TCCSĐT - Hôm qua, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angelo Gurria đã kêu gọi tăng gấp đôi Quỹ cứu trợ tài chính của Khu vực đồng euro (Eurozone), từ 500 tỉ euro lên 1 nghìn tỉ euro.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, bà sẽ chỉ tán thành tăng lên 700 tỉ euro. Trong khi đó, một số nhà phân tích quan ngại rằng, với số tiền 700 tỉ thì Quỹ giải cứu của Eurozone không đủ để đáp ứng một gói cứu trợ khác. Cho đến nay, mới có ba nước là Hy Lạp, Cộng hòa Ireland và Bồ Đào Nha là được nhận gói cứu trợ.

Hôm 20-3-2012, Hy Lạp lại tiếp tục được cấp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro sau khi chấp thuận thông qua một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ và buộc các chủ sở hữu trái phiếu xóa bỏ một nửa các khoản nợ cho nước này. Nhưng dẫu các thị trường tài chính đã tạm thời “trời yên bể lặng” trong vài tháng qua, nhiều chuyên gia vẫn lo sợ rằng các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha và Ý sớm muộn gì cũng cần được cứu trợ.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đã xác nhận, nền kinh tế Tây Ban Nha lại đang lâm vào suy thoái. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã đi xuống ngay trong quý đầu tiên của năm 2012, sau khi giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2011. Nguyên nhân được cho là do sự suy giảm chưa từng thấy trong chi tiêu cá nhân vào tháng 1 và tháng 2-2012.

Tháng trước, Tây Ban Nha thông báo nước này sẽ không đạt được mục tiêu thâm hụt 4,4% sản lượng trong năm 2012 mà đã cam kết với Brussels. Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha hy vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ giảm 1,5% trong năm 2012 khi Chính phủ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp là 22%.
Người đứng đầu OECD Angelo Gurria cho rằng, các Bộ trưởng Tài chính của 17 quốc gia thuộc Eurozne, mà dự trù sẽ nhóm họp cuối tuần này, nên gia tăng ngân sách cho Quỹ cứu trợ. Ông A.Gurria cũng bổ sung thêm rằng, các cam kết hiện tại không đủ để khôi phục lại niềm tin của các thị trường. Theo ông A.Gurria: “châu Âu đang chao đảo. Khu vực này cần lấy tăng trưởng làm ưu tiên hàng đầu”, người đứng đầu OECD nhận định.

Tháng trước, Bộ trưởng tài chính nhóm các nước đang phát triển (G20) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự đối với các nước Eurozone là nên tăng thêm ngân sách cho quỹ cứu trợ của khu vực như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng để lời kêu gọi trở thành hiện thực cần có sự tán thành của nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu là Đức.

Năm 2010, Eurozone đã thành lập Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) với nhiệm vụ làm quỹ cứu trợ tài chính tạm thời. Theo EFSF, các quốc gia có xếp hạng tín dụng hàng đầu cũng là những nước có thể vay tiền với lãi suất thấp, thì nên cho các nước đang phải tìm mọi cách đáp ứng mục tiêu tài chính vay lại. Theo dự kiến, một quỹ cứu trợ thường trực mới được xem là Cơ chế ổn định châu Âu, sẽ được thành lập vào cuối năm nay.

Ủy ban châu Âu dự đoán rằng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,3% trong năm 2012 trong khi OECD dự đoán tăng trưởng của toàn khu vực này là 0,2%. Theo đó, Tây Ban Nha, Italy cùng với Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Bỉ, Cyprus, Hà Lan và Slovenia tăng trưởng chậm lại trong năm 2012. Dựa trên nhận định đó, một số nhà kinh tế cho rằng, Tây Ban Nha và Ý cần phải hành động nhiều hơn, thậm chí là cắt giảm ngân sách mạnh tay hơn trước đây.

Hiện Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Thủ tướng Italy Mario Monti đều đang phải tìm cách giải quyết vấn đề cải cách lao động, chủ yếu là làm cho khâu thuê tuyển và sa thải công nhân trở nên dễ dàng hơn. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đã ban hành từ trước đến nay. Tại Tây Ban Nha, các công đoàn đã kêu gọi một cuộc đình công quốc gia vào hôm thứ năm tuần này.

Olli Rehn, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế và tiền tệ, cho biết: “Những quốc gia mà chỉ đơn giản là không có không gian tài chính hoặc không được tín nhiệm trong các thị trường trái phiếu, thì cần phải bám sát vào các mục tiêu hàng đầu mà họ đã chấp thuận cho dù chúng là gì đi nữa”. OECD kêu gọi cần hành động nhiều hơn để cải cách nền kinh tế của khu vực châu Âu. Các cải cách “ nên tháo gỡ những yếu kém trong điều tiết thị trường sản phẩm, các tổ chức thị trường lao động, hệ thống thuế, và tăng cường thị trường duy nhất”, OECD khẳng định./.