Tổng thống Cộng hòa Hung-ga-ri Sôi-ôm La-xlô (Sólyom László) đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến ngày 19-5-2008. Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hung-ga-ri đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm là sự kiện rất có ý nghĩa, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chủ trì lễ đón Tổng thống S.La-xlô hết sức trọng thị theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đều dành thời gian tiếp và hội kiến với Tổng thống S.La-xlô. Trong các cuộc tiếp xúc và hội đàm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nước ta đều vui mừng trước những thành tựu mà nhân dân Hung-ga-ri đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập châu Âu và khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Hung-ga-ri. Trên lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Hung-ga-ri về thương mại, duợc phẩm, giáo dục- đào tạo, du lịch, môi truờng. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hung-ga-ri đầu tư tại Việt Nam. Người đứng đầu Nhà nước Hung-ga-ri bày tỏ vui mừng tới thăm Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu có ý nghĩa của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tổng thống S.La-xlô khẳng định Hung-ga-ri tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu dài nhiều mặt với Việt Nam, tiếp tục coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Chính phủ Hung-ga-ri, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp Hung-ga-ri tăng cuờng đầu tư vào Việt Nam.

Thể hiện những cam kết và quyết tâm này, ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai bên đã ký thoả thuận thiết lập chương trình khung về hợp tác tài chính. Theo đó, Hung-ga-ri sẽ cung cấp 35 triệu ơ-rô tín dụng hỗ trợ ràng buộc cho Việt Nam để sử dụng vào việc cung cấp nước sinh hoạt công cộng, xử lý nước thải và hành chính công. Hai bên cũng ký thoả thuận kế hoạch hợp tác về y tế, thoả thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2008-2011, chương trình hợp tác du lịch giai đoạn 2008-2010. Trong điều kiện, biến đối khí hậu đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới; Việt Nam và Hung-ga-rilại là hai quốc gia có bờ biển dài và thấp, có nguy cơ bị hạn hán, sa mạc hoá và lũ lụt, hai nước đã khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu trong những năm tới.

Đây là những thoả thuận quan trọng rất có ý nghĩa cho thấy, mặc dù là quốc gia ở giữa Trung Âu, Hung-ga-ri không chỉ quan tâm tới các nước thuộc Liên minh châu Âu, mà còn mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đối với Việt Nam, nỗ lực này của Hung-ga-ri hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực. Gần 60 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 3-2-1950, quan hệ giữa Việt Nam – Hung-ga-ri luôn luôn đuợc gắn kết bằng những tình cảm thân thiết mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau. Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, tại Hung-ga-ri đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho Việt Nam. Đó là phong trào mang tên: “Việt Nam – chúng tôi bên cạnh các bạn”, là những đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ nhân dân Việt Nam, là xoá nợ cho Việt Nam từ năm 1973 về trước, tham gia Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo gần 3.500 cán bộ khoa học kỹ thuật các cấp… Mặc dù có thời điểm quan hệ hai nước bị chững lại do Hung-ga-ri thay đổi thể chế, nhưng từ trong sâu thẳm mỗi người dân hai nước, những tình cảm nghĩa tình đó vẫn không bao giờ phai mờ và đã làm nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước. Bởi thế, những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Hung-ga-ri tiếp tục vững chắc. Điều đó không chỉ thể hiện bằng các đoàn cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, hai nước thăm viếng lẫn nhau, mà còn là sự ủng hộ mạnh mẽ của Hung-ga-ri đối với Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không qua đàm phán, coi Việt Nam là một trong các đối tác chiến lược trong chính sách viện trợ phát triển (ODA) cho các nước đang phát triển và Hung-ga-ri là một trong số nước luôn dành choViệt Nam mức viện trợ ODA lớn tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ quốc tế.

Vì vậy, mặc dù đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Nguời đứng đầu Nhà nước Hung-ga-ri, kể từ 10 năm qua, nhưng như Tổng thống S.La-xlô khẳng định, ông luôn quan tâm theo dõi tiến trình đổi mới và phát triển của Việt Nam. Và chuyến thăm này là thời điểm thích hợp để hai bên triển khai những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai hai nước, bằng những thoả thuận hợp tác cụ thể. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để Việt Nam – Hung-ga-ri thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hoá, khoa học, giáo dục.

Sự hiểu biết, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau là tiền đề quan trọng làm nên thành công tốt đẹp của chuyến thăm. Kết quả này là rất có ý nghĩa, nhân thêm sức mạnh cho bề dày truyền thống của mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước và đưa quan hệ Việt Nam – Hung-ga-ri lên một tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng tình cảm của nhân dân hai nước và vì sự phát triển, phồn vinh của mỗi nước./.