Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao

TS Hoàng Huệ Anh
Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
07:20, ngày 02-12-2024

TCCS - Nhằm giải quyết các thách thức trong và ngoài nước mà Trung Quốc đang phải đối mặt, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7-2024) đã đề ra những định hướng chính sách quan trọng, đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm ổn định nội bộ đất nước và thực hiện quá trình phát triển chất lượng cao trong dài hạn. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18-7-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Nhìn lại quá trình lịch sử, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc thường liên quan đến các biện pháp cải cách lớn về kinh tế, đưa ra những quyết định mang tính lịch sử đối với đường lối phát triển của đất nước Trung Quốc. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 1978) đã mở đường cho hàng loạt thay đổi về mặt tư tưởng, khởi đầu công cuộc “cải cách, mở cửa” thần kỳ của Trung Quốc. Năm 1992, Hội nghị Trung ương 3 khóa XIV đã công bố xây dựng nền “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (năm 2013), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh đến “vai trò quyết định của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực” và đề ra những định hướng quan trọng về chuyển đổi mô hình phát triển của Trung Quốc. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX trở nên đặc biệt quan trọng đối với việc đánh giá và định hướng chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Không chỉ vậy, Hội nghị đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những thách thức hiện nay của Trung Quốc.

Định hướng chính sách tổng thể

Các chuyên gia phân tích nhận định, Trung Quốc hiện đang ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược “trăm năm có một” khi mà nước này đạt được vị thế so sánh chưa từng có so với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ. Trung Quốc hiện có một nền chính trị trong nước ổn định, trình độ khoa học - công nghệ được xếp vào hàng đầu thế giới và một quân đội với mức độ hiện đại hóa ngày càng cao, “sức mạnh mềm” ngày càng vượt trội. Tuy vậy, cơ hội càng nhiều thì thách thức cũng càng lớn. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc là đưa ra những biện pháp để hóa giải những khó khăn, thách thức cả ở trong nước và ngoài nước.

Đối với thách thức trong nước, đó là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng bất động sản, các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương, thị trường tài chính thiếu sức sống, tỷ lệ thất nghiệp cao, sức tiêu dùng yếu, niềm tin của doanh nghiệp suy giảm, phân phối tài sản không đồng đều và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Những thách thức trong nước đang dần cản trở Trung Quốc tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, khiến Trung Quốc rơi vào giai đoạn giảm phát dài nhất kể từ năm 1999.

Đối với thách thức từ bên ngoài, hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực địa - chính trị và áp lực thương mại từ phía Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Điều đáng lo ngại nhất là các biện pháp trừng phạt của Mỹ về hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, khiến các công ty nước ngoài lo ngại hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, Trung Quốc đang phải chịu áp lực từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi thị trường nội địa. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU đang leo thang, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu xe điện và một số sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc tại thị trường này. Không chỉ vậy, những biện pháp hạn chế của Mỹ nhằm cản trở Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ bán dẫn nhiều khả năng sẽ được tăng cường hơn nữa, qua đó gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên tiến bộ công nghệ. 

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX đã thông qua “Thông cáo” hội nghị và “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, gồm hơn 300 cải cách trong 60 phần, đề cập tới 15 chủ đề, cung cấp các nội dung, kế hoạch quan trọng nhất của Trung Quốc về cách thức điều hành nền kinh tế trong thời gian tới. 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Hội nghị tái khẳng định nguyên tắc cốt lõi được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, “nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng đối với việc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”(1). “Quyết định” nhấn mạnh việc thực hiện “tự cách mạng”, “tự làm trong sạch”, “tự hoàn thiện” trong Đảng, quản trị Đảng nghiêm minh và chống tham nhũng.

Hai là, nhấn mạnh mô hình phát triển tập trung vào chất lượng. Mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển trọng tâm từ tốc độ sang chất lượng đã được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ quyết tâm xây dựng mô hình “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao” dựa trên “lực lượng sản xuất chất lượng mới”. Khái niệm này được đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bằng cách nâng cao vị trí của Trung Quốc trong chuỗi giá trị thông qua đổi mới công nghệ.

Ba là, cân bằng cơ chế thị trường với vai trò của nhà nước. Thông cáo của Hội nghị nêu rõ: “Trung Quốc cần phát huy tốt hơn vai trò của thị trường, thúc đẩy môi trường công bằng và năng động hơn, đồng thời phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả”(2). Tuy nhiên, “vai trò quyết định” của thị trường không được nhấn mạnh trong Thông cáo của Hội nghị lần này, như tại các Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11-2013) và Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX (tháng 2-2018). Một số chuyên gia phân tích cho rằng, tầm quan trọng của thị trường có thể đã giảm đi, song đây được coi là nỗ lực phối hợp nhằm cân bằng cơ chế thị trường với vai trò tham gia của nhà nước.

Bốn là, thực hiện phương châm lấy sở hữu nhà nước làm chủ thể, phát triển hài hòa các loại hình sở hữu khác. Hội nghị chủ trương phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. “Quyết định” nêu rõ, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước “mạnh hơn, làm tốt hơn và phát triển lớn hơn, trong đó tập trung nâng cao các chức năng cốt lõi và năng lực cạnh tranh cốt lõi”(3). Đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế ngoài công lập cần được đối xử công bằng và bình đẳng theo pháp luật. Do đó, Hội nghị chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án công nghệ và dự án xây dựng quan trọng của quốc gia. Trung Quốc cho rằng, sự suy yếu của doanh nghiệp tư nhân có thể là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng suy thoái kinh tế.

Năm là, đề cao hơn nữa vai trò của an ninh. Hội nghị dành riêng phần nội dung mới đề cập tới “Hiện đại hóa năng lực và hệ thống an ninh quốc gia của Trung Quốc”, trong đó mô tả “an ninh quốc gia” là “nền tảng then chốt” đối với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, phát triển chất lượng cao cần bảo đảm tăng cường củng cố an ninh(4). Việc nhắc đến cụm từ “an ninh” tới 41 lần trong “Quyết định” của Hội nghị năm nay (tăng 70% so với Hội nghị trung ương 3 khóa XVIII năm 2013), cho thấy vai trò của an ninh quốc gia được Trung Quốc ngày càng coi trọng. Hơn nữa, việc cụm từ “an ninh quốc gia” ngày càng được lồng ghép vào các tuyên bố cấp cao về kinh tế cho thấy, các chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ được xem xét nhiều hơn dưới góc độ an ninh. 

Sáu là, khẳng định những đóng góp đối với các vấn đề quốc tế của Trung Quốc. Nội dung thông cáo của Hội nghị không đề cập nhiều đến chính sách đối ngoại, chỉ nhấn mạnh quá trình hiện đại hóa “kiểu Trung Quốc” là con đường phát triển hòa bình, theo đó công tác đối ngoại cần áp dụng chính sách độc lập, tự chủ, đồng thời nhắc lại những sáng kiến về đối ngoại, bao gồm “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, các sáng kiến an ninh, sáng kiến văn minh và sáng kiến phát triển toàn cầu, bày tỏ mong muốn xây dựng một “thế giới đa cực bình đẳng và trật tự”, đóng góp nhiều hơn vào quá trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. “Quyết định” thể hiện mục tiêu của nền đối ngoại Trung Quốc là nhằm xây dựng môi trường thuận lợi để thực hiện quá trình hiện đại hóa “kiểu Trung Quốc”.

Sản xuất ô tô điện tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 24-4-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Xác định mục tiêu cụ thể    

Thứ nhất, xây dựng cường quốc về công nghệ. Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố các biện pháp cải cách cơ cấu nguồn cung để đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo dự báo của Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ), các ngành công nghệ có thể chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2026, theo đó, lấp đầy khoảng trống do sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản - dự kiến sẽ khiến GDP Trung Quốc sụt giảm từ 24% xuống 16%(5). Hội nghị cũng nhấn mạnh đến các biện pháp cải cách hệ thống giáo dục, cải cách cơ chế bồi dưỡng nhân tài nhằm thực hiện chiến lược cường quốc nhân tài, cường quốc khoa học - công nghệ được đưa ra từ Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ hai, xây dựng thị trường thống nhất toàn quốc. Trung Quốc xác định “thị trường thống nhất toàn quốc” là yếu tố cốt lõi để “xây dựng nền kinh tế thị trường tiêu chuẩn cao” vào năm 2035, bởi thị trường thống nhất toàn quốc góp phần tối đa hóa năng lực sản xuất của đất nước, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và đối phó với những thách thức bên ngoài đang ngày càng gia tăng. Theo đó, Trung Quốc nỗ lực xây dựng thị trường thống nhất toàn quốc, bao gồm việc phát triển thị trường đất đai, xây dựng đô thị - nông thôn thống nhất, thị trường dữ liệu và công nghệ thống nhất toàn quốc và thị trường điện lưới thống nhất. Đây là những giải pháp quan trọng giúp Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thông qua việc loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ địa phương để dòng vốn và các yếu tố sản xuất khác được tự do lưu chuyển. 

Thứ ba, cải thiện tình hình tài chính của chính quyền địa phương. Hội nghị cho biết, Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ tăng cường phân định trách nhiệm rõ ràng, điều phối các nguồn lực tài chính và có sự cân bằng giữa các khu vực trong mối quan hệ tài chính giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Trung Quốc sẽ trao thêm cho chính quyền địa phương “năng lực tự chủ tài chính”, cho phép chính quyền địa phương chủ động tăng nguồn thu từ thuế và trao thẩm quyền quản lý các vấn đề liên quan đến thuế “một cách thích hợp”(6). Trên thực tế, các chính quyền địa phương từng có nguồn thu đáng kể từ bất động sản trước khi bong bóng bất động sản vỡ nên khi nguồn thu này sụt giảm mạnh thì họ rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Do vậy, Hội nghị đề ra giải pháp đa dạng hóa nguồn thu của chính quyền địa phương, thông qua các biện pháp như giao nhiệm vụ thu thuế tiêu dùng, điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính trong bối cảnh suy thoái bất động sản. 

Thứ tư, vấn đề bất động sản. Trong “Thông cáo” của Hội nghị, lĩnh vực bất động sản chỉ được nhắc đến một lần: “Chúng ta sẽ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản”(7). Điều này cho thấy, Trung Quốc sẽ không đưa ra biện pháp kích cầu mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Tuy nhiên, Hội nghị nêu rõ: “Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống quản lý nhà đất, khuyến khích việc thuê và mua nhà; trao quyền tự chủ hoàn toàn cho mỗi thành phố trong việc quản lý bất động sản”(8). Liên quan đến vấn đề bất động sản nông thôn, Hội nghị chủ trương thúc đẩy giải quyết vấn đề đất đai nông thôn theo hướng nới lỏng việc hạn chế sử dụng đất thổ cư ở nông thôn, theo đó nông dân có thể sử dụng đất cho nhiều mục đích thương mại khác nhau. 

Thứ năm, hiện đại hóa quân đội. Hiện đại hóa quân đội được xác định là ưu tiên hàng đầu của hội nghị năm nay. Hội nghị nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, tăng cường năng lực tác chiến liên hợp, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống thông tin mạng. Để phát triển một “khuôn khổ mới về quân chủng và vũ khí”, Trung Quốc sẽ tăng cường “phát triển lực lượng quân đội trong các lĩnh vực mới với năng lực chiến đấu mới, đồng thời tiếp tục xây dựng lực lượng tác chiến truyền thống”(9). Những giải pháp này nhằm hiện thực hóa các mục tiêu hiện đại hóa quân đội đã được Trung Quốc đề ra từ Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và đặt dấu mốc nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2027. 

Khẳng định đường hướng thực hiện

Tựu trung, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định, về cơ bản Trung Quốc sẽ hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và để đạt được mục tiêu đã đề ra, thì “các nhiệm vụ cải cách được nêu trong nghị quyết này sẽ được hoàn thành vào thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 80 năm thành lập đất nước vào năm 2029”(10). Như vậy, có thể thấy rằng, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX đã đề ra mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ. Năm 2029 và năm 2035 là những mốc thời gian được Trung Quốc xác định để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xa hơn là phục hưng dân tộc Trung Hoa vào năm 2049.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn đưa ra tài liệu “Giải thích nghị quyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện nhằm thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc”. Tài liệu khái quát 5 trọng tâm liên quan tới nội dung của Hội nghị: 1- Vai trò chủ đạo của cải cách hệ thống kinh tế với nhiệm vụ chính là xây dựng các thể chế thúc đẩy phát triển chất lượng cao; 2- Tập trung cải cách toàn diện nhằm điều chỉnh các chính sách đối với từng lĩnh vực theo hướng phát triển chất lượng cao; 3- Kết hợp phát triển với an ninh và quan điểm “đặt an ninh quốc gia ở vị trí trọng yếu”; 4- Xây dựng các thể chế và cơ chế để hỗ trợ quá trình đổi mới toàn diện, nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của giáo dục, nguồn nhân lực và cải cách khoa học - công nghệ để bảo vệ chuỗi cung ứng và tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc trước sự phân tách từ phương Tây; 5- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đây là yếu tố then chốt quyết định thành công trong đường lối phát triển đất nước của Trung Quốc từ trước tới nay(11).

Từ tiêu đề đến nội dung của “Quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” mà Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua cho thấy, Hội nghị chủ trương thực hiện các điều chỉnh quan trọng chứ không có sự thay đổi căn bản nào đối với các chính sách hiện tại. Trọng tâm “tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện” liên quan đến “hiện đại hóa Trung Quốc” - một nội dung đã được nêu rõ tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2022). Bên cạnh đó, “Thông cáo” của Hội nghị cũng sử dụng 17 lần cụm từ “kiên trì”, qua đó nêu bật sự kiên trì đối với phương châm “đi sâu cải cách toàn diện” của Đảng. “Thông cáo” cũng nêu lại định hướng của Trung Quốc về “triết lý phát triển mới”, tập trung vào “phát triển kinh tế chất lượng cao”, kiên trì thúc đẩy “các lực lượng sản xuất mới chất lượng cao”, tiếp tục chiến lược phát triển tập trung vào các ngành công nghệ cao, các yếu tố sản xuất tiên tiến và các lĩnh vực trọng yếu, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Những định hướng này cũng đã được nêu bật tại Kỳ họp “Lưỡng hội” của Trung Quốc năm 2024. Như vậy, các tài liệu của Hội nghị cho thấy rõ, Trung Quốc sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong các định hướng mà chỉ tăng cường hơn nữa để nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững hơn với tầm nhìn dài hạn. Trung Quốc cũng sẽ không thực hiện sự thay đổi đáng kể nào về mặt chiến lược phát triển, mà chỉ đưa ra những biện pháp mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết những khó khăn đang phải đối mặt.

Khi đề cập đến những rủi ro ngắn hạn và mục tiêu tăng trưởng, “Thông cáo” hội nghị nhấn mạnh, năm 2024, Trung Quốc cần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, thay vì chỉ hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn như trong các “Thông cáo” của các kỳ đại hội trước. Hội nghị cũng đưa ra thời hạn 5 năm để hoàn tất các mục tiêu, ngắn hơn 2 năm so với thời hạn 7 năm mà “Quyết định” của Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra năm 2013.

Với mục tiêu “thúc đẩy tiến bộ đồng thời bảo đảm sự ổn định”, gần như toàn bộ nội dung của Hội nghị đều đề cập tới các vấn đề nội bộ, hướng trọng tâm vào sự ổn định và thúc đẩy tiến bộ trong nước. Điều này phù hợp với quan điểm được Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì theo đuổi từ Đại hội XX đến nay, đó là lấy ổn định trong nước làm nền tảng, “tự lực cánh sinh” làm bệ phóng để giải quyết các thách thức từ bên ngoài của Trung Quốc.

Tóm lại, sự ổn định nội bộ và các ưu tiên an ninh quốc gia vẫn sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Điều này phù hợp với cách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức địa - chính trị phức tạp mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Hội nghị Trung ương 3 khóa XX cũng đặc biệt nhấn mạnh tới “phát triển chất lượng cao”, “sức sản xuất chất lượng mới”, tập trung toàn lực vào tăng cường năng lực tự chủ về khoa học - công nghệ và đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ có những bước đột phá lớn về công nghệ. Vì vậy, việc tăng cường trao đổi hợp tác về giáo dục nhân tài và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều cần thiết. Tuy nhiên, còn một số khái niệm mà Trung Quốc đề cập đến nhiều lần như “triết lý phát triển mới”, “phát triển chất lượng cao”, “lực lượng sản xuất chất lượng mới” hay “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao” cần giới chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để có thể có những đánh giá về các chính sách của Trung Quốc trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là cơ sở để Việt Nam đưa ra những điều chỉnh chính sách linh hoạt, phù hợp với tình hình mới hiện nay./.
----------------------------------
(1), (2), (7), (10) 中国共产党第二十届中央委员会第三次全体会议公报 (Tạm dịch: Toàn văn Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 18-7-2024, https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202407/content_6963409.htm?menuid=197
 (3), (4), (6), (8), (9) 中共中央关于进一步全面深化改革 推进中国式现代化的决定(Tạm dịch: “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”), ngày 21-7-2024,  http://www.qstheory.cn/yaowen/2024-07/21/c_1130182461.htm
(5) Willy Wo-Lap Lam: “Xi Sets Out 2029 Vision At The Third Plenum” (Tạm dịch: Đồng chí Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn đến năm 2029 tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX), ngày 23-7-2024, https://jamestown.org/program/xi-sets-out-2029-vision-at-the-third-plenum/
(11) 关于《中共中央关于进一步全面深化改革、推进中国式现代化的决定》的说明 (Tạm dịch: Giải thích về “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”), ngày 15-8-2024, http://politics.people.com.cn/n1/2024/0815/c1001-40299507.html