1. Trực thăng Mỹ bị bắn hạ tại Áp-ga-ni-xtan

Trực thăng của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan

Ngày 27-10-2008, một máy bay trực thăng của Mỹ bị bắn hạ tại Áp-ga-ni-xtan nhưng cả 10 binh sỹ trên máy bay đều an toàn. Lực lượng Ta-li-ban lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này và cho biết. họ sử dụng súng phóng lựu để bắn hạ một máy bay trực thăng “Chinook” của quân Mỹ tại tỉnh Oa-đắc (Wardak), cách thủ đô Ca-bun 50 km về phía tây. Phát ngôn viên của Quân đội Mỹ cũng xác nhận, một máy bay trực thăng của lực lượng liên quân bị bắn hạ trong một vụ đụng độ với các tay súng Ta-li-ban. Ngoài ra, một vụ tấn công liều chết trước đó vài ngày làm thiệt mạng 2 binh sỹ và làm bị thương 3 binh sỹ khác ở miền Bắc Áp-ga-ni-xtan. Sự kiện này xảy ra khi cố vấn quân sự Mỹ có cuộc gặp với cảnh sát trưởng ở Pun-e-khum-ri (Pul-e-Khumri) tại tỉnh Ba-hlan (Baghlan). Các quan chức ở Áp-ga-ni-xtan cho rằng, Ta-li-ban đang bắt đầu gia tăng các vụ tấn công trong khu vực phía Bắc và giành được sự ủng hộ của tộc người Pa-stun (Pashtun) ở đây.

 2. Ai Cập và Pa-le-xtin-thúc đẩy quá trình thành lập Nhà nước Pa-le-xtin thống nhất

Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc (phải)
tiếp Tổng thống Ma-hmut A-bat

Ngày 27-10-2008, Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak) hội đàm với Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hmut A-bat (Mahmoud Abass) về những diễn biến mới nhất ở Pa-le-xtin trong việc thiết lập chính phủ thống nhất ở nước này trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập của người đứng đầu nhà nước Pa-le-xtin. Hai ông đã thảo luận về các phương tiện thúc đẩy đàm phán hoà bình đang bị đình trệ giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Cả hai nhà lãnh đạo xem xét kết quả chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống I-xra-en Xi-môn Pê-ret. Trước đó ít ngày, Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc đã tiếp Tổng thống Xi-môn Pê-ret tại Ai Cập và bàn về nỗ lực hòa bình ở khu vực Trung Đông. Kể từ Hội nghị An-na-po-lit về hoà bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian tổ chức vào tháng 11-2007, cả I-xra-en và Pa-le-xtin đều tích cực tham gia đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn. Dù đã đạt được những bước tiến nhất định kể từ Hội nghị An-na-po-lit, I-xra-en và Pa-le-xtin vẫn rất khó ký kết được hiệp định hoà bình toàn diện trong năm 2008 như cả hai bên đã cam kết.

3. Ô-xtrây-li-a và EU ký thỏa thuận đối tác “lịch sử”

Ngày 28-10-2008, Ô-xtrây-li-a và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết hiệp định đối tác “lịch sử” và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Xte-phen Xmit (Stephen Smith), Hiệp định đối tác này “có ý nghĩa lịch sử to lớn”. Ông Xte-phen Xmit cho biết, quan hệ kinh tế giữa Ôt-xtrây-li-a và EU đang rất tốt đẹp và EU hiện nay là nhà đầu tư nước ngoài tại nước này. Hiệp định hợp tác khung đặt ra những mục tiêu về hợp tác an ninh quốc tế, thương mại và phát triển, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và năng lượng, khoa học, giáo dục, hàng không và vấn đề visa. Pháp với vai trò Chủ tịch EU và Ôt-xtrây-li-a đã đồng ý phối hợp những quan điểm trước cuộc họp vào ngày 15-11-2008 tới của nhóm G-20 và một số quốc gia mới nổi tại Oa-sinh-tơn để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

4. Căng thẳng trong quan hệ liên Triều

Ngày 28-10-2008, Quân đội CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố đe dọa “sẽ dùng mọi thứ có trong kho vũ khí để biến Hàn Quốc thành đống gạch vụn nếu Xơ-un không ngăn chặn các công dân Hàn Quốc dùng khinh khí cầu đưatruyền đơn chống phá Bình Nhưỡng sang lãnh thổ CHDCND Triều Tiên”. Trước đó, Bình Nhưỡng đã phản đối mạnh Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc do đã đưa ra các cam kết sẽ cứng rắn hơn với nước láng giềng. Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên đưa tin nếu nhà cầm quyềnHàn Quốc còn tiếp tục rải truyền đơn và thực hiện chiến dịch bôi nhọ Chính phủ CHDCND Triều Tiên bằng những câu chuyện bịa đặt, thì quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ có hành động thực tế và kiên quyết. Trong cuộc hội đàm quân sự hiếm thấy diễn ra ngày 27-10-2008, phía CHDCND Triều Tiên đã tỏ ý phàn nàn về một lô mới gồm 100.000 tờ rơi truyền đơn phát đi từ Hàn Quốc với nội dung chống CHDCND Triều Tiên.

5. Xi-ri yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn các cuộc tấn công của Mỹ

Ngày 28-10-2008, Chính phủ Xi-ri yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có biện pháp ngăn chặn việc lặp lại một cuộc tấn công của Mỹ vào lãnh thổ nước này hồi cuối tuần trước và buộc Oa-sinh-tơn phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Mỹ hiện vẫn từ chối xác nhận hoặc phủ nhận sự liên can của họ với cuộc không kích gần biên giới của Xi-ri giáp I-rắc, khiến 8 dân thường thiệt mạng hôm 26-10-2008. Trong các bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun và Đại sứ Trung Quốc Trương Nghiệp Tuỳ, hiện là Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Xi-ri ở Liên hợp quốc lên án vụ tấn công là "một hành động gây hấn trắng trợn". Theo Đại sứ Xi-ri, vụ việc này cho thấy chính quyền hiện tại ở Oa-sinh-tơn đang theo đuổi chính sách gây ra sự chết chóc và huỷ diệt trong khu vực Trung Đông. Đại sứ Xi-ri cũng kêu gọi Chính phủ I-rắc cần mở một cuộc điều tra toàn diện về vụ tấn công và đảm bảo rằng lãnh thổ của Xi-ri sẽ không bị tập kích như vậy trong tương lai. Trong khi đó, một quan chức của Mỹ quả quyết, cuộc không kích do Mỹ tiến hành vào lãnh thổ Xi-ri là nhằm tiêu diệt một phần tử quan trọng thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

6. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép lên án lệnh trừng phạt vũ khí của Mỹ

Máy bay chiến đấu hiện đại Su-30 của Nga

Ngày 29-10-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố kịch liệt phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty vũ khí của Nga và coi đó là hành động thiển cận trong nỗ lực loại đối thủ lớn nhất của mình trên thị trường quốc tế. Cuối tuần trước, Oa-sinh-tơn đã áp lệnh trừng phạt đối với công ty xuất khẩu vũ khí “Rosoboronexport” của Nga và cáo buộc công ty này cung cấp “công nghệ nhạy cảm” cho I-ran, CHDCND Triều Tiên và Xi-ri. Theo Ngoại trưởng Nga Xéc-gây Láp-rốp, việc Mỹ trừng phạt “Rosoboronexport” là không có cơ sở pháp lý quốc tế và sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Mỹ. Đại diện của “Rosoboronexport” gọi hành động này của Oa-sinh-tơn là biểu hiện của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Hiện Mỹ đang nỗ lực cản trở Nga tham gia vào các hoạt động thương mại quân sự-kỹ thuật. Theo thống kê, xuất khẩu vũ khí của Nga tăng tới gần 25% trong 9 tháng đầu năm 2008, đạt 7,4 tỉ USD và có thể đạt hơn 8 tỉ USD trong năm nay. Ngoài “Rosoboronexport”, Oa-sinh-tơn còn áp lệnh trừng phạt lên ba công ty Trung Quốc, hai công ty CHDCND Triều Tiên, hai công ty của Xu-đăng và của Vê-nê-xu-ê-la. Tất cả các công ty nói trên bị quy “tội phổ biến công nghệ chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”. Lệnh trừng phạt này có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày 23-10-2008. Hiện nay, vũ khí của Nga được xuất khẩu sang 72 nước trên thế giới.

7. Cú “nốc-ao” cuối cùng của ứng cử viên Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma

Ứng cử viên Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma

Tối ngày 29-10-2008, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Ba-rắc Ô-ba-ma đã xuất hiện 30 phút “giờ vàng” trên các kênh truyền hình hàng đầu ở Mỹ CBS, NBC và Fox sau khi đã phủ ngập sóng phát thanh bằng các quảng cáo chính trị tại những bang quan trọng đang trong thế giằng co với đối thủ Giôn Mác-kên. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma chọn thời điểm xuất hiện trên truyền hình trùng với kỷ niệm “Ngày thứ ba đen tối", tức là ngày 29-10-1929 khi thị trường chứng khoán bị sập và bắt đầu cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu. Chiến lược "thông tin thương mại" của ông Ba-rắc Ô-ba-ma tương tự như một chiến lược quảng cáo chính trị phổ biến từ những năm 1950 và 1960, đánh dấu chương trình chính trị quốc gia trả tiền đầu tiên kể từ khi ông Rôt Pê-rốt (Ross Perot) tiến hành một loạt hành động tương tự trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ hồi năm 1992. Dư luận ở Mỹ đánh giá, sự xuất hiện trên truyền hình hôm 29-10-2008 của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Ba-rắc Ô-ba-ma là một cuộc vận động chớp nhoáng chưa từng có, nhằm phát đi thông điệp kinh tế của ông trên các mạng truyền hình Mỹ và có thể là “cú nốc-ao” cuối cùng nhằm vào ứng cử viên Giôn Mác-kên. Phát ngôn viên bộ máy tranh cử của ông Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, họ muốn chắc rằng, từng cử tri khi đi bỏ phiếu sẽ biết rõ Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ làm những gì để đem lại sự thay đổi cơ bản trên cương vị là Tổng thống Hoa Kỳ.

8. Nga phê chuẩn hiệp ước với Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a

Ngày 29-10-2008, Quốc hội Liên bang Nga (Duma) đã phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị với Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a nhằm cũng cố quan hệ kinh tế và quân sự ngày càng chặt chẽ với 2 quốc gia vừa được Nga công nhận này. Các hiệp ước này cho phép Nga triển khai 3.800 quân tại Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a. Phía Nga sẽ giúp Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a bảo vệ biên giới. Bản hiệp ước cũng đề cập việc cho phép công dân Nga, Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a có hai quốc tịch. Nga cũng nhất trí thống nhất về giao thông, năng lượng và hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc với Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.

9. Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận Cu-ba

Ngoại trưởng Cu-ba Phe-lip Pê-ret Rô-cu
tại diễn đàn Liên hợp quốc

Ngày 29-10-2008, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 192 thành viên, thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnhcấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống lại Cu-ba áp dụng vào cuối thập niên 1950. Nghị quyết được thông qua với 185 phiếu thuận, ba phiếu chống (Mỹ, I-rắc và Pa-lau). Nội dung Nghị quyết dự thảo do Ngoại trưởng Cu-ba Phe-lip Pê-ret Rô-cu (Felipe Perez Roque) giới thiệu. Trước cuộc bỏ phiếu, ông Phe-lip Pê-ret Rô-cu khẳng định, việc Mỹ cấm vận Cu-ba là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và là cản trở chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Cu-ba. Chính quyền Cu-ba cho biết, 2/3 dân số hiện tại của nước này sinh ra trong thời kỳ bị Mỹ phong toả. Lệnh cấm vận khiến mọi chương trình xã hội như y tế, giáo dục, văn hoá, khoa học, giao thông vận tải và nhiều dịch vụ khác của Cu-ba gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Cu-ba ước tính, việc phong toả của Mỹ gây tổn thất tài chính vào khoảng 86 tỉ USD. Kể từ năm 1991, Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn thường thông qua các nghị quyết thúc giục Mỹ bỏ cấm vận kinh tế chống Cu-ba. Tuy nhiên, Oa-sinh-tơn vẫn từ chối dỡ bỏ cấm vận./.