Nhớ về chiến thắng Quảng Trị 1972
TCCSĐT - Cách đây tròn 40 năm, lúc 11 giờ ngày 30-3-1972, chiến dịch Quảng Trị bắt đầu. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ vùng giải phóng còn in đậm trong ký ức của chúng tôi, những người có vinh dự tham gia chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, chiến thắng Quảng Trị đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói. Đó là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng; đó là chiến thắng đầu tiên vang dội, cổ vũ toàn quân toàn dân, mở màn cho cuộc tiến công chiến lược lịch sử năm 1972. Trong cuộc tiến công chiến lược này, Quảng Trị là hướng chủ yếu, nơi tập trung tập đoàn chiến dịch mạnh nhất của quân đội ta gồm các đơn vị binh chủng hợp thành có bề dày truyền thống, được trang bị và huấn luyện tốt. Bởi Quảng Trị tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, có điều kiện bảo đảm hậu cần cho yêu cầu tác chiến lớn, dài ngày. Trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, năm 1972 đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong một chiến dịch dài ngày nhất, dài tới 304 ngày, kể từ khi mở màn chiến dịch (30-3-1972) đến ngày ký Hiệp định Pari về Việt Nam (27-1-1973).
Còn nhớ năm 1972 ta mở một cuộc tiến công chiến lược quy mô toàn miền Nam, phối hợp các mũi tiến công của bộ đội chủ lực trên 3 hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với các chiến dịch tổng hợp ở Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt trận Trị Thiên là hướng chiến lược quan trọng nhất. Bộ Tư lệnh Mặt trận được thành lập: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.
Ngày 30-3-1972, ta tiến công địch ở Quảng Trị và Kon Tum. Ngày 1-4-1972, miền Đông Nam Bộ, Khu 5 và Đồng bằng song Cửu Long đồng loạt tiến công và nổi dậy. Ngày 31-3-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi: “Chiến dịch lịch sử năm 1972 đã bắt đầu! Các đồng chí hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt tiến công địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, quyết giành cho được những thắng lợi to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu…”
Quảng Trị, 11 giờ ngày 30-3-1972, Tư lệnh Mặt trận Lê Trọng Tấn hạ lệnh: “Bão táp I”. Ngay lập tức 247 khẩu pháo các loại của bộ đội pháo binh mở màn chiến dịch, đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.
Ngay từ loạt đạn đầu, pháo ta bắn trúng hầu hết các trận địa pháo, các sở chỉ huy địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu…. Sau cuộc bắn phá của pháo binh dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8.000 viên đạn pháo các loại, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công, đột phá trên hướng chủ yếu ở phía tây và tây bắc Quảng Trị, kết hợp với mũi thọc sâu bao vây ở phía đông và mũi chia cắt chiến dịch ở phía nam.
Sau 5 ngày chiến đấu, đến ngày 4-4-1972, bộ đội ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường số 9, bức hàng trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2 và lữ đoàn 147, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Trưa ngày 4 tháng 4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân và dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.
Trước đòn tấn công mạnh của ta ở Quảng Trị, ngày 5 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu họp Hội đồng An ninh quốc gia, điều động gấp 5 trung đoàn, lữ đoàn, 3 thiết đoàn xe tăng thiết giáp từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra Quảng Trị. Địch điều chỉnh thế phòng ngự thành ba cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang – Quảng Trị, lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà.
Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: “Địch đã tăng cường lực lượng nhưng chưa được củng cố, tinh thần hoang mang dao động, nếu ta đánh mạnh, đánh nhanh thì chúng sẽ tan vỡ”.
15 giờ ngày 8 tháng 4, pháo binh thực hành kế hoạch hỏa lực “Bão táp II”. Thêm 2.713 viên đạn pháo giáng xuống căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử. 5 giờ sáng ngày 9 tháng 4, Sư đoàn 304 tiến công cụm quân địch ở Ái Tử. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang – Quảng Trị. Sư đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 48 (thay choTrung đoàn 88 làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch) và 2 đại đội xe tăng tiến công cụm quân địch ở Đông Hà – Lai Phước. Ngay từ tuyến tiếp giáp, địch chống trả quyết liệt. Quân ta đánh dịch trong hành tiến, bị các trận địa có xe tăng địch giấu trong công sự ngăn chặn, 6 xe tăng T54 của ta bị bắn hỏng. Mũi tiến công của 308 vào căn cứ Đông Hà buộc phải dừng lại. Phía tây Ái Tử, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) giành giật quyết liệt với địch mới chiếm được căn cứ Phượng Hoàng. Hướng đông, 3 tiểu đoàn bộ binh, đặc công vượt sông Cửa Việt bị pháo hạm Mỹ bắn chặn. Tại Cửa Việt, Trung đoàn 126 hải quân chiếm được cảng nhưng cũng bị tổn thất.
Thực tế chiến đấu cho thấy, lực lượng địch ở Đông Hà - Quảng Trị khá đông gồm sư đoàn 3 bộ binh (thiếu), 3 liên đoàn biệt động quân 1,4,5, lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, 3 thiết đoàn 11,17 và 20, được không quân, pháo binh yểm trợ ở mức cao. Đặc biệt, không quân và hải quân Mỹ hoạt động mạnh, vừa yểm trợ cho quân ngụy ở Quảng Trị, vừa tăng cường đánh phá hậu phương chiến dịch. Máy bay B52 oanh tạc rải thảm, khu trục hạm Mỹ pháo kích ác liệtcác trận địa ta và tuyến vận chuyển chiến dịch từ sông Gianh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vào mặt trận.
Về chiến thuật, địch đã thay đổi thủ đoạn phòng ngự. Bị thất bại ở tuyến phòng thủ vòng ngoài, với ưu thế xe tăng thiết giáp, địch kết hợp giữa xe tăng và bộ binh tạo thành từng cụm phòng ngự di động, luôn thay đổi vị trí, tránh bị ta tập kích diệt gọn.
Để đánh bại chiến thuật “xe tăng bầy”, “vỏ thép cứng di động” và phá vỡ hệ thống phòng ngự đã được tăng cường của địch, ta cần phải có thời gian chuẩn bị, tìm ra cách đánh thích hợp. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, kết thúc đợt 1, mở một đợt “đệm”, phát động phong trào “săn xe tăng địch”, tổ chức những trận đánh nhỏ, vừa tiêu hao sinh lực địch vừa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết định trong đợt 2 chiến dịch.
5 giờ sáng ngày 27 tháng 4, ta mở đợt 2 chiến dịch, đợt quyết định chiến trường. Mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quảng Trị, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, sau đó nắm thời cơ, phát triển tiến công địch ở Thừa Thiên. Diễn ra trong 6 ngày đêm, mở đầu bằng đòn hỏa lực “Bão táp III”, Sư đoàn 308 được hỏa lực pháo binh chiến dịch chi viện, liên tục tiến công cụm quân địch ở Đông Hà – Lai Phước. Trong tiếng nổ của đạn pháo, xe tăng T54, pháo cao xạ 37, 57 trong đội hình binh chủng hợp thành của Sư đoàn yểm hộ bộ binh tiến công. 18 giờ ngày 28 tháng 4, thị xã Đông Hà được giải phóng. Ủy ban quân quản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Hiền, Phó Chính ủy Sư đoàn làm Chủ tịch. Cùng vào Đông Hà có nữ đồng chí Hồ Thị Bích Lan, Thị ủy viên.
Phía Ái Tử, Sư đoàn 304 được các cụm pháo Trung đoàn 45, 164, 38 chi viện, 21 giờ ngày 30 tháng 4, bộ binh, xe tăng Sư đoàn 304 tràn vào sân bay Ái Tử, 14 giờ ngày 1 tháng 5, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ.
Mất Đông Hà, Ái Tử, quân địch ở Quảng Trị - La Vang hoang mang rút chạy.
Hơn một trăm xe tập trung ở La Vang Thượng. Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 324 (thiếu) cắt đường số 1, pháo binh chiến dịch tập trung hỏa lực bắn vào La Vang Thượng.
Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành lại chính quyền ở khắp các thôn xã. 18 giờ ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên chiến sự trên mặt trận Quảng Trị diễn ra giằng co quyết liệt, quân và dân Quảng Trị còn phải đương đầu và vượt qua nhiều thử thách rất lớn suốt nửa cuối năm 1972.
Ngày 28-6-1972 được không quân, pháo hạm Mỹ chi viện, Mỹ - Ngụy huy động hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, một lực lượng lớn pháo binh, thiết giáp vượt sông Mỹ Chánh phản kích lên thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã, giữ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài gần 3 tháng dưới bom đạn ác liệt của quân thù, không có công sự trận địa nào không bị bom đạn pháo địch cày xới, băm nát hàng trăm lần. Thêm vào đó, mưa lũ đầu mùa đổ xuống công sự, chiến hào ngập nước, nhiều hầm hào bị sụt lở vì thế khó khăn là rất lớn. Các chiến sĩ ta phải dựa vào chiến hào, dựa vào tường thành cổ giành giật với địch từng mô đất, từng mảng tường, từng đoạn chiến hào, có phân đội đã chiến đấu đến người cuối cùng.
Các đơn vị bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị đã giữ vững trận địa 81 ngày đêm, nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiềm giữ một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho đấu tranh ngoại giao và các mặt trận khác đẩy mạnh tiến công.
Ngày 22-9-1972, dưới sự chi viện của không quân và pháo hạm Mỹ, quân Ngụy mở một cuộc hành quân lớn nữa hòng chiếm lại toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị. Dựa vào hệ thống phòng ngự trận địa, quân và dân Quảng Trị đã đánh lui các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Do những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam cùng với “trận Điện Biên Phủ trên không” trên miền Bắc, tại Hội nghị Pari, đế quốc Mỹ buộc phải thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đơn phương rút quân về nước.
Chữ ký trên Hiệp định Pari chưa ráo mực, ngụy quân Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định. 23 giờ 30 ngày 27-1-1973, lợi dụng lúc gió to nước thủy triều xuống, địch cho lữ đoàn đặc nhiệm có hơn 100 xe tăng, xe bọc thép dẫn đầu tiến theo mép nước lấn chiếm Cửa Việt. Chúng bị Sư đoàn 320B trừng trị thích đáng, đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm đầu tiên của địch sau Hiệp định Pari.
Hai năm sau, ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và trong công cuộc giải phóng miền Nam, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên sạch bóng quân thù./.
Xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, xứng tầm vị thế trung tâm của tỉnh  (28/03/2012)
Công, tư lẫn lộn  (28/03/2012)
Xây dựng Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc  (28/03/2012)
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị  (27/03/2012)
Thủ tướng dự các cuộc gặp bên lề hội nghị hạt nhân  (27/03/2012)
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm