Lâm Đồng huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Xác định đúng và triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đặt ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm và cho từng năm, đặc biệt đã ban hành và triển khai khá đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nên những năm gần đây Lâm Đồng đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả cao, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2008 đạt trên 15.500 tỉ đồng, bằng 44,3% GDP, ước tính 5 năm 2006- 2010 đầu tư gấp 3,2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.
Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 977.219 ha, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Dân số gần 1,2 triệu người với 40 dân tộc anh em, trong đó 23% là đồng bào dân tộc thiểu số, riêng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là17%.
Qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tiềm năng, lợi thế của địa phương từng bước được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế được phát huy, tăng trưởng kinh tế giữ ở mức khá cao.Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế địa phương phát triển chưa vững chắc, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thấp, chưa tạo bước đột phá để phát triển nhanh; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; còn nhiều vấn đề bức xúc về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết có hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, không ngừng vươn lên về mọi mặt, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2006- 2010) đã xác định: phát huy tối đa nguồn nội lực, thu hút có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhịp độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả.
Trên cơ sở định hướng phát triển đó, trong những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, từ việc thống nhất tư tưởng trong chỉ đạo, điều hành đến việc xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng bộ thực hiện là xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị trong tỉnh để tập trung chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, phát huy.
Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh xác định việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đã ban hành nghị quyết của cấp ủy về thu hút đầu tư và các quy định của chính quyền về trình tự, thủ tục cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình thu hút đầu tư để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn...
Do xác định đúng và triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đặt ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm và cho từng năm, đặc biệt đã ban hành và triển khai khá đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nên trong những năm qua, Lâm Đồng đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương đạt kết quả tích cực: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001- 2005 đạt 9.250 tỉ đồng, bằng 42,1% GDP, tăng gần 3 lần so với giai đoạn 1996 - 2000. Giai đoạn 2006 - 2008 đạt trên 15.500 tỉ đồng, bằng 44,3% GDP; ước tính 5 năm 2006 - 2010 bằng 3,2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.
Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2008, đầu tư trong nước chiếm 90,7%, đầu tư nước ngoài chiếm 9,3%; vốn ngân sách nhà nước chiếm 38,5%. Tính đến nay, Lâm Đồng thu hút được 538 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 62.000 tỉ đồng, trong đó đã có 346 dự án đầu tư trong nước được thỏa thuận hoặc cấp phép đầu tư với số vốn trên 40.000 tỉ đồng, có 113 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, vốn đăng ký 470 triệu USD, vốn thực hiện đạt 183 triệu USD. Nhìn chung, những năm qua số lượng dự án đầu tư vào tỉnh tăng nhanh, thể hiện tiềm năng, thế mạnh và cơ chế, chính sách của tỉnh đã được phát huy có hiệu quả, tạo được sự quan tâm và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính những kết quả đạt được trong huy động nguồn lực đầu tư như trên đã góp phần quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tốc độ tăng GDP luôn cao hơn mức bình quân của cả nước, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 10,7%/năm và trong 3 năm 2006 - 2008 là 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2000 đạt 2,8 triệu đồng, năm 2005 đạt 6,1 triệu đồng, năm 2007 đạt 9,72 triệu đồng và tăng lên 12,5 triệu đồng năm 2008. Thu ngân sách nhà nước năm 2000 mới đạt 406 tỉ, đến năm 2005 đạt 1.203 tỉ, năm 2007 đạt 1.844 tỉ đồng,và năm 2008 đạt 2.200 tỉ... Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, một số kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội được thể hiện một cách rõ nét.
Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, 100% số xã đã có điện và đường ô tô đến trung tâm, có trường tiểu học và trạm y tế; 65% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 83,3% dân số nông thôn được sử dụng điện. Hệ thống viễn thông đã phủ kín địa bàn, đạt hơn 75 máy điện thoại/100 dân. Một số công trình trọng điểm về giao thông, như: đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn, đường liên tỉnh 723 nối Đà Lạt với Khánh Hòa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; sân bay Liên Khương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường băng mới, đang xây dựng nhà ga quy mô 1 triệu khách/năm...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục, đó là: nền kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững do nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong GDP (năm 2008 chiếm 50%), cơ cấu kinh tế chưa chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; nông nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô còn nhỏ; công nghiệp chế biến nông - lâm sản là thế mạnh của tỉnh nhưng chậm phát triển, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô và sơ chế; chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực lâm nghiệp trong khi diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; lĩnh vực du lịch tuy giữ được sự phát triển nhưng tụt hậu so với các nước trong khu vực; thu hút đầu tư khá nhiều nhưng triển khai đầu tư chậm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và cho cả bộ máy...
Qua thực tiễn lãnh đạo, điều hành, từ kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém trên, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn như sau:
Một là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân, đặc biệt là thống nhất tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm huy động sức mạnh tổng hợp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Hai là, quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ; nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp; tạo môi trường thuận lợi để cán bộ rèn luyện, phấn đấu.
Ba là, chú trọng việc đổi mới tư duy, nhất là tư duy về kinh tế; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Bốn là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải coi trọng công tác quy hoạch, trong từng thời kỳ phải xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm cơ sở để tập trung huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú ý vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực để đầu tư phát triển.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và chính quyền các cấp đối với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII vừa qua đã xác định tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt 9 chương trình trọng tâm, gồm: nông nghiệp công nghệ cao; phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi gắn với thủy điện vừa và nhỏ; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và hội nghị - hội thảo; công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với các vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương; giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư, tái định canh.
Đây chính là những nội dung mà tỉnh đang và sẽ chú trọng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới, trước mắt là phấn đấu đến năm 2010 đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định.
Để tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm thực hiện tốt các chương trình trọng tâm nêu trên, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
- Tập trung rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển vùng, ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, định hướng phát triển trong những năm sắp tới. Đẩy mạnh quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất và đầu tư hạ tầng các khu quy hoạch để đưa vào khai thác, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
- Sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm, thiết yếu nhằm thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, như: giao thông, thủy lợi; công trình phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, các công trình công cộng...
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản, các ngành nghề truyền thống, thương mại nông thôn... Huy động nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về thu hút đầu tư và các quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh về trình tự, thủ tục và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định về thu hút đầu tư không còn phù hợp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo môi trường thân thiện, thông thoáng, ổn định để thu hút các nguồn vốn đầu tư.
- Tăng cường công tác xây dựng Đảng vững mạnh, trước hết là thường xuyên củng cố, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nhất là tạo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chú trọng nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng và những vấn đề bức xúc của nhân dân, những vấn đề phát sinh ở cơ sở để kịp thời có biện pháp giải quyết; thực hiện tốt công tác tập hợp, vận động quần chúng tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
- Định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm của tỉnh để có định hướng và giải pháp tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, sớm đưa các công trình, dự án lớn đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trung Quốc: Phản đối bản báo cáo nhân quyền của Mỹ  (26/02/2009)
Bế mạc Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009-2010  (26/02/2009)
Kỷ niệm 54 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam  (26/02/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên