TCCSĐT - Ngày 11-11, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, sau khi thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển nội dung.

Phát biểu trước khi các đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu những vấn đề cơ bản cần tập trung thảo luận là: đối tượng áp dụng của dự thảo luật là cá nhân hay tổ chức, giải trình vì sao dự thảo luật lại thu hẹp đối tượng áp dụng; mô hình tổ chức của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như thế nào để giảm thiểu rủi ro, phù hợp với tình hình Việt Nam;  cơ quan quản lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nên giao Ngân hàng Nhà nước quản lý hay Thủ tướng quyết định hay là đơn vị đặc biệt hoạt động phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ công; chỉ bảo hiểm tiền đồng hay bảo hiểm cho cả ngoại tệ, vàng; những tiêu chí, nguyên tắc để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng…

Đa số các đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Nguyễn Ngọc bảo (Vĩnh Phúc)… đều nhất trí cho rằng việc xem xét để sửa đổi Luật lúc này là đúng đắn, nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhất là khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, trong đó quyết nghị giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Về đối tượng áp dụng của Luật có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định tại Dự án Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng. Ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, hợp tác xã… vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm bảo đảm sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Về quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo là giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi (quy định tại Điều 8 và Điều 9) vì vừa phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến, trong đó có đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi vì tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng cần có một vị thế độc lập, nhằm bảo đảm có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, minh bạch, khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên tắc cơ bản của các hoạt động bảo hiểm được đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam nhấn mạnh là nhiều đối tượng được hưởng, hạn chế các tác động của nhiều cơ quan quản lý, do vậy, dự thảo Luật cần quy định tính độc lập trong họat động của bảo hiểm tiền gửi, đại biểu cũng đề nghị bảo hiểm tiền gửi hằng năm cũng phải kiểm toán và được xếp hạng…

Về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, có đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động nhằm bảo đảm vị thế độc lập tương đối của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tăng lòng tin người gửi tiền. Có ý kiến nhất trí với dự án Luật về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhưng cần xác định rõ là theo mô hình doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề cập đến 2 loại mô hình phổ biến trên thế giới hiện nay: Một là, bảo hiểm tiền gửi chi trả đơn giản tức là thu phí chi trả. Hai là, mô hình giảm thiểu rủi ro, trong đó có giám sát ngân hàng. Đại biểu cho rằng mô hình thứ 2 phổ biến hơn trong những năm gần đây và hiện Việt nam cũng đang tiến dần đến mô hình giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, dự thảo lại quy định thiên về mô hình thứ nhất, tức là ta đang đi chậm lại, tụt lại chính thực tế hiện nay đang tồn tại. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xây dựng theo hướng hướng đến mô hình 2, trên cơ sở kế thừa những cái đã làm được.

Về loại tiền gửi được bảo hiểm, nhiều đại biểu đồng tình với Dự án Luật là chỉ bảo hiểm cho tiền đồng Việt Nam vì cho rằng quy định như vậy phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đôla hóa.  Một số đại biểu cho rằng thực tế vàng, ngoại tệ đang được dân tích trữ nhiều nên đề nghị nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (như vàng, kim loại quý…) cho phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam cho rằng, đến năm 2020 Việt Nam vẫn cần một lượng ngoại tệ lớn để thanh toán, doanh nghiệp vẫn cần ngoại tệ để giao dịch, không thể lấy lý do sợ gia tăng tình trạng đô la hóa mà phải thấy giải pháp cho tình trạng đôla hóa là nâng cao sức mua, giá trị của đồng tiền Việt Nam.

Về phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm, đa số đại biểu cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động thì không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật, mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện.

Ngoài ra, một số đại biểu như Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phạm Huy Hùng (Hà Nội) còn cho rằng luật ra đời sẽ tạo dựng được niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, nếu bị bó hẹp sẽ không bảo đảm được yếu tố bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế niềm tin.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, có 17 đại biểu đăng ký và đã phát biểu, đa số tán thành nhưng cũng nhiều ý kiến còn tranh luận; đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu và trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp sau./.