Kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 tỉ USD trong năm nay. Mặc dù vụ 2007-2008 sản lượng không cao nhưng các doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 1 triệu tấn cà phê nhân. Đây là vụ mùa thứ 3 liên tiếp thắng lợi lớn của ngành cà phê Việt Nam và cũng là vụ thứ 3 liên tiếp ngành cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Đó là tin vui mà ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam thông báo trong Hội nghị tổng kết sản xuất - xuất khẩu cà phê niên vụ 2007-2008 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ niên vụ cà phê 2008-2009 do Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức ngày 31-10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Vicofa, hiện nay, cả nước có khoảng 520.000 ha cà phê cho sản lượng hàng năm từ 650 - 800 nghìn tấn. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, và là nước đứng đầu thế giới xuất khẩu cà phê Robusta.

Thị trường nhập khẩu cà phê nhân sống của Việt Nam được mở rộng sang 75 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, Đức, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh vẫn là những thị trường nhập khẩu hàng đầu của cà phê Việt Nam, và gần đây nổi lên thị trường Nga. Nếu trong 7 vụ trước đây, Nga chỉ mua cà phê Việt Nam bình quân 5.550 tấn/vụ, xếp thứ 12 trong các thị trường châu Âu, thì vụ năm nay, đã mua tới 20.589 tấn và xếp thứ 12 trong 75 thị trường cà phê xuất khẩu của Việt Nam.Việt Nam ít xuất khẩu mặt hàng cà phê chế biến (cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê 3 trong 1) mà chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa. Cà phê chế biến được đưa sang thị trường Ca-na-đa, Đức, Hoa Kỳ, Ố-xtrây-li-a, Hàn Quốc.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Bra-xin.
 
Đến nay, cà phê Việt Nam được tiêu dùng ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục.  
 
Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 61% sản lượng xuất khẩu; thấp nhất là châu Phi, chỉ chiếm gần 4%.

Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, hằng năm một số công ty vẫn nhập cà phê theo nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh. 8 tháng đầu năm 2008, cả nước đã nhập hơn 7,3 triệu USD cà phê từ 15 thị trường trên thế giới, nhiều nhất là từ Lào, Trung Quốc, Xin-ga-po...
 
Khủng hoảng tài chính cũng đang ảnh hưởng lớn đến nghành cà phê, tuy vụ cà phê 2007-2008 kết thúc trước khi khủng hoảng tài chính trên thế giới lan rộng, nhưng giá cả mặt hàng này vẫn bị ảnh hưởng. Giá cà phê xuất khẩu bình quân hiện giảm còn 1.600 USD/tấn ảnh hưởng đến giá thu mua trong nước.
 
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cảnh báo, các khách hàng nước ngoài hiện đang có dấu hiệu thiếu hụt tài chính, chính vì vậy các doanh nghiệp trong nước nên rà soát, kiểm tra lại khả năng tài chính đối tác của mình, nhất là khi phương thức giao dịch trên mạng ngày càng phổ biến. Nếu nông dân tiếp tục bán ra ồ ạt trong bối cảnh giá cả xuống thấp thì giá cà phê sẽ có thể xuống thấp hơn. Tuy nhiên, theo dự báo, đến tháng 6, tháng 7 năm sau (2009), giá cà phê thế giới có thể phục hồi lại.

Theo nhận định của Vicofa, sản lượng vụ cà phê 2008-2009 sẽ đạt trên dưới 1 triệu tấn, tương đương vụ cà phê 2007-2008.

Nhằm ổn định sản xuất kinh doanh cà phê niên vụ tới, Vicofa đã đưa ra một số giải pháp cần quan tâm trong sản xuất và chế biến cà phê trước tình hình thị trường thế giới đang biến động phức tạp như áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) và thực hành chế biến tốt (GMP); đồng thời tìm biện pháp hạ giá thành sản xuất thông qua việc bón phân hợp lý, tưới nước hợp lý…

Một mục tiêu nữa mà mà Vicofa đề ra trong năm tới nữa là mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng, đặc biệt quan tâm về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Vicofa cũng kiến nghị với Chính phủ có chính sách ưu tiên về vốn và áp dụng mức lãi suất hợp lý cho ngành cà phê trong tình hình khó khăn hiện nay./.