TCCSĐT - Dịch cúm lợn bùng phát tại Mê-hi-cô đang có nguy cơ lây lan ra toàn thế giới. Nhiều nước đã có những biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức cảnh báo lên cấp 4.

Ngày 27-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch cúm lợn gây ra bởi vi-rút tuýp A chủng H1N1 từ cấp 3 lên cấp 4 trong thang cảnh báo 6 cấp của mình. Quyết định đó cho thấy nguy cơ về một đại dịch trên phạm vi toàn cầu là rất lớn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Mun đánh giá sự bùng phát cúm lợn là tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn thế giới.

Theo Bộ trưởng Y tế Mê-hi-cô Hô-xê Coóc-đô-ba, tính đến hết ngày 27-4, dịch cúm lợn bùng phát tại nước này đã làm 149 người thiệt mạng trong tổng số 1.614 người được ghi nhận là nhiễm bệnh. Một số trường hợp nhiễm bệnh đã bắt đầu xuất hiện tại Mỹ, Ca-na-đa, Anh, Tây Ban Nha,…

Tổng thống Mê-hi-cô Phê-líp Can-đê-rôn kêu gọi người dân phải hành động khẩn trương nhưng không mất bình tĩnh. Ông khẳng định, phần lớn các ca nhiễm bệnh đã được chữa khỏi và Mê-hi-cô có đủ lượng thuốc dự trữ để ngăn chặn dịch bệnh. Ông cũng đã huy động quân đội phân phát khẩn cấp 6 triệu khẩu trang cho người dân và yêu cầu hạn chế tối đa các cuộc tụ họp đông người. Chính phủ Mê-hi-cô đã yêu cầu Ngân hàng Thế giới dành cho họ một khoản vay khẩn cấp trị giá 200 triệu đô la để mua thuốc men và tiến hành các chiến dịch ngăn ngặn bệnh dịch bùng phát.

Sau khi 20 trường hợp nhiễm cúm lợn được phát hiện tại Mỹ, Bộ Y tế nước này đã loan báo tình trạng khẩn cấp sức khoẻ cộng đồng. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma yêu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng để xử lý mọi tình huống xấu nhất một cách hiệu quả và nhanh chóng, nhưng không cần phải hốt hoảng. Hơn 12 triệu liều thuốc tamiflu sẽ được chuyển đến những nơi có mầm bệnh. Người phát ngôn Nhà Trắng Rô-be Gíp-xơ cũng khẳng định, sức khoẻ Tổng thống Ô-ba-ma không bị nguy hiểm sau khi báo chí loan tin người từng tháp tùng ông trong chuyến thăm Mê-hi-cô 9 ngày trước đó đã chết vì cúm lợn.

Các nước châu Á cũng tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch cúm lợn. Các sân bay nhanh chóng được trang bị máy kiểm tra thân nhiệt hành khách. Việc nhập khẩu thịt lợn, đặc biệt từ Mỹ và Mê-hi-cô được kiểm soát chặt chẽ. Tổng thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-oan cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan các nước thành viên để chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn khả năng lây lan dịch cúm lợn trong các nước thành viên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin rằng, châu Á sẽ đối phó tốt hơn với dịch cúm lợn bởi các nước này đã có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn dịch SARS trước đây.

Ở Việt Nam, trong cuộc họp giao ban tuần ngày 27-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y nghiên cứu kỹ tình hình diễn biến dịch bệnh cúm lợn trên thế giới, rà soát lại khâu nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài, đồng thời lên kế hoạch và phương án chủ động đối phó với dịch bệnh. Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng và môi trường thuộc Bộ Y tế đã phối hợp với Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam họp khẩn về tình hình cúm lợn.

Cúm lợn được gây ra bởi vi-rút cúm tuýp A chủng H1N1. Dịch bệnh bùng phát mới đây tại Mê-hi-cô trước hết là do vi-rút lây từ lợn sang người, sau đó nó kết hợp với chủng cúm thông thường trên người và biến dị thành chủng vi-rút cúm mới có khả năng lây từ người sang người qua đường hô hấp.

Nhiều khả năng vi-rút H1N1 đã từng xuất hiện năm 1918-1920 trong đại dịch xuất phát từ Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng gần 20 triệu người châu Âu, châu Phi và châu Mỹ, nhiều hơn số người thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Năm 1977-1978 nó xuất hiện trở lại tại Liên Xô nhưng được ngăn chặn kịp thời nên không bùng phát thành dịch bệnh.

Chủng vi-rút H1N1 chưa được nghiên cứu nhiều bởi cố gắng của các nhà vi-rút học trong những năm gần đây đều tập trung cho vi-rút chủng H5N1.