Công, tư lẫn lộn
17:37, ngày 28-03-2012
Có những câu chuyện người ta muốn nhanh chóng rơi vào quên lãng và mong sẽ không còn trường hợp tương tự xảy ra. Thế nhưng, cảm tưởng như bút mực của công luận dù có “dào dạt như nước Biển Đông” cũng không đủ để thấm vào tai những người vẫn “thích đùa”, hay nói cách khác là “thích làm trò hề” trước dư luận thiên hạ!
Chả là mới đây, nhiều công chức ở tỉnh B. bỗng dưng cảm thấy “nổi da gà” khi nhận được thiệp mời đến ăn cơm tại nhà riêng nhân dịp 2 năm giỗ mẹ của một vị cán bộ đầu ngành có in rõ họ tên người mời kèm theo tên cơ quan khá nhạy cảm...
Nghe thế, biết vậy mà… buồn. Buồn vì thời gian gần đây, báo chí còn chưa ráo mực phản ánh mấy vị quan chức đang ở chốn “công đường” đàng hoàng mà vẫn làm mấy cái việc “cò con”, như ngày vui trăm năm của con trai lại mang danh “Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng” của tỉnh đi mời người khác “phải” đến dự; việc tang cha, mẹ lại nhờ “công văn dấu đỏ” thông báo đi khắp các cơ quan, đơn vị đến phúng viếng; đám cưới của con gái mà lại phân công nhân viên thuộc quyền đến giúp bằng lịch công tác tuần hẳn hoi…
Cứ tưởng xã hội càng hiện đại, vị thế của luật pháp càng giữ vai trò tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội thì người dân, trước nhất là các vị ít nhiều có chức quyền, sẽ không bao giờ để việc công, tư lẫn lộn tùng phèo đến vậy. Nhưng trớ trêu thay, một số người có học, có chức tước vẫn chưa thấu đáo cái suy nghĩ tưởng như sơ đẳng đó để rồi “lạc bước” vào “mê cung” công, tư đầy tính toán, mà cũng dễ gặp rủi ro như chơi. Thì đấy, chẳng biết sau mấy việc hiếu hỉ trên đây người trong cuộc được những “lợi lộc” gì, tiền của chảy thêm “vào túi cá nhân” được bao nhiêu, nhưng người thì phải chuyển công tác, người lại chịu sự “búa rìu” của dư luận. Thế mới biết câu răn dạy của người xưa “tham thì thâm” chí lý biết bao!
Thật ra trong cuộc sống, không ai (và cũng không nên) phân biệt quá mức rạch ròi, chi li theo kiểu “Chẻ sợi tóc làm tư” thế nào là công, thế nào là tư. Bởi “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” như triết học mác-xít khẳng định và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Nếu một ai đó lúc nào cũng mang danh cá nhân thuần túy để xử lý, giải quyết mọi mối quan hệ mà không cần ánh sáng pháp luật rọi chiếu, không cần cộng đồng làm chỗ dựa (dù chỉ là tinh thần) và cũng không cần chuẩn mực đạo đức xã hội điều chỉnh thì dễ trở thành kẻ cực đoan, đơn lẻ giữa đồng loại. Nhưng cũng sẽ trở nên ích kỷ khi lợi dụng vị trí công tác để “cá nhân hóa” mọi mối quan hệ chỉ vì lợi ích của bản thân, gia đình mình. Không phải ngẫu nhiên mà trong một hội nghị về an toàn giao thông diễn ra cuối năm ngoái, một vị lãnh đạo ngành công an đã thẳng thắn lên tiếng và đề nghị cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành, các địa phương đừng “xía vào” câu chuyện cảnh sát giao thông xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông thuộc thành phần “4C” (con cháu các cụ)! Một khi các vị “cầm cân nảy mực” trong xã hội mà vẫn lấy “quyền lực cá nhân” để can thiệp vào “việc công” như vậy không chỉ gây khó dễ cho lực lượng chức năng, mà vô hình trung còn làm mất “tính thiêng” và sự nghiêm minh của luật pháp, hơn thế làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Cách đây gần hai trăm năm, cụ Nguyễn Du từng cảnh tỉnh: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”. Đã là quan chức, ít nhiều ai cũng thể hiện vai trò “phương diện quốc gia”. Thế nên, có những việc làm, hành vi của các quan chức trong xã hội thông tin khó mà lọt qua hàng vạn, hàng triệu con mắt của nhân dân, huống chi là những việc đình đám như hiếu hỉ và ồn ào như giao thông đi lại trên đường. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn bao việc công, tư lẫn lộn khác biểu hiện tinh vi dưới nhiều hình thức mới đáng sợ hơn. Đó là lấy xe công đi chùa, đi hội; dùng tiền tập thể nhưng lấy danh nghĩa cá nhân đi biếu xén cấp trên; sử dụng công sản phục vụ nhu cầu riêng; núp bóng “đầy tớ của dân” nhưng làm gì cũng chỉ mưu cầu vinh thân, phì gia, v.v.. Chính những việc làm công, tư lẫn lộn này là nguy cơ làm mọt ruỗng tư chất cán bộ, đảng viên; gặm nhấm nền tảng đạo đức xã hội và dễ làm khuynh đảo luật pháp. Vậy có lời thưa rằng, một khi ai đó đã mang danh “ăn cơm Nhà nước, ở nhà công”, xin đừng quên làm tròn bổn phận, đạo lý “Dĩ công vi thượng” của người cộng sản như Cụ Hồ đã dạy và hãy tự mình biết cách “dị ứng” trước những hành vi “công, tư lẫn lộn” dễ phiền lòng dân, thêm đau lòng nước!
Xây dựng Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc  (28/03/2012)
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị  (27/03/2012)
Thủ tướng dự các cuộc gặp bên lề hội nghị hạt nhân  (27/03/2012)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp