TCCSĐT - Ngày 10-11-2011, Liên minh châu ÂU đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Eurozone vào năm 2012, từ 1,8% xuống còn 0,5%.

 

 Eurozone có thể bước vào một cuộc suy thoái mới

Chi phí vay cao ngất

Ủy viên Hội đồng châu Âu Olli Rehn cho biết: “châu Âu gặp phải cản trở trong tốc độ tăng trưởng và có nguy cơ khu vực này bước vào một cuộc suy thoái mới”.

Tốc độ tăng trưởng chậm cùng với vị thế bất ổn của Italy càng khiến châu Âu khó thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện giờ. Italy đã tăng 5 tỉ trái phiếu Euro trong đợt phát hành trái phiếu hôm qua nhưng vẫn phải trả lãi suất lên đến 6,087 số tiền vay Eurozone một năm trước.

Cùng ngày, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn trong tình trạng xáo trộn do lo ngại về chi phí vay cao kỷ lục của Italy. Tuy nhiên sau khi bị sụt giá tại phiên mở cửa, các thị trường chứng khoán tại Đức và Pháp đã hồi phục lại dù còn khiêm tốn, trong khi đó chỉ số chứng khoán FTSE tại Anh vẫn giảm nhẹ.
Sáng 10-11, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật giảm 2,9%, chỉ số chứng khoán Kospi của Triều Tiên giảm 3,8%, và chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong giảm 5,3%.

Tính đến tháng 10-2011, lãi suất vay một năm của Italy đã lên cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua là 3,57%. Thứ tư tuần trước, lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ Italy tăng từ 6,37% lên tới mức cao nhất thời đồng euro, 6,64%, trước khi hạ xuống mức 6,53%.

Con số này cho thấy, nếu Chính phủ Italy định tiếp tục vay tiền để hoàn trả khoản nợ trong 10 năm qua thì sẽ phải trả số lãi hơn 7% và theo các nhà phân tích thì Italy khó mà gánh được số lãi này.

Trong dự báo về tốc độ tăng trưởng của Eurozone, Ủy ban châu Âu nhận định nếu các chính sách về chính trị của Italy không có gì thay đổi thì tỷ lệ nợ công của nước này vẫn duy trì ở mức 120,5% GDP trong năm tới, trước khi giảm xuống 118,7% năm 2013. Ủy ban châu Âu cũng dự đoán, Hy Lạp sẽ tăng mức nợ lên 198,3% GDP vào năm tới.

Bày tỏ quan điểm về cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của Eurozone, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, các nhà lãnh đạo khu vực này cần “phải hành động ngay” bởi “càng trì hoãn thì hiểm họa càng lớn”.

Giải pháp căn bản

Các nhà phân tích cũng đồng tình rằng, cần phải hành động ngay tức thì mới có thể bình ổn các thị trường. Nhà phân tích Frederic Neumann làm việc tại ngân hàng HSBC tại Hong Kong nói: “Châu Âu đang dịch chuyển từ cuộc khủng hoảng có thể giải quyết được tại Hy Lạp sang một thách thức lớn hơn nhiều tại Italy”. Theo ông F.Neumann, các nhà lãnh đạo châu Âu cần đưa ra được những giải pháp căn bản cho thời điểm này để ổn định các thị trường.

Các nhà kinh tế thế giới thì lo ngại rằng, có đưa ra giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ở Eurozone đi chăng nữa, hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng. Nhà kinh tế Su-Lin Ong làm việc cho ngân hàng RBC Capital Markets nói: “Cho dù các nhà lãnh đạo châu Âu giải quyết vấn đề như thế nào cũng không thể tránh được một cuộc suy thoái kinh tế toàn khu vực này. Do đó, hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro về tín dụng và con đường huyết mạch của các nền kinh tế một lần nữa lại bị đóng băng”.

Tháng trước, nhằm nỗ lực xoa dịu quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, các nhà lãnh đạo Eurozone đã yêu cầu các ngân hàng tăng vốn lên để tránh thất thoát do Hy Lạp có thể tuyên bố vỡ nợ trong nay mai.

Cùng thời điểm, các ngân hàng châu Âu cũng đành phải chấp nhận mất 50% số tiền cho Hy Lạp vay trước đó. Còn hiện giờ, lo ngại về tình hình khủng hoảng nợ tại Italy ngày càng diễn biến xấu, các ngân hàng châu Âu có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp tương tự với Hy Lạp.

Trong khi đó, đồng euro hôm nay vẫn tiếp tục suy yếu, chạm mức thấp nhất trong tháng là 1,35 USD so với USD, và mức thấp nhất trong hai tuần qua là 105,1 yên so với đồng yên Nhật.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn diễn biến phức tạp và bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và đang tìm cách bán tháo đồng euro và các tài sản liên quan đến đồng tiền này./.