tổ chức được 121 khóa đào tạo nâng cao năng lực 5.496 học viên của các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến dưới khác, tổ chức nhiều cuộc hội thảo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ bệnh viện vệ tinh; tổ chức nhiều loại hình đào tạo khác: đào tạo từ xa (E- learning), đào tạo tiền lâm sàng, kỹ năng mềm, phương pháp giảng dạy y học…

- Về trang thiết bị y tế cho bệnh viện vệ tinh, đã nâng cấp trang thiết bị hoàn chỉnh cho các bệnh viện được trang bị 03 phòng mổ đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại và hệ thống khí y tế đạt chuẩn. Dự án cũng cung cấp các hệ thống, dụng cụ phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, mạch máu hiện đại và đồng bộ. Bên cạnh việc trang bị cho khu mổ, Dự án cũng cung cấp trang thiết bị cho một đơn vị hồi tỉnh và hồi sức sau mổ. Mỗi bệnh viện vệ tinh được đầu tư gần 14 tỷ đồng tiền trang thiết bị hiện đại với chất lượng khá tốt. Tư vấn về trang thiết bị cho các bệnh viện vệ tinh, cung cấp nhiều trang thiết bị cho trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến của bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị.

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu.

Xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh hiện đang được ứng dụng phục vụ hoạt động chuyên môn, hội chẩn, tham vấn chuyên môn từ xa, thông tin tình hình chuyển tuyến, trao đổi, đào tạo… 6 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt - Đức được trang bị trang thiết bị đầu cuối giá trị 320 triệu đồng, đã có thể tích hợp với các thiết bị gây mê và phẫu thuật để truyền hình ảnh, âm thanh, thông số gây mê tới trung tâm tư vấn của bệnh viện Việt Đức. 

- Truyền thông giáo dục sức khỏe được nâng cao. Ngành Y tế đã xây dựng, phát hành nhiều tờ rơi, poster về các phác đồ điều trị, xử trí cấp cứu hỗ trợ các hoạt động chuyên môn; xây dựng mô hình điểm về truyền thông, giáo dục sức khỏe tại các bệnh viện vệ tinh; phát triển hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại bệnh viện vệ tinh và cộng đồng.

Việc triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vừa qua, cả nước đã có hơn 11.000 lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên. Bước đầu đã giảm tải từ xa được một phần cho bệnh viện tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương.

Cán bộ đi luân phiên đã hướng dẫn trao truyền kinh nghiệm, kỹ năng vốn có và đưa vào vận hành sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị y tế đắt tiền đã được trang bị nhưng chưa được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm thiểu lãng phí cho các cơ sở y tế. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới, cán bộ đi luân phiên còn học tập thêm những kiến thức thực tiễn về chuyên môn, quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho những cán bộ này. Nhờ trình độ chuyên môn năng lực cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao thêm, bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm thiểu chi phí của bệnh nhân trong điều trị và giảm chi phí đối với các cơ sở y tế trong thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Trong quá trình triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 ngành Y tế đang tích cực khắc phục những tồn tại và bất cập mà thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn, quy định bắt buộc thời gian 3 tháng/một cán bộ/một lần đi luân phiên chưa phù hợp, chưa đủ thời gian cho nhu cầu chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới vì có những quy trình kỹ thuật cần thời gian chuyển giao dài hơn, nhưng cũng có kỹ thuật chỉ cần dưới 3 tháng. Vì vậy đã xảy ra tình trạng đối phó trong quá trình thực hiện.

- Định mức quy định được cử 01 cán bộ đi luân phiên theo mức 50 giường kế hoạch đối với bệnh viện đa khoa và 30 giường đối với bệnh viện chuyên khoa là quá cao. Thực tế cho thấy hầu hết các đơn vị thực hiện đều ở mức dưới 100% định mức. Cần điều chỉnh để khi triển khai các đơn vị phải căn cứ nhu cầu tuyến dưới và khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên mới phù hợp. Ngoài ra, còn có tình trạng các bệnh viện tuyến trên do khảo sát không kỹ nhu cầu tuyến dưới nên đã cử cán bộ đi luân phiên không phù hợp, hiệu quả thấp.

- Trang thiết bị, số lượng và trình độ nhân lực tại chỗ ở các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế mà khó thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật mới, tiên tiến… Vì vậy, ngành Y tế cần tập trung vào những nội dung chủ yếu như: rút kinh nghiệm từ kết quả đạt được của Đề án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai để xây dựng và phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc; tập trung xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh đối với các chuyên khoa quá tải trầm trọng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 1816. Nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh một số quy định của Đề án 1816 chưa phù hợp. Phải đánh giá, khảo sát kỹ nhu cầu tuyến dưới và căn cứ vào khả năng đáp ứng của đơn vị để xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên, tập trung vào việc chuyển giao các gói kỹ thuật cho tuyến dưới về phương thức, cần lồng ghép với nội dung của Đề án Bệnh viện vệ tinh (đối với đơn vị trong danh mục xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh), lồng ghép với công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo theo Đề án 47, Đề án 930; phối hợp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình dự án, chương trình mục tiêu quốc gia./.

---------------------------------------------

(1) Đề án 1816 nhằm mục tiêu:

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, hỗ trợ nhân lực cho các bệnh viện tuyến dưới.

- Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2005 đến nay được thực hiện tại một số bệnh viện khu vực miền Bắc do Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thực hiện. Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức là nhằm tăng cường năng lực ngoại khoa cho 6 bệnh viện tuyến tỉnh phía Bắc về hai lĩnh vực phẫu thuật sọ não và phẫu thuật chấn thương (chi, bụng, ngực) nhằm giảm tình trạng quá tải của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đồng thời phát triển các trung tâm khu vực đủ khả năng giải quyết bệnh nhân chấn thương, góp phần phát triển ngành Ngoại khoa, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển các phẫu thuật chuyên sâu.