Khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và biện pháp ứng phó của Việt Nam
TCCSĐT - Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động lan toả khắp các châu lục và thấm sâu vào hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khủng hoảng tài chính đang chuyển dần sang khủng hoảng kinh tế. Cả thế giới đang nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng này, nhưng những dự báo gần đây nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra cho thấy, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. IMF nhận định kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm 1,3% trong năm 2009, hầu hết các nền kinh tế lớn đều có mức tăng trưởng âm, như Anh: -4,1%, Đức: -5,6%, Nhật Bản: -6,2 và I-ta-li-a: -4,4%.
1. Thế giới ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế như thế nào?
Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính - kinh tế, hầu hết các nước đều thực hiện đồng bộ 2 công cụ chính sách tài khoá và tiền tệ. Một mặt, kích thích tiêu dùng chính phủ và kích thích tiêu dùng trong dân cư; mặt khác, giảm bớt khó khăn, giảm chi phí và giá thành cho các doanh nghiệp để có sản phẩm cạnh tranh hơn, giá rẻ hơn theo hướng tăng tổng cầu có khả năng thanh toán trên đơn vị hàng hoá. Đồng thời, trên thị trường tài chính, tập trung vào hỗ trợ và củng cố lại các định chế tài chính đã bị tổn thất do khủng hoảng tài chính gây ra như phối hợp giảm lãi suất, bơm mạnh cung tiền, cứu trợ trực tiếp các ngân hàng và tổ chức tài chính….
Cho đến nay, hàng loạt gói kích cầu khẩn cấp có giá trị lớn được chính phủ các nước thông qua nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế. Ngày 17-2-2009, Tổng thống Mỹ đã ký Luật tái đầu tư và phục hồi Mỹ (ARRA) với tổng trị giá 787 tỉ USD, bằng 6% GDP của nước Mỹ. Mục tiêu của gói kích thích kinh tế thứ 2 này là nhằm tạo 3,5 triệu việc làm, giảm nhẹ tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng đối với người thu nhập thấp; kích thích đầu tư và tiêu dùng để phục hồi tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới. 65% giá trị của gói kích thích này là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và 35% là giảm thuế. Như vậy, cho đến nay, tổng trị giá gói kích thích kinh tế của Mỹ qua các đợt đã lên đến 2.250 tỉ USD.
Các nước EU cũng triển khai các gói kích thích kinh tế lớn để đối phó với khủng hoảng. EU khuyến nghị các nước thành viên cam kết không giảm ngân sách, thực hiện sớm kích cầu thông qua giảm thuế, tăng cho vay ngắn hạn, cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí hành chính và tăng cường đổi mới công nghệ. Là một trong những nền kinh tế đầu tàu của EU, tháng 12-2008, Đức chi các gói cứu trợ kinh tế đầu tiên với 31 tỉ USD, gói thứ hai 50 tỉ USD được Hạ viện thông qua ngày 13-2-2009, tập trung vào xây dựng trường học, đầu tư đường bộ, đường sắt, internet băng thông rộng, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng sạch.
Ngay từ đầu khủng hoảng, Chính phủ Pháp liên tiếp đã đưa ra những biện pháp đối nội và đối ngoại để để đối phó với khủng hoảng. Dành 26 tỉ ơ-rô để đầu tư vào 1.000 dự án ưu tiên trong các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng đường bộ và đường sắt; xây dựng nhà ở xã hội; quốc phòng và an sinh; giáo dục bậc cao và nghiên cứu; bảo tồn bảo tàng. Ngoài biện pháp hỗ trợ bán ô tô thông qua việc thưởng 1.000 euro cho những người mua ô tô sạch, chính phủ dành 7,8 tỉ ơ-rô để hỗ trợ hai doanh nghiệp sản xuất ô tô PSA (Peugeot) và Renault. Tây Ban Nha cũng nhanh chóng thành lập Quỹ đặc biệt kích thích kinh tế và tạo công ăn việc làm của nhà nước với nguồn vốn 11 tỉ ơ-rô nhằm mục tiêu tạo ra 300.000 việc làm mới trong năm 2009.
Trong các nền kinh tế châu Âu, Anh là nền kinh tế không sử dụng đồng ơ-rô (eurozone), và có cấu trúc, cách thức phát triển tương đối giống Mỹ, nên chịu tác động của khủng hoảng mạnh nhất trong nhóm các nước G20. Ngay từ tháng 9-2008, nước này đã đưa ra kế hoạch giải cứu tổng thể đầu tiên với 400 tỉ bảng nhằm cung cấp tín dụng, tiếp quản một số ngân hàng lớn có nguy cơ đổ vỡ… Tiếp đến, tháng 11-2008, đưa ra gói giải pháp kích cầu trị giá 20 tỉ bảng nhằm giảm thuế VAT; tăng chi của chính phủ, điều chỉnh một số chính sách thuế với doanh nghiệp; an sinh xã hội.
Mặc dù hệ thống ngân hàng của Nhật Bản hiện nay không bị nguy cơ đổ vỡ như của Mỹ và EU, nhưng các ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế bị đình trệ do xuất khẩu sụt giảm mạnh. Đến nay, Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế 117 tỉ USD trong quý 4/2008 với mục tiêu tạo 1,5 triệu việc làm trong 3 năm, hỗ trợ tiêu dùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm thuế, đầu tư phát triển giao thông, trợ giá nhiên liệu, lương thực….
Để đối phó với khủng hoảng, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện “chính sách kinh tế - xã hội mới” với chi phí 38 tỉ USD, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng để tăng việc làm, tạo điều kiện cho ngành xây dựng cũng như kinh tế địa phương phát triển. Ngoài ra chính phủ nước này đã tuyên bố kế hoạch phát triển kinh tế xã hội xanh để tạo 96 ngàn việc làm cho đến năm 2012. Hàn Quốc muốn thông qua những kế hoạch này trước mắt là tạo việc làm, song về lâu dài để nhằm củng cổ các nền tảng cho sự phát triển sau khủng hoảng.
Trung Quốc gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi công bố gói kích thích tài chính trị giá 4000 tỉ NDT (tương đương 586 tỉ USD) đến năm 2010 với 10 giải pháp và các hạng mục đầu tư khá rạch ròi, bao gồm: xây dựng các công trình đảm bảo đảm đời sống, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đường sắt, đường bộ, sân bay; tăng chi cho phát triển y tế, giáo dục, môi trường sinh thái; phục hồi khu vực động đất; điều chỉnh cơ cấu; cải cách chính sách thuế giá trị gia tăng; cải tạo kỹ thuật, giảm thuế cho các doanh nghiệp, tăng mức hỗ trợ tài chính - tiền tệ. Chính sách kích cầu của Trung Quốc nhìn chung khá linh hoạt và tỏ ra có hiệu quả bước đầu. Có sự phân biệt đối tượng hưởng thụ chính sách, không tràn lan, hướng nhiều đến cải cách hành chính, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông thôn, lao động, việc làm và y tế, giáo dục.
Các nước ASEAN chưa chịu tác động trực tiếp, nhưng khủng hoảng tài chính đã làm bộc lộ điểm yếu của các nước này là lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu (Mỹ, châu Âu) và chưa thực sự chú trọng thị trường trong nước. Vì vậy, các biện pháp kích thích của các nước đều hướng vào kích thích nhu cầu trong nước; giải quyết việc làm, tăng cường đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.Cụ thể là: Xin-ga-po đã đưa kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 13,7 tỉ USD chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh; Thái Lan thực hiện gói kích thích kinh tế 8,7 tỉ USD với trọng tâm nhằm tăng sức tiêu thụ trong nước, hỗ trợ nông dân, xuất khẩu, du lịch, giảm chi phí dịch vụ công, tạo công ăn việc làm; In-đô-nê-xi-a đang triển khai chương trình kích thích kinh tế 6,3 tỉ USD nhằm miễn thuế VAT cho 17 lĩnh vực ưu tiên, tạo việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Phi-li-pin kích thích kinh tế với 6,3 tỉ USD, tập trung đầu tư công cho phát triển hạ tầng và nông nghiệp, tăng cường an sinh xã hội, y tế, giáo dục…
2. Triển vọng thoát khỏi khủng hoảng của nền kinh tế thế giới
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động lan toả khắp các châu lục và thấm sâu vào hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khủng hoảng tài chính đang chuyển dần sang khủng hoảng kinh tế. Cả thế giới đang nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng này, nhưng những dự báo gần đây nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra cho thấy, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. IMF nhận định kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm 1,3% trong năm 2009, hầu hết các nền kinh tế lớn đều có mức tăng trưởng âm, như Anh: -4,1%, Đức: -5,6%, Nhật Bản: -6,2 và I-ta-li-a: -4,4%.
Đây là đợt suy thoái nặng nề nhất kể từ Đại chiến Thế giới II với thực trạng suy giảm GDP của các nước lớn ở mức "chưa từng có" là 7,5% trong quý cuối cùng năm 2008. IMF ước tính khủng hoảng tài chính đã gây thiệt hại 4 ngàn tỉ USD, cao gấp 4 lần so với mức IMF dự báo cách đây một năm. Theo IMF, chỉ có sự phục hồi tại các nước đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi lên mới có thể làm bàn đạp cho tăng trưởng dương vào năm 2010.
Còn Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của WB cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP tại các nước đang phát triển sẽ giảm xuống còn khoảng 2,1% năm 2009 so với mức 5,8% năm 2008. WB đã giảm dự báo tăng trưởng này xuống chỉ còn một nửa so với mức dự báo đưa ra vào tháng 11-2008. Bản cập nhật báo cáo này cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 1,7% năm nay. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Mức tăng trưởng chỉ có thể phục hồi nhẹ vào năm 2010 vì hoạt động sáp nhập tài chính, thiệt hại tài chính và ảnh hưởng còn lại của cuộc khủng hoảng sẽ vẫn làm giảm các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ cũng như thời điểm phục hồi còn chưa rõ.
Ngày 24-4, sau cuộc họp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7 cho biết, kinh tế toàn cầu có “một số dấu hiệu ổn định” nhưng cảnh báo đây chưa phải là dấu hiệu phục hồi.
Từ những dự báo trên cho thấy, tình hình tài chính và kinh tế thế giới vẫn đang đi xuống, và chưa rõ đến khi nào mới đạt được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khủng hoảng.
3. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với tác động của khủng hoảng
Là một thành viên mới của WTO, lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động một cách rõ nét và trực tiếp nhất tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài giảm mạnh đã kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống gây ra nhiều hệ lụy trong sản xuất, tiêu dùng, cải thiện điều kiện sống của người dân...
Trong bối cảnh chung đó, biện pháp mà chúng ta áp dụng để kích thích kinh tế cũng giống như các nước khác: thông qua “các gói kích cầu”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với những biện pháp chủ yếu như: giảm thuế, giãn thuế và hoàn thuế; hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng; hạ lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tăng đầu tư công cho kết cấu hạ tầng từ nguồn trái phiếu chính phủ và hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua các chính sách an sinh xã hội.
Việc triển khai các gói giải pháp chống suy giảm kinh tế do Chính phủ đưa ra, đã mang lại cho nền kinh tế những dấu hiệu tích cực bước đầu: tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ cao trong bối cảnh nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế như WB nhận định rằng khả năng khủng hoảng ở Việt Nam là thấp...
Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế này đã làm bộc lộ rõ hơn nhiều vấn đề trong nội bộ nền kinh tế cần được giải quyết để nền kinh tế khôi phục đà tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ nhất, cần xác định cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, vùng miền, để có cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, tránh tình trạng chuyển dịch cơ cấu một cách khiên cưỡng, hình thức, theo phong trào. Đã đến lúc chú trọng đến chuyển dịch cơ cấu lao động và mối quan hệ giữa cơ cấu ngành và cơ cấu lao động. Nếu vẫn còn quá nửa lao động là lao động nông nghiệp, sống ở nông thôn thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thể đạt được theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ hai, nhìn nhận lại vai trò của nông nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Thực tế mấy chục năm qua cho thấy, mỗi khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, nông nghiệp lại nổi lên như một sự trợ giúp đáng kể. Trong những tháng đầu năm 2009, giá dầu sụt giảm kỷ lục, nhiều mặt hàng xuất khẩu lao đao, thị trường xuất khẩu thu hẹp thì xuất khẩu gạo lại nhộn nhịp, góp phần đáng kể vào việc hạn chế mức giảm xuất khẩu. Các nhà kinh tế cho rằng, dù kinh tế thế giới suy giảm thì nhu cầu đối với lương thực, các mặt hàng nông sản không bị sụt giảm như đối với các hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ. Hiện tượng này cho thấy, chúng ta cần có cách nhìn mới đối với vai trò của nông nghiệp để có sự đầu tư đúng mức, thỏa đáng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới tăng nhanh do khủng hoảng kinh tế, và nhiều nước đã rơi vào khủng hoảng lương thực, dẫn tới xung đột, bạo lực, bất ổn về chính trị - xã hội.
Thứ ba, vai trò quan trọng của thị trường nội địa. Nền kinh tế của nước ta có độ mở rất lớn đồng nghĩa với việc nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, trong khi sự biến động của thị trường này hết sức phức tạp và khó lường. Nếu thị trường nội địa với trên 80 triệu dân không được khai thác, cạnh tranh để chiếm lĩnh, chúng ta sẽ mất chiếc “phao an toàn” khi nền kinh tế toàn cầu gặp rủi ro. Điều cần nhấn mạnh là sân nhà mà chúng ta bỏ qua lại chính là một lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, tính hiệu quả của khu vực doanh nghiệp và sự lành mạnh của hệ thống tài chính - ngân hàng. Vấn đề này đã được bàn nhiều, tuy nhiên cuộc khủng hoảng lần này cho thấy cần phải thực hiện một cách quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Sự lành mạnh trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ảnh hưởng rất đáng kể đến sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng.
4. Một số khuyến nghị khi thực hiện “gói kích thích kinh tế”
Từ những vấn đề trên đây, cùng với việc nghiên cứu các chính sách kích thích kinh tế của các nước trên thế giới, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai “gói kích cầu” trong nước để có thể đạt mục tiêu: giải quyết được vấn đề trước mắt là chống suy giảm, ngăn ngừa khả năng lạm phát - tác động trái chiều của giải pháp chống suy giảm, và lâu dài là lấy lại đà tăng trưởng cao.
Một là, không nên quá chú trọng, chạy theo các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà cần tranh thủ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại sản xuất - phân phối - tiêu dùng, cơ cấu lại xuất - nhập khẩu, cơ cấu lại đầu tư nhà nước - tư nhân, cơ cấu lại tiêu dùng - tiết kiệm, cơ cấu lại các ngành, vùng trong nền kinh tế; tranh thủ đầu tư đổi mới công nghệ; đào tạo lại nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, hay nói cách khác, thực hiện đẩy mạnh cải cách, tạo lập các cơ sở thể chế, cơ cấu bền vững cho quá trình tăng trưởng lâu dài.
Hai là, với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, cần phải xác định cụ thể, chính xác các lĩnh vực cần đầu tư theo các hướng ưu tiên đó là: (1) Phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, bệnh viện, trường học, công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là nhóm lĩnh vực góp phần tăng trưởng kinh tế vững chắc sau khủng hoảng kinh tế. (2) Đầu tư các dự án sử dụng nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm mới, các dự án sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Với những dự án loại này, người lao động có việc làm ổn định, nhu cầu tiêu dùng được giữ vững, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ba là, tăng cường và ưu tiên kích cầu cho nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần phải ưu tiên cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất tín dụng. Đây là khu vực chiếm hơn 70% dân số và lao động xã hội, và đây cũng là khu vực ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, do đó nếu được đầu tư thoả đáng sẽ có bước phát triển mới. Hơn nữa, khu vực này hiện nay đang là địa chỉ thu hút không ít (khoảng 600 ngàn người) lao động từ các thành phố, khu công nghiệp bị mất việc làm, trở về nông thôn làm việc. Vì vậy, tập trung kích cầu vào khu vực này không những góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X, mà còn góp phần duy trì ổn định kinh tế - xã hội, và nhu cầu tiêu dùng của đông đảo nhân dân lao động.
Bốn là, chính sách kích cầu cần quan tâm hơn nữa đến cầu tiêu dùng của người dân và của những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, kích cầu tiêu dùng là nhóm giải pháp quan trọng để hạn chế tác động của suy thoái kinh tế. Để kích tích tiêu dùng một cách thiết thực đối với toàn xã hội, nên chăng: (1) Chính phủ cần điều chỉnh tăng lương, lùi thời hạn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, tạm thời miễn thuế VAT đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước. Giải pháp này phần nào làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng bù lại sẽ kích thích được sản xuất và tăng sức mua của dân cư, kích thích tiêu dùng nhanh và hiệu quả. (2) Với những mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân mà nhà nước ta nắm quyền chi phối, trong giai đoạn hiện nay phải kìm chế việc tăng giá. Vì sự tăng giá các mặt hàng này, lập tức sẽ làm tăng mặt bằng đầu vào của nền kinh tế, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hơn nữa, nó sẽ làm giảm sức mua của người dân, giảm nỗ lực kích cầu của nhà nước và hậu quả cuối cùng là nền kinh tế tiếp tục suy thoái. (3) Song song với giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, nhà nước cần phải kiểm soát chặt hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nếu không thì giải pháp kích cầu tiêu dùng sẽ kém hiệu quả, thậm chí có khi lại “kích cầu” tiêu dùng hàng hoá nước ngoài như lịch sử những năm 1998-1999.
Năm là, bên cạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ đến những thị trường tiềm năng, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản với giá cả hợp lý. Những mặt hàng này gắn nhiều với nông dân, với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Do đó, “kích” vào đây góp phần giữ một động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, giảm nguy có thâm hụt thương mại. Hơn nữa còn góp phần giúp đông đảo người lao động duy trì được việc làm, thu nhập và đời sống, đồng thời giữ vững ổn định chính trị.
Sáu là, cần có bước cải cách sâu rộng về cơ chế quản lý, thủ tục hành chính bên cạnh những giải pháp về kinh tế. Vì biện pháp kích thích kinh tế được đặt trong hệ thống chính sách phát triển bền vững của cả nền kinh tế, đầu tư gắn với cải cách. Nếu không tính toán cẩn trọng, thì những căn bệnh hiện tại trong bộ máy nhà nước như tham nhũng, thiếu minh bạch, xung đột lợi ích sẽ đưa “gói kích thích kinh tế” này đến một kịch bản không thể lường trước được. Do đó, để gói kích thích kinh tế của chính phủ phát huy tác dụng đúng kịch bản đòi hỏi cần phải tăng cường cải cách cơ chế quản lý và thủ tục hành chính./.
Gặp lại những du kích quân Ca-ra-cát  (28/04/2009)
Kinh tế thế giới với Trung Quốc là một trụ cột  (28/04/2009)
Bức tranh kinh tế thế giới qua lăng kính IMF  (28/04/2009)
Những trận đánh đáng nhớ trong đời  (28/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm