Ngành Tuyên giáo vươn lên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ ngày càng phức tạp*
Chiều nay (26-2-2009), tại Đà Nẵng,Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009-2010 đã bế mạc. Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dưới đây là bài phát biểu tại Hội nghị của đồng chí Trương Tấn Sang.
...Tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009, 2010. Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu về dự Hội nghị. Nhân dịp đầu xuân Kỷ Sửu, tôi thân ái chúc các đồng chí và qua các đồng chí, chúc toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Tuyên giáo toàn quốc một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và giành được nhiều thành công mới trên lĩnh vực công tác đặc biệt quan trọng này.
Thưa các đồng chí,
Tôi đã đọc bản Báo cáo tóm tắt của các đồng chí tổng kết công tác tuyên giáo năm 2008, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2009, 2010. Năm qua, qua theo dõi hoạt động của ngành, cùng các đồng chí trao đổi, bàn bạc để chỉ đạo và triển khai các hoạt động lớn của ngành, tôi tán thành những nội dung của Báo cáo, các đồng chí đã đánh giá khách quan những kết quả đạt được trong năm 2008, đồng thời tôi hoan nghênh tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những khuyết điểm, bất cập, yếu kém của ngành trong năm qua. Thái độ tự phê bình của các đồng chí là cơ sở quan trọng để các đồng chí nỗ lực vươn lên trước những yêu cầu ngày càng cao và những thách thức gay gắt đối với công tác tuyên giáo của Ðảng trong những năm tới.
Tôi mong rằng, với tinh thần ấy, Hội nghị của chúng ta, thông qua thực tiễn rất sinh động, phong phú và phức tạp năm 2008 trong cả nước cũng như ở từng địa phương, từng lĩnh vực, tiến hành tổng kết một cách thiết thực, sâu sắc để tìm ra những kết luận có giá trị thực tiễn nhằm chỉ đạo và thực hiện tốt hơn nữa hoạt động của toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong năm 2009 và những năm tiếp theo.
Phát biểu với Hội nghị, tôi xin không nhắc lại những nội dung khá đầy đủ trong Báo cáo, mà chỉ nhấn mạnh một số điểm cần thiết nhất.
Thứ nhất, cần phải đặt hoạt động của ngành Tuyên giáo toàn quốc trong bối cảnh đặc điểm khá đặc biệt của cả nước năm 2008, từ đó đánh giá đúng và trúng cả thành tựu, kết quả và cả yếu kém, khuyết điểm của công tác tuyên giáo.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Ðại hội X, năm 2006 và nửa đầu năm 2007, kinh tế phát triển thuận lợi, nửa cuối năm 2007 và cả năm 2008 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2008, đầu năm lạm phát cao, cuối năm suy giảm kinh tế, kinh tế vĩ mô có mặt không ổn định; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá và can thiệp vào công việc nội bộ nước ta; kích động bạo loạn, lật đổ, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta; tình hình đối ngoại đôi lúc có những phức tạp. Trong bối cảnh đó, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn to lớn, thực hiện Nghị quyết Ðại hội X đạt được những thành tựu quan trọng.
Cùng với những thành tựu rất đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục phát triển và ổn định, ổn định để phát triển, công tác tuyên giáo đã nỗ lực bám sát thực tiễn đất nước, trở thành một nhân tố tích cực góp phần quan trọng vào thành tựu chung. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) vừa qua đã đánh giá cao những đóng góp đó của ngành Tuyên giáo: "Công tác xây dựng Ðảng được tập trung chỉ đạo, đạt được những chuyển biến tích cực. Việc quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa, triển khai thực hiện nghị quyết có đổi mới. Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục được đẩy mạnh...
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tạo được những chuyển biến quan trọng về nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và bước đầu "làm theo" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân". Từ tất cả các hoạt động rất đa dạng, phong phú của ngành, từ Trung ương đến cơ sở trong năm 2008 vừa qua, kết quả cuối cùng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng chính là đã trực tiếp góp phần làm cho "lòng tin của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội".
Với ý nghĩa đó, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị làm công tác tuyên giáo toàn quốc về những thành tích và đóng góp quan trọng trong năm qua.
Thưa các đồng chí,
Trong Báo cáo, các đồng chí cũng đã nêu ra rất cụ thể 15 hạn chế, yếu kém trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành. Tôi cho rằng, đó là một thái độ đúng, trung thực và cầu thị của những người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng - văn hóa của Ðảng.
Ðồng tình với thái độ nghiêm túc đó, tôi xin nhấn mạnh và làm rõ thêm để các đồng chí lưu tâm hơn nữa, kiên trì và kiên quyết khắc phục bằng được các yếu kém, hạn chế của mình. Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) đã thẳng thắn nhắc nhở: "Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, chưa nắm chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những việc mới phát sinh để kịp thời xử lý. Chỉ đạo, quản lý và hoạt động của báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ còn nhiều hạn chế, yếu kém, việc khắc phục còn chậm. Một số mặt tiêu cực về tư tưởng có biểu hiện phức tạp và nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội... Các vấn đề văn hóa, giáo dục, đào tạo chưa được quan tâm đúng mức...".
Hội nghị Trung ương 9 cũng đã rất cân nhắc khi đánh giá các yếu kém, khuyết điểm trên của công tác tuyên giáo, song, xuất phát từ nhận thức yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng đối với lĩnh vực đặc biệt quan trọng này trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Ðảng thời kỳ mới, Trung ương có những đòi hỏi cao đối với các đồng chí. Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn toàn tin tưởng ở sự nỗ lực, ở bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết của các đồng chí, tự vượt qua những hạn chế của mình, vươn lên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ ngày càng phức tạp đối với ngành Tuyên giáo.
Thứ hai, về phương hướng và nhiệm vụ năm 2009, 2010. Tôi tán thành các nội dung cơ bản đã trình bày trong Báo cáo và hoan nghênh dự kiến chỉ đạo công tác của các đồng chí không chỉ dừng lại ở năm 2009, mà cần có định hướng, kế hoạch, chương trình tổng quát đến hết năm 2010, năm kết thúc kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và năm chuẩn bị mọi mặt để tiến tới Ðại hội XI của Ðảng. Tôi đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ không chỉ phần kiểm điểm, đánh giá năm 2008, mà cần tập trung suy nghĩ, hiến kế cho việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2009 và 2010.
Ðể các đồng chí thảo luận và xác định nhiệm vụ thời gian tới, tôi xin lưu ý một vài điểm sau:
Một là, cần nắm chắc bối cảnh, đặc điểm và những diễn biến mới, mau lẹ, phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước năm 2009 và từ nay đến Ðại hội XI.
Tình hình quốc tế và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quan hệ giữa các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa... Tình hình đó sẽ tác động nhiều mặt đến nước ta, cả mặt thuận và không thuận.
Ở trong nước, bên cạnh mặt thuận lợi là tình hình chính trị - xã hội ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần ổn định..., song, dự báo tình hình năm 2009 và một vài năm tới có thể sẽ khó khăn hơn năm 2008. Các thế lực cơ hội và thù địch tiếp tục chống phá Ðảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta ngày càng quyết liệt hơn. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội chưa được khắc phục, gây khó khăn cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Chúng ta cần nhận thức sâu sắc đặc điểm, tình hình những năm tới, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, đất nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức gay gắt, trong đó có phần do yếu kém vốn có của nền kinh tế, do những khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý cùng với những thách thức mới nảy sinh do quá trình hội nhập kinh tế, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Phải thấy rằng, đó không chỉ là những thách thức trong lĩnh vực kinh tế mà còn là những thách thức đối với chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Ðảng và việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái cho phát triển bền vững của đất nước.
Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến những đặc điểm trên vì nó tác động trực tiếp đến sứ mệnh cao quý của những người làm công tác tuyên giáo, đến chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của toàn ngành, của toàn bộ đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong cả nước.
Hai là, từ bối cảnh và đặc điểm trên, về nhiệm vụ chủ yếu của ngành Tuyên giáo năm 2009 và 2010, tôi đề nghị các đồng chí cần tập trung thảo luận phương hướng, mục tiêu tổng quát là tiếp tục, kiên trì đổi mới toàn diện và sâu sắc nội dung và phương thức công tác tuyên giáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các lĩnh vực của công tác tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi cao nhất mục tiêu của đất nước từ nay đến Ðại hội XI của Ðảng. Trên cơ sở đó, cần :
- Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề lớn thực tiễn đất nước đang đặt ra, tập trung vào tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 và chuẩn bị các văn kiện trình Ðại hội XI với chất lượng cao.
- Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sắc bén, có sức thuyết phục cao của công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Tiếp tục phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành hệ thống giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) đã chỉ rõ.
- Ðẩy mạnh, nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đặc biệt là việc làm theo, tạo chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Chủ động phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điểm tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực cơ hội, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò là cơ quan tham mưu, chuyên môn - nghiệp vụ của Ðảng, trực tiếp góp phần có hiệu quả vào quá trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học - công nghệ, thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ to lớn trên lĩnh vực các vấn đề xã hội...
- Củng cố, vừa mở rộng, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động thông tin đối ngoại, góp phần trực tiếp cho công tác tư tưởng, phục vụ tích cực sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Thưa các đồng chí,
Chúng ta đã đi qua một chặng đường nhiều thử thách của nửa đầu nhiệm kỳ Ðại hội X và đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Từ thực tiễn phong phú của năm 2008, đội ngũ cán bộ tuyên giáo toàn quốc đã có bước phát triển mới. Với tình cảm quý trọng và sự tin cậy sâu sắc đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, tôi xin chúc ngành của chúng ta đạt được những thành tích ngày càng to lớn hơn trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của đất nước, của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.
Xin chúc sức khỏe và cảm ơn các đồng chí.
* Đầu đề là của Tạp chí Cộng sản
Bế mạc Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009-2010  (26/02/2009)
Kỷ niệm 54 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam  (26/02/2009)
Quay lại với chủ nghĩa xã hội là con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu  (26/02/2009)
Việt Nam bác bỏ những nhận xét thiếu khách quan trong Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2008  (26/02/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ ba  (26/02/2009)
Đồng chí Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Tuyên Quang và Hà Giang  (26/02/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển