Đặc điểm văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh là một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hoá. Thời kỳ tiền sử khoảng 18.000 năm trước, Quảng Ninh được biết đến là vùng đất thuộc văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn... Nơi đây từng có những thế hệ người Việt đầu tiên sinh sống với dấu ấn của nền văn minh xa xưa. Khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh Quảng Ninh bao gồm khoảng 90 xã, phường với khoảng 160 thôn, bản, khu phố, là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Có trên 22.000 hộ dân sinh sống ở các khu vực này với số nhân khẩu lên đến hơn 100.000 người. Với truyền thống lịch sử, gắn bó lâu đời với mảnh đất lịch sử Quảng Ninh, các dân tộc thiểu số có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Quảng Ninh là một tỉnh miền núi, trung du vùng đông bắc của Tổ quốc. Hơn 80% đất đai ở đây là vùng đồi núi và 132,8km đường biên giới trên đất liền thuộc nhiều huyện, thị. Đây cũng là vùng đất chung sống của 21 dân tộc thiểu số, trong đó các dân tộc nhiều người nhất là Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Mường… Những dân tộc này sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi vùng biên giới, như: Bình Liêu với 95,8% dân số là người dân tộc thiểu số; Ba Chẽ với 79,7% là người dân tộc thiểu số; Tiên Yên với 47,2% là người dân tộc thiểu số. Ở các huyện Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn,... đều có nhiều người thuộc dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Mỗi dân tộc sinh sống ở đây đều có những nét văn hóa mang bản sắc riêng, với các di sản văn hóa truyền thống, độc đáo, như ngôn ngữ, chữ viết, trang phục cổ truyền, tập quán canh tác… Ở các huyện, thị, khu vực biên giới hải đảo của tỉnh Quảng Ninh có hàng trăm di sản văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, 21 dân tộc thiểu số ở đây đều đang lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Có thể thấy, những di sản văn hóa phi vật thể này thông qua các điệu hát, dân vũ, lễ hội truyền thống, như: hát Then của người Tày, hát Pả Dung của người Dao và hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ. Xã Húc Động, huyện Bình Liêu là nơi nổi tiếng về lễ hội và điệu hát Soóng Cọ - một lối hát trữ tình, giao duyên của người Sán Chỉ. Hằng năm, hội Soóng Cọ được tổ chức tại đây vào cuối mùa xuân, ngày 16 - 3 âm lịch. Soóng Cọ là ngày hội để các chàng trai, cô gái giao duyên, tìm bạn trăm năm tri kỷ. Đặc biệt hơn, Soóng Cọ còn được xem như ngày hội của những người đã lập gia đình. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, mặc dù đã có gia đình, nhưng “duyên nợ” của một số người với “người xưa” vẫn còn với nhau nên hội Soóng Cọ là ngày cho họ gặp lại “cố nhân”. Những nỗi niềm sâu kín, chất chứa trong tâm tư bấy lâu được các chàng trai, cô gái đã yên bề gia thất gửi trọn vào lời ca thiết tha, da diết. Những năm gần đây, hội Soóng Cọ được tổ chức rất quy mô, phong phú và kéo dài đến vài ba ngày. Song song với hát giao duyên, những ngày hội Soóng Cọ còn diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí truyền thống, như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, thi giã bánh, đốt lửa trại trên núi… Cùng với Soóng Cọ, các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh còn nổi tiếng với những điệu dân ca đối đáp giao duyên như: hát Pả Dung của người Dao, Sli của người Tày, Soọng Cô của người Sán Dìu, Soóng Cọ của Sán Chay, Sán Cố của người Hoa... Môi trường diễn xướng truyền thống của các điệu dân ca đối đáp này cũng khá độc đáo, thường diễn ra trong những không gian sinh hoạt thường nhật ở bìa rừng, trên nương, dưới suối…

Ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh còn có hát Then - một lối hát dân tộc, truyền thống đặc sắc. Đây là hồn cốt trong các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng của người Tày. Với giai điệu du dương, trầm bổng hòa với tiếng đàn tính ngân vang, giọng hát trong trẻo của các “bà then” khiến người nghe thấy lâng lâng, bay bổng, say theo điệu nhạc âm vang giữa núi rừng trùng điệp. Hát Then của người Tày ở Bình Liêu đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Huyện Bình Liêu còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội lịch sử, văn hóa đặc sắc, như “Lễ hội đình Lục Nà”, “Hội mùa vàng Bình Liêu” ở xã Lục Hồn, “Hội Kiêng gió” của người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn. Ở xã Đồng Tâm, “Hội hoa Sở” sẽ diễn ra khi những rừng hoa Sở nở đầy hoa trắng muốt. Cùng với huyện Bình Liêu, ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, như Ngày hội văn hóa của người Sán Chỉ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên; Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao huyện Ba Chẽ… Mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc truyền thống, tôn vinh giá trị tinh thần của một dân tộc, nhưng vẫn có sự giao thoa, đan xen, kết hợp với văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.

Trong Quy hoạch về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 4 thôn, bản để thực hiện bảo tồn, phục vụ phát triển du lịch, đó là: Bản (thôn 1, 2, 3) dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long; Bản Lục Nà, Bản Cáu dân tộc Tày, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Bản Nà Ếch, người Sán Chay, xã Húc Động, huyện Bình Liêu và Làng truyền thống người Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn. Với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy, văn hóa các dân tộc thiếu số ở tỉnh Quảng Ninh có nhiều nét độc đáo, phong phú, có sức hấp dẫn đặc biệt.

Một số vấn đề về quản lý, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, tồn tại dưới dạng vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở đây là những giá trị độc đáo cần được trân trọng, lưu giữ, bảo tồn. Để phát huy các giá trị văn hóa bản sắc, truyền thống, xây dựng một môi trường văn hóa văn minh, hiện đại, cần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn gần đây, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh và chính quyền các cấp đã thực hiện tốt những chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, đồng thời tích cực vận động người dân các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, khu vực biên giới dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, tiêu cực ra khỏi đời sống cộng đồng.

Thông qua việc vận động, tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chính quyền các cấp, một số tập quán cổ hủ, lạc hậu của một số dân tộc thiểu số đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh đang dần được xóa bỏ; tình trạng mê tín, dị đoan, mời thầy cúng lễ bái, giải hạn khi ốm đau,… Nhiều tục lệ cổ hủ rườm rà trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng dần được loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng, như tổ chức đám tang nhiêu khê, đa lễ, nhiều ngày; góp lễ bằng hiện vật như gia súc, gia cầm; giết mổ nhiều trâu, bò, ngựa, ăn uống linh đình từ ngày này sang ngày khác gây tốn kém, lãng phí… Đây là những phong tục truyền thống của đồng bào thiểu số, song những tập tục này gây ảnh hưởng, phiền phức, tốn kém tiền bạc cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo. Những hủ tục này dần được đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi, loại bỏ. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang đi vào nền nếp và trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại những hiệu quả rõ rệt về nhận thức và được thể hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống của người dân.

Xuất phát từ những chủ trương đúng đắn, phù hợp với suy nghĩ và nguyện vọng của người đồng bào các dân tộc thiểu số nên việc tiến hành bài trừ các hủ tục lạc hậu ở tỉnh Quảng Ninh nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Dưới góc độ quản lý phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, cần đánh giá đầy đủ, chính xác về vai trò, vị trí, giá trị của văn hóa truyền thống đối với đời sống tinh thần, sự phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, cũng như tác động, ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển chung của xã hội. Bên cạnh đó, cần đánh giá chính xác về thực trạng của văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay. Qua khảo sát, xung quanh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số hiện có một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần nhìn nhận, xem xét, đánh giá thấu đáo dưới góc độ giá trị, bản sắc văn hóa những phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa của một tộc người cần được bảo vệ, gìn giữ cho một quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa phương Tây đang lan rộng và lấn át những nền văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia, dân tộc. Vì vậy, văn hóa của các dân tộc thiểu số trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể/phi vật thể của nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng những tiêu chí khoa học, chính xác để xác định, đánh giá về giá trị, bản sắc của văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được thực hiện bài bản.

Thứ ba, việc giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cần được nhìn nhận một cách toàn diện, coi đây là một phần quan trọng, không thể thiếu trong tổng thể nền văn hóa của cả dân tộc. Các cơ quan hoạch định chính sách phát triển văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa, các địa phương cần quan tâm đúng đắn, thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc. Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là những giá trị độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn, đặc biệt là ở nước ta có 54 dân tộc anh em cùng nhau chung sống.

Thứ tư, hệ giá trị, vai trò, vị trí, bản sắc của văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của văn hóa truyền thống, lợi thế so sánh về văn hóa của các dân tộc thiểu số chưa được khai thác, tận dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được phát huy hết khả năng. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số với việc quảng bá, thu hút, phát triển du lịch, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.

Thứ năm, một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục, lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng và mai một. Lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng ít đi. Các di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa tổ chức lễ hội, nghi thức diễn xướng dân gian xuống cấp, mất đi bản sắc gốc. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Nhiều mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn mang tính tự phát, chưa có chiều sâu, chưa giải quyết tận gốc rễ những vấn đề về bảo tồn văn hóa truyền thống.

Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh thực hiện những mục tiêu phát triển đất nước hiện nay với tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đất nước, văn hóa dân tộc, cũng như văn hóa các dân tộc thiểu số ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển, việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ở tầm quốc gia, cũng như ở tỉnh Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:

Một là, cần cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng như: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Hai là, cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa để hoạt động quản lý, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của những di sản văn hóa vật thể/phi vật thể của quốc gia ở các địa phương trong cả nước đi vào quy củ. Trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Di sản văn hóa, cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Ba là, cần tiến hành việc hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể/phi vật thể của dân tộc, cũng như văn hóa của các dân tộc thiểu số. Cần xác định, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là mục tiêu và nhiệm vụ trung tâm của những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bốn là, các bộ, ban, ngành chức năng ở Trung ương, các tỉnh, thành phố và chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền pháp luật, chủ trương chính sách của Nhà nước để nâng cao ý thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc tôn trọng, bảo tồn những di sản văn hóa vật thể/phi vật thể của dân tộc mình. Cần tiến hành tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thiểu số bằng phương pháp, hình thức, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, sử dụng ngôn ngữ tuyên truyền phù hợp với từng dân tộc, trình độ dân trí của từng vùng, miền, địa phương.

Năm là, cần đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ quản lý phát triển văn hóa, am hiểu về văn hóa các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống ở các huyện, thị có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Cần có chính sách đào tạo, tuyển dụng đặc thù đối với những con em dân tộc thiểu số sinh ra, lớn lên và làm việc trong lĩnh vực văn hóa ở các địa phương.

Sáu là, cần có kế hoạch phân bổ ngân sách, nguồn lực công hợp lý trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm sự công bằng giữa miền núi và miền xuôi. Những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cần chú trọng đến việc bảo tồn và khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Cần xây dựng một số thôn, bản trở thành những điểm du lịch văn hóa đặc sắc nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh./.