9 kỳ Đại hội đã qua của Công đoàn Việt Nam
Trải qua 9 kỳ đại hội, đến nay Đại hội Công đoàn đã trở thành sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tạp chí Cộng sản Điện tử xin điểm lại những nội dung chính yếu 9 kỳ Đại hội đã qua của Công đoàn Việt Nam.
Đại hội I Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I diễn ra từ ngày 1-1-1950 đến hết ngày 15-1-1950, tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Về dự Đại hội có trên 200 đại biểu thay mặt cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức, lao động. Nhiều chiến sĩ thi đua các ngành, các đoàn thể quần chúng cách mạng, các đại biểu nước ngoài cũng tham dự Đại hội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đại diện Mặt trận dân tộc thống nhất đã đến dự Đại hội.
Mục đích của Đại hội lần này là kiểm điểm và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam từ khi hình thành, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đến thời điểm Đại hội.
Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.
Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng – Người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gồm 21 Ủy viên chính thức và 4 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký, các đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Trần Quốc Thảo được bầu làm phó Tổng Thư ký.
Đại hội II Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27-2-1961, tại Trường Thương nghiệp - Hà Nội. Tổng số đại biểu về dự Đại hội có 752 người, trong đó có 666 đại biểu chính thức và 86 đại biểu dự khuyết. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội đã quyết định lấy thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Huấn thị của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng, nhiệm vụ công tác Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II khẳng định: “Sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quyết định rất lớn đối với sự phát triển thắng lợi của cách mạng nước ta, đồng thời bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng tiên phong và phát huy tác dụng tích cực của Công đoàn trong mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp công đoàn. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam mới gồm 54 Ủy viên chính thức, 11 Ủy viên dự khuyết. Đoàn Chủ tịch gồm 19 người. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
Đại hội III Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III diễn ra từ ngày 11-2 đến ngày 14-2-1974, tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 600 đại biểu (100 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức cả nước. Đại hội đã đón 25 đoàn khách đại diện cho giai cấp công nhân và công đoàn quốc tế và đoàn đại biểu Liên hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Đặng Trần Thi - Phó Chủ tịch Liên hiệp công đoàn giải phóng dẫn đầu. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội.
Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Đại hội đề ra nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn trong hai năm 1974 - 1975 là: “nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, ra sức làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam anh hùng”.
Đại hội thông qua Điều lệ sửa đổi trong đó xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn và bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 71 Ủy viên chính thức. Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (cơ cấu đại diện, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành quyết định chủ trương công tác giữa hai nhiệm kỳ đại hội) gồm 19 đồng chí. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự; đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Các đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ được bầu làm phó Chủ tịch. Ban Kiểm tra gồm 5 đồng chí, trưởng Ban là đồng chí Trương Thị Mỹ.
Đại hội IV Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV được tiến hành sớm hơn một năm trong điều kiện cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 4 ngày từ ngày 8-5 đến ngày 11-5-1978. Tham dự Đại hội có 926 đại biểu thay mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đây là Đại hội đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất và tổ chức Công đoàn hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Đại hội đón 36 đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho tổ chức Công đoàn thế giới, mang đến cho giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam tình đoàn kết của phong trào công nhân, công đoàn thế giới.
Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”. Đại hội đã cụ thể hóa những nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng mà nhiệm vụ trọng tâm là: “tập hợp, vận động công nhân lao động hăng hái thi đưa sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II” và đề ra những nhiệm vụ cụ thể.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 Ủy viên. Ban Thư ký gồm 12 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư ban Chấp hành Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và đồng chí Nguyễn Hộ được bầu làm phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Ban Kiểm tra có 7 Ủy viên, do đồng chí Nguyễn Văn Ưng làm Trưởng ban.
Đại hội V Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V diễn ra từ ngày 12-11 đến ngày 15-11-1983 tại Hà Nội. Đại hội gồm 949 đại biểu thay mặt cho gần 4 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước về dự. Đến dự Đại hội có các đồng chí Lê Duẩn Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V nhất trí lấy ngày 28-7-1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 đồng chí. Ban Thư ký gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu làm phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Ủy ban kiểm tra Tổng Công đoàn Việt Nam có 11 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thị Thân làm Trưởng Ủy ban.
Đại hội VI Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI tổ chức trọng thể từ ngày 17 đến ngày 20-10-1988, tại Hà Nội. Đại hội gồm có 834 đại biểu thay mặt cho hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn. Tới dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan đoàn thể quần chúng và các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng.
Đại hội VI Công đoàn Việt Nam là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân và người lao động. Đây là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cũng đặt ra cơ sở lý luận cho đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn.
Với tinh thần đổi mới “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã đánh giá thực trạng tình hình phong trào công nhân và hoạt động công đoàn đề ra giải pháp khắc phục yếu kém để đưa phong trào công nhân và hoạt động công đoàn phát triển, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới, trong đó hai nhiệm vụ chính là: “Động viên công nhân, lao động đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hăng hái đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; Chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 155 người. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực và đồng chí Dương Xuân An được bầu làm phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Ủy Ban Kiểm tra gồm 11 người, do đồng chí Cù Thị Hậu làm Chủ nhiệm Ủy ban.
Đại hội VII Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII được tiến hành từ ngày mồng 9 đến ngày 12-11-1993, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu thay mặt cho công nhân, viên chức, lao động khắp mọi miền đất nước. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tới dự Đại hội.
Đại hội VII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu của hoạt động công đoàn 5 năm (1993 - 1998) là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động”.
Đại hội đã bầu 125 đồng chí vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ban Chấp hành đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực; các đồng chí Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm phó Chủ tịch.
Đại hội cũng bầu ra Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa VII gồm 11 Ủy viên, đồng chí Vũ Kim Quỳnh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch được bầu làm Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tổng liên đoàn.
Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức trọng thể tại Hà Nội từ ngày mồng 3 đến ngày mồng 6-11-1998. Tham dự Đại hội gồm 898 đại biểu của 80 đoàn, 31 đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Tổ chức Liên hiệp công đoàn Thế giới, đại biểu công đoàn các nước trong khu vực và các đoàn ngoại giao. Tới dự Đại hội có các đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Đức Lương, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phan Văn Khải, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nông Đức Mạnh, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu đại diện các đoàn thể quần chúng.
Đại hội đề ra mục tiêu: “Vì sự nghiệp công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”.
Đại hội đã bầu 145 đồng chí, vào Ban Chấp hành Tổng liên đoàn khóa VIII. Ban Chấp hành đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 17 đồng chí. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn An Lương được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực; các đồng chí Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch.
Đại hội cũng bầu ra Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa VIII gồm 13 Ủy viên do đồng chí Vũ Khang làm Chủ nhiệm.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 1998 - 2003 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển giao nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn giữa hai thế kỷ.
Đại hội IX Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần IX họp từ ngày 10 đến ngày 13-10-2003, tại Hà Nội. 900 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 4,2 triệu đoàn viên đã về dự Đại hội. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, các đồng chí nguyên là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác, cùng 31 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế và Công đoàn các nước, đại diện đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có quan hệ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tới dự.
Đại hội đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ 2003 - 2008: Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong công nhân viên chức lao động; Tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội IX Công đoàn Việt Nam là Đại hội “Đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới”, thể hiện ý chí và nguyện vọng to lớn của giai cấp công nhân, của đội ngũ công nhân viên chức lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam bước vào thế kỷ và thiên niên kỷ mới.
Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành khoá IX đã bầu ra 19 Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực; các đồng chí Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hòa Bình được bầu làm phó Chủ tịch.
Ban Chấp hành bầu ủy Ban kiểm tra Tổng Liên đoàn gồm 11 đồng chí, đồng chí Vũ Khang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn được bầu làm Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra./.
Thêm 180 tỉ đồng, 200 tấn gạo khắc phục hậu quả bão  (01/11/2008)
Kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt ngưỡng 2 tỉ USD  (01/11/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc chuyến thăm Mông Cổ  (31/10/2008)
Thông cáo số 13 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (31/10/2008)
Hội đàm cấp cao Việt Nam - Mông Cổ  (31/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên