Theo Báo cáo Giám sát toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tại Hà Nội, ngày 19-5 vừa qua, Việt Nam "nổi lên như một điểm sáng" trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).

Ông Di-a Ki-ri-xi (Zia Qureshi), tác giả chính của Báo cáo, cho biết đã từng làm việc ở nhiều nước nhưng ông đặc biệt ấn tượng với những kết quả đạt được tại Việt Nam. Với những thành công đạt được trong việc thực hiện MDGs, Việt Nam là một điển hình để các nước khác học hỏi. Đặc biệt, trong công tác xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được thành tựu rất ấn tượng, giảm số hộ nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn 16% năm 2006.

Tuy nhiên, ông Di-a Ki-ri-xi cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm khi mà 10% dân số và 10% GDP của Việt Nam bị tác động bởi sự thay đổi của khí hậu; cũng như trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh, cải thiện thứ hạng về mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, gia tăng sự hỗ trợ đối với các dân tộc thiểu số.
 
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, hầu hết các quốc gia sẽ không đạt được 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015. Mặc dù, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo cùng cực trước thời điểm này, nhưng triển vọng đạt được các mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em lại rất thấp, cũng như chắc chắn không thể hoàn thành được các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, dinh dưỡng và vệ sinh.
 
Báo cáo cho biết có sự khác biệt lớn trong tiến độ thực hiện MDGs giữa các quốc gia, các vùng miền và các nhóm thu nhập khác nhau, trong đó các nước ở khu vực tiểu Xa-ha-ra (Sahara) thuộc châu Phi tụt lại xa trên tất cả các mục tiêu, kể cả mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự tụt hậu càng nghiêm trọng hơn đối với các nước đang trong tình trạng bất ổn. Năm 2008 là thời điểm hoàn thành nửa chặng đường thực hiện MDGs và là cơ hội để đạt được sự đồng thuận về các ưu tiên hành động, cũng như các điểm mốc để giám sát quá trình thực hiện. Một chương trình nghị sự thống nhất gồm 6 điểm đã được đề ra trong Báo cáo, trong đó, vấn đề tăng trưởng toàn diện và mạnh mẽ là ưu tiên hàng đầu; đồng thời, kêu gọi tăng cường quy mô và hiệu quả viện trợ từ các đối tác phát triển cũng như các tổ chức tài chính quốc tế.  

Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Phát triển bền vững Liên hợp quốc, diễn ra trong các ngày từ 5 đến 18-5, tại Niu Y-oóc (Mỹ), bàn về những rào cản, hạn chế cũng như các bài học thực tiễn liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, đất đai, hạn hán, hoang hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, và châu Phi. Gần 60 bộ trưởng, thứ trưởng cùng đại diện của các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã tham gia phiên họp này.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Phát triển bền vững Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã giới thiệu một số thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo. Thứ trưởng cũng nêu bật các lĩnh vực ưu tiên và cấp bách trong nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam và đề cập những vấn đề được thế giới quan tâm như: biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, những khó khăn thách thức cũng như một số định hướng, mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Đoàn Việt Nam còn tham gia các cuộc thảo luận kỹ thuật cũng như các buổi trao đổi chuyên môn bên lề phiên họp. Tại buổi làm việc do Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan chủ trì với 17 bộ trưởng, thứ trưởng các nước về tình hình khủng hoảng lương thực, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực và dành một phần cho xuất khẩu, đảm bảo cam kết và những hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài./.