Đề án điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều 13-5-2008 và đã được Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 14-5-2008. Ngay tại phiên thảo luận ở tổ, nội dung này đã trở thành một vấn đề “nóng” được các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi với các ý kiến khác nhau.

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 19-5-2008, nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất khẳng định rằng, địa giới Thủ đô hiện tại quá chật hẹp và bất cập về mọi phương diện, không đáp ứng được vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước. Vì lẽ đó, đa số các vị đại biểu phát biểu nhất trí điều chỉnh mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội để Thủ đô có điều kiện phát triển phù hợp và tương xứng với sự phát triển mới của đất nước.

Nhiều vị lãnh đạo các bộ đã phát biểu ý kiến ủng hộ Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định: Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô và phương án mở rộng Hà Nội từ năm 2003. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã giao cho lãnh đạo thành phố Hà Nội nhiệm vụ này. Năm 2006, cùng với việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng Thủ đô đã xây dựng dự án mở rộng Hà Nội. Tại kỳ họp thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa X (28-1-2008) sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và phương án mở rộng địa giới thành phố Hà Nội đã có kết luận số 19 thống nhất về mặt chủ trương như Bộ Chính trị đã trình và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Tờ trình Quốc hội. Trong kỳ họp này, Quốc hội thảo luận Tờ trình đó của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng: dưới góc độ giao thông, đây là phương án tốt và có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải của Thủ đô theo hướng hiện đại và tạo tiền đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông một cách bền vững, lâu dài. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tiêu chí quốc tế về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị khoảng từ 22-24%, trong khi, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ có 7%. Mật độ diện tích dành cho giao thông tính theo đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng 10% các nước, số ki-lô-mét đường giao thông trên 1000 người chỉ bằng 30% các nước...Vì lẽ đó theo ông về mặt giao thông, mở rộng địa giới Hà Nội sẽ rất thuận lợi trong việc quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Mở rộng Hà Nội sẽ rất thuận lợi cho việc xây dựng quy hoạch giao thông và thoát lũ. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Khắc Nghiên và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Hữu Đức cùng cho rằng, phương án mở rộng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ là có lợi cho an ninh quốc phòng và phòng thủ quốc gia.

Khi nói về ý kiến của một số đại biểu lo ngại rằng, hợp nhất về Thủ đô, nền văn hóa quê lụa, xứ Đoài, các di tích lịch sử văn hóa dễ bị xuống cấp và mai một, Bộ trưởng Bộ Thông tin, truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu, văn hóa truyền thống luôn luôn gắn liền với con người, và vùng đất nơi sinh ra nó sẽ tiếp tục được giữ gìn, nâng cấp, tôn vinh bắt đầu từ mỗi gia đình, dòng họ, làng quê, văn hóa không lệ thuộc nhiều vào không gian và đơn vị hành chính. Vì thế, theo ông, Hà Tây, Mê Linh về Thủ đô sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa trên toàn lãnh thổ phong phú, đa dạng, đủ màu sắc, làm cho văn hóa mỗi vùng, mỗi dân tộc được phát huy, thống nhất trong văn hóa đa dạng và đa sắc màu của Thủ đô.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng Thủ đô của một đất nước trên 100 triệu dân và có thể ổn định ở mức 120 triệu-130 triệu dân... Tầm nhìn lâu dài này đã xác định Thủ đô phải là Thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính, và gắn liền với văn hóa - giáo dục, khoa học - kinh tế, đối ngoại, đó là nơi diễn ra những sự kiện lớn của đất nước... Thủ đô hiện nay của chúng ta không đáp ứng được cả về kết cấu hạ tầng, cả về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp cũng như xây dựng và quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, vì thế, thực tiễn đặt ra nhu cầu phải mở rộng. Đây là một quá trình lâu dài để chúng ta xây dựng một Thủ đô to đẹp hơn, đàng hoàng hơn theo ý Bác... Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội, trong kỳ họp này thông qua chủ trương về địa giới hành chính, trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho Chính phủ tổ chức thực hiện, tổ chức bộ máy, làm quy hoạch trình ra Quốc hội để xem xét, quyết định cụ thể hướng lâu dài trong tương lai 20 năm, 30 năm, 50 năm và lâu hơn nữa cho Thủ đô

Thống nhất với các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, các ban, ngành, nhiều vị đại biểu cũng đã phát biểu ý kiến tỏ rõ quan điểm khẳng định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một tất yếu khách quan, một nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và của Thủ đô nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến thống nhất, đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, cũng còn nhiều ý kiến thống nhất về chủ trương nhưng băn khoăn về mục đích mở rộng, lộ trình, mức độ, phạm vi và thời điểm mở rộng như thế nào cho phù hợp. Một số đại biểu cho rằng, Tờ trình còn sơ sài, các đại biểu còn quá ít thông tin để quyết định một vấn đề hệ trọng như thế. Đây là một vấn đề lớn của quốc gia nên cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và chưa nên vội vàng quyết định trong kỳ họp này..

Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm như chúng ta vẫn thường nói, các đại biểu cũng còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu 3 nội dung, mong các vị đại biểu suy nghĩ, cân nhắc kỹ và tỏ chính kiến của mình để thư ký kịp tổng hợp đề nghị Chính phủ chuẩn bị giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc nhất. Sau đó Quốc hội sẽ quyết định các bước sau.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội, chiều ngày 22-5-2008, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh./.