Đại tá Lê Quyên

TCCSĐT - “Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia từ những ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Năm mươi nhăm năm đã trôi qua, nhưng những ký ức trong tôi vẫn còn sống mãi, những hình ảnh, những tiếng nói của đồng đội tôi bên chiến hào ngày ấy như vẫn còn văng vẳng quanh đây.

Đó là tâm sự của một Đại tá - người đã từng chiến đấu qua các chiến dịch Địch hậu, Tây Bắc, mùa Đông năm 1953, giải phóng Lai Châu rồi Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng.

1. Đào giao thông hào hướng vào đồi A1

Sau khi ra viện do bị thương từ trận đánh trước, tôi được điều về đại đội 925, chỉ huy 1 trung đội đi đào giao thông hào hướng vào đồi A1. Trung đội tôi được biên chế 30 người, được giao nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào khoảng 50m. Chúng tôi tổ chức thành một hàng dọc mỗi người cách nhau khoảng 1,5m, người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình; lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào... vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch vì cứ 10 đến 15 phút chúng lại bắn ra một đợt đạn cối.
 
Trong thời gian hơn một tuần liền, cứ mỗi buổi chiều từ 5 giờ là chúng tôi lại sẵn sàng vũ khí, cuốc xẻng tiến ra trận địa để đào giao thông hào cho đến gần sáng, trong 3 đêm đầu, trung đội tôi đã có 15 đồng chí hy sinh và bị thương, nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Một lần, tôi đi dọc đội hình nằm đào, khi nghe tiếng đề-pa (đầu nòng) pháo cối của địch, đồng chí Phạm Văn Dục quê ở Ninh Giang Hải Dương là liên lạc của tôi đã ôm kéo tôi nằm xuống, nhưng quả pháo cối đã rơi vào lưng, xuyên qua bụng đồng chí Dục xuống đất, tuy pháo không nổ nhưng đồng chí Dục đã hy sinh tại chỗ. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in lời nói và cử chỉ dũng cảm, kiên cường của đồng chí Phạm Văn Dục và những người đồng đội thân yêu của tôi hồi đó. Thương vong trong khi đào giao thông hào ở Điện Biên Phủ hồi ấy chẳng khác với các trận đánh công đồn là mấy.

2. Dương công đồi A1 để tiêu diệt đồi Độc Lập

Chiều và đêm ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 312) đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đêm hôm sau, đơn vị tôi, trung đội 1, đại đội 925, tiểu đoàn 255, trung đoàn 174, sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ đánh dương công (nghi binh) hướng phía Nam đồi A1. Trung đội tôi được tăng cường 1 tiểu đội Ba-dô-ca, 1 tiểu đội 12,7 ly, 2 tiểu đội phóng lôi, đồng chí Nguyễn Hữu An trung đoàn trưởng lúc đó (sau này là Thượng tướng) đã trực tiếp chỉ huy đơn vị tôi.
 
Đúng 12 giờ đêm, đơn vị tôi được lệnh phát hoả đã nổ súng dồn dập làm giả như mũi tiến công chủ yếu, địch thấy thế đã tập trung phản ứng quyết liệt. Pháo từ trung tâm Mường Thanh và các đồn gần đó đã dồn dập dội vào đội hình của chúng tôi, nhưng do có công sự tốt nên đã hạn chế được thương vong. Sau khi phát hoả khoảng 15 phút, địch cho khoảng một tiểu đội tiến đến phía đồi cháy, sau trận địa. Trận đánh dương công đã tạo điều kiện cho sư đoàn 308 tiếp cận và tấn công tiêu diệt toàn bộ địch ở đồi Độc Lập.
 
Cũng trong trận đánh này, trung đội tôi có 3 đồng chí hy sinh và 3 đồng chí bị thương. Vì vậy, cấp trên đã đánh giá trận dương công là thắng lợi lớn so với kế hoạch dự kiến và trong trận này tôi lại được tặng Huân chương chiến công hạng 3 lần thứ 2. Khoảng 1 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1954 chúng tôi được lệnh rút lui an toàn về phía sau.

Năm mươi nhăm năm đã trôi qua, nhưng những ký ức trong tôi vẫn còn sống mãi, những hình ảnh, những tiếng nói của đồng đội tôi bên chiến hào ngày ấy như vẫn còn văng vẳng quanh đây./.