TCCSĐT - Ngày 31-12-2016, tròn 1 năm Cộng đồng ASEAN ra đời. Đây là dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển ASEAN. Năm 2016 cũng là năm Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong hoạt động hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN. Một năm trôi qua, xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột (Chính trị - An ninh; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội) được các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Lào và đồng chủ trì cuộc Họp tham vấn thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ III

Từ ngày 25 đến ngày 26-12-2016, thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước CHDCND Lào, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức CHDCND Lào và đồng chủ trì họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ III. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, Thủ tướng Thongloun Sisoulith.

Tại các buổi tiếp, các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào hoan nghênh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang thăm chính thức Lào và đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng lần thứ III; đánh giá đây là cơ chế hợp tác quan trọng để hai bên trao đổi sâu rộng về các vấn đề chiến lược trên tinh thần tin cậy và phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao hai nước để tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước của mỗi bên trong công tác đối ngoại. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chuyển lời thăm hỏi thân thiết của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, Thủ tướng Thongloun Sisoulith; chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Lào anh em, đồng thời khẳng định Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Lào để không ngừng củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, vì lợi ích của nhân dân và sự thành công của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Tại hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên đã tập trung tháo gỡ từng bước các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hợp tác kết nối chiến lược giữa hai nước về kinh tế, nhất là đẩy nhanh việc triển khai các dự án kết nối trọng điểm về năng lượng và giao thông vận tải; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản lý và sử dụng vốn viện trợ dành cho Lào. Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có môi trường chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác trong ASEAN, phát triển tiểu vùng và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, vấn đề Biển Đông; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; chủ động và tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và phối hợp lập trường tham vấn ở tất cả các kênh và các cấp, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của mỗi nước.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tiếp Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia

Chiều 26-12-2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tiếp Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ngài Mam Sarin, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương CPP, Bộ trưởng Chính phủ Hoàng gia Campuchia dẫn đầu đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam; được gặp lại những người bạn, người đồng chí, anh em Việt Nam thân thiết, Chánh Văn phòng Trung ương CPP Mam Sarin chân thành cảm ơn đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã dành thời gian tiếp Đoàn, trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe của ngài Sai Chhum, Phó Chủ tịch CPP, Trưởng ban Thường trực Ban Thường vụ Trung ương Đảng CPP, Chủ tịch Thượng viện Campuchia và các nhà lãnh đạo Campuchia tới đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Thông báo với đồng chí Thường trực Ban Bí thư một số nét khái quát về tình hình Campuchia gần đây và kết quả cuộc Hội đàm giữa Văn phòng Trung ương hai Đảng, ngài Mam Sarin đề nghị lãnh đạo hai đảng xem xét tiếp tục cho ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai đảng cho giai đoạn 2017-2018.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hoan nghênh Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương CPP do ngài Mam Sarin làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu của hai Văn phòng Trung ương hai đảng, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị trong thời gian tới hai Văn phòng Trung ương của hai Đảng tiếp tục phát huy vai trò của mình là Cơ quan tham mưu của Lãnh đạo Đảng, tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ các biện pháp cụ thể giúp đỡ lẫn nhau, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo hai đảng, hai nước; khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ với CPP.

Viện trợ cho Triều Tiên khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 28-12-2016, chia sẻ với những thiệt hại nặng nề do trận lũ lớn xảy ra vào tháng 9-2016 vừa qua tại khu vực Đông Bắc của Triều Tiên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định trao tặng số hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá 70.000 USD để góp phần giúp người dân bị thiên tai khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tại Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Đoàn Văn Thái đã trao tượng trưng số hàng hóa trên cho Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Miêng Kin. Đại sứ Kim Miêng Kin đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ quý báu mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam dành cho nhân dân Triều Tiên, nhấn mạnh nghĩa cử cao đẹp, nhân ái này của nhân dân Việt Nam sẽ là nguồn động viên thiết thực đối với người dân đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây ra ở Triều Tiên.

Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc tặng đồng chí Tô Huy Rứa

Tối 28-12-2016, tại Hà Nội, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kuino Umeda đã thay mặt Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương “Mặt trời mọc, có ngôi sao vàng và bạc” tặng ông Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các nghị sĩ Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kuino Umeda đánh giá, thời gian qua với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa XI, ông Tô Huy Rứa đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các nghị sĩ Việt Nam và Nhật Bản, luôn hỗ trợ tích cực cho nhiều dự án chung của hai nước. Năm 2017 sẽ là năm quan trọng, đánh dấu một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Đại sứ Kuino Umeda mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của ông Tô Huy Rứa với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản và Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Việt-Nhật.

Bày tỏ cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tặng phần thưởng cao quý này, đồng chí Tô Huy Rứa tin tưởng dưới sự nỗ lực và phấn đấu chung của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, sâu sắc và thực chất hơn nữa. Đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Tô Huy Rứa đối với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Phạm Minh Chính khẳng định, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Quốc hội khóa XIV sẽ làm hết sức mình để tiếp nối, phát huy kết quả tốt đẹp mà các vị tiền nhiệm đã xây dựng và vun đắp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Cộng hòa Séc chào từ biệt

Sáng 29-12-2016, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Martin Klepetko tới chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Trao đổi về quan hệ song phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, tại các diễn đàn đa phương; đồng thời mong muốn hai nước nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư để làm sao tương xứng với tiềm năng và mong muốn của mỗi bên. Vui mừng trước việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Cộng hòa Séc quan tâm đến thị trường Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Cộng hòa Séc vào tìm hiểu thị trường, cơ hội làm ăn tại Việt Nam và đề nghị Cộng hòa Séc tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU); sớm ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam...

Về phần mình, Đại sứ Martin Klepetko trân trọng cảm ơn những đánh giá tích cực của Chủ tịch nước đối với nỗ lực của Đại sứ trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam. Đại sứ Martin Klepetko chia sẻ, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi, giao lưu văn hóa để củng cố sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư để làm sao đạt mục tiêu mà hai bên mong muốn.

Một năm chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN

Kể từ khi thành lập (ngày 08-8-1967) đến nay gần tròn 50 năm, ASEAN không chỉ phát triển về quy mô (trước năm 1984, Hiệp hội chỉ gồm 5 nước, đến nay đã phát triển lên 10 nước thành viên), mà ngày càng phát huy vai trò đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình đó, các thể chế hợp tác, phương thức làm việc của ASEAN từng bước được hoàn thiện, phát triển; một trong những thành tựu nổi bật nhất chính là xây dựng và cho ra đời Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Một năm trôi qua, xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột (Chính trị - An ninh; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội) được các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ.

Đây là năm mà theo đánh giá của nhiều người, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tham gia và đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm, trong hoạt động hợp tác ASEAN, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm đầu tiên; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN; củng cố, tăng cường, đoàn kết và vai trò của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có Biển Đông. Đóng góp tích cực của Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28- 29 tại CHDCND Lào trong tháng 9-2016 được các nước trong khối ghi nhận.

Về Biển Đông sau khi nhắc lại mục tiêu của Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế. Thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất COC. Phát biểu này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được các đại biểu dự Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao.

Cũng trong năm 2016, các bộ, ngành của Việt Nam đều xây dựng đề án, chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025; đồng thời tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ CHDCND Lào trong năm 2016 làm Chủ tịch ASEAN 2016. Trong dòng chảy chung của ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thành công chung của ASEAN, tạo dấu ấn hình ảnh một thành viên có uy tín, chủ động, năng động và trách nhiệm trong ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN. Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm đó, phấn đấu cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; tích cực triển khai và lồng ghép Tầm nhìn ASEAN vào các chương trình hành động cụ thể của các ban, bộ, ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế./.