Thúc đẩy vai trò của báo chí trong truyền thông bình đẳng giới

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy
Học viện Phụ nữ Việt Nam
16:51, ngày 26-08-2024

TCCS - Những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác truyền thông bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi thực hiện bình đẳng giới của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tác phẩm thiếu nhạy cảm giới, truyền thông chưa đúng tinh thần Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 được ban hành ngày 23-10-2021 theo Quyết định số 1790/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2023_Ảnh: TTXVN

Báo chí Việt Nam trong truyền thông bình đẳng giới

Thứ nhất, thể chế, chính sách về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông nói riêng ngày càng được hoàn thiện.

Hệ thống các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông là cơ sở, điều kiện thuận lợi để các tòa soạn đẩy mạnh việc quản trị nội dung thông tin bình đẳng giới. Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, việc hiện thực hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2023; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 hay triển khai thực hiện Bộ chỉ số giới cho truyền thông (UNESCO, 2014) có ý nghĩa quan trọng đối với các tòa soạn. Đó là trách nhiệm để mỗi cơ quan báo chí xác định vai trò của mình trong việc chủ động, tích cực sản xuất tin, bài theo đúng chủ trương, đường lối, tôn chỉ, mục đích đăng tải. Trong đó, thực hiện tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới cần được xác định là một nhiệm vụ chính trị.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu 6 quy định cụ thể về bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 đã đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp về: Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đổi mới hình thức và phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ số; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông,… Đặc biệt, Điều 5 nhấn mạnh việc “Xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong tuyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp”.

Thứ hai, các cơ quan báo chí vào cuộc ngày càng tích cực, chủ động.

Việc khai thác, sáng tạo các sản phẩm báo chí, truyền thông theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, từng bước góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của nam giới, phụ nữ, cộng đồng LGBTQ+(1) trong đời sống xã hội hiện đại. Sự tác động của báo chí, truyền thông đưa đến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi của công chúng, đồng thời tạo ra những sản phẩm báo chí sinh động và hấp dẫn.

Hiện nay, các sản phẩm báo chí, truyền thông ngày càng được chú trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới. Khi viết về phụ nữ, các tác phẩm đã dần thoát khỏi khuôn mẫu “đóng khung” hình ảnh phụ nữ yếu mềm, gắn với các công việc nhẹ nhàng, nội trợ, chăm sóc gia đình, lo toan cho chồng con... Thay vào đó là hình ảnh người phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo nhưng cũng không kém phần quyết đoán, trở thành đề tài được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật, khai thác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên các bài báo cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh những nữ chính trị gia, nữ doanh nhân, nữ nghệ sĩ… thành đạt. Họ được báo chí, phương tiện truyền thông tiếp cận khai thác thông tin với vai trò là chủ thể, là những người có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức về cộng đồng LGBTQ+ dần được cải thiện. Mặc dù kiến thức và thông tin trên truyền thông chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng công chúng đã khách quan hơn trong nhận diện bản dạng giới và xu hướng tính dục của con người.

Thứ ba, quản trị nội dung thông tin về giới trên báo chí ngày càng được thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Nội dung thông tin về giới trong nhiều bài viết đã được quản trị tương đối tốt, nhiều bài viết đã tiếp cận, khai thác đề tài dựa trên quyền con người; khẳng định tính tích cực của nam và nữ trong các vai trò mới; khuyến khích sự tự tin, năng động, sáng tạo của nữ giới; thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng; truyền đi các thông điệp tích cực về giới… Về hình thức thể hiện, các bài viết cũng đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ trung tính, không phân biệt giới, không gán nhãn, không đổ lỗi cho phụ nữ… Không ít những người làm báo tích cực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp, đặc biệt là mảng đề tài về giới. Sự quản lý chất lượng tin bài chặt chẽ trước khi xuất bản cũng đã góp phần quan trọng giảm thiểu những tin bài thiếu nhạy cảm giới.

Thứ tư, internet và các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới.

Người làm báo tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức cho bản thân dễ dàng hơn; việc truyền tải thông tin tới công chúng nhanh nhạy và hiệu quả hơn trên số lượng công chúng lớn. Với các công cụ tương tác, các tòa soạn cũng sẽ nhanh chóng nhận được ý kiến phản hồi của công chúng, giúp cho quá trình sản xuất tin bài tốt hơn.

Một số vấn đề đặt ra trong truyền thông bình đẳng giới hiện nay

Một là, vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu nhạy cảm giới trong thông tin, tuyên truyền. Một số lỗi thường gặp, như nội dung tin, bài còn khắc sâu vai trò giới của nam/nữ theo quan điểm truyền thống, thậm chí xúc phạm giới, định kiến giới; một số bài viết còn thể hiện thái độ coi thường phụ nữ; ngôn ngữ thể hiện, hình ảnh minh họa chưa phù hợp, phân biệt giới tính. Như việc đưa ra các thông điệp sai và thiếu nhạy cảm giới, đẩy người đàn ông vào thế phải lựa chọn giữa mẹ và vợ và yêu cầu người đàn ông phải “bảo vệ” phụ nữ như bảo vệ một người yếu thế: “Chồng là người bạn đời mà bạn lựa chọn, nếu muốn mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu dễ dàng được hóa giải thì chắc chắn anh ấy phải bảo vệ bạn”(2). Hay như cách viết thể hiện thái độ coi thường phụ nữ: “Đặc biệt phụ nữ là sinh vật nhạy cảm. Họ có thể yêu một người chỉ vì một chi tiết nhỏ, cũng sẽ có thể cắt đứt tình yêu chỉ vì một chi tiết nhỏ”(3). Việc sử dụng các hình ảnh minh họa thiếu nhạy cảm giới cũng khá phổ biến. Hình ảnh phụ nữ đẹp thường được dùng để “trang trí” cho các bài viết, thay vì để minh họa cho nội dung.                          

Hai là, việc quản trị tần suất xuất hiện của các tin, bài có nội dung về giới chưa thật sự chặt chẽ. Nhiều tin/bài chưa sắp xếp tỷ lệ nam/nữ cân đối, chưa xây dựng được nhiều tin, bài có sự xuất hiện hài hòa của nam giới và phụ nữ ở các lĩnh vực trong đời sống kinh tế -  chính trị - văn hóa - xã hội và các vấn đề của đời sống gia đình. Ngoài ra, nhiều bài viết có thông điệp truyền thông chưa rõ ràng, chưa nêu bật được khía cạnh bình đẳng giới. Như bài viết “Nỗi đau của người mẹ vừa đi làm, vừa cho con bú”(4) mô tả câu chuyện gia đình, gắn với vai trò sinh nở và chăm sóc con nhỏ của phụ nữ. Tuy nhiên, nếu là một bài viết có nhạy cảm giới, cần thiết biết cách lồng ghép các thông điệp về sự sẻ chia của người chồng, người cha trong gia đình.

Ba là, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới chưa thường xuyên, liên tục. Hầu hết các tòa soạn đều chưa xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới cho truyền thông; chưa ban hành văn bản hoặc lồng ghép giới trong các quy định hiện hành của đơn vị (quy chế, quy định, hướng dẫn, kế hoạch…); đa phần các tòa soạn chưa xây dựng được chuyên trang, chuyên mục về giới; chưa thường xuyên cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp bồi dưỡng về giới cho người làm báo. Nhiều nhà báo, phóng viên, biên tập viên thiếu các kỹ năng tác nghiệp và ứng xử trong tình huống cụ thể.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện_Ảnh: TTXVN

Giải pháp trong thời gian tới

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời đặt trọng tâm vào khâu tổ chức thực hiện.

Hệ thống văn bản, chính sách về giới, bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trên lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Việt Nam khá đầy đủ, bao gồm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế của Việt Nam. Theo đó, nhiều chương trình, kế hoạch đã được ban hành để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn hạn chế. Các tòa soạn chưa cụ thể hóa được các chủ trương, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước bằng các quy chế, quy định tại cơ quan, còn thiếu các văn bản triển khai tại các tòa soạn báo. Nhà nước cũng chưa ban hành các chế tài đủ mạnh và chặt chẽ để giám sát, quản lý cũng như xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới, các tòa soạn tích cực, chủ động xây dựng các quy chế, quy định, hướng dẫn,… nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bình đẳng giới trong thông tin, tuyên truyền trên báo chí, truyền thông. Ngoài ra, cần phổ cập rộng rãi hơn nữa các thông tin về giới và các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới trên các phương tiện truyền thông xã hội, các hội nhóm và cộng đồng báo chí. Các nguồn tài liệu về giới, như tài liệu chuyên khảo, cẩm nang, sổ tay nghiệp vụ,… hỗ trợ nhà báo cần được phổ biến rộng rãi tới người làm báo.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện quy trình quản trị nội dung có nhạy cảm giới của cơ quan báo chí. Theo đó, cần xây dựng quy trình quản trị nội dung thông tin có nhạy cảm giới tại các tòa soạn. Trong đó, nội dung quản trị được thực hiện ở cả 4 khía cạnh: 1- Quản trị tần suất xuất hiện tin, bài về giới; 2- Quản trị nội dung có nhạy cảm giới; 3- Quản trị hình thức thể hiện có nhạy cảm giới; 4- Quản trị quy trình sản xuất có nhạy cảm giới.

Thực hiện lồng ghép giới trong các văn bản hiện hành tại các tòa soạn. Trong đó, chú ý lồng ghép giới vào tất cả các bước của quy trình sản xuất tin, bài từ khâu đăng ký đề tài, sáng tạo tác phẩm, biên tập và xuất bản. Phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn và lãnh đạo cơ quan báo chí cần thực hiện nhiệm vụ với đầy đủ nhận thức giới và trách nhiệm giới, đặc biệt không cố tình câu view bằng các hình thức giật tít, sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh không phù hợp, đưa thông tin mang định kiến giới.

Xây dựng kế hoạch hành động áp dụng Bộ chỉ số về giới cho truyền thông, trong đó có lộ trình rõ ràng cho hai mảng nhiệm vụ chính: 1- Những hành động tăng cường bình đẳng giới trong tòa soạn và 2- Bảo đảm phản ánh về giới trong các nội dung truyền thông đối với 2 mảng chính là: Tin tức và thời sự; quảng cáo.

Ba là, đào tạo nâng cao năng lực về giới cho người làm báo. Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên nâng cao nhận thức giới cho người làm báo. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới và các tình huống tác nghiệp với các đề tài giới. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ về vai trò của các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới và trách nhiệm của bản thân trong việc quản trị nội dung thông tin có nhạy cảm giới trên báo của mình. Các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông cần có các chương trình đào tạo bắt buộc, định kỳ về giới và bình đẳng giới cho người làm báo, kể cả ở cấp lãnh đạo. Lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới trong các khóa đào tạo về nghiệp vụ báo chí, hay các lĩnh vực chuyên môn khác. Phóng viên, biên tập viên cần thay đổi tư duy, truyền thông có trách nhiệm giới. Tích cực, chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp về bình đẳng giới cho bản thân. Tránh nhìn nhận bình đẳng giới như một nội dung riêng, chuyên môn riêng, do những chuyên mục chuyên biệt đảm nhiệm.

Bốn là, nâng cao nhận thức giới cho công chúng truyền thông. Tích cực truyền thông các thông điệp bình đẳng giới, theo tinh thần của Mục tiêu 6, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, những thành tựu về bình đẳng giới tại Việt Nam cũng như đấu tranh với các luận điệu sai trái về bình đẳng giới. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng tần suất xuất hiện của các tin, bài về giới và quản lý chặt chẽ quy trình lồng ghép giới trong sản xuất tin, bài.

Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng. Báo chí, truyền thông cũng tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp. Để đạt được mục tiêu đó, nhận thức giới và trách nhiệm giới cần được bắt đầu từ người lãnh đạo trong các cơ quan báo chí, tiếp theo là toàn thể người làm báo ở các vị trí khác nhau. Một hành lang pháp lý cùng với các quy định, quy trình chặt chẽ về sản xuất tin, bài có lồng ghép giới tại các cơ quan báo chí là điều kiện cần thiết để bảo đảm thúc đẩy truyền thông bình đẳng giới thực chất, tiến tới hoàn thành các mục tiêu của Chương trình truyền thông bình đẳng giới đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030./.

----------------------

(1) LGBTQ+: đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, có xu hướng tính dụcbản dạng giới khác biệt hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào, hoặc đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân. Dấu +/- sự tồn tại đa dạng các nhóm khác, như phi nhị nguyên giới, liên giới tính, vô tính luyến ái...
(2), (3) “4 bí quyết vàng của phụ nữ sau khi kết hôn”, https://vietnamnet.vn/4-bi-quyet-vang-cua-phu-nu-sau-khi-ket-hon-2054234.html, ngày 28-8-2022
(4) “Nỗi đau của người mẹ vừa đi làm, vừa cho con bú”, https://vietnamnet.vn/noi-dau-cua-nguoi-me-vua-di-lam-vua-cho-con-bu-2066087.html, ngày 3-10-2022