Quảng Ninh - Mô hình thành công bước đầu khi đưa chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa
Chính sách là công cụ quản lý nói chung, quản lý kinh tế - xã hội nói riêng của Nhà nước. Chính sách thay đổi trong từng thời kỳ.
Kinh tế được hiểu là tổng thể các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu thụ của cải trong xã hội.
Chính sách kinh tế là kế hoạch hành động nhằm sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, của cải trong xã hội nhằm tạo ra của cải làm giàu cho xã hội.
Chính sách kinh tế trong văn hóa là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc hoạt động, các cách làm thực tiễn và các phương pháp quản lý kinh tế mà Đảng, Nhà nước sử dụng, dùng làm cơ sở điều tiết các hoạt động văn hóa, tác động lên các cá nhân, tổ chức, đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa để đạt đến những mục tiêu văn hóa đã được Đảng, Nhà nước đề ra trong một thời kỳ nhất định.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách kinh tế và đưa chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa
Quan điểm thể hiện bản chất của một chế độ xã hội được dùng để soi chiếu, định hướng mọi vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Để chính sách kinh tế trong văn hóa có hiệu quả, đạt tới mục tiêu đã đề ra, Đảng, Nhà nước đã đề ra hệ quan điểm vừa toàn diện, vừa nhất quán.
Từ Đại hội Đảng khóa VI, Đảng ta luôn đặt ra và xác định vấn đề cơ sở nền tảng, then chốt để phát triển văn hóa, hình thành chính sách kinh tế trong văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành động lực, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. “Nhà nước có chính sách đúng đắn đối với các loại sản phẩm văn hóa khác nhau”(1).
Hiến pháp năm 2013 xác định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013).
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011 cũng xác định: Chính sách kinh tế của nước ta từ nay đến giữa thế kỉ XXI là phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách kinh tế được Đảng xác định là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.
Nhìn lại từ năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định rõ vấn đề văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa và đưa quan điểm về chính sách kinh tế trong văn hóa: “Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời đảm bảo yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Từ định hướng này, chính sách kinh tế được đưa vào quá trình phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay và được xác định theo hướng: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; phát triển nhiều thành phần kinh tế tham gia các hoạt động văn hóa;… gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, đáp ứng tốt nhu cầu công chúng; khai thác các tiềm năng kinh tế từ chính các hoạt động văn hóa, giá trị văn hóa; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa.
Trong bối cảnh Cách mạng khoa học – công nghệ, kỹ thuật phát triển như hiện nay, việc sử dụng khoa học kỹ thuật như một đòn bẩy mang giá trị kinh tế trong phát triển văn hóa là một quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, vận dụng vào thực tế lại là câu chuyện của từng địa phương, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu khi đưa chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa, từ khai thác văn hóa du lịch, văn hóa tâm linh, phát triển các làng nghề,… đến phát huy hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa như Thư viện, Bảo tàng, cung Quy hoạch,… trên địa bàn tỉnh, đặc biệt Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là bảo tàng duy nhất trong cả nước đã thực hiện tự chủ. Nhìn trên bình diện chung cả nước, có thể khẳng định Quảng Ninh là mô hình để nhiều địa phương học tập.
Thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa tức là phải thực hiện các phương thức, cách thức quản lý kinh tế, đề ra mục tiêu mang tính lợi nhuận kinh tế khi thực hiện các hoạt động văn hóa và ngược lại phải gắn văn hóa, đảm bảo các yếu tố văn hóa luôn hiện diện trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh tế.
Chính sách kinh tế trong văn hóa cần được hiểu một cách cụ thể là phải vận dụng chính sách kinh tế chung của Nhà nước vào phát triển lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, phải xây dựng môi trường pháp lý, chính sách đầu tư hấp dẫn, xây dựng cơ chế quản lý,… để thu hút các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa.
Các sản phẩm văn hóa truyền thống cơ bản là các hoạt động vanwhoas, văn nghệ, giải trí, thể thao,… tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay hoạt động văn hóa gắn bó chặt chẽ với dịch vụ văn hóa, thị trường văn hóa trước kia bó hẹp trong “bàn tay” của Nhà nước (làm phim bao cấp, rạp chiếu phim bao cấp, biểu diễn văn hóa văn nghệ miễn phí,…. thì nay, thị trường văn hóa được mở rộng và ngày càng đa dạng gắn với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, gắn với những thành tjwu của Cách mạng khoa học, công nghệ. Ví dụ riêng thị trường sách, vốn từ sách in nay đã có cá loại hình sách điện tử, sách số,… hay thị trường tranh trước chỉ có bán tranh trực tiếp, nay thị trường online với tranh NFT (NFT (Non-Fungible Token) hiểu là token không thể thay thế - một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ Blockchain. Công nghệ này sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Nhờ đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái).
Quảng Ninh vận dụng chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa
Từ chủ trương chung của Đảng bộ tỉnh, Thư viện Quảng Ninh được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, diện tích sử dụng 9.000m2, thiết kế hợp lý, gồm hội trường, các phòng đọc, tra cứu tài liệu, triển lãm sách, báo và phòng hội thảo… Trang thiết bị được đầu tư hiện đại và tương đối đồng bộ. CNTT được ứng dụng vào công tác bổ sung, biên mục tài liệu, in fis, in nhãn sách, thư mục qua phần mềm ILIB. Theo thống kê, Thư viện tỉnh có tổng số gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử.
Thư viện tỉnh cũng thực hiện cơ chế mở, chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn - website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; tăng cường khả năng khai thác của thư viện số bằng cách quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu xây dựng phát triển Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện hiện đại gắn với chính quyền điện tử tỉnh, Thư viện đã xây dựng Kế hoạch 265/KH-TV tháng 12/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo cơ sở, định hướng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể đảm bảo lộ trình đề ra. Mục tiêu được xác định là: Hiện đại hóa Thư viện tỉnh, khai thác và phục vụ có hiệu quả thư viện số, phát triển nguồn lực thông tin số hóa, xây dựng hệ thống mượn trả tài liệu tự động 24/7, tăng cường chia sẻ vốn tài liệu trên nền hạ tầng mạng lưới CNTT của tỉnh, đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc, chú trọng phục vụ trực tuyến. HIện đại hóa, ứng dụng công nghệ cũng được áp dụng để tự động hóa các thủ tục hành chính, từ quy trình cấp thẻ thư viện, quản lý bạn đọc thông qua phần mềm thư viện điện tử tích hợp ILIB, đến kiểm kê tự động…
Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước tự chủ kinh phí. Bảo tàng đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Khách tham quan có thể được một hướng dẫn viên ảo dẫn đi tham quan qua phiên bản số hóa (website baotangao.baotangquangninh.vn.). Qua công nghệ 3D, từ kiến trúc phía ngoài độc đáo tựa như “viên ngọc đen” đến không gian ấn tượng bên trong với những khung cảnh tái hiện lịch sử qua nhiều thời đại, quang cảnh các hầm lò khai thác than dưới lòng đất, các bảo vật quốc gia, các di sản thế giới,… mà Quảng Ninh sở hữu.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm VHNT Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quay phim, chụp ảnh, số hóa 3D một số không gian, kiến trúc nghệ thuật, một số di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, bảo vật quốc gia tại Quảng Ninh, như quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng, gồm: Quần thể bãi cọc, đình đền miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phân bổ trên địa bàn phường Yên Giang, phường Nam Hòa, xã Liên Hòa thuộc TX Quảng Yên và xã Điền Công thuộc TP Uông Bí; số hóa không gian khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần, di tích đền thờ nữ tướng Lê Chân tại Đông Triều, số hóa hộp vàng Ngọa Vân đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh…
Một trong những vấn đề rút ra qua việc áp dụng chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa ở Quảng Ninh đạt được những thành công là: Thứ nhất, tư tưởng nhất quán, thống nhất, đồng lòng từ trên xuống đến cơ sở, là tinh thần quyết liệt trong triển khai thực hiện, là sự năng động, linh hoạt, … Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện Tỉnh Quảng Ninh gồm 3 khối nhà Bảo tàng - Thư viện - Hội thảo được khánh thành năm 2013, nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, từ đó, hiện thực hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị nhanh chóng có các giải pháp phù hợp, cùng ứng dụng khoa học, công nghệ, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động thực tiễn. Tùy từng đơn vị đã có các biện pháp quản lý, có lựa chọn loại công nghệ thích hợp, có nguyên tắc, cách thức sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp, do đó, ngay sau khi được tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ, cùng lúc hệ thống các thiết chế văn hóa của tỉnh được phát huy công năng, đem lại hiệu quả tích cực vượt trội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, đồng thời đáp ứng cả yêu cầu về các nguồn lực kinh tế thu lại. Trải qua thời kỳ COVID-19, mặc dù không tránh được những khó khăn đến từ khách quan, các đơn vị đã tận dụng lợi thế của công nghệ, phát triển các ứng dụng để thực hiện các dịch vụ trên nền tảng số trong chiến lược lâu dài, coi đây là cơ hội, là cách thức nhanh nhất để các giá trị văn hóa Quảng Ninh được lan tỏa ra thế giới.
Đặc biệt, từ năm 2018, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong bối cảnh không nhiều địa phương có nghị quyết riêng từ sớm về phát triển văn hóa, con người, Quảng Ninh đã cho thấy tính tiên phong trong nhận thức về văn hóa, vai tò của văn hóa đối với đời sống xã hội nói chung và đối với sjw phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng. Vốn là tỉnh có lợi thế phát triển du lịch, QUảng Ninh đã sớm gắn kết giá trị các di sản văn hóa được thiên nhiên ưu đãi với các mục tiêu kinh tế - xã hội. Để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả cao, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư phát triển từ kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện kêu gọi để các nhà đầu tư bất động sản lớn tham gia đầu tư vào Quảng Ninh, phát triển thị trường sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa, đến nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch và các dịch vụ đi kèm... Cụ thể:
Về đầu tư vào kết cấu hạ tầng: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" - từ xa xưa cổ nhân đã có những câu nói đúc kết kinh nghiệm lựa chọn bất động sản ưu tiên gắn liền với cơ sở hạ tầng. Xác định phát triển hạ tầng là nền tảng và đòn bẩy cho phát triển, đặc biệt là thị trường BĐS, Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch kết nối với Thủ đô, qua Hải Phòng, lên tuyến biên giới phía Đông Bắc đã được tập trung đầu tư, đến nay Quảng Ninh đã có một hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi với các tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, sân bay quốc tế Vân Đồn, hầm xuyên biển Cửa Lục… Khai thác thế mạnh hiếm có, Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết hợp phục vụ du lịch với những tuyến đường bao biển như tuyến Hạ Long – Cẩm Phả,…
Về thu hút đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí: hiện trên địa bàn Quảng Ninh đã có sự góp mặt của chuỗi các khách sạn thương hiệu quốc tế như Novotel, A La Carte, Continental, Citadine,…; các nhà đầu tư bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, Bim, Tập đoàn Tuần Châu… Các nhà đầu tư lớn này đã đóng góp với Quảng Ninh các tổ hợp thương mại - dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn như Trung tâm Thương mại Vincom Center Hạ Long (1.100 tỷ đồng), Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) với quy mô đầu tư 1.200 tỷ đồng, Vinpearl Land, Công viên Đại Dương Hạ Long theo mô hình Disneyland, tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng, dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả có tổng mức đầu tư dự kiến 3.500 tỷ đồng, dự án Quảng trường Mặt trời Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, khu phụ trợ du lịch Platin Center Shophouse Cẩm Phả, khu biệt thự, khách sạn ven biển 4 sao dài nhất Việt Nam, khu ẩm thực, sân golf… đã tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo khách nội địa và quốc tế đến tham quan, giải trí; các siêu dự án trọng điểm như dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino tại Vân Đồn, cụm cầu cảng khách quốc tế lớn nhất Việt Nam,… có thể tạo sức đột phá lớn trong phát triển kinh tế - du lịch. Đặc biệt, tạo cơ sở để lưu giữ chân du khách dài ngày - đây là thế mạnh không phải địa phương nào cũng có và Quảng Ninh đã, đang tận dụng.
Tỉnh cũng đầu tư nhiều tàu chở khách có trọng tải lớn, hình thức sang trọng, hệ số an toàn cao, đặc biệt là đội tàu nghỉ đêm trên Vịnh, như du thuyền: Paradise Luxury, Emeraude Classic Cruise, Bhaya Classic Cruises, Âu Cơ... Đây thực sự như những khách sạn nổi 5 sao du ngoạn trên mặt Vịnh, hệ thống dịch vụ trên tàu phục vụ du khách được đầu tư ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tổ hợp khách sạn,… là biểu hiện sinh động của chủ trương yếu tố kinh tế phải là nền tảng vật chất cho các hoạt động văn hóa phát triển, mục tiêu kinh tế phải song hành với các mục tiêu văn hóa.
Về đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: xác định phát tirển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển bền vững mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế cho tỉnh. Các sản phẩm văn hóa dưới dạng công nghệ (sách điện tử, tranh công nghệ số,…), công nghệ ảo (thăm quan bảo tàng, thăm thú các di sản văn hóa thế giới,… thômg qua công nghệ 3D,…) trong hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư từ ngân sách; các sản phẩm văn hóa mang tính hand made thủ công mỹ nghệ (quà lưu niệm được làm từ các vật liệu từ biển như vỏ trai, ốc, vỏ sò,…mang bản sắc Quảng Ninh – nơi có di sản thiên nhiên thế giới) được đầu tư từ nguồn tự có trong dân, tỉnh góp phần hỗ trợ cũng đang ngày càng có đóng góp vào gia tăng doanh thu du lịch – làng nghề.
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Quảng Ninh tập trung gắn với cảnh quan thiên nhiên và công trình lịch sử văn hóa, như ở Hạ Long, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà..; gắn với cảnh quan biển đảo ở Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái....; gắn với các làng nghề như Làng hoa Hoành Bồ (TP Hạ Long) đã chuyển đổi việc trồng, bán cây cảnh và hoa đơn thuần, sang mô hình du lịch canh nông phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm; gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dựa trên khai thác cảnh quan thiên nhiên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, Ngày hội Kiêng gió; các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... cũng được đồng thời chú trọng, khuyến khích, phát triển hiệu quả mang lại thu nhập cho người dân, trở thành những điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị. Đây là các mô hình hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ. Đây cũng là biểu hiện sinh động của chủ trương đưa các yếu tố văn hóa quá trình tạo ra của cải vật chất, văn hóa phải được thể hiện như một yêu cầu bắt buộc và là mục tiêu hướng tới của các hoạt động kinh tế. Chính sách này cũng hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chủ trương huy động các nguồn lực, động lực cho phát triển văn hóa, Quảng Ninh đã huy động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào khai thác các tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động văn hóa; khai thác các tiềm năng, giá trị kinh tế chính trong các hoạt động văn hóa cũng là biểu hiện sinh động của chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Từ năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến nay, tổng kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục xây dựng Nghị quyết mới về phát triển văn hóa con người Quảng Ninh trong bối cảnh mới. Đặc biệt, khi Quảng Ninh đang thực hiện mục tiêu giai đoạn 2020-2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước; đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Về đầu tư hạ tầng công nghệ: Dựa vào định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, tỉnh đã tạo cơ sở nền tảng là đầu tư hạ tầng mạng, hạ tầng kỹ thuật công nghệ, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm, được xác định là mũi nhọn, có khả năng kích thích phát triển chung cho tỉnh, như hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển văn hóa - du lịch, từ các công nghệ kỹ thuật số đến các điều kiện đảm bảo cho hệ thống mạng wifi, di động cho các khu vực phát triển dịch vụ.
Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: nhân lực cho phát triển của tỉnh được xác định là một trong các khâu đột phá, và xu hướng trong những năm gần đây cho thấy, khi đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi, thời gian di chuyển giữa Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh bạn được rút ngắn thì tỉnh đã thu hút đượ một cách tự nhiên lực lượng lao động từ các tỉnh đổ về. Bên cạnh đó, xác định điểm yếu nguồn nhân lực cho du lịch là ngoại ngữ và khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ, tỉnh đã có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng lâu dài thông qua giáo dục - đào tạo các cấp, trong đó trường Đại học Hạ Long được quan tâm; đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn thông qua các chương trình bồi dưỡng đối với nhân lực của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị đang tập trung triển khai các dự án,… các địa phương có dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp đối với từng hộ gia đình có tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng đều, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng để hấp dẫn du khách, nhằm đạt mục tiêu không chỉ phục vụ du khách tốt nhất mà còn đưa du khách trở lại trong tương lai và từ du khách lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Quảng Ninh ra thế giới.
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần thủ đô, được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi với hệ thống các di sản văn hóa tầm cỡ thế giới, được công nhận là di sản thế giới; với chủ trương đúng đắn, với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu khơi dậy được tiềm năng vốn có. Cách thức đưa chính sách kinh tế vào quá trình khơi dậy các tiềm năng đã cho thấy hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, khẳng định quan điểm nếu có định hướng đúng thì văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển, thực sự phát huy được chức năng điều tiết phát triển, điều tiết các quan hệ xã hội theo hướng tích cực, hài hòa./.
--------------
[1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.85]
Xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc  (30/09/2023)
Phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa Quảng Ninh  (30/09/2023)
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhìn từ tài nguyên di sản văn hóa của Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm