Bước tiến mới hướng tới một thế giới an toàn hơn
TCCSĐT - Nếu Hội nghị An ninh hạt nhân lần đầu tiên năm 2010 ở Washington đặt viên gạch nền móng cho con đường hướng tới mục tiêu lớn vì một thế giới phi hạt nhân, thì Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2012 là bước tiến mới hướng tới một thế giới an toàn hơn.
Từ viên gạch đầu tiên ở Washington..
Năm 2010, lần đầu tiên Hội nghị An ninh hạt nhân đã được tổ chức tại Washington (Mỹ) đã quy tụ các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc, cùng với nhiều quốc gia khác đang và sẽ phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ba nước chưa tham gia Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT) năm 1970 và cũng là những quốc gia mới tham gia Câu lạc bộ hạt nhân từ hơn 10 năm nay là Ấn Độ và Pakitstan và cả Israel - một quốc gia được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có mặt tại Hội nghị này.
Mục đích đề ra của Hội nghị An ninh hạt nhân là đến năm 2014, các quốc gia trên thế giới sẽ hợp tác để bảo vệ toàn bộ vũ khí hạt nhân và vật liệu phóng xạ trong trạng thái an toàn. Tại Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2010 ở Mỹ, các nước tham gia đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, trong đó ghi rõ mục đích và các nhiệm vụ cần phải thực hiện. Kế họach thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong tuyên bố chung được cụ thể hóa thành các bước: phê chuẩn và thực hiện các hiệp ước về an toàn hạt nhân và chống khủng bố hạt nhân; thông qua Liên hợp quốc để hợp tác trong việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an toàn hạt nhân và hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); xem xét lại các yêu cầu pháp lý của từng quốc gia về an toàn hạt nhân và thương mại các vật liệu hạt nhân; chuyển các cơ sở phi quân sự sử dụng vật liệu hạt nhân làm giàu ở mức độ cao sang sử dụng các vật liệu được làm giàu ở mức độ thấp sao cho không thể sử dụng được sau đó để chế tạo vũ khí hạt nhân; nghiên cứu khoa học về nhiên liệu hạt nhân; phát triển văn hóa công ty và văn hóa thể chế, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa an toàn hạt nhân; thực hiện các chương trình giáo dục nhằm bảo đảm nhân lực cho các chủ thể làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các vật liệu hạt nhân của họ; tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả cơ chế phát hiện vũ khí và vật liệu hạt nhân.
Kể từ năm 2010 tới nay, các nước đã đạt được một số chuyển biến tích cực trong các hệ thống lập pháp và tăng cường sự quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân ở cấp độ cao nhất. Một số thành viên tham gia Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2010 ở Mỹ cho biết, họ đã thực hiện 60% nhiệm vụ đề ra ở Hội nghị đó, cụ thể là đã thực hiện 50 biện pháp trong 14 lĩnh vực và nâng cao đáng kể trách nhiệm của các nhà nước đối với việc sử dụng vật liệu hạt nhân, mở các trung tâm giáo dục và tham gia vào các sáng kiến giáo dục quốc tế (Center for Excellence) và tham gia Quỹ An toàn hạt nhân (Nuclear Security Fund).
Sau 2 ngày thảo luận sôi nổi với hàng loạt cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị, tất cả các thành viên tham gia đã đạt được kết quả bước đầu. Các thành viên tham gia đã nhất trí cao về nội dung của Tuyên bố chung của Hội nghị, theo đó tất cả các bên tham gia cam kết về những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Kết quả này có thể được coi là thành công bước đầu vì đã gửi đi một số tín hiệu tích cực. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hạt nhân nhằm mục đích chủ yếu là giảm nguy cơ phát sinh xung đột và chiến tranh hạt nhân; xây dựng, cải tiến, hoàn thiện cơ chế ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt; cắt giảm và huỷ vũ khí hạt nhân trên cơ sở đa phương; các nước giúp đỡ nhau trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.
Có nhiều nội dung liên quan đến việc xây dựng, cải tiến và hoàn thiện cơ chế ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng có tầm quan trọng then chốt là bảo đảm cho kho vũ khí hạt nhân và vật liệu hạt nhân được an toàn, nghĩa là kiểm soát trạng thái vật lý của kho vũ khí hạt nhân cũng như vật liệu hạt nhân và không để cho phương tiện này rơi vào tay khủng bố. Chính xuất phát từ mục đích này mà năm 2010 nhiều nước trên thế giới đã tổ chức hội nghị về an ninh hạt nhân lần đầu tiên ở Mỹ và quyết định tổ chức lần thứ hai ở Hàn Quốc vào năm 2012
...đến bước tiến mới tại Seoul để hướng tới một thế giới an toàn hơn
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh vấn đề an ninh và an toàn hạt nhân đang là chủ đề nóng, nhất là sau sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) dưới tác động của động đất và sóng thần tháng 3-2011, các “điểm nóng hạt nhân” chưa hạ nhiệt, nhiên liệu hạt nhân đang đứng trước nguy cơ bị phát tán và có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố và tội phạm quốc tế. Theo báo cáo của IAEA, đến năm 2011 trên thế giới có khoảng 1.600 tấn nguyên liệu urani được làm giàu ở cấp độ cao, 500 tấn plutoni được phân tách, đủ chế tạo 100 nghìn đầu đạn hạt nhân. Tình trạng đặc biệt nguy hiểm là nguồn nguyên liệu này bị phân tán còn công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân không còn là bí mật đến mức khó sở hữu. Ngoài ra, tại 31 nước trên thế giới hiện có 440 lò phản ứng hạt nhân đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố và tác động của thảm họa thiên nhiên khó dự báo trước.
Do đó, với sự có mặt của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 50 quốc gia trên thế giới và 4 tổ chức quốc tế, Hội nghị An ninh hạt nhân ở Hàn Quốc năm 2012 tập trung bàn thảo về khả năng an toàn phóng xạ hạt nhân, an toàn cho vũ khí hạt nhân và các lĩnh vực liên quan đến an toàn hạt nhân cho các nhà máy điện nguyên tử. Mục đích chủ yếu của quá trình bảo đảm an toàn hạt nhân là đến năm 2014 đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn toàn bộ cho các vật liệu hạt nhân.
Như vậy theo kế họach, Hội nghị An toàn hạt nhân năm 2014 sẽ là diễn đàn có nhiêm vụ tổng kết các mục tiêu mà 2 hội nghị trước đặt ra. Tuy nhiên, do nhiệm vụ bảo đảm an toàn hạt nhân cho tất cả các vật liệu hạt nhân đến thời điểm đó rất có thể chưa giải quyết xong nên Hội nghị An ninh hạt nhân sẽ tiếp tục được tổ chức sau năm 2014 theo các phương án đối thoại như duy trì cơ chế tiếp xúc như hiện nay ở cấp độ nguyên thủ các quốc gia 2 năm một lần hoặc gia tăng khoảng cách giữa các hội nghị sau năm 2014; chuyển nội dung thảo luận sang diễn đàn G20; đưa quá trình đối thoại về an toàn hạt nhân thành Chương trình đối tác toàn cầu.
Trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai gần, vũ khí hạt nhân sẽ vẫn là một trong những thành phần quan trọng nhất trong trang bị của các quốc gia hạt nhân, là một trong những bảo đảm cơ bản để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của họ. Nhưng xét về bản chất vật lý, vũ khí hạt nhân tiềm ẩn trong đó nguy cơ thực sự đối với nhà nước, xã hội và con người trong trường hợp xảy ra sự cố, thảm họa công nghệ và hoạt động phá hoại. Do đó, việc bảo đảm an toàn hạt nhân và an toàn phóng xạ cho vũ khí hạt nhân trong suốt vòng đời của loại vũ khí này (gồm nghiên cứu chế tạo, bảo quản, tháo dỡ và tiêu hủy) là một nhiệm vụ có tầm quan trọng quốc gia. Trước tình hình đó, Hội nghị An ninh hạt nhân ở Hàn Quốc năm 2012 xác định, an toàn cho tổ hợp vũ khí hạt nhân được bảo đảm theo 4 hướng: kiểm soát công nghệ đối với quá trình thực hiện các yêu cầu về an toàn hạt nhân; kiểm soát trạng thái kỹ thuật của trang thiết bị hạt nhân; bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao cho đội ngũ nhân viên và duy trì tính kỷ luật cao của họ; bảo đảm kỹ thuật cho quá trình khu trú và khắc phục hậu quả sự cố hạt nhân.
Liên bang Nga đi đầu trong bảo đảm an toàn cho vũ khí hạt nhân
Do nhận thức được trách nhiệm cực kỳ quan trọng đối với việc sở hữu vũ khí hạt nhân buộc các quốc gia phải coi an toàn cho kho vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ở tầm quốc gia, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách, kịp thời trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới phải trải qua những biến động chính trị - xã hội hết sức phức tạp sau khi Liên Xô tan rã, nên từ năm1996, Chính phủ Liên bang Nga đã thông qua Nghị quyết "Về những biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn cho vũ khí hạt nhân". Thực hiện Nghị quyết này, Liên bang Nga đã xây dựng thành công hệ thống bảo đảm an toàn cho vũ khí hạt nhân, bao gồm tất cả cấp quản lý của nhà nước, để thực hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm an toàn cho vũ khí hạt nhân.
Trên cơ sở đó, Liên bang Nga đã xây dựng hệ thống quốc gia thống nhất để cảnh báo và khắc phục tình trạng khẩn cấp liên quan đến vũ khí hạt nhân. Từ đó, Nga đã xây dựng một hệ thống chức năng để phản ứng và khắc phục hậu quả hỏng hóc liên quan đến vũ khí hạt nhân trên cơ sở các cơ quan làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả đặc biệt của Bộ Quốc phòng Nga và hợp tác với IAEA.
Trong điều kiện nguy cơ khủng bố hạt nhân quốc tế ngày càng trở nên trầm trọng, Bộ Quốc phòng Nga thông qua các biện pháp đặc biệt để bảo đảm an toàn về mặt vật lý và chống khủng bố hạt nhân cho các công trình bảo quản vũ khí hạt nhân. Tính đến việc bảo đảm an toàn cho vũ khí hạt nhân là một vấn đề quốc tế, hiện nay Liên bang Nga đang tích cực phối hợp với các tổ chức và hệ thống pháp lý quốc tế trong lĩnh vực an toàn hạt nhân nhằm thực hiện được các mục tiêu cơ bản là giảm thiểu nguy cơ phát sinh xung đột hạt nhân; hoàn thiện các cơ chế ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân; cắt giảm và tiêu huỷ vũ khí hạt nhân trên cơ sở đa phương; giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.
Tham gia của Việt Nam tại Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2012
Việt Nam đã tham dự Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2010 tại Washington và lần này Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục dẫn đầu Đoàn đại biểu nước ta tham dự Hội nghị An ninh hạt nhân năm 2012 ở Seoul với tinh thần trách nhiệm cao trước yêu cầu duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Ủng hộ cách tiếp cận của Hội nghị là bàn về các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân, tăng cường ý chí chính trị và thiện chí hợp tác để đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân, với vai trò là quốc gia đang phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, trong đó khẳng định quan điểm của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, đồng thời có trách nhiệm và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, góp phần xây dựng Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất ở Washington năm 2010./.
Xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012 tăng 26,3% so với cùng kỳ  (28/03/2012)
Đắk Lắk phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập  (28/03/2012)
Nhớ về chiến thắng Quảng Trị 1972  (28/03/2012)
Xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, xứng tầm vị thế trung tâm của tỉnh  (28/03/2012)
Công, tư lẫn lộn  (28/03/2012)
Xây dựng Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc  (28/03/2012)
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm