Hoàn thiện quy định về quyền nhân thân của cá nhân trong Bộ luật Dân sự 2015
Quyền nhân thân là một trong những chế định quan trọng của Bộ luật Dân sự Việt Nam. Qua hai lần sửa đổi, chế định quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được hoàn thiện và có nhiều quy định cụ thể so với Bộ luật năm 2005 để giải quyết các vấn đề bất cập từ thực tiễn cũng như yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân về dân sự.
* Chỉ quy định các quyền nhân thân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về các quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 25 đến Điều 39. Điều 25 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Khác với quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật năm 2005 có phạm vi rất rộng (26 quyền), trong đó bao gồm cả những quyền thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, quyền không chỉ gắn với lợi ích mà còn gắn cả với những lợi ích khác về tài sản... Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định các quyền nhân thân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia các quan hệ dân sự và những quyền nhân thân gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân, nhưng chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Những quyền đó gồm: quyền có họ, tên (Điều 26); quyền thay đổi họ (Điều 27); quyền thay đổi tên (Điều 28); quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30), quyền đối với quốc tịch (Điều 31); quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); quyền hiến nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); quyền xác định lại giới tính (Điều 36); quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38); quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39).
Một số quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 đã không được tiếp tục ghi nhận trong Bộ luật năm 2015, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu sáng tạo... Các quyền này thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, không chỉ gắn với lợi ích tinh thần của chủ thể, mà còn gắn với lợi ích khác về tài sản. Mặc khác, các quyền này cũng được các luật khác quy định cụ thể như Luật Cư trú, Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ...
* Chuyển đổi giới tính - quyền nhân thân mới của cá nhân
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá, nhiều quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự 2015 được quy định cụ thể có thể áp dụng, thực hiện ngay không chờ văn bản hướng dẫn như: quyền có họ, tên (Điều 26), quyền thay đổi họ (Điều 27), quyền thay đổi tên (Điều 28)...
Đối với quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 31) chỉ quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 32) quy định cụ thể như sau: “1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một quyền nhân thân mới của cá nhân mà Bộ luật Dân sự 2005 chưa quy định đó là chuyển đổi giới tính (Điều 37). Điều luật quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Quy định này nhằm tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử với người chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ có địa vị pháp lý bình đẳng như cá nhân khác và sự minh bạch trong thực hiện các quyền nhân thân, tài sản trong các quan hệ dân sự. Quy định tiến bộ này đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng và quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới nói chung, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9-2014 về nhân quyền.
Khác với Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc bảo vệ quyền nhân thân thành một điều riêng trong mục về quyền nhân thân (Mục 2, Điều 25), Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định quyền nhân thân cũng là một quyền dân sự, do vậy phương thức bảo vệ được quy định chung như việc bảo vệ các quyền dân sự khác, được thể hiện tại Điều 11- Các phương thức bảo vệ quyền dân sự “Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: 1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; 2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; 3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai; 4. Buộc thực hiện nghĩa vụ; 5. Buộc bồi thường thiệt hại; 6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; 7. Yêu cầu khác theo quy định của luật”.
* Hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung mới của Bộ luật Dân sự 2015
Theo ông Đinh Trung Tụng, chế định quyền nhân thân có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với Bộ luật Dân sự năm 2005, dó đó, để bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật về bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền nhân thân, bên cạnh Bộ luật Dân sự, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi để đảm bảo sự phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc có hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung mới của Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính... Để tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính và để những người này được bình đẳng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, về thực hiện, bảo vệ quyền, nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự, tại Quyết định số 243 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính. Hiện, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai xây dựng dự án Luật này để trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới./.
Bình Dương được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất  (02/01/2017)
Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích lớn hơn  (02/01/2017)
Kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bhutan  (02/01/2017)
Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương  (01/01/2017)
Tổng thống Erdogan tố cáo âm mưu gây hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ  (01/01/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên