Những cái bắt tay!

Trần Quang Hiển
10:16, ngày 26-02-2013
TCCSĐT - Hằng ngày gặp nhau, bắt tay để chào hỏi đã trở thành một thói quen, đó là chuyện thường. Đến mức, người ta không để ý đến những thông điệp, tình cảm gì gửi gắm sau mỗi cái bắt tay.

Ở nhà hàng, quán ăn gặp nhau bắt tay bây giờ cũng trở thành chuyện thường ngày, thậm chí trong bữa nhậu, chúc nhau uống bia, uống rượu, cứ uống xong một ly, một vại họ lại bắt tay. Cái bắt tay đó để làm gì? Phải chăng thói quen bắt tay cứ lặp đi lặp lại có cái gì sang trọng, đẳng cấp, thể hiện và tôn cao vị trí của mình hay sao? Hành vi bắt tay đang diễn ra tràn lan trong cuộc sống. Ở cơ quan công sở sáng gặp nhau bắt tay chào, vào hội nghị lần lượt giơ tay bắt tay đồng nghiệp, lúc ra về lại tiếp tục bắt tay tạm biệt. Bắt tay là hành vi văn hóa, thế mà, trong thời buổi hội nhập này con người đã lạm dụng đến mức thái quá biến từ cái văn hóa đến cái không văn hóa. Vì vậy, xin đôi điều về cái “bắt tay”.

Về xuất xứ của bắt tay, chuyện kể lại rằng: ở giữa trời Âu thời tư bản phát triển, một đại gia nọ có hai quý tử. Khi người bố qua đời, không kịp để lại di chúc, ai cũng muốn giành phần hơn số của cải mà người cha để lại với những lý lẽ riêng. Không ai chịu ai, sinh ra cãi vã, lăng mạ nhau ngay trên bàn ăn. Anh cả lấy quyền huynh nóng gắt, đe dọa, cầm ngay con dao ăn, đánh phập, xuyên thủng mặt bàn. Người em nổi nóng, la hét, chửi bới. Bà hàng xóm thấy vậy vội vào can ngăn. Lời lẽ tình, lý của bà đã thức tỉnh lương tri hai anh em nọ, người anh rút vội con dao vứt xuống nền nhà, hướng về phía người em và chìa tay ra. Người em hiểu ý, vội đứng dậy đưa hai tay nắm bắt bàn tay anh. Thế rồi, họ bình tâm ngồi xuống, cùng nhau bàn bạc chia tài sản thấu lý đạt tình.

Cái bắt tay xuất phát từ phương Tây ở thời kỳ tư bản phát triển đã xâm nhập vào Việt Nam. Sử dụng nó, nên chăng phải hiểu ngọn ngành ý nghĩa của cái bắt tay. Bắt tay là nắm bàn tay người khác để thể hiện thiện chí và biểu lộ tình cảm ân cần của mình. Cử chỉ đẹp đó dần trở thành thói quen, hành vi văn hóa mỗi khi gặp nhau. Đây là hành vi văn hóa giao tiếp giữa người với người. Bắt tay là để thống nhất với nhau hành động; là một sự giao kèo (giao ước) thực hiện việc gì đó giữa hai người đã đồng tâm nhất trí. Bắt tay còn thể hiện sự thân thiện, đồng cảm với nhau, chia ngọt sẻ bùi, san sẻ nỗi buồn, vợi đi lòng thù hận và đớn đau… Có người còn nói, bắt tay còn nhằm nhận được những dụng ý của nhau, dụng ý ấy có thể là tâm đầu ý hợp hoặc dụng ý ấy chỉ là từ đơn phương một phía mà thôi.

Ngẫm về cái bắt tay có thể thấy được nhiều nét đẹp trong quan hệ giữa người với người mà chúng ta cần phát huy gìn giữ và sử dụng nó một cách phù hợp, thể hiện tính văn hóa, tính nhân văn của một quốc gia, dân tộc và của cả thời đại.

Bắt tay còn là một hình thức chào nhau. Nói đến chào nhau thì mỗi dân tộc đều có các nguyên tắc, hình thức khác nhau. Ví như ở Nhật Bản, Hàn Quốc… để thể hiện sự kính trọng, thân thiện giữa người với người khi gặp nhau họ thường đứng đối diện cúi đầu để chào, còn ở Việt Nam ngày xưa khi gặp các bậc cao niên chức sắc trong làng thì hai tay đặt lên bụng cũng cúi khom lưng để chào.

Thế mà bây giờ họ đã phá cách, nhiều trường hợp gặp nhau bất kể tuổi tác, ngôi vị cứ chìa tay ra bắt. Chẳng biết bắt tay để làm gì!./.