Cần hiểu đúng về bình đẳng giới
TCCSĐT - Bình đẳng giới vẫn đang là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay ở nhiều quốc gia. Cũng vì thế, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (gọi tắt là CEDAW) vào tháng 12-1979. Tính đến tháng 3-2005 đã có 180 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc.
Ngay từ khi mới thành lập, Việt Nam là một nước đã chú ý đến bình đẳng nam, nữ và tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển. Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về giới và bình đẳng giới, đã được quốc tế thừa nhận. Trong giai đoạn 2001-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg về Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, nhằm tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho sự phát triển của phụ nữ, như hỗ trợ tạo việc làm, học tập nâng cao năng lực, chăm sóc sức khỏe đến nâng cao vị thế của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý đất nước. Đồng thời, củng cố hệ thống cơ quan vì sự tiến bộ của phụ nữ từ trung ương đến cơ sở và nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này.
Tuy nhiên, bình đẳng giới, cũng như tạo cơ hội cho phát triển phụ nữ không phải là công việc dễ làm và không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, vốn chịu ảnh hưởng từ lâu đời của những tư tưởng phong kiến lạc hậu trọng nam, coi thường nữ, ăn sâu vào tiềm thức, thâm căn cố đế của người dân. Thậm chí, nhiều người còn cho đấy là một nét của “phong tục, tập quán” không thể thay đổi.
Trong Hội nghị toàn quốc giữa kỳ đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, các đại biểu của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã nhất trí về nhận xét những tồn tại hiện nay là: “Trình độ học vấn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp so với nam giới, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tư tưởng trọng nam, coi thường nữ, tệ phân biệt đối xử với phụ nữ còn khá phổ biến. Gánh nặng công việc gia đình làm cản trở phụ nữ tiến bộ. Tệ nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm, đánh đập, ngược đãi phụ nữ… còn diễn biến phức tạp. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ở các vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Công tác quản lý kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém, ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới”. Vì thế, việc hiểu chưa đúng những vấn đề mới mà Luật Bình đẳng giới đưa ra, cũng là không thể tránh khỏi.
Kinh nghiệm của Na-uy, một quốc gia xếp hàng đầu thế giới về thành tích trong bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, đã khẳng định : ngoài việc tạo cơ hội cho phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ, Chính phủ vẫn bắt buộc phải đưa ra tiêu chuẩn về tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Tiêu chuẩn này mang tính định hướng, nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, vào lãnh đạo, quản lý đất nước. Căn cứ vào tỷ lệ định hướng này, các đảng phái chính trị phải xây dựng chương trình hành động cụ thể và có biện pháp đảm bảo việc thực hiện. Ngoài ra, Na-uy còn có cơ quan giám sát - kiểm tra việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, có hệ thống từ trung ương xuống tỉnh, thành phố và cơ sở. Vì vậy, hiện nay Na-uy đã đạt tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở cấp nhà nước đạt 50% so với nam giới.
2. Về tuổi nghỉ hưu của phụ nữ. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến phản đối việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và cho rằng đó là sự áp đặt của những người làm chính sách muốn tham quyền, cố vị. Thực ra, sự phản ứng đó là thiếu cơ sở bởi, đã qua rồi cái thời xây dựng chính sách chỉ dựa trên cảm tính, chủ quan, duy ý chí. Vì thế, trước những vấn đề còn mới mẻ, cần thận trọng và có những lập luận rõ ràng, không nên nhìn hiện tượng rồi vội kết luận ngay.
Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã đạt một số thành tựu đáng kể trong cải cách cơ chế và chế độ chính sách bảo hiểm xã hội; đã tách được hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ra khỏi Ngân sách nhà nước, nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại. Đối tượng tham gia BHXH còn quá ít, chủ yếu là số lao động khu vực nhà nước; một số đối tượng thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng tỷ trọng còn thấp (khoảng 10%). Số đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp từ nguồn Quỹ bảo đảm xã hội hàng năm mới khoảng 1,8 triệu người. Trong tương lai, số người tiếp tục bước vào diện hưởng chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động còn quá nhỏ bé trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Trong đó, số lao động nữ lại còn rất khiêm tốn.
Đối với các quốc gia, để tạo sự an toàn xã hội, an sinh và phát triển bền vững, rất cần thiết phải có hệ thống bảo hiểm xã hội phát triển, làm nền tảng cho sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế, ổn định xã hội, mà khi hội nhập với quốc tế, Việt Nam cũng cần phải tính đến. Vì thế, chủ trương phát triển bảo hiểm xã hội toàn dân là rất cần thiết để tiến tới tất cả công dân đến tuổi lao động là có việc làm và khi đến tuổi già được xã hội bảo đảm cuộc sống. Hưu trí, sẽ không chỉ còn là của số ít người như hiện nay.
Thế giới ngày nay đang có hiện tượng già hóa dân số do mức sống cao, tuổi thọ của người dân được nâng lên, trong khi tốc độ gia tăng dân số giảm. Đi đôi với xu thế này là việc nguồn quỹ bảo đảm xã hội bị giảm xuống, do thời gian đóng bảo hiểm quá ngắn so với thời gian được lĩnh chi phí bảo đảm xã hội. Nhiều nước đã phải đề ra chính sách cải tổ, cải cách trong xây dựng, chi trả nguồn quỹ bảo đảm xã hội này. Trong đó có giải pháp kéo dài tuổi lao động.
Tại Việt Nam, khi bắt đầu thực hiện chế độ hưu trí (năm 1962), tuổi thọ bình quân còn rất thấp, khoảng trên 50 tuổi. Lúc đó, quỹ lương hưu và bảo đảm xã hội được trích từ chi ngân sách hàng năm. Việc quy định tuổi đời làm việc của nam giới là 60 và nữ giới 55, trong hoàn cảnh một nước nghèo, có chiến tranh và không có nguồn dự phòng như vậy, là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước. Các khoản chi trả hưu trí, trợ cấp và chính sách xã hội thời điểm đó còn rất hạn hẹp. Ngày nay, nhu cầu chi trả BHXH của Việt Nam càng được mở rộng với số lượng đối tượng tham gia BHXH đã, đang và tiếp tục tăng lên, cơ chế chi trả đã có nhiều thay đổi. Nhưng so việc chi trả với các khoản thu BHXH, với việc thực hiện chính sách bảo toàn và phát triển quỹ, thì vẫn chưa tương xứng. Nếu không có những đổi mới và cải cách, nguy cơ hết quỹ là không tránh khỏi.
Đến năm 2003, tuổi thọ bình quân của dân cư Việt Nam đã đạt 71,3 tuổi. Với chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam sẽ đạt mức sinh thay thế trong một vài năm tới và bước vào giai đoạn già hóa dân số. Mặt khác, về sinh học, cả nam và nữ giới nước ta đều có xu hướng trẻ hóa so với tuổi tác. Nếu trước đây, khi ở độ tuổi từ 50 trở lên đã được gọi là cụ, thì nay hầu hết trông còn trẻ (tuy mức độ có khác nhau tùy theo công việc, mức sống, nơi cư trú, ...). Với đà phát triển như vậy, con người ngày càng có nhiều nhu cầu giao tiếp xã hội hơn và có nhu cầu được tiếp tục làm việc nhiều hơn. Đồng thời, việc kéo dài thời gian làm việc trong điều kiện phù hợp và mức sống phù hợp, cũng tạo điều kiện để con người có sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, vì họ thấy được họ sống có ích hơn. Vì vậy, rất dễ hiểu là nhiều nam giới hiện cũng muốn kéo dài thời gian làm việc.
Lại nói đến việc điều tra, vì sao lại không điều tra số người trên tuổi 55 trong giới nữ đang làm kinh tế ở các lĩnh vực, bao gồm cả số đã nghỉ hưu còn tiếp tục làm kinh tế, mà cứ suy luận một chiều về một số người làm trong khu vực sản xuất hiện nay muốn nghỉ hưu sớm?
Lâu nay, người ta đã quá quen với tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành, nên thay đổi nó là việc không dễ tiếp nhận. Hơn nữa, xét trên khía cạnh điều kiện lao động, nhất là của người trực tiếp sản xuất, hiện có quá nhiều chuyện phải bàn. Mặt khác, chế độ tiền lương, thu nhập vẫn không đủ khuyến khích người lao động muốn kéo dài thời gian làm việc. Về nghỉ sớm, người lao động vừa có thể phát triển kinh tế gia đình, vừa có thu nhập cao hơn và sức khỏe được đảm bảo hơn. Thậm chí, ngay cả trong lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, ..., nếu nghỉ sớm, người lao động càng có điều kiện để làm việc ở phòng khám tư hay dạy học tại nhà, v.v... Đó cũng là những lý do khiến nhiều chị em không muốn kéo dài thời gian làm việc. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, rõ ràng việc tăng thời gian hưởng hưu trí, trợ cấp xã hội so với thời gian đóng BHXH là bất lợi cho xã hội. Đó là chưa tính đến những khoản chi rủi ro từ quỹ này đang có xu hướng ngày một tăng.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, thời gian và chi phí vật chất để đào tạo được một cán bộ có đủ năng lực nghiên cứu và có cống hiến là rất đắt. Theo quy định hiện nay, chỉ những nữ cán bộ khoa học có bằng cấp như giáo sư, tiến sĩ mới được kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi, còn những nữ cán bộ khoa học khác vẫn nghỉ ở tuổi 55, là quá lãng phí. Để đạt được trình độ như những cán bộ này, đòi hỏi rất nhiều thời gian đối với số mới vào nghề. Điều này, cũng bác lại ý kiến cho rằng, kéo dài thời gian làm việc của phụ nữ là chiếm chỗ của lớp trẻ. Hiện nay, theo cơ chế thị trường, tất cả đều thông qua thi tuyển. Rất nhiều nơi, chúng ta thiếu đội ngũ lao động lành nghề, có đủ năng lực. Còn ở khu vực nhà nước, đào tạo cán bộ thay thế là đòi hỏi mang tính thường xuyên, liên tục nên việc thi tuyển vẫn được tiến hành hằng năm, mà không sợ cán bộ cũ chiếm chỗ của lớp trẻ.
Nói chung, cái gì mới cũng đều khó tiếp nhận, đó là lẽ thường, nên cần có thời gian, có sự hướng dẫn và định hướng nghiên cứu của những cơ quan, những người có trách nhiệm. Đã đến lúc mà mỗi quốc gia trước khi ban hành một chính sách, cần phải tính toán, cân đối với khả năng hiện thực, và Việt Nam không thể là ngoại lệ./.
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay  (28/04/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 20-4-2009 đến 26-4-2009)  (27/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển