Đổi mới tư duy, nhận thức và thể chế hóa quyền tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai

Phùng Quốc Hiển
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

17:49, ngày 10-09-2020

TCCS - Tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đổi mới nhận thức và thể chế quản lý loại tài sản đặc thù này cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam giúp Chính phủ, các cấp chính quyền, các nhà quản lý, nhà đầu tư phát huy tối đa giá trị của tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai ở mọi cấp độ và lĩnh vực. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành, sở hữu, quản lý, phân phối các loại tài sản đó là động lực quan trọng để xây dựng một xã hội Việt Nam sáng tạo, hiện đại, làm nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành, sở hữu, quản lý, phân phối các loại tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai làm nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan các sản phẩm công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) _Nguồn: vietnamplus.vn

Nhận thức về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai  

Nhận thức và khái niệm về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai không phải là vấn đề mới. Nó được đặt ra từ những năm 60 của thế kỷ XX. Đến khi quan niệm mới về kinh tế tri thức và sự trỗi dậy mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật trong những năm 90 của thế kỷ trước tới những năm đầu của thế kỷ XXI, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi nguồn tài nguyên vật chất ngày càng tiệm cận giới hạn, thì nguồn tài nguyên vô hạn là tri thức ngày càng được khẳng định.

Nhiều quốc gia từng coi tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn là lợi thế đã trở nên lạc hậu trong phát triển, thậm chí bị tụt hậu, trong khi một số quốc gia khác nghèo hơn về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại phát triển nhanh chóng vì đã dựa chủ yếu vào tài nguyên vô giá là tri thức, trí tuệ, văn hóa, tạo nên những tài sản vô hình có giá trị vô cùng lớn và cũng là lợi thế để tạo ra những tài sản hình thành trong tương lai. Chính vì vậy, tài sản vô hình đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giá trị doanh nghiệp, hiện chiếm tới 84% giá trị thị trường của 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn trên thị trường Mỹ (S&P 500)(1) vào năm 2015, trong khi, chỉ số này mới chỉ là 17% ở thời điểm năm 1975 (theo nghiên cứu của Quỹ đầu tư hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài sản trí tuệ - Ocean Tomo). Có thể thấy, khi xem xét, đánh giá một thực thể kinh tế không thể không chú ý đến yếu tố tài sản vô hình, nhất là tài sản hình thành trong tương lai, bởi vì tài sản vô hình khác với các tài sản thông thường ở chỗ, nó là một thực thể sống động và có sự tác động của trí tuệ con người được nhân lên bởi yếu tố thời gian, yếu tố đi trước đón đầu và lợi thế đem lại.

Định nghĩa thông thường về tài sản vô hình cho rằng, đây là loại tài sản có đặc điểm nổi bật là không có hình thái vật chất, có thể là bằng sáng chế, bản quyền, nhượng quyền thương mại, lợi thế thương mại, nhãn hiệutên thương mại, phần mềm, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo, bí quyết kinh doanh hay công nghệ... Còn theo Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC) thì tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế, chúng không có cấu tạo vật chất nhưng lại tạo ra những quyền, những ưu thế đối với người sở hữu và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng. Tài sản vô hình có các đặc điểm là gắn liền với chủ thể nhất định, đồng thời mang lại lợi ích cho chủ thể đó.

Theo Luật Thuế thu nhập của Mỹ(2), tài sản vô hình có thể chia làm sáu loại cơ bản, gồm: Các sáng chế, phát minh, công thức tính, quy trình, mô hình, kỹ năng; bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật; thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa; thương quyền, giấy phép, hợp đồng; phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật; các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là tương tự, nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các thuộc tính vật chất mà nhờ vào nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó. Còn theo Aon Ponemom Institute LLC, các tài sản vô hình được chia thành 8 nhóm với 35 loại tài sản: nhóm sở hữu trí tuệ; quyền kinh doanh giữa doanh nghiệp được bảo vệ sở hữu trí tuệ; thương hiệu có thể được bảo vệ sở hữu trí tuệ; tài sản cố định vô hình có thể được bảo vệ sở hữu trí tuệ; quyền công cộng (ví dụ: quyền khoan thăm dò, hạn ngạch nhập khẩu, kế hoạch/giấy phép/phân vùng, quyền sử dụng nước, tần số vô tuyến điện, khí thải các-bon, quyền hàng không); dữ liệu có thể được bảo vệ sở hữu trí tuệ; quyền không mang lại doanh thu; các mối quan hệ (với khách hàng, với nhà cung ứng).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư cũng có những thay đổi căn bản ở các quốc gia, nhất là các quốc gia có trình độ phát triển cao. Các nền kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày càng dựa nhiều vào kinh tế tri thức, nguồn vốn dựa trên tri thức (knowledge-based-capital), bao gồm các tài sản vô hình như: Nghiên cứu và phát triển (R&D), phần mềm, vốn nhân lực và cơ cấu tổ chức... Đầu tư vào tài sản vô hình đang tăng lên và thậm chí vượt quá đầu tư vào vốn vật chất ở một số quốc gia OECD.

Qua nghiên cứu cho thấy, nhận thức và khái niệm về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai còn khá khác nhau, chưa rõ, còn dựa trên sự xác định các giá trị hiện tại của tài sản vô hình mà chưa làm rõ về giá trị hình thành trong tương lai là thế nào? Lấy gì làm thước đo? Cho nên, đầu tư vào nó và sở hữu nó vẫn đầy rủi ro. Mặt khác, các khái niệm về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai mới chỉ được đề cập nhiều ở cấp độ doanh nghiệp, tập đoàn quốc gia và xuyên quốc gia. Còn các cấp độ cao hơn, như quốc gia, địa phương thì lại chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, thấu đáo, toàn diện, chính vì thế sự nhận thức về giá trị của nó đem lại còn hạn chế, có thể dẫn tới làm giảm đi cơ hội, lợi thế của quốc gia, địa phương. Nếu được xác định thì nó có thể làm giá trị tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai được nhân lên ở cấp số cộng, thậm chí là cấp số nhân.

Vậy vấn đề đặt ra về khái niệm tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai cấp độ quốc gia, cấp độ địa phương là thế nào? Phải chăng đó là tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai thuộc sở hữu nhà nước ở cấp độ quốc gia, ở cấp độ địa phương được xác định bằng giá trị đạt được của tài sản đó ở hiện tại với giá trị dự báo sẽ đạt được trong tương lai, được xác định bởi các giá trị về lợi thế, vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia, địa phương đó. Ví dụ, quy hoạch tổng thể quốc gia là một dạng tài sản vô hình của quốc gia; nó hội tụ trí tuệ để xây dựng nên quy hoạch đó; nó định hướng phát triển, phân vùng phát triển..., là một nội dung mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần khai thác để tính toán, đoán định được hướng phát triển, hướng đầu tư của mình. Quy hoạch đó càng có giá trị nếu là quy hoạch của một quốc gia có vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế, có nhiều lợi thế, uy tín, tín nhiệm cao trên trường quốc tế, có khả năng phát triển nổi trội... Quy hoạch đó có định hướng, tầm nhìn, khoa học, có chất lượng thì càng làm tăng giá trị tài sản vô hình của quốc gia; các nguồn lực tài chính, tài sản của nhà đầu tư nếu nắm bắt được quy hoạch, đầu tư kịp thời đúng quy hoạch sẽ được nâng giá trị. Tương tự như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện, phân khu chức năng cũng là tài sản vô hình vì nó là điều kiện hình thành quyền lợi cho các tài sản khác trong tương lai. Trong thực tế, việc công bố quy hoạch một khu đô thị thì giá trị của đất đai của khu vực ấy tăng lên rõ rệt, thậm chí quy hoạch đang được nghiên cứu xây dựng, chuẩn bị có ý tưởng lập ra thì nó đã là tài sản vô hình hình thành trong tương lai. Nếu các nhà đầu tư nắm bắt được ý tưởng này sẽ có lợi thế. Còn rất nhiều các ví dụ khác để chứng minh cho loại tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai ở cấp độ quốc gia, cấp độ địa phương, thậm chí nếu được nhìn rộng ra thì có cả tài sản vô hình cấp độ khu vực, ví dụ như chính sách kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định thương mại tự do ASEAN có thể là tài sản vô hình cấp khu vực vì nó sẽ đem lại giá trị mang tính khu vực.

Các quy định pháp luật hiện hành về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai ở nước ta

Về cơ bản, quan niệm về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai của Việt Nam cũng giống như thông lệ quốc tế nên Việt Nam cũng có những cách tiếp cận xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp khá tương đồng với thế giới. Tuy nhiên, việc định giá tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai ở Việt Nam hiện nay còn khá mới mẻ và gặp không ít khó khăn do thiếu các dữ liệu về kinh tế vĩ mô, vi mô, căn cứ thực tiễn và pháp lý. Khi thẩm định giá trị, chúng ta phải tự tìm kiếm, thu thập dữ liệu ở nhiều nguồn lưu giữ khác nhau và khó trích xuất dữ liệu. Sự hỗ trợ thông tin từ phía Nhà nước hầu như còn ít. Bên cạnh đó, những điều kiện để có thể thực hiện các phương pháp định giá còn thiếu khoa học, đội ngũ làm công tác thẩm định thiếu chuyên nghiệp, ít kinh nghiệm, định giá chủ quan, làm méo mó các giá trị thật của tài sản vô hình. Xét cho cùng thì thị trường mới là môi trường kiểm nghiệm quan trọng nhất. Chẳng hạn như, muốn áp dụng cách tiếp cận từ thị trường, đòi hỏi phải có thị trường giao dịch và các thông tin của các tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai giao dịch trên thị trường, để làm tham chiếu cho tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai cần định giá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường giao dịch tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai một cách hoàn chỉnh.

Trong hệ thống pháp luật, các quy định về sở hữu nói chung, trong đó có sở hữu tài sản vô hình được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và được quy định tại một số điểm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (chương VII, Tài sản, Điều 115, Quyền tài sản), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Đấu giá tài sản năm 2016,... song tính hệ thống chưa cao, nhiều nội dung cần được điều chỉnh bởi pháp luật còn thiếu, chưa cập nhật hết thực tiễn đang diễn ra sôi động và nhanh chóng.

Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, các quy định về sở hữu tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai còn thiếu, chưa cập nhật hết thực tiễn đang diễn ra sôi động và nhanh chóng _Ảnh: Minh họa

Việt Nam quy định tài sản vô hình(3) bao gồm các loại sau: Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật, như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,...; các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu...; nhìn chung, tài sản vô hình phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau: Không có hình thái vật chất; tuy nhiên, một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình; có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ như hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính,...); có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu; và giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.

Chế định tài sản hình thành trong tương lai là một bước tiến lớn trong khoa học pháp lý. Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa tồn tại trong hiện tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm xem xét nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong tương lai. Ngoài ra, tài sản hình thành trong tương lai có thể bao gồm tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch tài sản đó mới thuộc sở hữu của các bên (tài sản mua bán, thừa kế nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển giao cho chủ sở hữu), sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.

Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy các quy định pháp lý về tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai của Việt Nam là khá mờ nhạt, chưa mang tính hệ thống, thiếu các phạm vi, đối tượng cần được điều chỉnh, như quy định pháp lý về sở hữu tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai ở các cấp độ cá nhân, tổ chức, địa phương, quốc gia, thậm chí là cấp khu vực khi các quốc gia cùng sở hữu và chia sẻ các tài sản đó.

Một số giải pháp về chính sách

Từ những phân tích trên, để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế về vấn đề tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai cần thể hiện nội dung này bằng quan điểm, chủ trương trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là căn cứ chính trị để tiếp tục hoàn thiện và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo đảm điều chỉnh và tạo cơ sở pháp lý cho quản lý tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai, nhất là ở cấp độ quốc gia, địa phương. Đây là vấn đề cấp thiết vì trong khi có khá nhiều quy định pháp luật về tài sản vô hình của doanh nghiệp nhưng vẫn còn thiếu những quy định về giá trị tài sản vô hình ở cấp độ quốc gia, cấp độ vùng, địa phương. Đồng thời, cần có cơ chế để phân phối và điều tiết nguồn thu nhập hình thành từ loại hình tài sản này cho ngân sách quốc gia.

Một vấn đề cũng cần được nghiên cứu, đó là, cũng giống như tài sản vô hình chưa được xác định trong bảng tổng kết tài sản doanh nghiệp khi chưa phát sinh hành vi mua - bán, chưa thể hiện giá trị được tính bằng tiền, nhưng cũng cần được theo dõi, đánh giá, thì trong thực tế, tài sản vô hình của quốc gia, địa phương cũng chưa thể có mặt trong Báo cáo tài chính nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Kế toán năm 2015. Nên chăng, đối với những tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai, khi chưa có giao dịch, chưa xác định được giá trị thực tế, nên được thể hiện “ngoại” bảng tổng kết tài sản của quốc gia, địa phương bằng một phụ lục để theo dõi diễn biến của tài sản đó. Từ đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể dùng làm cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo hoặc thậm chí làm tài liệu dùng trong đàm phán với các đối tác.

Một vấn đề quan trọng nữa là bảo hộ quyền sở hữu tài sản vô hình và tài sản hình thành trong tương lai vốn đang là những yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của quốc gia, địa phương hay doanh nghiệp. Việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu tài sản vô hình là yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh tế của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp. Đây là sự bảo hộ quyền sở hữu những tài sản đặc biệt - sản phẩm trí tuệ có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu. Chỉ khi bảo đảm tính pháp lý, rõ ràng, minh bạch về quyền sở hữu thì chúng ta mới thúc đẩy được hoạt động sáng tạo, đổi mới khoa học và công nghệ, các hoạt động đầu tư, chuyển giao và khai thác công nghệ, hoạt động nghiên cứu và triển khai./.

-----------------------------

(1) Ocean Tomo Intangible Asset Market Value Study, Chicago, 2017
(2) https://www.law.cornell.edu/wex/income_tax
(3) Thông tư số 06/2014/TT-BTC, ngày 7-1-2014, của Bộ Tài chính, “Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13”, quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá tài sản vô hình