TCCSĐT - Ngày 11-11, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển nội dung.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 424/434 đại biểu có mặt nhất trí (chiếm 84,80%).

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011, nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, trong năm 2011, mặc dù phải triển khai nhiều công việc quan trọng nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn được chú trọng, tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào những vẫn đề bức xúc của cuộc sống. Với những kết quả đạt được, hoạt động giám sát đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo được sự quan tâm sâu rộng trong xã hội, được dư luận, cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh, đánh giá cao; hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giúp Chính phủ nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Những hạn chế của hoạt động giám sát cũng được chỉ ra như: chất lượng, hiệu quả của một số cuộc giám sát chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; trách nhiệm và sự phối hợp của một số cơ quan chịu sự giám sát chưa thật đầy đủ; việc theo dõi, đôn đốc, giải quyết hậu giám sát chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chế tài đủ mạnh để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được tổ chức và thực hiện nghiêm túc; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa làm được nhiều; hoạt động giám sát của một số Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn bị động, quá tải; lực lượng phục vụ còn mỏng, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát còn hạn chế…

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 31-10. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với dự kiến nội dung chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Ngoài những nội dung giám sát thường xuyên (như xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, hoạt động chất vấn) theo quy định của pháp luật, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất cao về dự kiến số lượng chuyên đề cho mỗi cơ quan, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và tham gia nhiều ý kiến cụ thể về lựa chọn các chuyên đề giám sát. Ngoài ra, để phù hợp với khả năng thực hiện và tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát 2 nội dung cụ thể: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tại kỳ họp thứ 3); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính (tại kỳ họp thứ 4). Đề nghị này đã được tiếp thu và chính thức đưa vào Nghi quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Nghị quyết quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 đã quyết nghị, năm 2012, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung theo quy định pháp luật và các giám sát chuyên đề. Cụ thể:

 Tại kỳ họp thứ 3 sẽ giám sát: Thứ nhất, xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Thứ hai, xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Thứ ba, tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thứ tư, giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại kỳ họp thứ 4, thứ nhất, xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định pháp luật. Thứ hai, xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Thứ ba, tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thứ tư, giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính./.