Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ

Nguyễn Thị Thu Hoài
Trường Đại học Đà Lạt
23:33, ngày 15-01-2025

TCCS - Kinh tế chia sẻ (KTCS) là một mô hình kinh tế mới, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trong bối cảnh công nghệ, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, KTCS đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ và vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển bền vững. Trong đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cần được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển KTCS.

 Nhận thức chung về kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ (sharing economy) còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy)… Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi từ sau cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu (Great Recession 2007 - 2008), khi việc ứng dụng công nghệ và internet vào mọi mặt đời sống ngày càng phổ biến, nhằm đối phó với những thách thức của vấn đề gia tăng dân số toàn cầu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên trên thế giới…(1).

Có nhiều quan điểm khác nhau về KTCS, nhưng nhìn chung, có thể hiểu “KTCS là những hoạt động giao dịch giữa các bên thông qua một hoặc một số nền tảng số (yếu tố công nghệ) có thể miễn phí hoặc trả phí”(2). Bản chất của KTCS là các giao dịch phải được thông qua một hoặc một số nền tảng công nghệ và có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, KTCS được hình thành trên một nền tảng công nghệ, là nơi kết nối giữa những người có tài sản, dịch vụ và những người có nhu cầu sử dụng tài sản, dịch vụ đó. Việc sử dụng nền tảng công nghệ có thể trả phí hoặc không trả phí.

Thứ hai, không có sự chuyển quyền sở hữu trong nền KTCS mà chỉ có sự chia sẻ việc sử dụng tài sản và cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản đó.

Thứ ba, bên chia sẻ tài sản, dịch vụ không bị ràng buộc phải chia sẻ trên một nền tảng công nghệ duy nhất, mà có thể chia sẻ trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau nhưng có vai trò tương tự nhau.

Thứ tư, thời gian chia sẻ tài sản, dịch vụ do chủ sở hữu chủ động, không bị gò bó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số_Ảnh: baochinhphu.vn

Có thể nhận diện mô hình KTCS tại Việt Nam hiện nay thông qua các ngành nghề nổi bật như: dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (Grab, Goviet, Gojek, Bee…); dịch vụ lưu trú (Airbnb, Luxstay…); dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech(3)); dịch vụ chia sẻ các video và audio…. Vậy người lao động (NLĐ) ở đâu trong mô hình KTCS?

Người lao động là bên cung cấp dịch vụ trong mô hình KTCS và được xem là đối tác kinh doanh của bên cung cấp nền tảng số. Trong các ngành nghề nêu trên, NLĐ trong các loại hình dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, dịch vụ lưu trú, video và audio là những người bị ảnh hưởng quyền lợi trong lĩnh vực lao động nhiều nhất. Vì trong quá trình thực hiện những loại hình dịch vụ này, NLĐ phải tự mình thực hiện các hành vi lao động và dễ gặp phải những rủi ro về sức khỏe, tai nạn nghề nghiệp…, mà hầu như không được bảo vệ bởi bất kỳ yếu tố nào.

Nhận thức xu thế phát triển tất yếu của mô hình KTCS, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng các định chế pháp lý thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình KTCS phát triển. Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử… và một số luật chuyên ngành khác đang hiện hành về kinh doanh thương mại là nền tảng pháp lý cho các hoạt động kinh doanh thương mại nói chung và các hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng. Ngày 12-8-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” với mục tiêu bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, nước ta vẫn đang thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh chuyên sâu mô hình KTCS, chưa có đầy đủ quy định để cụ thể hoá quyền tự do kinh doanh của công dân. Cụ thể là, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, thế nhưng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại thiếu các quy định về đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh mới, trong đó có những ngành nghề trong mô hình KTCS. Vì vậy, nhiều ngành nghề mới có thể được đăng ký vào ngành “dịch vụ khác” hoặc không được đăng ký kinh doanh. Ví dụ như quy định về dịch vụ cho vay ngang hàng, hiện nay nước ta vẫn đang xây dựng và vẫn dừng ở dự thảo Nghị định(4); hoặc chưa có quy định cụ thể điều chỉnh trường hợp tài xế tự đưa phương tiện của mình vào một doanh nghiệp để kinh doanh lĩnh vực vận tải… Từ đó, một trong những hệ luỵ kéo theo là không có cơ chế kiểm soát để bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong mô hình KTCS.

Người lao động trong mô hình KTCS có việc làm tự do, linh hoạt, thu nhập khá nhưng xét về mặt quyền lợi lại gặp nhiều bất lợi. Họ chỉ được xem là đối tác kinh doanh nên không có hợp đồng lao động, không được hưởng các chế độ của NLĐ theo quy định của pháp luật, dù trong quá trình làm việc họ bị ràng buộc bởi nhiều yêu cầu bất bình đẳng của “đối tác”. Vì không ký kết hợp đồng lao động nên NLĐ trong mô hình KTCS không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, ốm đau, thai sản…, họ không được hỗ trợ từ các chế độ bảo hiểm xã hội cũng như các chế độ phúc lợi từ phía người sử dụng lao động.

Sự cần thiết phải bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ có vai trò tích cực trong phát triển thị trường lao động và đem lại nhiều lợi ích cho NLĐ. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này cũng có những ảnh hưởng bất lợi đối với quyền lợi của NLĐ so với NLĐ làm cùng công việc trong nền kinh tế truyền thống:

Thứ nhất, công việc có tính linh hoạt, mang lại thu nhập khá nhưng không ổn định.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, xã hội số đang phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều công việc mới như Tiktoker, Youtuber, lái xe công nghệ (Grab, Be, Gojek…) với thu nhập khá cao so với những người làm công việc văn phòng trong quan hệ lao động truyền thống(5); thời gian làm việc của những công việc này cũng linh hoạt, tạo điều kiện cho NLĐ có thể kết hợp làm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, những công việc này không ổn định cả về tần suất lao động và thu nhập. Cách đây khoảng 8 năm, một tài xế xe máy Grab có thể thu nhập 600.000- 800.000 đồng/ngày, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày(6). Thu nhập giảm khiến họ gặp khó khăn trong trang trải cuộc sống gia đình. Một nghiên cứu tại một công ty cung ứng dịch vụ xe công nghệ lớn trước đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, dù thời gian làm việc trung bình của một người lái xe máy công nghệ là 9,2 giờ/ngày và lái xe ô tô là 11,2 giờ/ngày, nhưng các khoản thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ... không thường xuyên và khá thấp(7); có đến 68% tài xế công nghệ không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện(8).

Đối với nghề sáng tạo nội dung như Youtuber, Tiktoker, NLĐ phải đầu tư giai đoạn đầu để xây dựng nội dung thu hút người xem, nhưng không phải ai cũng thành công. Một Youtuber, Tiktoker muốn sáng tạo nội dung thành công, để có thu nhập từ 10.000.000 - 15.000.000/tháng(9) phải tự đầu tư thiết bị để làm nghề (điện thoại thông minh, máy tính, ipad, máy quay video…); phải thường xuyên sáng tạo nội dung chất lượng, phù hợp, không vi phạm bản quyền. Thu nhập vì thế có lúc cao, lúc thấp, thậm chí có lúc không có thu nhập vì phụ thuộc vào thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng...

Thứ hai, tính cạnh tranh của những công việc trong mô hình KTCS rất cao.

Bản chất của KTCS là tập hợp những người có tài sản cần chia sẻ cho những người có nhu cầu sử dụng tài sản đó và thu phí. Số lượng người có tài sản cần chia sẻ càng ít thì tần suất sử dụng tài sản chia sẻ của một chủ sở hữu tài sản càng cao, lợi nhuận thu lại càng cao và ngược lại. Theo xu hướng đám đông, những công việc nào kiếm được nhiều thu nhập thì sẽ ngày càng có nhiều người tham gia. Điều này được minh chứng rõ nhất qua số lượng người làm nghề lái xe công nghệ Grab gia tăng mạnh trong 2 năm gần đây và đây cũng là một trong những lý do chính khiến thu nhập của tài xế công nghệ giảm mạnh so với trước.

Thứ ba, môi trường làm việc có nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm nhưng NLĐ không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Người lao động trong các quan hệ lao động thông thường khi gặp ốm đau, tai nạn có thể tạm thời nghỉ việc mà vẫn hưởng nguyên lương hoặc được bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo chế độ, được người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp. Nhưng NLĐ trong mô hình KTCS (được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xếp vào nhóm người lao động có việc làm phi chính thức) không được bảo hộ như vậy. Họ nghỉ ngày nào thì không có thu nhập ngày đó. Nếu bị ốm đau hoặc tai nạn họ cũng phải tự gánh chịu chi phí y tế và các chi phí khác. Trong khi đó, nhóm lao động này rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Các tài xế công nghệ, những người sáng tạo nội dung nghệ thuật do phải ngồi nhiều, thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, sự thay đổi của thời tiết, ăn uống không đúng giờ, không có thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn nên dễ bị các bệnh về xương khớp, hô hấp, tiêu hoá…

Thứ tư, người lao động dễ gặp rủi ro về mặt tài chính.

Trong mô hình KTCS, NLĐ phải tự bỏ chi phí ban đầu để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị làm việc nên dẫn đến rủi ro về tài chính cá nhân. Nếu so sánh giữa tài xế taxi công nghệ và tài xế taxi truyền thống, có thể thấy tài xế taxi công nghệ phải tự mình chịu các chi phí như bảo dưỡng xe định kỳ, chi phí kiểm định xe, vệ sinh xe, sửa xe,... trong khi tài xế taxi truyền thống thường không phải gánh chịu những khoản chi phí này. Trong khi những người sáng tạo nội dung phải tự trang bị các thiết bị điện tử, chi phí internet để vận hành công việc của mình thì nhân viên của các công ty công nghệ, giải trí được công ty trang bị đầy đủ điều kiện vật chất để làm việc.

Nhiều NLĐ trong mô hình KTCS do không có vốn ban đầu nên phải đi vay hoặc mua trả góp để mua sắm trang thiết bị hành nghề. Nếu thu nhập ổn định có thể giúp họ trả nợ, nhưng thu nhập không ổn định thì số nợ vay ban đầu sẽ trở thành gánh nặng. Đối với NLĐ là các tài xế công nghệ, vấn đề đáng quan tâm là bị các công ty vận tải công nghệ chi phối hoàn toàn thông qua quy tắc ứng xử do công ty đặt ra và toàn quyền thay đổi mà không cần ý kiến từ tài xế. Thêm một bất lợi nữa về mặt tài sản, do bị xem là đối tác ngang hàng với công ty vận tải công nghệ nên thu nhập của tài xế taxi công nghệ bị đánh thuế như doanh nghiệp.

Cần có những biện pháp bảo vệ quyền lợi của lái xe công nghệ_Ảnh: baotintuc.vn

Giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động trong nền kinh tế chia sẻ

Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” đã xác định một trong những mục tiêu trong quá trình phát triển mô hình KTCS ở nước ta là: “Đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng”. Theo đó, giải quyết thỏa đáng những lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ trong các vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thu nhập, tài chính… được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mô hình KTCS theo hướng bền vững. Từ thực tiễn và từ mục tiêu được đề ra trong trong phát triển mô hình KTCS ở nước ta, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong mô hình kinh tế này, thời gian tới, Nhà nước cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về phát triển mô hình KTCS, nhằm tìm ra cơ chế quản lý hợp lý, sớm hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền lợi của NLĐ, góp phần phát triển bền vững mô hình KTCS. Nhà nước nên khuyến khích các công trình nghiên cứu chuyên sâu về mô hình KTCS, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khảo sát, tổng hợp, thống kê, phân tích cụ thể về mô hình kinh tế này. Từ đó, dần dần hình thành những nền tảng tri thức về mô hình KTCS, làm cơ sở để ban hành các chính sách về quản lý mô hình KTCS, thị trường lao động và bảo đảm quyền lợi của NLĐ ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, Nhà nước cần phân định rõ các ngành nghề trong mô hình KTCS và xác định đúng vị trí của NLĐ trong ngành nghề đó, vì mỗi ngành nghề trong KTCS có tính chất tham gia hoạt động, loại hành vi lao động khác nhau. Hiện nay, trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện giao thông, tài xế phải tự mua sắm phương tiện để hoạt động, tự thực hiện hành vi lao động và hoàn toàn bị chi phối bởi “luật chơi” do doanh nghiệp vận tải đề ra và chi phối hoàn toàn. Trong lĩnh vực chia sẻ dịch vụ lưu trú và chia sẻ audio, video, NLĐ có thể tham gia toàn phần hoặc có thể thuê người để thực hiện, họ có thể là NLĐ hoặc trở thành chủ. Việc nhận định rõ vai trò, vị trí của NLĐ trong mô hình KTCS là cơ sở để đề ra các giải pháp khả thi, phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho từng loại đối tượng lao động cụ thể.

Thứ ba, Nhà nước cần mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với NLĐ làm việc trong mô hình KTCS. Để làm được điều này, cần điều tra, thống kê lực lượng lao động làm việc trong mô hình KTCS. Đến nay, ở nước ta vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng NLĐ làm việc trong mô hình KTCS, vốn được xem là lao động phi chính thức vì không có hợp đồng lao động theo đúng luật định và không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc(10). Vấn đề cấp thiết đang đặt ra là phải mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội đến các đối tượng lao động phi chính thức, trong đó có NLĐ trong mô hình KTCS.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế, cung cấp môi trường pháp lý đầy đủ, linh hoạt, tạo điều kiện để phát triển và quản lý hiệu quả các chủ thể tham gia mô hình KTCS. Nhà nước cần rà soát, thống kê lại ngành nghề kinh doanh để bổ sung thêm những ngành nghề mới trong mô hình KTCS, có cơ chế đăng ký kinh doanh và quản lý phù hợp. Song song đó, cần xác định rõ các quan hệ xã hội phát sinh trong mô hình KTCS, từ đó đề ra những quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội đó. Đây là tiền đề quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong mô hình KTCS. Trong đó, cần chú trọng tích hợp các quyền lợi về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng và phương thức đóng phù hợp để NLĐ trong mô hình KTCS nói riêng được bảo vệ tốt hơn.

Thứ năm, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong mô hình KTCS không chỉ cần có hệ thống thể chế, chính sách hoàn thiện mà còn cần nâng cao ý thức pháp luật của công dân. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật các chủ thể khi tham gia mô hình KTCS cần chú trọng nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, các nghiệp đoàn trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ nói chung, NLĐ trong mô hình KTCS nói riêng./.

--------------------

(1) Phạm Minh Quốc: Kinh tế chia sẻ - cơ sở pháp lý và một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương điện tử, ngày 2-5-2024, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-te-chia-se-co-so-phap-ly-va-mot-so-de-xuat-nham-thuc-day-su-phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-108257.htm
(2) Chu Thị Hoa: Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2022, tr. 16
(3) Fintech được hiểu đơn giản là những ứng dụng, sáng tạo trong công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực tài chính, giúp mọi hoạt động được diễn ra nhanh chóng hơn, chính xác hơn, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí so với các phương pháp truyền thống
(4) “Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”, Thư viện pháp luật, ngày 26-6-2024, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Nghi-dinh-Co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-hoat-dong-cong-nghe-tai-chinh-linh-vuc-ngan-hang-584706.aspx
(5) Thanh Hương: Những Youtuber giàu nhất Việt Nam, Tạp chí điện tử Nhà đầu tư, ngày 9-11-2019, https://nhadautu.vn/nhung-youtuber-giau-nhat-viet-nam-d29902.html
(6) Nguyễn Vy: Cử nhân bỏ việc ổn định làm tài xế xe công nghệ 8 năm: “Hối hận cũng muộn!”, Báo Dân trí, ngày 16-11-2023, https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/cu-nhan-bo-viec-on-dinh-lam-tai-xe-xe-cong-nghe-8-nam-hoi-han-cung-muon-20231115154617562.htm
(7) Hà Quân: Kiến nghị các chính sách an sinh xã hội cho tài xế công nghệ, Báo Tuổi trẻ, ngày 5-5-2022, https://tuoitre.vn/kien-nghi-cac-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-cho-tai-xe-cong-nghe-20220505124830083.htm
(8) Lê Tuyết: Tài xế xe công nghệ “tranh cuốc gay gắt vì lực lượng tăng nhanh”, Báo điện tử VNExpress, ngày 27-10-2023, https://vnexpress.net/tai-xe-xe-cong-nghe-tranh-cuoc-gay-gat-vi-luc-luong-tang-nhanh-4669677.html
(9) Nguyễn Hạnh: YouTuber: Không chỉ là nghề kiếm tiền, Báo Dân trí, ngày 26-8-2021, https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/youtuber-khong-chi-la-nghe-kiem-tien-20210826090803401.htm
(10) Nguyễn Thị Thu Hoài: Bàn về khái niệm việc làm phi chính thức và người lao động có việc làm phi chính thức, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 06(121)-2023, tr. 11 - 18