Kinh tế thế giới với Trung Quốc là một trụ cột

Vương Quân Hoàng
10:37, ngày 28-04-2009

TCCSĐT - Tháng 3 năm 2009, thế giới càng thêm nhiều biến động. Tâm điểm vẫn là cuộc khủng hoảng tài chính đang nhấn chìm nhiều đại công ty, các tổ hợp tài chính lớn và hàng loạt các quốc gia lớn, nhỏ. Những nước nhỏ đã và đang xếp hàng ngóng chờ cứu trợ tài chính khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ thế giới đã đành, nhưng những nước lớn với tiềm năng kinh tế, khoa học- kỹ thuật và tài nguyên bao la như Nga và Trung Quốc cũng không thể “bình chân như vại”, thậm chí còn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải hơn.

Cải tổ mạnh kinh tế?

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đóng góp 7% GDP toàn cầu, nước láng giềng đặc biệt của Việt Nam, hiện là một trong những tâm điểm quan sát của cả thế giới. Lý do thật dễ hiểu: dân số đông, tổng sản lượng lớn, có dự trữ ngoại tệ dồi dào và liên tục tăng trước thời khủng hoảng bùng nổ.

Mới đây nhất, trước phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc, giới kinh tế và phân tích đồn đoán xung quanh việc công bố gói kích thích mới có quy mô lớn có lẽ chỉ sau nước Mỹ của Chính phủ Trung Quốc. Điều này có thể hiểu là: Trung Quốc cần tới việc cải tổ mạnh về kinh tế, tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chính thức phát ngôn một cách hết sức tin tưởng rằng: kinh tế Trung Quốc ổn định. Thậm chí, ở Trung Quốc đang tồn tại một câu nói: “Trung Quốc không có khủng hoảng, chỉ có sự suy giảm kinh tế mà thôi”. Điều này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, đó là sự đồng thuận rằng, kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng và nằm trong tầm kiểm soát. Thứ hai, với nền kinh tế của mình, việc xoay chuyển và tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ không mất nhiều thời gian như các quốc gia phát triển.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng phát biểu, một vài chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu cải thiện. Ông tin tưởng đây là kết quả của việc các chính sách được thực thi hiệu quả và đã tỏ thái độ lạc quan trước Quốc hội về khả năng tăng trưởng 8% trong năm nay của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn băn khoăn và cho rằng, Trung Quốc khó có thể thiếu một gói kích thích bổ sung thêm cho gói 585 tỉ USD đã thông qua tháng 11-2008. Việc không nhắc tới phương án kích thích bổ sung đã gây sụt giá ở thị trường chứng khoán Thượng Hải, và kéo theo làn sóng sụt giá mạnh ở nhiều thị trường vốn khác, trong đó có Mỹ, Nhật và khắp châu Âu. Điều này cho thấy mức độ cần thiết của gói kích thích thứ hai này, chứ không đơn giản chỉ là một dự đoán bên lề, vô thưởng vô phạt.

Trên thực tế, khu vực chế tạo của Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 2-2009, tiếp nối mức tăng khiêm tốn nhất trong vòng 7 năm qua kể từ quý 4 năm 2008. Xuất khẩu cũng sụt giảm mạnh, tới 25,7% trong tháng 2-2009, phần lớn do thị trường Mỹ cắt giảm chi tiêu. Vấn đề giá trị đồng Nhân dân tệ vẫn tiếp tục là một sức ép.

Điều mà giới kinh tế kỳ vọng là, Thủ tướng Trung Quốc sẽ đề xuất chương trình cải cách mang tính cấu trúc cho nền kinh tế. Theo tính toán, cải tổ cấu trúc mới có thể duy trì tăng trưởng bền vững một khi tiền kích thích đã tiêu hết. Giới nghiên cứu cho rằng, cải tổ mạnh là cơ hội cho xã hội Trung Quốc vào lúc mà quốc gia nào cũng phải làm việc này. Nhưng cơ hội chưa chắc đã được tận dụng, vì việc này có liên quan tới gói kích thích bổ sung, hiện chưa thấy đề cập chính thức. Giới ngân hàng và đầu tư quốc tế cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc nắm rõ yêu cầu kích thích sức tiêu dùng trong dài hạn, tuy nhiên cách làm hiện tại vẫn giống như trong quá khứ, nghĩa là thúc đẩy đầu tư theo kiểu truyền thống, nên kết quả chưa thỏa mãn.

Biểu 1: Cơ cấu GDP Trung Quốc năm 2008

Nguồn: World Fact Book

Trước con số gây sốc: 6,8% tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc, Giáo sư Kinh tế tại Đại học New York Nu-ri-en Ru-bi-ni (Nouriel Roubini) đã thốt lên: “Tôi sẽ phải ăn chiếc mũ của mình mất nếu nền kinh tế Trung Quốc thực thi một chính sách nào khác ngoài việc thu hẹp quy mô vào chính lúc này”. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp các nền kinh tế toàn cầu, Giáo sư Ru-bi-ni nhận định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc khó lòng vượt quá 5% trong năm 2009.

Bảng 1: Chỉ tiêu kinh tế Trung Quốc năm 2008

  

  GDP (PPP)

7.800 tỉ USD

  GDP (tỷ giá chính thức)

4.222 tỉ USD

  Tăng trưởng kinh tế

9,80 %

  Tăng trưởng công nghiệp

10,70%

  GDP bình quân đầu người (PPP)

6.100 USD

  Lực lượng lao động

807,70 triệu

  Tỷ lệ thất nghiệp

4,%

  Tỷ lệ đầu tư

40,20% GDP

  Lạm phát

6%

  Nợ công

15,70 GDP

  Nợ nước ngoài

420,80 tỉ USD

  Dự trữ vàng và ngoại tệ

2.033 tỉ USD

Nguồn: World Fact Book

Tiền ngân hàng chưa có tác dụng phục hồi

Trong tháng 2-2009, các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường cho vay tới nền kinh tế, tổng dư nợ lên đến 147 tỉ USD. Mức dư nợ thương mại đã tăng 24,2% trong tháng 2, trong khi tháng trước đó cũng đã tăng nhanh ở mức 21,3%. Những con số tăng trưởng tín dụng bùng nổ. Tuy thế, tới tháng 3-2009, các thông số tăng trưởng của khu vực chế tạo vẫn èo uột. Đây là bằng chứng cho thấy, tín dụng chưa sinh ra tác động phục hồi cho nền kinh tế.

Như vậy, với lợi thế không bị co rút tín dụng, ngân hàng ở Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế, đặc biệt với khối công nghiệp và xuất khẩu. Nhưng mức tăng 3,8% của nền công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2009 khiến các nhà kinh tế thất vọng; đây cũng là sự sụt giảm so với mức 5,7% trong tháng 12 của năm trước. Tăng trưởng bán lẻ cũng chậm hơn, chỉ tăng 15%, so với 19% của cùng kỳ năm trước. Thực ra mức chậm lại này không rõ rệt nhưng nó đáng lo ngại, vì trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc mong thúc đẩy mức tiêu dùng nội địa. Một dấu hiệu kém lạc quan khác là, mức giảm xuất khẩu giờ lại kèm thêm mức giảm chỉ số giá tiêu dùng. Những thông số này dẫn tới một quan sát chung là, các biện pháp kích thích của Trung Quốc, hiện dựa vào tăng mạnh dòng tín dụng thương mại và kích thích đầu tư cho hàng hóa sản xuất chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể lên số phận của khu vực kinh tế tư nhân và các hộ gia đình.

Điều giới phân tích lo lắng là, đứng trước yêu cầu khẩn trương xem xét hỗ trợ cho nền kinh tế, đáp ứng các yêu cần cấp bách, dường như cách làm hiện tại là chờ đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã thực thi. Như thế, nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đầy sức sống và hoạt động tiêu dùng xã hội chưa được coi là đạt kết quả.

Gỡ bỏ rào cản đầu tư

Tiếp theo, trong xu hướng đầu tư nước ngoài đang giảm sút mạnh, Trung Quốc đã nới quyền phê duyệt đầu tư nước ngoài cho địa phương. Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo rằng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với số vốn dưới 100 triệu USD sẽ chỉ cần địa phương chấp thuận. Trước đó, phê chuẩn dự án đầu tư là quyền của Trung ương. Mức FDI tháng 1-2009 ở Trung Quốc cũng đã sụt 33% so với 1 năm trước, với giá trị 7,54 tỉ USD.

Nhiều hãng nước ngoài đã cắt giảm đầu tư ở Trung Quốc, gây ra quan ngại vì FDI giúp giải quyết nạn thất nghiệp. Một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, gần 40% ý kiến là trì hoãn hoặc hủy bỏ đầu tư, và 21% sẽ cắt giảm lượng nhân công sử dụng. Thất nghiệp là vấn đề mà cả thế giới và đặc biệt là Trung Quốc rất quan tâm, vì liên quan tới ổn định xã hội. Thông số 20 triệu người nhập cư vào các thành phố đã thất nghiệp gần đây gây ra nhiều quan ngại trong giới lãnh đạo cũng như dân chúng. Việc tín dụng nở ra chưa kích thích tới khu vực kinh tế tư nhân cũng rất đáng lo ngại, vì khu vực này tạo ra tới 90% công việc cho xã hội.

Tài sản của Chính phủ: An toàn trên hết

Với dân số đông, và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, thì việc xuất khẩu sụt giảm khiến cho nền kinh tế phụ thuộc vào sự an toàn của kho lương thảo chính phủ. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc, khi nền kinh tế được kỳ vọng trông cậy nhiều vào sự can thiệp của Chính phủ và lượng dự trữ ngoại hối. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ sự lo lắng đối với số phận và giá trị của một lượng tài sản tài chính nắm giữ bằng đồng USD, cũng như trực tiếp trên trái phiếu chính phủ Mỹ. Ước tính lượng dự trữ Trung Quốc xấp xỉ 1.946 tỉ USD, hiện lớn nhất thế giới; và 70% số đó là các tài sản tài chính bằng đồng USD.

Hơn ai hết, Trung Quốc là quốc gia lo lắng cho sức khỏe của đồng USD. Mối lo này được nhân đôi khi mà đồng Nhân dân tệ liên tục bị sức ép tăng giá so với USD, sự thay đổi mang ý nghĩa tài sản bằng USD của Trung Quốc sẽ giảm đi tỷ lệ tương ứng. Hiện tại, 6,84 NDT đổi được 1 USD, một mức giá mạnh trong khi đồng USD đã lên giá so với rất nhiều đồng tiền châu Á, và đặc biệt với đồng Won của Hàn Quốc đã tăng giá tới 30%. Không khó hiểu khi giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã "lên thuyền" cùng với đồng USD, thì khả năng Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn sẽ mời được Trung Quốc tiếp tục tăng mức đầu tư vào T-Bond của Mỹ trong viễn cảnh sắp phát hành lớn tới đây. Nếu chiếc thuyền USD này thủng đáy, thủy thủ Trung Quốc sẽ phải cùng với Mỹ ra sức trám lại để tránh kết cục chìm thuyền.

Vì thế, Thủ tướng Ôn Gia Bảo rất thẳng thắn trả lời công luận: "Chúng tôi đã cho Mỹ vay một lượng tiền khổng lồ, vì thế tất nhiên chúng tôi lo lắng về sự an toàn của tài sản của chúng tôi. Trên thực tế, tôi có một vài quan ngại". Ông công khai kêu gọi chính phủ Mỹ "giữ vững sự tín nhiệm, thực hiện các cam kết và đảm bảo an toàn tài sản".

Biểu 2: Tỷ giá Nhân dân tệ (RMB) và đô-la Mỹ (USD)
 

Nguồn: World Fact Book

Lượng tài sản tài chính Trung Quốc nắm giữ còn là "vũ khí đạn dược" ủng hộ uy tín kinh tế Trung Quốc trên thương trường quốc tế. Trung Quốc đã lên tiếng sẵn sàng chia sẻ lượng dự trữ này với các trách nhiệm quốc tế, nếu liên đới tới quyền lợi của Trung Quốc. Điều này cũng phù hợp với xu hướng mới đây do IMF và EU đưa ra về việc thu hút đóng góp từ dự trữ khổng lồ của Trung Quốc cho nguồn cứu trợ tài chính khẩn cấp của IMF, nhằm tăng từ mức 250 lên 500 tỉ USD. Đổi lại, vị thế và tiếng nói Trung Quốc trên "sàn đấu" kinh tế thế giới là IMF sẽ tiến lên những bậc cao đáng kể.

Hình ảnh "thuyền lớn sóng cả" là một mô tả đúng với Trung Quốc hiện nay. Cùng một lúc, các mục tiêu trở nên thách thức hơn với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này, cũng như với một chính phủ có nhiều cam kết đối nội lẫn đối ngoại. Kết cục, cần tới hiệu quả thực sự của các chính sách tổng thể Trung Quốc đã và sẽ thực thi, nhưng điều chắc chắn là, sự phục hồi kinh tế thế giới cần đến Trung Quốc, và Trung Quốc cần các thị trường quốc tế cho các mục tiêu phát triển quốc gia. Sự lệ thuộc lẫn nhau đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi quá trình toàn cầu hóa tăng tốc, và nó càng tăng nhanh hơn bao giờ hết khi các diễn biến chứa đựng rủi ro kinh tế loang ra nhanh chóng với tốc độ của email và internet khắp toàn cầu./.