Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ: Cần sự tham gia của nam giới

ThS. Minh Anh (Theo: Hồ sơ - Sự kiện)
18:42, ngày 26-02-2013
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã từng nhấn mạnh: Chúng ta phải đoàn kết. Bạo lực đối với phụ nữ không được khoan dung dưới bất cứ hình thức nào, trong bất cứ bối cảnh nào và trong bất cứ trường hợp nào. Không có ngoại lệ, không biện hộ và không trì hoãn”.

Những nỗ lực của toàn thế giới

 

Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, cho đến nay khoảng trên dưới 30 công ước và Nghị định thư về quyền con người đã được Liên hợp quốc thông qua. Hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về chống bạo lực gia đình, trong đó có 60 nước nước có luật riêng về phòng, chống bạo lực gia đình; 7 nước có luật riêng về bạo lực chống lại phụ nữ… Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký tham gia Công ước. Tính đến năm 2005, đã có hơn 90% các quốc gia thành viên phê chuẩn hoặc ký kết Công ước.

 

Nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt trong các văn kiện quốc tế về quyền con người là bình đẳng, không phân biệt đối xử. Và quyền không bị phân biệt đối xử được ghi nhận tại Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc, cụ thể tại Điều 1: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”; Điều 3: “Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân”. Xét về phạm vi thì rộng hơn sự bình đẳng về giới, tuy nhiên, hiểu một cách sâu xa và trong bối cảnh bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề cần giải quyết của nhiều quốc gia, quyền này được coi là sự bình đẳng giữa nam và nữ. Theo nghĩa đó, quyền này trở thành nền tảng cho việc phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ đã nhấn mạnh: phụ nữ được quyền thụ hưởng bình đẳng và được bảo vệ tất cả các quyền con người, bao gồm quyền sống, bình đẳng, tự do, an toàn cá nhân, quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật và quyền không bị tra tấn hay đối xử, trừng phạt một cách độc ác, vô nhân đạo. Các quốc gia có nghĩa vụ lên án bạo lực đối với phụ nữ và không được viện dẫn bất kỳ tập quán, truyền thống hay lý do tôn giáo nào nhằm từ chối trách nhiệm xóa bỏ bạo lực. Các quốc gia phải thực hiện trách nhiệm đầy đủ để phòng ngừa, điều tra và trừng trị các hành vi bạo lực đối với phụ nữ theo pháp luật quốc gia, dù các hành vi đó là do Nhà nước hay cá nhân thực hiện.

 

Như vậy, việc quy định về các quyền này trong luật quốc tế đã cung cấp một nền tảng pháp lý quan trọng cho việc đấu tranh, ngăn chặn và xóa bỏ những hình thức bạo lực đối với phụ nữ.

Vẫn là vấn nạn toàn cầu

 

Các văn kiện quốc tế trên mặc dù đã được Liên hợp quốc thông qua, có hiệu lực từ hàng thập kỷ, được nhiều nước ký kết tham gia nhưng trong nhiều năm qua tình trạng bạo hành gia đình, bạo lực đối với phụ nữ vẫn tồn tại ở hầu khắp các quốc gia. Theo Báo cáo Chiến dịch của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trên thế giới, trung bình cứ 3 phụ nữ thì có một phụ nữ từng bị đánh, bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc bị bạo lực theo hình thức khác bởi chồng/bạn tình. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, phụ nữ từ 15 tuổi đến 44 tuổi có nguy cơ bị bạo lực gia đình và hãm hiếp cao hơn nguy cơ bị ung thư, tai nạn xe máy, chiến tranh và bệnh sốt rét. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trên thế giới, khoảng ¼ đến ½ phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực, ½ trong tổng số phụ nữ bị sát hại đã thiệt mạng dưới tay chồng/bạn tình hiện tại hoặc trước kia của họ. Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới còn dẫn số liệu ở Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, I-xra-en, Nam Phi, Mỹ…, 40% đến 70% số nạn nhân nữ của các vụ giết người là bị sát hại bởi chính chồng/bạn tình của mình. Cụ thể hơn, ở Ấn Độ, mỗi năm có khoảng trên 5.000 phụ nữ bị cướp đi mạng sống vì nhà chồng cho rằng của hồi môn không đủ. Ở Băng-la-đét, thống kê tội giết vợ chiếm tới 50% trong tổng số các vụ giết người. Ở nhiều nước, trong phân loại phụ nữ đến điều trị ở các phòng cấp cứu của bệnh viện thì nạn nhân của BLGĐ là đông nhất. Thật đau lòng khi ngay trong thế kỷ XXI, thế kỷ đánh dấu của những phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực thì vẫn có khoảng 120 triệu đến 135 triệu phụ nữ bị cắt bỏ cơ quan sinh dục trên thế giới mỗi năm.

 

Rõ ràng, bạo lực có một căn nguyên rất lớn từ chính những người bạn trai, người chồng trong gia đình, do đó, để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, không gì hiệu quả hơn là sự vào cuộc của nam giới.

 

Việt Nam đẩy mạnh mục tiêu đưa nam giới vào cuộc

 

Nam giới đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nếu chỉ từ một phía, phụ nữ sẽ không bao giờ có thể chấm dứt được bạo lực. Trong những năm gần đây, nam giới đã được tuyên truyền tham gia phòng, chống bạo lực và bảo vệ, tôn trọng phụ nữ. Ở Việt Nam, từ năm 2009, một chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình nhằm vào những người đàn ông với khẩu hiệu: “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình”. Nam giới được kêu gọi tham gia một cách tích cực vào các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; trở thành hình mẫu người đàn ông không bạo lực; làm sao để chính họ tự phá bỏ được lối hành xử đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ.

 

Trong những năm gần đây, hầu hết các chương trình, dự án về phòng chống bạo lực gia đình triển khai tại Việt Nam đều hướng tới nhấn mạnh việc đưa thông điệp “không bạo lực” tới tất cả mọi người, đặc biệt là nam giới./.