Ngày 27-2-2009, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa X). Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu 
tại Hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng ta. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Hội nghị Trung ương 9 vừa qua đã đề cập nhiều nội dung, trong đó có nội dung đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3. Hội nghị toàn quốc lần này nhằm tạo sự thống nhất cao về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9, đánh giá kết quả đạt được bước đầu trong thời gian qua, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhận thức rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ nay đến Đại hội XI, nhiệm vụ, giải pháp năm 2009; từ thực tiễn đề xuất những biện pháp triển khai có hiệu quả công tác PCTN, lãng phí ở nước ta.

Giới thiệu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 về nội dung công tác PCTN, lãng phí, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nêu rõ, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), công tác PCTN, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí có bước được kiềm chế. Số vụ tham nhũng, lãng phí lớn, nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong 2 năm qua có giảm hơn. Kết quả đó cho thấy, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 3 là đúng đắn, khẳng định quyết tâm cao của Đảng cũng như khả năng thực hiện của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
 
Bên cạnh đó, công tác PCTN, lãng phí cũng còn có một số hạn chế, yếu kém: việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động trong công tác PCTN, lãng phí còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác này chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn yếu kém; công tác kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chủ động, chưa thực hiện thường xuyên, còn có hiện tượng né tránh trong xử lý; nhiều vụ án tham nhũng xử lý còn chậm, việc xử lý hành vi tham nhũng thiếu toàn diện và chưa đồng bộ; hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh ở nhiều địa phương còn lúng túng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ có khả năng xảy ra tham nhũng; năng lực và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu kém, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của công tác PCTN; các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, đối tượng tham nhũng có tính đặc thù.

Chính vì vậy, phương hướng của công tác PCTN, lãng phí trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 10 chủ trương, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo về PCTN và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, lãng phí.

 
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng -
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban
Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
(Ảnh VOVNews)

Từ phương hướng đó, công tác PCTN năm 2009 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: tiếp tục triển khai đồng bộ và toàn diện các chủ trương, giải pháp theo Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X), trong đó tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa; tăng cường công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục; hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo về PCTN và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả hơn; phấn đấu trên hiều lĩnh vực tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, góp phần thiết thực ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Các ý kiến tham luận tại hội trường đã làm rõ hơn những đánh giá về kết quả triển khai thực hiện công tác PCTN; phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; nêu những kinh nghiệm triển khai, thực hiện ở các đơn vị; đồng thời làm sâu sắc thêm chủ trương, nhiệm vụ của công tác này trong thời gian tới cũng như nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2009.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh những nhiệm vụ chủ yếu cần quan tâm:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9; đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài ở Trung ương và địa phương.

- Đề cao trách nhiệm các tổ chức đảng và đảng viên, gắn triển khai công tác PCTN với các hoạt động kỷ niệm trong năm, nhất là kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác.

- Điều chỉnh, bổ sung chương trình hành động theo hướng cụ thể, khả thi cho từng tập thể, cá nhân, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

- Các cấp ủy đảng tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, có biện pháp để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân.

- Tập trung sự chỉ đạo của cấp ủy đảng với công tác PCTN, đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm điểm công tác định kỳ, hằng năm, có báo cáo chuyên đề để năm 2010 có báo cáo tổng kết Đại hội Đảng các cấp./.